Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV

Chưa có nhiều đột phá trong tăng trưởng kinh tế

13:00 | 06/11/2019

1,345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng giảm tốc, dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu, thì một nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu chưa có nhiều đột phá, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Bởi thế, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó hiệu quả.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù nhiều khó khăn và trở ngại nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến nước ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của Việt Nam không ngừng được củng cố, uy tín quốc tế được nâng lên.

chua co nhieu dot pha trong tang truong kinh te
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn thừa nhận: “Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, còn nhiều hạn chế, yếu kém”. Trước thực tế đó, báo cáo của Chính phủ đã nêu ra nhiều giải pháp trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu năm 2020, GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...

Trong khuôn khổ chương trình của Kỳ họp thứ 8, ngày 30-10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Phóng viên Báo Năng lượng Mới trích lược một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận.

chua co nhieu dot pha trong tang truong kinh te

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ): Cần có đột phá để thay đổi

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ổn định nhưng vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”.

Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới đã tới hơn 4.000 USD; năm 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD.

30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản... “hóa rồng, hóa hổ” còn Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa về kinh tế. Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi. Đồng thời, nếu không khắc phục được những bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thực tế, cùng thời kỳ phát triển, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bình quân từ 8-10%/năm.

Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới đã tới hơn 4.000 USD; năm 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD.

Một vấn đề khác là giải ngân vốn đầu tư công chậm, năm sau chậm hơn năm trước. Năm 2018 là năm đạt thấp nhất so với 6 năm về trước. 9 tháng năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn so với cùng kỳ 2018, chỉ đạt 49% kế hoạch, trái phiếu Chính phủ đạt 23%; vay nước ngoài đạt 18,8%, quá thấp. Nhiều công trình thiếu vốn trong khi nhiều công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn, cho thấy công tác lập kế hoạch không sát thực tiễn, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đặc biệt, rất lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được do không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết.

Có 3 vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: Trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy, phải có kênh, nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiêp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro, vì theo thống kê, chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công, còn 94% thất bại, nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn.

chua co nhieu dot pha trong tang truong kinh te

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): Duy trì tăng trưởng 6,8% rất gian nan

Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên... Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đây là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.

Tuy nhiên, năm 2020 và những năm tiếp theo, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu thì mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như nước ta liệu có khả thi? Đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó.

Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo rằng: Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó, mà ngược lại, 9 tháng năm 2019, xuất khẩu chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ bằng 1/2 mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng gần 1/3 mức tăng trưởng trên 20% của những năm trước nữa. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo rằng: Việt Nam sẽ hưởng lợi. Nhưng thực tế ngược lại, 9 tháng năm 2019, xuất khẩu chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ bằng 1/2 mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng gần 1/3 mức tăng trưởng trên 20% của những năm trước nữa.

Bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng không sáng sủa hơn. 9 tháng năm 2019, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc. Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng và sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta.

Những chỉ báo trên cho thấy, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Động lực chính để bảo đảm tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế

chua co nhieu dot pha trong tang truong kinh te

Về lý thuyết, tăng trưởng GDP phản ánh động thái phát triển, thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế phản ánh chất lượng tăng trưởng. Để chất lượng tăng trưởng được cải thiện tốt, cần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng.

Về xuất khẩu nông sản, tuy thời gian qua kim ngạch tăng, nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có biểu hiện thu hẹp dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có giá trị thấp, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, còn phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Từ ngày 21-1-2019, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc, trong khi nước ta lại nhập khẩu trái cây, chiếm 70% giá trị nhập khẩu nông sản, trong đó có nhiều loại trong nước sản xuất được. Ngành nhiều thế mạnh là thủy sản có nhiều bất lợi do châu Âu chưa gỡ “thẻ vàng”.

Chính phủ cần sớm có giải pháp, quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu và đang đổ xô trồng cam, xoài... dẫn tới nguy cơ phải “giải cứu”; tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường, phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của Việt Nam...

Đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên): Hệ thống luật còn chồng chéo

chua co nhieu dot pha trong tang truong kinh te

Các hạn chế và nguyên nhân đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ cơ bản là đầy đủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khả thi và quyết liệt trong khắc phục, khơi thông các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển.

Đáng chú ý, có nhiều tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện, đưa pháp luật vào cuộc sống. Đây vừa là hạn chế cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội. Nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các luật, giữa các điều trong một luật; chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao.

Về nguyên tắc, luật được ban hành là có thể áp dụng được, nhưng thực tế luật của chúng ta phải có nghị định và thông tư mới thực hiện được nên còn chậm, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau, chưa nói bị lợi dụng và lách luật.

Về nguyên tắc, luật được ban hành là có thể áp dụng được, nhưng thực tế luật của chúng ta phải có nghị định và thông tư mới thực hiện được nên còn chậm, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau, chưa nói bị lợi dụng và lách luật. Thực tế có việc như khi báo cáo, trình một vụ việc thì các cơ quan chức năng trích dẫn các điều trong văn bản quy phạm pháp luật để cấp thẩm quyền xem xét và quyết định, nhưng khi cơ quan thanh tra, kiểm toán đến, chiếu vào các văn bản, điều khoản đó thì lại kết luận là không đúng. Nhiều khi cấp dưới có khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, vận dụng văn bản pháp luật xin ý kiến thì cấp trên trả lời chung chung, nước đôi, như cơ bản thống nhất với đề xuất, kiến nghị, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật... Như vậy, nếu loại trừ yếu tố cố tình vận dụng, lợi dụng để lách luật, vấn đề chính là chất lượng, sự đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

Từ thực tế đó, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đầu tư về nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng cần có quy định rõ, cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): Nhức nhối nhiều vấn nạn văn hóa, xã hội

chua co nhieu dot pha trong tang truong kinh te

Thực tế, dù chúng ta nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì môi trường sống càng bất an, từ vấn đề thực phẩm không an toàn tràn ngập, ô nhiễm môi trường, không khí, nước sinh hoạt; hành vi “tham nhũng vặt” làm xấu hình ảnh bộ máy công quyền trong con mắt người dân; nhiều hành vi thiếu chuẩn mực... cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa. Một số vụ giết người có quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh em, vợ chồng, mẹ con đã làm chấn động xã hội. Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ phạm đa số là người thân, người quen. Địa bàn có nguy cơ cao về xâm hại trẻ em, qua giám sát của Quốc hội cho thấy, tập trung nhiều ở nông thôn...

Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đời sống của người dân, bao gồm cả đời sống vật chất và tinh thần. Một số hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu, phân tích để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Cụ thể, gia tăng nạn sử dụng bạo lực để giải quyết các quan hệ xã hội, gia đình có nguyên nhân từ đâu? Có phải dấu hiệu của bệnh trầm cảm, sự tổn thương, uất ức trong mỗi con người, mà nguyên nhân sâu xa từ việc các vấn đề xã hội chưa được kịp thời xử lý? Hay, hiện tượng lệch lạc trong xu hướng thần tượng đã dẫn đến “chiến tranh trên mạng” có xuất phát từ sự lệch lạc về nhận thức?...

Muốn thực hiện được mục tiêu phát triển văn hóa bền vững cần đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực chất, khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống. Ví dụ, trong xây dựng văn hóa trong nông thôn mới không phải xây dựng các thiết chế văn hóa để đạt tiêu chí nông thôn mới, điều quan trọng là phải thông qua nông thôn mới để khơi dậy văn hóa làng xã, với tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, đặc biệt là phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế.

Đức Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc