Đánh đu cùng phận yến (Kỳ II)

08:24 | 10/10/2012

2,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xây nhà nuôi yến vốn tự phát, lại chưa được định hướng phát triển cụ thể, sự bất cập trong quản lý khiến nhà đầu tư đối mặt với rủi ro vì chưa có chính sách cụ thể của Nhà nước, vì thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ kỹ thuật. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa từ bỏ giấc mơ làm giàu từ “lộc trời” này, dù nó có xa vời vợi…

>> Đánh đu cùng phận yến (Kỳ I)

Kỳ II: “Lộc trời” xa vời vợi

Nhà nhà nuôi yến

Khoảng hơn 10 năm trước, nếu như số lượng hộ xây nhà nuôi yến ở Tam Thôn Hiệp nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung chỉ vỏn vẹn trên dưới 10 hộ, thì nay đã con số này đã có lúc tăng theo cấp số nhân với tốc độ chóng mặt, mỗi tháng mọc lên 4-5 nhà nuôi yến.

Theo ước tính thì tổng số nhà nuôi yến ở Cần Giờ hiện đã trên 200 hộ với tổng diện tích hơn 40.000m2 xây dựng, lan rộng từ xã Tam Thôn Hiệp sang thị trấn Cần Thạnh cho đến các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Bình Khánh, Long Hòa. Điều trớ trêu là tỷ lệ số hộ dân nuôi yến ngoài địa phương lại chiếm đến 90% và chỉ có 10% là dân địa phương.

Do lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư đổ xô xây nhà nuôi yến. Giá đất ở Cần Giờ đã có thời sốt lên do nhiều đại gia ở thành phố và Việt kiều đổ xô về mua 2-3 nền đất rộng 1.000-2.000m2 đất nhằm xây “lâu đài” để dẫn dụ chim yến về cư ngụ, trong đó phần lớn là các nhà gây nuôi trái phép khiến quy hoạch huyện Cần Giờ có nguy cơ bị phá vỡ, nhiều nhà yến nằm trong khu dân cư đã gây ô nhiễm tiếng ồn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh gia cầm.

"Lâu đài" của yến

Tuy nhiên, không chỉ ở Cần Giờ mà ở các quận huyện nội ngoại thành của TP HCM (trong đó, phát triển mạnh nhất là các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và các quận 9, 2, 3, 7, Gò Vấp…) cũng nở rộ phong trào tự phát xây nhà dẫn dụ chim yến với số lượng lên tới hàng trăm căn nhà, mà hầu như không có sự kiểm soát nào từ phía cơ quan chức năng, bất chấp mức độ rủi ro và những tác động xấu đến môi trường, đời sống sinh hoạt người dân, gây mất mỹ quan...

Trong khi đó, trên thực tế UBND TP HCM mới chỉ chấp thuận nuôi chim yến cho 10 căn nhà thí điểm tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ). Còn tất cả các điểm nuôi yến trên thành phố hiện nay đều là hoạt động trái phép. Họ lách luật bằng cách xin cất nhà ở, nhưng sau đó không hoàn công và cứ thế để nuôi chim yến. Còn trong nội đô thì nhiều người tận dụng nhà cũ, tầng thượng thành nơi nuôi chim yến tự phát. Tuy nhiên, do chưa có quy chế quản lý cụ thể nên cơ quan chức năng vẫn không xử lý dứt điểm được tình trạng này.

Trước tình trạng nêu trên, tháng 9/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP HCM đã gửi văn bản đến nhiều cơ quan chức năng, quận, huyện trên địa bàn TP HCM đề nghị theo dõi, kiểm tra xử lý và quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với việc xây dựng, phát triển các nhà nuôi chim yến lấy tổ. Đồng thời, Sở NN&PTNT thành phố cũng đề nghị chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, ngăn chặn xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở thành nhà dẫn dụ, gây nuôi chim yến để chờ quy hoạch của UBND TP HCM.

