Dự án đưa điện về vùng khó khăn chậm tiến độ vì thiếu vốn

09:04 | 07/11/2019

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu của các dự án đưa điện về vùng nông thôn, chỉ có khoảng hơn 10% các nội dung của dự án này được thực hiện; khoảng 18% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết. 

Trong phiên chất vấn ngày 6/11, phản ánh thực trạng dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi triển khai chậm, chưa đạt tiến độ như Chính phủ đề ra, ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nguyên nhân và giải pháp của Bộ trong thời gian tới.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, mặc dù đây là đề án rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay chưa được thực hiện đúng tiến độ. Mục tiêu hướng tới của đề án là cung cấp điện lưới quốc gia cho 11.000 hộ dân, 17 xã và 9.000 thôn, bản ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn trên cả nước cũng như một số nội dung khác liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

du an dua dien ve vung kho khan cham tien do vi thieu von
Dự án đưa điện về nông thôn chậm tiến độ

Quy mô tổng vốn đầu tư dự án dự kiến trên 30 nghìn tỷ đồng. Trong kế hoạch, đến năm 2017 hoặc 2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương chỉ đạo xây dựng các kế hoạch để cung ứng vốn cho dự án này, bao gồm các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, Tập đoàn Điện lực (EVN), ngân sách địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác. Trong đó nguồn vốn lớn nhất mà chúng ta trông đợi là của WB và EU, với quy mô lên tới 24.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, trần nợ công của nước ta lên rất cao, xấp xỉ chạm giới hạn nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa chương trình quốc gia. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tạm thời không xem xét đưa nguồn vay từ WB và EU, ngoại trừ duy nhất khoản tiền hơn 2.800 tỷ đồng đã được EU giải ngân cho dự án.

Do yêu cầu thời điểm đó, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các địa phương. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu của các dự án, chỉ có khoảng hơn 10% các nội dung của dự án này được thực hiện; khoảng 18% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện.

"Tuy nhiên, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực thực hiện an toàn nợ công quốc gia, giảm trần nợ công xuống thì hiện nay, chúng ta có những cơ sở thuận lợi để thực hiện tiếp dự án này" - Bộ trưởng cho biết.

Đồng thời, Bộ trưởng thông tin, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc tiếp với WB và EU, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ ưu đãi của hai tổ chức này, với quy mô lên khoảng 24.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đủ điều kiện nhằm tiếp tục triển khai các thành phần của dự án. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2020 mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

"Bộ Công Thương thiết tha kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho việc triển khai dự án này" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

M.L

du an dua dien ve vung kho khan cham tien do vi thieu vonHôm nay (7/11): Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn Quốc hội
du an dua dien ve vung kho khan cham tien do vi thieu vonChưa có nhiều đột phá trong tăng trưởng kinh tế
du an dua dien ve vung kho khan cham tien do vi thieu vonCần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ trách nhiệm vụ việc 8B Lê Trực