Xá lợi Đức Phật ở Việt Nam: Những di sản thiêng liêng

15:07 | 09/07/2025

23 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mùa lễ Phật đản 2025 vừa qua, tôi đã có dịp hòa mình trong dòng người vô tận chiêm bái xá lợi Đức Phật - Bảo vật Quốc gia Ấn Độ - tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Trải nghiệm tâm linh ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ mờ phai - thiêng liêng và sâu lắng. Và rồi một câu hỏi lớn dần lên trong tôi: Xá lợi Đức Phật đã đến với đất Việt tự bao giờ?

Bài 1: Báu vật trong tòa tháp cổ

Tháng 12/2017, Chính phủ đã công nhận Hộp đựng xá lợi tìm thấy ở tháp Nhạn (Nghệ An) là Bảo vật Quốc gia. Mới đây, được Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cung cấp thông tin chi tiết, tôi đã có góc nhìn cơ bản về bảo vật quý giá này.

Xá lợi Đức Phật ở Việt Nam: Những di sản thiêng liêng
Cung rước xá lợi Đức Phật về chùa Quán Sứ

Xá lợi và hành trình lan tỏa tới đất Việt

“Xá lợi” (tiếng Phạn: śarīra, Pāli: sarīra) trong truyền thống Phật giáo là các phần còn lại sau khi hỏa táng thân thể của Đức Phật hoặc các vị A-la-hán, thường có dạng tinh thể cứng, bóng, nhỏ như hạt ngọc, đôi khi có màu sắc sặc sỡ. Trong Kinh tạng, xá lợi được xem là sự kết tinh công đức sau một đời tu hành thanh tịnh, là hiện thân vật chất của trí tuệ, đạo hạnh và từ bi.

Khi Đức Phật nhập Niết-bàn tại Kushinagar (Ấn Độ) vào khoảng năm 486 TCN, sau lễ trà-tỳ, xá lợi của Ngài được chia thành 8 phần, phân phát cho 8 quốc gia, mỗi nơi đều dựng tháp để phụng thờ. Về sau, những vị vua như A Dục (Ashoka, thế kỷ III TCN) đã khai mở các bảo tháp, lấy xá lợi chia ra, phân phát khắp lãnh thổ để xây dựng hơn 84.000 ngôi tháp thờ Phật - như một phương tiện để hoằng pháp, củng cố đạo đức xã hội và tăng cường sự hiện diện của Phật giáo. Từ đó, việc tôn thờ xá lợi trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Phật giáo khắp châu Á.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Phật giáo đã du nhập vào đất Việt từ đầu Công nguyên, thông qua các con đường giao thương biển và đất liền với Ấn Độ, Trung Hoa và các vương quốc Đông Nam Á. Trong quá trình truyền bá Phật giáo, xá lợi luôn giữ vai trò trung tâm như biểu tượng linh thiêng, là vật thiêng khởi nguồn cho việc dựng chùa, lập tháp, hình thành trung tâm tu học.

Lai lịch hộp đựng xá lợi ở tháp Nhạn

Bảo tàng tỉnh Nghệ An hiện đang bảo quản hộp đựng xá lợi được phát hiện trong đợt khai quật di chỉ tháp Nhạn (xã Hồng Long, Nam Đàn, Nghệ An) do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh khai quật năm 1985-1986.

Ở chính giữa lòng tháp, cách mặt đất 1,8m là một cây gỗ rỗng ruột, chôn theo tư thế thẳng đứng, trong lòng có nhiều than tro của loại than củi đen, to và xốp. Lẫn trong đám than tro này là một hộp hình chữ nhật bằng đồng còn khá nguyên vẹn, bên ngoài đã gỉ sét. Ban đầu các nhà khảo cổ định để nguyên trạng để phục vụ công tác trưng bày, song một góc hộp đồng bị vỡ, hé lộ một hộp kim loại bên trong có màu vàng. Khi mở ra, các nhà khảo cổ khẳng định đã tìm thấy một hộp xá lợi của Đức Phật. Hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia lưu tại Cục Di sản Văn hóa cho thấy nhiều điều thú vị.

Tên hiện vật (tên gọi phổ thông): Hộp đựng xá lợi tháp Nhạn.

Tên đơn vị - cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Nghệ An.

Số đăng ký: BTNA 2754/KL.758

Chất liệu chính: Kim loại màu vàng.

Kích thước: Dài: 8cm; Rộng: 5cm; Cao: 5,5cm.

Trọng lượng: 200 gram.

Miêu tả: Hộp đựng xá lợi hình chữ nhật, được chia làm hai phần: nắp hộp và thân hộp.