Còn trước đó, UBND TP HCM đã giao Sở NN&PTNT thu thập các thông tin và tài liệu về ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam, qua đó lập quy hoạch cho vùng nuôi chim yến trên địa bàn thành phố. Việc quy hoạch phát triển nghề nuôi chim yến nhằm giúp người dân thành phố yên tâm đầu tư và đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Nhiều người cho rằng, xây nhà nuôi chim yến lấy tổ là một loại hình nông nghiệp công nghệ cao vì suất đầu tư lớn, lợi nhuận nhiều và đòi hỏi áp dụng kỹ thuật cao. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro về kinh tế khi bỏ vốn lớn ra đầu tư (bình quân 1,5-3 tỉ đồng/khu đất nuôi yến, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, khoảng 10%). Mặt khác, khi đàn chim yến phát triển với mật độ cao sẽ nảy sinh một vấn đề về thú y và môi trường cần phải có cơ quan quản lý. Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề về quản lý và khoa học - công nghệ cần phải giải quyết.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay trên cả nước đã có trên 30 tỉnh, thành có nhà nuôi yến với tổng số lượng hàng ngàn căn nhà trải rộng ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Và dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 10.000 nhà yến. Thế nhưng, không chỉ có TP HCM mới “chính thức” nhận thấy nạn xây nhà nuôi chim yến bát nháo cần phải được ngăn chặn mà ở nhiều địa phương khác ở phía nam đã nhận ra vấn đề này, như ở Tiền Giang, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, Quảng Ngãi… Và một số thành phố đã từng khuyến cáo người dân không nên nuôi chim yến tràn lan trong nội thành, khu dân cư, khu công cộng.

Đơn cử như UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) vào tháng 6/2012 đã ban hành văn bản yêu cầu ngừng hoạt động nuôi chim yến và thu hút chim yến làm tổ trên địa bàn toàn thành phố trước thực trạng một số hộ dân cư ngụ tại phường Bửu Long và vài địa phương khác trên địa bàn TP Biên Hòa nuôi chim yến gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. UBND TP Biên Hòa yêu cầu chủ tịch UBND 30 phường, xã tổ chức kiểm tra, rà soát các trường hợp có hoạt động nuôi chim yến, thu hút chim yến về làm tổ và xử lý ngừng ngay việc nuôi chim yến, đồng thời có biện pháp quản lý chặt, không để tái phạm nuôi chim yến và thu hút chim yến về làm tổ tại địa bàn mình quản lý.

Điều nghịch lý là vấn đề quy hoạch vùng nuôi chim yến của TP HCM hay TP Biên Hòa và các địa phương khác được cho là quá chậm, còn nằm trên giấy, không theo kịp phong trào “nhà nhà nuôi yến” như hiện nay. Đó cũng là lý do mà nhiều người dân vẫn tiếp tục xây nhà nuôi chim yến tự phát và trái phép. Có thể lý giải rằng, việc nuôi chim yến phát triển quá nhanh tại Cần Giờ và các địa phương là do yến sào (tổ yến) có giá trị rất cao (35-40 triệu đồng/kg). Chính lãnh đạo huyện Cần Giờ từng kiến nghị cho mở rộng phát triển khu vực nuôi chim yến trên địa bàn lên 1.127ha. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được đồng tình của các nhà chuyên môn thuộc Chi cục Kiểm lâm, Thú y và Chi cục Phát triển nông thôn vì chưa có đánh giá về tác động rủi ro, ảnh hưởng đến khu dân cư và thành phố cũng chưa có “quy hoạch cụ thể”(?!).

