Đại lộ Thăng Long thành... tiểu lộ!

15:46 | 13/08/2013

1,016 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại lộ Thăng Long dài 29,264 km, tổng đầu tư lên tới 7.527 tỉ đồng, từng được mệnh danh là “con đường đẹp nhất Việt Nam”. Sau hơn 7 năm thi công, Đại lộ Thăng Long được chủ đầu tư, nhà thầu long trọng cắt băng thông xe vào đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, có ai biết rằng, đó chỉ là cái nhìn "vội" của khách qua đường còn thực chất công trình này còn nhiều hạng mục dở dang, xuống cấp nhanh chóng, chẳng khác gì một mớ hỗn độn...

>> Những "công trình nghìn năm Thăng Long" bây giờ ra sao?

Mặt đường ngổn ngang cát sỏi, ta-luy bị trộm hỏi thăm

Mặc dù được đầu tư với số vốn "khủng" và phải mất đến 7 năm để thi công thế nhưng chưa đầy 3 năm sử dụng, Đại lộ Thăng Long đã bộc lộ những yếu kém của đơn vị thi công cũng như nhà quản lý khi khai thác. Cát sỏi, cỏ dại... án ngữ ngay trên mặt đường, đặc biệt là sự lơ là của đơn vị quản lý nên rất nhiều linh kiện của con đường bị trộm "hỏi thăm" mà chẳng hề hay biết! 

Tiến hành khảo sát tuyến đường vào thời điểm đầu tháng 8/2013, chúng tôi chứng kiến nhiều hạng mục công trình còn đang dang dở, bao gồm cả những phần quan trọng như cầu vượt cơ giới, cây xanh, thảm cỏ, hàng rào chắn... Đặc biệt, mặt đường dù mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đến nay nhà thầu đã phải sửa chữa rất nhiều lần vì xuống cấp.

Cát, sỏi phủ một lớp dày ở làn đường dành cho xe ô tô.

Đi qua đoạn đường chưa đầy 1km (trước cửa Trung tâm hội nghị Quốc gia - PV), ai cũng có thể thấy sự trang hoàng và lung linh của con đường với những kiệt tác cây xanh. Thế nhưng, gần 30km còn lại chỉ là sự nhếch nhác của một công trình khánh thành "ảo". Trên nhiều điểm thuộc làn đường cao tốc dành cho ô tô, mặt đường đã bị lún.

Một lái xe tải tên Phú, hằng ngày chạy xe trên con đường này cho hay: “Đại lộ Thăng Long được hoàn thiện và đi vào sử dụng chưa lâu, thế nhưng đã có rất nhiều điểm trên trục đường đã xuống cấp. Nhiều điểm mặt đường nhấp nhô khi xe chạy qua có cảm giác 4 bánh xe không chạm đất cùng một lúc”.

Điều đặc biệt, tuyến đường này đưa vào khai thác chưa đầy 3 năm thế nhưng đơn vị quản lý đã phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc để gia cố lại những lớp áo nhựa mới vì lớp cũ đã bị xuống cấp, bong tróc.

Không chỉ dừng lại ở việc mặt đường xuống cấp, tại làn đường dân sinh của "con đường đẹp nhất Việt Nam" này chẳng khác gì đường liên thôn, liên xã.

Điển hình như đoạn gần nút giao thông Mỹ Đình, nút giao thông Sài Sơn hay nút giao thông Hoàng Xá… làn đường dành cho xe máy đã bị xuống cấp một cách trầm trọng. Nhiều ổ trâu, ổ voi, vũng nước xuất hiện với diện tích 3-4m2, phương tiện đi qua phải rụt rè vì sợ xe không lội qua được.

Rất nhiều đoạn ta-luy bị cong vênh do xe ô tô va phải không được cơ quan quản lý khắc phục.

Rất nhiều điểm kết nối bị trộm lấy mất ốc vít và chân đế...

Ngay tại Km 1+270 (nút giao thông Mỹ Đình), vỉa hè vẫn chưa được hoàn thiện, các đơn vị liên quan vẫn đang "túc tắc" triển khai.

Có mặt tại nút giao thông Hoàng Xá vào sáng 10/8, chứng kiến cảnh nhiều xe con phải quay đầu vì không dám phi qua, còn các tài xế xe tải cũng phải e dè vì lệch tay lái một chút thôi là có thể bị lật xe ngay. “Tôi ở trong thị trấn Quốc Oai nên ngày nào cũng phải lái xe đi qua chỗ này để đi lấy hàng. Thế nhưng mỗi lần đi qua đoạn này là tôi thấy run tay lái vì những ổ trâu, ổ voi” – một lái xe tải cho hay.

Cây dại xâm lấn cả ra thảm nhựa.

Mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng, nhưng Đại lộ Thăng Long lại trong cảnh nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Lòng đường bị xâm chiếm bởi một lớp đá sỏi và cây dại. Đường dành cho phương tiện ô tô, được thiết kế với 3 làn nhưng nhiều đoạn bị đất đá rơi vãi, phủ kín mất một làn. Ô tô tham gia giao thông trên con đường này chỉ “được phép” đi hai làn ngoài, còn làn trong dành cho vật liệu xây dựng vương vãi.

