Điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến… ngày xưa!

15:00 | 16/08/2012

2,201 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rất nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam phải thốt lên như vậy sau khi dõi theo hành trình của bộ môn nghệ thuật thứ 7 mà cụ thể qua những bộ phim được trình chiếu trước công chúng.

Có thể, ở khâu nào đó của hành trình ấy như kỹ thuật, thiết bị quay phim... có tính chất đột phá nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ so với trước đây. Nhưng nhìn một cách tổng thể, điện ảnh Việt Nam đang tụt lùi hơn cả... quá khứ để rồi mong ước của khán giả thật trớ trêu khi “bao giờ cho đến... ngày xưa”.

Chỉ còn là... dĩ vãng

Đã hàng chục năm trôi qua kể từ khi ra đời những bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ra đời... Nhưng đến nay, ngay cả đối với lớp trẻ, những người được cho là sống trong thời kỳ có rất nhiều giá trị thay đổi khi tĩnh lặng ngồi xem lại những phim này đều không khỏi trào dâng trong lòng một cảm xúc khó tả, một sự đồng cảm tuyệt đối với bối cảnh và tuyến nhân vật trong phim. “Cánh đồng hoang”, tác phẩm điện ảnh nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ mặc dù chỉ giới hạn ở một vùng sông nước, song bộ phim đã lột tả được toàn bộ cuộc chiến khốc liệt cũng như sự kiên cường, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Bộ phim như bản anh hùng ca ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người Cách mạng, của những người dân bình dị trong cuộc sống nhưng sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần.

Như “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” là bộ phim cũng để lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng khán giả. Phim nói về chiến tranh nhưng không trực diện mà đề cập đến con người thời hậu chiến phải chịu đau thương, mất mát khi người thân ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Với những ai đã từng xem “kiệt tác” điện ảnh này, không thể nào quên được ánh mắt, thần thái đầy khắc khoải, bi thương của nhân vật Duyên (do Lê Vân diễn xuất) trong hoàn cảnh rất trớ trêu bởi phải kìm nén, cất giữ trong lòng nỗi đau tột cùng mà nếu nói ra sẽ làm tan vỡ trái tim của những người gần gụi nhất bởi chồng chị, người con trai hiếu thảo, người cha chưa một lần biết mặt con đã hy sinh anh dũng ngoài chiến trường. Bằng ngôn ngữ điện ảnh, “Bao giờ cho đến tháng Mười” thực sự đã ca ngợi xuất sắc hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đầy nhân hậu, biết hy sinh thầm lặng để trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Một cảnh trong phim "Cánh đồng hoang" của đạo diễn Hồng Sến

Cùng với hai tác phẩm điện ảnh trên đây, còn nhiều bộ phim khác cũng làm khán giả “khắc cốt ghi xương” như: “Ván bài lật ngửa”, “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Biệt động Sài Gòn” v.v... Để có thể sống mãi trong lòng khán giả như vậy và để lần công chiếu nào cũng như lần đầu, những bộ phim ấy đã được thực hiện một cách kỳ công, trau chuốt đến từng chi tiết. Trước đây, khi tâm sự về nghề, cố NSND Lâm Tới từng chia sẻ, khi đóng phim “Đường về quê mẹ”, có cảnh phải vác quả bom nặng 80kg. Cả đoàn làm phim dự tính sẽ làm giả quả bom này để diễn viên Lâm Tới (diễn viên chính khi đó) vác cho khỏi nặng. Tuy nhiên, bàn đi tính lại mãi, cuối cùng nghệ sĩ Lâm Tới quyết định ông sẽ vác quả bom thật nặng như vậy (nhưng đã bị vô hiệu hóa) để bộ phim sinh động, hấp dẫn hơn. Tất nhiên, là người có tầm vóc cao, to nên nghệ sĩ Lâm Tới có thể thực hiện điều này dễ dàng hơn người khác. Nhưng điều cốt yếu ở đây chính là sự cố gắng, kỳ công cũng như ý thức trách nhiệm của ông đối với bộ phim.