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo các chuyên gia, huyện Cần Giờ có điều kiện phát triển nghề nuôi chim yến nhờ thổ nhưỡng, vùng sông nước, có diện tích rừng ngập mặn hàng chục ngàn hécta, lại gần biển, là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà tương tự như tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thế nhưng, việc nuôi chim yến ở Cần Giờ (72% nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư) đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi mật độ nuôi quá dày, nhất là ở trong các khu dân cư rất không phù hợp và tác động đến định hướng phát triển du lịch sinh thái của Cần Giờ. Bên cạnh đó là mức độ rủi ro khi đầu tư, bởi vì nếu như các 2006-2008 có tỷ lệ chim yên đến làm tổ là 100% thì từ năm 2010 trở lại đây, tỷ lệ này giảm rất mạnh chỉ còn 29%, trong khi số nhà yến vẫn tăng từng ngày!

Tổ yến liệu có “đại bổ”?

Một thực trạng chung nhưng ít người nhận thấy được rủi ro là việc dồn cụm đầu tư xây nhà nuôi yến vào Cần Giờ vì thấy lượng chim ở đây nhiều. Thế nhưng, theo các chuyên gia nuôi yến, thực chất chỉ chừng 30% trong số chim đó (chim non) mới có khả năng kêu gọi về nhà mới. Nếu tính theo tỷ lệ nhà nuôi, xây nhà ở Cần Giờ là không khả quan vì bên cạnh chi phí cao do giá đất cao (gấp đôi ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nơi có lượng chim tương đương), lại còn phải xây nhà lớn, trang thiết bị hiện đại...

Có thể thấy rằng, hiệu quả mang lại từ việc xây nhà nuôi yến chỉ cho một số hộ cá thể, nhưng kéo theo đó là bao sự phiền toái, khổ sở cho những hộ dân ở gần khu vực nuôi. Đặc biệt là máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Âm thanh quá lớn, lại mở kéo dài hết ngày này sang ngày khác, tiếng “chim máy” phát ra nghe đinh tai nhức óc ấy đã gây khó chịu cho nhiều người.

Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, nuôi chim yến trong nhà tuy có mang lại nguồn lợi kinh tế cao nhưng gây ô nhiễm vì phân chim yến có mùi khá nặng. Đàn chim yến nếu quy tụ về một địa điểm nào đó quá nhiều dễ dẫn đến nguy cơ ô nhiễmmôi trường, mầm mống phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi... Trong đó, đáng lo nhất là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, như cúm A/H5N1. Thậm chí, việc sử dụng một số công trình cao tầng không sơn phết để làm chỗ nuôi chim yến còn gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Không những vậy, để nuôi chim yến cần có vốn đầu tư lớn, trong khi đó rủi ro cao nên nhiều hộ dân dễ lâm vào cảnh nợ nần khi vay vốn ngân hàng để đầu tư. Một số hộ nuôi chim còn phát sinh mâu thuẫn khi đàn yến nhà này bị dẫn dụ qua nhà bên cạnh. Một chủ tịch Hội Nông dân xã ở Cần Giờ cho biết: Nuôi chim yến rất khó về kỹ thuật và vốn cao nên không nhân rộng được trong hội viên nông dân. Về phía chính quyền và đoàn thể xã cũng chưa hình dung ra mô hình này nên còn do dự không dám khuyến khích người dân đầu tư nuôi yến.

Trên thực tế, việc xây nhà nuôi yến cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Trước hết, do chưa nắm vững kỹ thuật nên số hộ nuôi yến thành công không nhiều. Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hơn 1-2 tỉ đồng mà không dẫn dụ được đàn yến vào hoặc vào rồi lại bỏ đi. Thông thường, sau 12-18 tháng nhà yến được đưa vào hoạt động, chủ đầu tư mới bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, một số nhà yến được đưa vào hoạt động hơn 2 năm trời nhưng số lượng yến về làm tổ rất ít ỏi, trong khi các nhà yến hằng ngày vẫn đua nhau phát âm thanh gọi yến. Chính vì vậy mà đã có nhiều người rao bán hoặc bỏ hoang nhà yến do năng suất thu được rất thấp.

