Dạy trẻ không thể bằng bạo lực!

12:10 | 01/12/2018

340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian qua, hàng loạt các hình phạt “không thể tưởng tượng nổi” của giáo viên với học sinh đã làm xã hội bức xúc, phẫn nộ, khiến nhiều người không khỏi lo ngại về phương pháp “phản giáo dục” của một số giáo viên hiện nay.

Đểm lại một số vụ việc bạo lực học đường mà các báo đã đưa tin thời gian qua.

Đầu tháng 4/2018, cô giáo chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng ở huyện An Dương, Hải Phòng bị tố cáo vì bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng sau khi học sinh mắc lỗi nói chuyện riêng trong lớp. Sau khi tiếp nhận và xác minh, nhà trường đã yêu cầu cô giáo này đến xin lỗi học sinh và gia đình, đồng thời đưa học sinh này đi khám sức khỏe. Trước áp lực của dư luận, cuối cùng nhà trường cũng đưa ra hình thức kỷ luật chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên này.

day tre khong the bang bao luc

Cô giáo bắt 23 học sinh tát bạn cùng lớp bị khởi tố tội “hành hạ người khác”

Cuối tháng 10/2018, một vụ việc khác được chia sẻ rầm rộ trên mạng hội: Một đoạn clip dài 14 giây “tố” cô giáo chủ nhiệm đánh học sinh lớp 1 bầm tím. Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ, rất nhiều bậc cha mẹ bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của giáo viên, nhất là khi cháu bé mới chỉ học lớp 1. Sau đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh - nơi cháu bé đang học) xác nhận, cô giáo chủ nhiệm lớp 1A đã dùng cây đánh dẫn đến việc cháu bé bị bầm tím lưng và tay, lý do vì cháu không làm bài tập và tẩy xóa trong vở. Nhà trường đã thành lập hội đồng kỷ luật để xét kỷ luật giáo viên này.

Những ngày gần đây, dư luận lại tiếp tục bức xúc, phẫn nộ trước việc giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã bắt 23 bạn cùng lớp “tát hội đồng” học sinh N. Mỗi em học sinh phải tát bạn đủ 10 cái, nếu em nào tát nhẹ hoặc không tát, cô giáo sẽ cho bạn N tát ngược lại 10 cái. Vì vậy, N bị các bạn mình tát rất mạnh. Khi N vừa đau vừa khóc, buột miệng nói “em ghét cô” thì bị cô Thủy đánh thêm một cái tát cuối cùng. N bị tát 231 cái khiến em choáng váng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng 2 má thâm tím, sưng phồng, khó nhai nuốt.

Đến sáng 23/11, N đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định. Ngày 26/11, Công an huyện Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án “hành hạ người khác” đối với giáo viên này.

Người xưa có câu, “Yêu cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi”. Tuy nhiên, việc đánh đòn trong giáo dục chỉ là trường hợp bất đắc dĩ và răn đe là chính và mục đích cuối cùng là để học trò học chăm hơn, giỏi hơn và ngoan hơn. Do đó, các thầy cô ngày xưa tuy lăm lăm cây roi nhưng rất ít khi xuống tay, hoặc nếu có thì cũng nhằm chỗ ít nguy hiểm, “giơ cao đánh khẽ”.

Thế nhưng, không ít giáo viên ngày nay vẫn có quan niệm khi học sinh mắc lỗi thì cách giáo dục hiệu quả nhất là trừng phạt. Có người trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quỳ...), người lại trừng phạt về tinh thần (la mắng, hạ nhục học sinh, làm cho xấu hổ...). Như trường hợp cô giáo Thủy nêu trên là rất phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật.

Trên đây là số ít những vụ việc được phát hiện và công khai trên báo chí. Còn không ít những vụ việc giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh. Điều gì đã và đang xảy ra trong các nhà trường? Phải chăng đó là lối giáo dục lạm dụng quyền lực, khi ở đó, giáo viên tự cho mình được “trừng phạt” học sinh?

Trong khi đó, Hiến pháp, pháp luật đã quy định rất rõ các hành vi nghiêm cấm, như: Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Điều 6 Luật Trẻ em nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em. Điều 69 Luật Giáo dục quy định các hành vi nhà giáo không được làm là: “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”…

Trong những lúc nóng giận, người thầy quên đi nhiệm vụ lớn nhất của mình khi đứng trên bục giảng là giáo dục học sinh, trước hết là giáo dục các em trở thành công dân biết sống yêu thương, nhân ái, vị tha, biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Người thầy đã vô tình tự biến mình thành tấm gương xấu khi cho học sinh thấy rằng, có thể sử dụng sức mạnh và quyền lực để khuất phục người khác.

Học sinh sẽ học được gì, tính cách nào sẽ được hình thành với cách giáo dục như vậy? Nếu học sinh nhìn thấy sự lạm dụng quyền lực bất chấp luật pháp của thầy cô giáo thì các em liệu có học được bài học về sự yêu thương, sự sẻ chia? Nếu học sinh đi học trong bức xúc, sợ sệt, liệu các em có thể học tập bằng tất cả sự say mê để phát huy được hết tiềm năng của bản thân?...

Thiết nghĩ, nghề giáo là một nghề rất khó vì mỗi học sinh là báu vật của mỗi gia đình, giáo viên sẽ phải chịu áp lực lớn từ các bậc cha mẹ học sinh. Nghề giáo là một nghề rất khó, vì có vai trò quyết định đến thế hệ tương lai đất nước, và vì thế được cả xã hội quan tâm một cách đặc biệt. Nhưng cũng chính vì sự khó và đặc biệt ấy, nghề giáo đòi hỏi người thầy phải có tố chất phù hợp, đủ năng lực để chịu được các áp lực, đủ kiên nhẫn để kiềm chế, làm chủ bản thân trong mọi tình huống, đủ thấu hiểu để cảm thông chia sẻ và bao dung với học trò, để hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”.

Nghề giáo đòi hỏi người thầy phải có tố chất phù hợp, đủ năng lực để chịu được các áp lực, đủ kiên nhẫn để kiềm chế, làm chủ bản thân trong mọi tình huống, đủ thấu hiểu để cảm thông chia sẻ và bao dung với học trò, để hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”.

Trúc Lâm

day tre khong the bang bao lucKhởi tố vụ án cô giáo bắt học sinh tát bạn 230 cái
day tre khong the bang bao lucCô giáo bắt học sinh tát bạn 230 cái có thể bị khởi tố