Không chỉ có vậy, hiện nay, “con đường đẹp nhất Việt Nam” đang là nơi trộm cắp hoành hành. Hai dải ta-luy trên làn đường cao tốc đều bị trộm khoắng sạch ốc vít kết nối giữa các thanh sắt với nhau. Mỗi thanh sắt dài 10m có một trụ sắt chống đỡ, tại đây các thanh sắt này sẽ được kết nối bởi 6 con ốc. Kẻ gian chỉ vặn đi 4 con còn chừa lại 2 con để các thanh này không bị sập.

Những chiếc xe tải đi qua nút giao thông Hoàng Xá đều "run" tay lái vì đường xấu.

Ngoài ra, dù đã có lệnh cấm việc chăn thả gia súc trên Đại lộ Thăng Long, nhưng dường như người dân vẫn cố tình phớt lờ quy định này, thản nhiên lùa hàng đàn bò vào khoảng trống giữa hai làn đường chính. Hằng ngày có hàng chục con bò của người dân đang được chăn thả ngay giữa làn cỏ ở giữa làn đường cao tốc.

Nhìn từ trên cao xuống, nút giao thông Hoàng Xá không khác đường đi vào làng.

Con đường nghìn tỉ không có hệ thống thoát nước?!

Gần 3 năm Đại lộ Thăng Long được đưa vào khai thác, cũng chừng ấy thời gian hễ có mưa là ngập! Hệ thống cầu chui dân sinh của tuyến đường đang trở thành “ác mộng” của người dân vì mỗi lần mưa to là họ lại phải bì bõm "bơi" trên đường.

Trong những ngày đầu tháng 8/2013, khi cơn bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ, gây ra mưa lớn tại Hà Nội, hầu hết các cầu chui dân sinh và hai làn đường gom đô thị trên tuyến Đại lộ Thăng Long bị ngập úng nặng nề. Đi dọc 2 dải đường đô thị (đại lộ bao gồm 2 dải đường cao tốc ở giữa và 2 dải đường gom đô thị 2 hai bên - PV) của Đại lộ Thăng Long, không khó để chứng kiến cảnh người dân “bơi” trên đường.

Một số cầu chui dân sinh bị ngập sâu vì không có hệ thống thoát nước.

Sau đợt mưa kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, dù trời đã tạnh ráo nhưng Đại lộ Thăng Long (đoạn qua khu Thiên Đường Bảo Sơn) vẫn chìm sâu trong biển nước. Tại đây, có chỗ nước ngập tới trên đầu gối người đi bộ, các phương tiện di chuyển qua đây vẫn hết sức khó khăn, một số vụ va chạm giao thông nhẹ đã xảy ra. Đặc biệt, việc ngập úng tại các cầu chui trên tuyến đường này mới thực sự nghiêm trọng. Tại cầu chui dân sinh số 2, 3, 5 và 6, nước vẫn ngập khá sâu. Lực lượng chức năng vẫn phải căng dây cảnh báo nước ngập sâu, đồng thời đặt biển báo hướng dẫn lối đi khác cho các phương tiện.

Người Hà Nội vốn không lạ với cảnh ngập úng mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng xảy ra ở con được được coi là hiện đại nhất Việt Nam thì thật khó hiểu, thật khó chấp nhận. Không chỉ ngập úng, một số cầu chui hiện nay đã bị xuống cấp, mặt cầu bị bong tróc, ổ gà xuất hiện... gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Thậm chí có cầu chui còn trở thành nơi tập kết rác thải, dây điện chằng chịt rất mất mỹ quan.

Nhiều địa điểm trên Đại lộ Thăng Long xuất hiện biển thông báo ngập trong đợt bão.

Theo thiết kế, Đại lộ Thăng Long có chiều rộng trung bình là 140m, bao gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi dải 3 làn xe rộng 16,25m; 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa 2 dải đường đô thị. Thế nhưng chỉ duy nhất có 1 đường rãnh thoát nước nằm ở dải đường gom đô thị, còn tại dải đường cao tốc không có bất kỳ một hệ thống thoát nước nào.

Mỗi khi có mưa, nước trên mặt đường sẽ chảy vào dải phân cách ở giữa hai dải đường này. Do dải phân cách thấp hơn khoảng 20cm so với mặt đường cao tốc nên dải phân cách này cũng biến thành kênh chứa nước. Không để cho nước tồn đọng lâu ở dải phân cách này, đơn vị quản lý tuyến đường đã xẻ một cái rãnh rộng 1m, sâu 50cm để thoát nước. Và nơi chứa nước từ cái rãnh này chính là những chiếc cầu chui dân sinh. Toàn bộ lượng nước mưa đều dồn vào các cầu chui, nhưng tại các cầu chui này lại không có hệ thống thoát nước. Chính vì vậy, mỗi khi trời mưa là cầu chui dân sinh lại chìm trong biển nước.

Thiên Minh