Qua kiểm tra vài căn nhà được cho là có dấu hiệu “thất bại”, một chuyên gia trong nghề nuôi yến cho biết, hầu hết là do sai kỹ thuật và do những người chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, những lỗi căn bản như nóng do tường và mái không cách nhiệt tốt, bố trí phòng lượn không hợp lý, hệ thống loa nghèo nàn, tiếng chim không hiệu quả, xử lý mùi không tốt... Thật ra những yếu tố này hoàn toàn khắc phục được, nhưng điều khó nhất là lòng tin của chủ nhà đã không còn nhiều và việc cải tạo lại sẽ không tạo được hiệu quả khả quan bằng việc hoàn thiện từ ngày đầu.

Có ngăn được không?

Thật ra, có thể khẳng định rằng, vấn đề đầu tư xây nhà nuôi chim yến đòi hỏi phải có điều kiện cần và đủ chứkhông thể tự phát như hiện nay. Trước phong trào nuôi chim yến ồ ạt, một số địa phương đã có khảo sát và tiến hành lập quy hoạch vùng nuôi kèm theo những quy định đối với mô hình xây nhà nuôi yến. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn còn “dậm chân tại chỗ”, thậm chính chính quyền các địa phương còn gặp lúng túng trong công tác quản lý.

Tình trạng xây nhà nuôi chim yến tràn lan trong các khu dân cư rất không phù hợp và tác động đến định hướng phát triển du lịch sinh thái của Cần Giờ

Nói như PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu (chuyên gia nghiên cứu về nghề nuôi yến), thất bại của nhà đầu tư là do chưa hiểu biết đầy đủ về môi trường sống của chim yến, thiếu những điều kiện cơ bản khi thiết kế, xây dựng nhà yến trong khi nghề nuôi chim yến phụ thuộc khá nhiều vào đặc tính sinh sản, phát triển của loại vật nuôi này, vùng xây nhà yến, kỹ thuật dụ yến...

Ngoài ra, việc cơ quan chức năng quản lý, xử phạt những trường hợp xây nhà nuôi yến trái phép được cho là sẽ còn nhiều khó khăn. Cũng bởi do các nhà nuôi yến đều được đầu tư vốn khá lớn nên không thể buộc họ đóng cửa ngay lập tức. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có một quy định, công văn hướng dẫn cụ thể nào, chứ nói gì đến chuyện quy hoạch cụ thể vùng nuôi chim yến. Chính vì thế, thông thường các cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ biết nhắc nhở, vận động các chủ nuôi chim yến thường xuyên vệ sinh, hạn chế tiếng ồn để tránh ảnh hưởng đến xung quanh.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu đồng ý cho các cơ sở tiếp tục nuôi chim yến trong khu dân cư thì chính quyền địa phương cần giới hạn thời gian phát tiếng kêu ở các cơ sở, buộc các cơ sở cam kết bảo vệ môi trường, có biện pháp khắc phục, hạn chế những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân. Hơn nữa, quy trình thủ tục gây nuôi phải đúng. Các cơ quan chức năng cũng cần ban hành các chính sách quản lý nhất quán để phát triển ngành nghề mới này cũng như đầu tư mở rộng diện tích.

Rõ ràng, với lợi nhuận kinh tế khá cao thì việc phát triển bền vững ngành nuôi yến cũng cần có sự nghiên cứu hợp lý, kịp thời của các cơ quan quản lý chuyên ngành và nhà khoa học để kết luận chính xác và khoa học hơn nhằm tránh không tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bên cạnh việc khuyến cáo người dân hạn chế nuôi chim yến trong khu dân cư thì yếu tố cốt lõi là các ngành, các địa phương cần có kế hoạch dài hơi như quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và các điều kiện cần và đủ để giúp cho người dân nuôi chim yến đạt hiệu quả cao và tránh tình trạng xây nhà nuôi yến bát nháo như hiện nay.

Thế Vinh

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)