Đòn tâm lý khiến nghi phạm tự thú tội của cảnh sát Canada

07:24 | 26/06/2019

302 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cảnh sát Canada tạo ra tổ chức tội phạm hư cấu, sau đó lợi dụng mong muốn gia nhập của nghi phạm để có được bằng chứng kết tội.

Tháng 11/2002, Robert Levoir (25 tuổi) mất tích khi đang sống chung cùng bạn là Dax Mack (38 tuổi) tại căn hộ ở tỉnh Alberta, Canada. Cảnh sát nghi ngờ Dax Mack liên quan tới vụ mất tích nhưng không có bằng chứng.

Tới tháng 1/2004, khi đang làm DJ hộp đêm, Dax Mack được người đàn ông tên Ben tiếp cận và kết thân. Qua giới thiệu của Ben, sau bốn tháng, Dax Mack thực hiện 30 phi vụ cho một tổ chức tội phạm như đột nhập, ăn cắp tài sản... và được nhận thù lao khoảng 5.000 CAD.

Ben nói Dax Mack có năng lực nên muốn anh ta tới làm cho ông trùm để được giao việc có thù lao tốt hơn. Khi gặp mặt, ông trùm nói trước khi gia nhập Dax Mack cần phải tiết lộ những bí mật "bẩn thỉu" của bản thân để tỏ lòng trung thành và không tạo rủi ro cho tổ chức trong tương lai.

Ngày 9/4/2004, Dax Mack thừa nhận trước mặt Ben và ông trùm rằng đã dùng súng trường bắn chết bạn cùng phòng Robert Levoir vì "hắn là tên nghiện dối trá, hay trộm cắp tiền". Thi thể đã bị thiêu ra tro tại căn hầm trong nhà bố ruột.

Sau đó ít lâu, Dax Mack bị cảnh sát bắt vì giết hại Robert Levoir. Tới lúc ấy, nghi phạm mới vỡ lẽ Ben và ông trùm chính là cảnh sát chìm thuộc lực lượng cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada (RMCP).

Tại tòa, nhà chức trách tiết lộ sau khi nạn nhân mất tích được một tháng, cảnh sát nhận được tin Dax Mack trong lúc say đã khai với hai người bạn rằng đã giết Robert Levoir. Nhà chức trách sau đó mở cuộc điều tra trên để thu thập lời thú tội của Dax Mack.

Dax Mack bị kết tội Giết người cấp độ I vào tháng 2/2008, lĩnh án chung thân, không được xét ân xá trong 25 năm.

Kỹ thuật điều tra nghi phạm trong vụ án của Dax Mack có tên là phương pháp Lão Đại ("Mr. Big"), được cảnh sát Canada phát triển vào đầu thập niên 1990. Đây là bộ quy trình điều tra ngầm, dùng để khai thác lời thú tội từ nghi phạm trong các vụ án bế tắc nhiều năm (thường là án mạng).

Theo phương pháp này, cảnh sát ban đầu sẽ lập ra tổ chức tội phạm hư cấu và dẫn dụ nghi phạm tham gia (bằng đãi ngộ tốt, thù lao lớn...). Sau khi thiết lập quan hệ, nghi phạm sẽ bị yêu cầu thực hiện nhiều phi vụ nhỏ được dàn cảnh trước mà không dùng đến vũ lực.

Khi đã dấn sâu và được gặp ông trùm, nghi phạm bị yêu cầu phải tiết lộ về quá khứ tội phạm (liên quan tới vụ án đang điều tra) thì mới được kết nạp vào tổ chức. Khi nghi phạm khai nhận, cảnh sát sẽ dùng lời thú tội đã được ghi âm, ghi hình này làm bằng chứng trước tòa.

don tam ly khien nghi pham tu thu toi cua canh sat canada
Các hành vi phạm tội giao cho nghi phạm thực hiện đều được cảnh sát dàn cảnh trước.

Theo tuyên bố chính thức của RMCP, một khi chiến dịch Lão Đại trích xuất được lời thú tội, tỉ lệ nghi phạm bị kết án thành công là rất cao, hơn 95%. Phương pháp này chỉ được áp dụng tại Canada, không được sử dụng tại Anh, Mỹ vì sự khác biệt trong hệ thống pháp luật và phạm vi quyền hạn của cảnh sát.

Một số người phản đối kỹ thuật điều tra này cho rằng vì cho rằng mỗi chiến dịch Lão Đại đều tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc (từng có chiến dịch hết 400.000 CAD), tạo rủi ro cho cảnh sát, đồng thời có thể ép buộc nghi phạm cung cấp thông tin sai lệch hoặc lời thú tội không đáng tin cậy.

Nhận ra rủi ro xảy ra oan sai, tòa án tối cao Canada đã hạn chế phạm vi điều tra dùng kỹ thuật này bằng phép thử hai phần. Thứ nhất, lời khai có được từ kỹ thuật Lão Đại sẽ được giả định là không đáng tin cậy. Công tố viên có nghĩa vụ chỉ ra độ tin cậy của bản khai thông qua việc đối chiếu với vật chứng (ví dụ như lời khai có chứa thông tin không được công khai cho công chúng hoặc chi tiết nhỏ mà chỉ kẻ gây án mới biết hay không).

Thứ hai, thẩm phán phải đánh giá xem có sự lạm dụng thủ tục tố tụng hay không. Nếu cảnh sát khuất phục ý chí của nghi phạm và cưỡng ép nhận tội (thông qua cách mớm cung, đe dọa sử dụng vũ lực) thì đó coi là lạm dụng. Ngoài ra, đối tượng bị điều tra cũng không được là người dễ bị tổn thương, mắc các bệnh lý về cơ thể hoặc tâm thần.

Ví dụ như trong vụ án của Dax Mack, tòa tối cao Canada khi xem xét đơn kháng cáo thấy rằng bị cáo có nhiều cơ hội công việc khác cho thu nhập cao hơn mức "tổ chức" cung cấp. Dax Mack không bị đe dọa hoặc cưỡng ép tham gia vào tổ chức hoặc thú tội, lời khai của Dax Mack cũng trùng khớp với vật chứng được tìm thấy (phần thi thể bị thiêu còn sót lại, khẩu súng gây án,...) nên lời khai vẫn có giá trị tố tụng. Vì thế, đơn kháng cáo của Dax Mack không được chấp nhận.

Dù vấp phải phản đối của một số người, phương pháp Lão Đại vẫn được cảnh sát Canada vận dụng cho tới nay.

Theo VNE

don tam ly khien nghi pham tu thu toi cua canh sat canadaVụ đánh bạc qua mạng 30.000 tỷ đồng: Xác định ông trùm người nước ngoài
don tam ly khien nghi pham tu thu toi cua canh sat canadaLời thú tội trên Facebook của kẻ giết người yêu là dối trá