Hay trong “Cánh đồng hoang”, để tránh trận càn quét của giặc Mỹ, vợ chồng Ba Mười đã phải cho con trai vào một túi nilon rồi dìm xuống nước. Trước phân cảnh ấy, đạo diễn Hồng Sến và nghệ sĩ Lâm Tới băn khoăn không biết có nên cho diễn viên “nhí” (chính là cháu ruột của đạo diễn Hồng Sến) diễn đúng cảnh như vậy? Cuối cùng, vì bộ phim, cả đạo diễn, nghệ sĩ Lâm Tới và đoàn làm phim quyết định vừa tôn trọng tuyệt đối diễn xuất của bộ phim vừa tìm cách để cháu bé an toàn bằng cách: dìm xuống nước thật nhanh túi nilon có cháu bé bên trong rồi nhấc lên ngay. Và rất may, phân cảnh này đã diễn ra đúng như ý mà không phải làm đi làm lại nhiều lần do từ diễn viên, quay phim... đều cố gắng thực hiện một cách hiệu quả nhất. Còn cháu bé thì “bình an vô sự”.

Không có kịch bản cũng... đóng phim

Từ cách diễn, làm phim ấy, đối chiếu với những bộ phim được thực hiện trong thời kỳ hiện tại thì quả thật chất lượng của những bộ phim ngày nay còn lâu mới bằng... ngày xưa mặc dù, được sản xuất bằng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thiết bị tối tân. Một khán giả đã chia sẻ trên mạng: “Thật buồn vì khung cảnh hỗn loạn hiện nay của nền văn hóa nghệ thuật trong nước. Khi tiền bạc thế chỗ tình yêu và lòng đam mê thì mọi thứ trở nên thật tầm thường, nhố nhăng. Phim hiện nay, diễn viên thì thiếu cảm xúc, diễn cứng như “robot”, nội dung thì tầm thường, nhạt nhẽo. Tình yêu, lý tưởng bị thế chỗ bởi những mưu lợi nhỏ nhen. Tinh thần học tập, ý chí phấn đấu bị thay thế bằng những hình ảnh của văn hóa hưởng thụ, chơi bời. Buồn thay!”. Còn những nhà chuyên môn, như nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh lại nói: “Phim không hay nhiều như lá mùa thu. Trong khi phim hay “hiếm có khó tìm”! Đạo diễn Lê Dân cũng đồng tình nhận định: “Phim hiện nay dở từ kịch bản”... Nhận xét về khả năng diễn xuất của diễn viên, đạo diễn Khải Hưng thì đánh giá: “Trong số diễn viên trẻ hiện nay, tìm một diễn viên chịu khó học hỏi, tâm huyết, sẵn sàng “tử” vì nghề thật khó. Họ chỉ coi đây là nghề chứ không phải là nghiệp”...

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ những bộ phim hiện kém chất lượng là do các đạo diễn, nhà sản xuất phải chịu áp lực: “Làm phim nhanh nhất, giá thành rẻ nhất, nhưng doanh thu cao nhất”. Như trước đây nếu “Ván bài lật ngửa” gồm 8 tập phim phải làm trong 7 năm mới hoàn thành thì như năm 2011, người ta đã thống kê, có 17 bộ phim điện ảnh ra rạp. Như vậy, trung bình 3 tuần có 1 phim mới. Hay phim truyền hình, từ “kỷ lục” 2 ngày xong một tập phim, nay phá kỷ lục với tốc độ: 3 ngày hoàn thành 2 tập phim. Với cách làm phim siêu tốc như vậy thì điện ảnh Việt Nam quả khó mà có phim chất lượng. Song đó cũng chỉ là một lý do khách quan. Còn nguyên nhân cốt yếu mà hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu điện ảnh đều nhận định vẫn là: sự cẩu thả, thiếu trau dồi, học hỏi từ kiến thức nhân loại, từ chính đời sống thực tiễn của những người trực tiếp làm ra bộ phim mới làm cho phim Việt Nam tụt hậu.

Ngay như chia sẻ của Quyền Linh, gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt Nam với báo giới cũng chứng minh điều này: “...Không chỉ các nhà sản xuất muốn làm phim cho nhanh để đừng có lỗ mà ngay cả đạo diễn, diễn viên cũng muốn làm phim cho nhanh. Không có kịch bản cũng đóng, đến trường quay, không biết kịch bản là gì, mình đóng vai gì. Đạo diễn bảo gì làm đó, cứ thế sáng tác tại trường quay. Bây giờ sáng đọc kịch bản, chiều quay... Ngày xưa những vai diễn thời “mì ăn liền” đã sợ lắm rồi. Giờ, hình như họ còn không nấu mà ăn sống luôn”. 

Xuân Bách

(Năng lượng Mới số 146, ra thứ Ba ngày 14/8/2012)