Nắp hộp hình chữ nhật. Ở bốn rìa cạnh của nắp hơi lõm xuống, nhìn tựa như mái nhà. Xung quanh đỉnh nắp hộp có băng trang trí văn hoa cúc tròn 6 cánh nhỏ.

Thân hộp hình chữ nhật. Ở các mép cạnh được gò với kỹ thuật cao. Xung quanh thân hộp trang trí băng hoa sen cách điệu. Những bông sen cách điệu này được bố cục theo dải, tạo thành một khung chữ nhật. Giữa lòng các ô trống là mặt phẳng.

Nối liền giữa nắp hộp và thân hộp là một đường gờ mỏng được tán nhỏ, dài, rồi uốn theo gờ trong của thân hộp. Sau đó người thợ kim hoàn hàn nó vào thân tạo nên đường gờ mép, liên kết nắp với thân thành một hộp hoàn chỉnh.

Trong lòng hộp có khoảng 1/3 là than tro. Trên bề mặt lớp than tro có hai nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng gà. Đó chính là xá lợi. Theo sách “Pháp uyển châu lâm” do pháp sư Đạo Thế, tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường (Trung Quốc) chia xá lợi thành các loại: Xá lợi xương có màu trắng, xá lợi thịt có màu đỏ, xá lợi tóc có màu đen. Dựa theo cách phân biệt này thì hai viên xá lợi ở Tháp Nhạn thuộc xá lợi xương.

Hiện trạng: Nguyên, pa-tin dầy, xung quanh thân hộp có một số chỗ bị bong tróc.

Niên đại khoảng thế kỷ VII. Niên đại này xuất phát từ viên gạch xây tháp Nhạn có khắc dòng chữ “Trinh Quán lục niên”, là niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu (năm 632). Đây cũng là niên đại tháp Nhạn được xây dựng, nơi hộp xá lợi được tìm thấy trong quá trình khai quật năm 1985-1986.

Hiện vật gốc độc bản, đây là hộp xá lợi có chất liệu, kiểu dáng, hoa văn lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Hộp được chế tạo đơn chiếc. Kiểu hộp này rất gần gũi với hộp đựng xá lợi bằng sơn mài phát hiện ở Miến Điện có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX.

Hiện vật có hình thức độc đáo, hộp đựng xá lợi không chỉ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Hộp có hình chữ nhật, không giống với hình bảo tháp mà chúng ta thường thấy. Từng chi tiết hoa văn được người thợ chế tác một cách tinh xảo, tỉ mỉ. Phần nắp hộp được người thợ uốn cong như hình mui thuyền, gờ nắp có mái chườm ra khỏi thân hộp, quanh mặt nắp trang trí dải hoa 6 cánh nở, xòe đều, bố trí theo khung hình chữ nhật. Phần thân hộp trang trí băng hoa sen nối tiếp nhau, kết thành diềm quanh thân hộp. Điều đặc biệt là người thợ kim hoàn đã chế tác hộp đựng xá lợi từ phương pháp tán, dập, gò nguội.

Hiện vật có giá trị đặc biệt, việc phát hiện hộp đựng xá lợi trong lòng Tháp Nhạn góp thêm tư liệu xác nhận rằng, xá lợi đã có mặt tại Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng từ khá sớm, qua đó hé mở tín hiệu được minh chứng bằng vật chất của Phật giáo buổi đầu ở xứ Nghệ.

Hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia phân tích: Nhờ việc phát hiện này, các nhà khoa học có thêm cứ liệu để nghiên cứu cách thức mai táng hoàn chỉnh của Phật giáo ở Việt Nam. Qua các tài liệu, chúng ta biết rằng, táng tục phổ biến của Phật giáo qua các thời kỳ chủ yếu là hỏa táng. Sau khi hỏa táng lấy lại một phần than tro của hài cốt làm xá lợi. Tuy nhiên, táng tục này với nghi lễ của nó như thế nào, còn quá mơ hồ qua ghi chép của sử liệu. Đã có nhiều ngôi tháp thời Lý - Trần được khai quật nhưng hầu hết các dấu tích trong lòng tháp đã bị phá hủy, do vậy chưa có đủ cứ liệu để nghiên cứu táng thức Phật giáo Việt Nam. Phải tới khi khai quật tháp Nhạn, chúng ta mới có đủ cứ liệu vật chất để hiểu thêm táng thức Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu, mà những ghi chép từ sử thành văn và tài liệu khảo cổ học trước đây chưa đáp ứng được.

