Phim hoạt hình Việt Nam: Chưa có hệ sinh thái sáng tạo

19:00 | 25/10/2022

1,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Điện ảnh Việt Nam hiện sản xuất 17-18 phim hoạt hình/năm. Gần 100 bộ phim hoạt hình đã được trao giải thưởng Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc, Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc và các giải quốc tế.
Phim hoạt hình Việt Nam: Chưa có hệ sinh thái sáng tạo
“Cậu bé cỏ lau” - phim nằm trong chủ đề phim lịch sử

Ngày 18/10/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”.

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam được thành lập ngày 9/11/1959, ngày này được coi là ngày thành lập của ngành hoạt hình Việt Nam. 63 năm qua, phim hoạt hình là một bộ phận không thể thiếu được của điện ảnh Việt Nam, là người bạn mến yêu của các thế hệ khán giả nhỏ tuổi. Điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 800 bộ phim hoạt hình, quy mô sản xuất hiện nay là 17-18 phim/năm. Gần 100 bộ phim hoạt hình đã được trao giải thưởng Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc, Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc và các giải quốc tế.

Trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số, thế giới bước vào cuộc CMCN 4.0, ngành phim hoạt hình Việt Nam đã có những sự thay đổi lớn. Bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, nhiều công ty tư nhân sản xuất phim hoạt hình với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, phương thức kinh doanh linh hoạt, có sự trao đổi, hợp tác thường xuyên với nước ngoài. Năng lực sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của các công ty tư nhân chưa được tính vào các số liệu thống kê chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phim hoạt hình Việt Nam: Chưa có hệ sinh thái sáng tạo
Hình ảnh trong tập phim “Cóc kiện trời” do VietFilm sản xuất

Đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá năng lực, cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, trong khoảng 10 năm gần đây, doanh thu của phim hoạt hình do CGV phát hành tăng 2-15%/năm. Nhìn ra thế giới phim hoạt hình đóng góp tới 5-6% GDP cho Nhật Bản. Hiện nay, ở Việt Nam, cả hãng phim nhà nước lẫn công ty tư nhân đều gặp một vấn đề là thiếu nhân lực có trình độ cao. “Có nhiều việc cần làm, nhưng một trong những việc quan trọng nhất là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần có những nhà làm phim, đạo diễn... tạo nên hệ sinh thái sáng tạo”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về sự phát triển của phim hoạt hình Việt Nam, những điểm mạnh, điểm yếu, những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức đối với việc sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0; xu hướng làm phim hoạt hình nhà nước, phim hoạt hình tư nhân; giải pháp để phim hoạt hình nhà nước tiếp cận được với công chúng nhiều hơn cũng như đưa được phim hoạt hình Việt Nam ra thế giới... Hầu hết ý kiến đều cho rằng, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước thì những công ty sản xuất phim hoạt hình tư nhân có thể “làm nhanh hơn, nhiều hơn”.

Ông Bùi Hoài Sơn cho biết, dự kiến, cuối năm 2022 sẽ diễn ra hội thảo về văn hóa, trong đó “xới” lên nhiều vấn đề như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế... nhằm thúc đẩy văn hóa nói chung, phim hoạt hình nói riêng, phát triển mạnh hơn nữa

Hạnh Mai