Qua những nhận định của các nhà khảo cổ học, cách thức chôn xá lợi được miêu tả như sau: “Hộp đựng xá lợi được chôn trong một thân cây rỗng lòng, với cách thức chôn đứng. Phía trong lòng cây gỗ là than tro lẫn đất”. Một táng thức hoàn chỉnh như vậy rõ ràng có nhiều nét gần gũi với táng tục Việt Nam cổ truyền. Phải chăng đã có sự kết hợp mang tính kế thừa giữa táng thức của cư dân thời Đông Sơn với quan tài thân cây khoét rỗng và táng thức hỏa táng - xá lợi của Phật giáo Ấn Độ qua trung gian Trung Hoa? Nếu đúng như vậy, thì đây là một hiện tượng Việt hóa điển hình yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài vào nước ta ở 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đây cũng chính là một trong những cứ liệu chứng minh cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn trong đời sống của cư dân Việt cổ trong 1.000 năm Bắc thuộc.

Hồ sơ cũng nhận định, nguồn gốc của xá lợi ở tháp Nhạn được cho là bắt nguồn từ việc phân phát xá lợi của nhà Tùy.

Xá lợi Đức Phật ở Việt Nam: Những di sản thiêng liêng
Hộp đựng xá lợi được phát hiện tại tháp Nhạn (Nghệ An) được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2017 (nguồn: Cục Di sản Văn hóa cung cấp)

Dòng chữ hơn 1.400 tuổi trên núi Tiên Du

TS Nguyễn Văn Anh - giảng viên bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - chia sẻ nhiều thông tin bất ngờ trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo VietNamNet ngày 3-6: “Kinh Kim quang minh nói: “Xá lợi là thứ được hun đúc bằng sự tu hành giới, định, tuệ; là vật rất khó có được, đó là ruộng phúc trên hết”. Việc được trực tiếp chiêm bái xá lợi Phật sẽ nhanh chóng đạt được sự giác ngộ. Cũng chính bởi vậy, những nơi an trí xá lợi Phật được coi là nơi lưu giữ thánh tích, nơi thánh địa, nơi mà Phật tử mong ước trong cuộc đời ít nhất được một lần hành hương tới.

Khi được hỏi: Ở Việt Nam có xá lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni không? TS Nguyễn Văn Anh nói: Câu trả lời là có. Đã có bằng chứng cho thấy ít nhất 2 nơi ở Việt Nam từng an trí xá lợi Phật, đó là Tiên Du (Bắc Ninh) và Nam Đàn (Nghệ An). Tại Thuận Thành, năm 2004, khi đào đất làm gạch người dân đã phát hiện hòm bằng đá đựng xá lợi Phật. Minh văn khắc ở mặt trong của nắp hòm cho biết đó là hòm chứa xá lợi Phật được vua Tùy Văn Đế cho rước và an trí trong bảo tháp trên núi Tiên Du ở Giao Châu, năm Nhân Thọ thứ nhất (tức năm 601). Núi Tiên Du nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù trong hòm không còn xá lợi nhưng đã có minh chứng rõ ràng về việc xá lợi Phật từng được an trí tại khu vực Bắc Ninh ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho rằng, xá lợi vốn được an trí trong bảo tháp trên núi Tiên Du, sau đó được di chuyển về khu vực chùa Dâu thuộc Thuận Thành ngày nay.

Nếu xá lợi Đức Phật được chuyển đến núi Tiên Du từ đời nhà Tùy năm 601, tức đến nay đã hơn 1.400 năm, thì còn sớm hơn cả chuyến đi Tây Trúc (Ấn Độ cổ đại) thỉnh kinh của cao tăng Đường Tam Tạng (Trần Huyền Trang - Đường Tăng đời Đường) năm 627, tức 1/4 thế kỷ.

Được biết, tuy xá lợi trong hòm đá ở núi Tiên Du không còn, nhưng minh văn vẫn được bảo quản tốt, có giá trị to lớn với giới nghiên cứu sử học và khảo cổ Việt Nam.

Việc phát hiện hộp đựng xá lợi ở tháp Nhạn và văn khắc núi Tiên Du là minh chứng vật chất rõ ràng nhất cho sự hiện diện sớm và tôn nghiêm của Phật giáo tại Việt Nam. Không chỉ là hiện vật thiêng liêng, xá lợi còn là biểu tượng của tâm linh và ánh sáng từ bi đã hòa nhập rất sâu vào lịch sử dân tộc. Dù trong lòng đất hay giữa lòng người, xá lợi Đức Phật vẫn luôn là linh tượng của sự thanh tịnh, tỉnh thức và tình thương vô biên của vĩ nhân vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

Việc phát hiện hộp đựng xá lợi trong lòng Tháp Nhạn góp thêm tư liệu xác nhận rằng, xá lợi đã có mặt tại Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng từ khá sớm, qua đó hé mở tín hiệu được minh chứng bằng vật chất của Phật giáo buổi đầu ở xứ Nghệ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Huy Minh