Common Gender – "cơn sốt” của điện ảnh Bangladesh

14:22 | 12/07/2012

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như “Hotboy nổi loạn” từng gây được những ấn tượng nhất định khi công chiếu tại các cụm rạp Việt Nam thì mới đây, một bộ phim Bangladesh về giới tính thứ ba mang tên “Common Gender” đã thực sự tạo ra một bước nhảy kỳ diệu trong nền công nghiệp điện ảnh nước này.

Một cảnh trong phim “Common Gender”

Ý tưởng cho bộ phim bắt đầu từ những xúc cảm của chính đạo diễn Noman Robin khi tận mắt chứng kiến cảnh một người chuyển giới bị đánh đập dã man trước hàng trăm người chỉ vì người này muốn sử dụng nhà tắm công cộng. Ở một đất nước còn tồn tại nhiều định kiến và đạo Hồi vẫn chiếm vị trí bá chủ như Bangladesh, việc chấp nhận một giới tính thứ ba hoàn toàn không phải là điều dễ dàng.

Nhiều chuyên gia điện ảnh cho rằng, bộ phim là cái nhìn chân thật về cuộc sống, tình yêu và giới tính ở một “thế giới” của những con người thường bị xa lánh, hắt hủi trong cuộc sống – những người thuộc giới tính thứ ba.

Công chiếu mới chỉ trong 2 tuần, song “Common Gender” nhận được sự quan tâm và đón nhận của đông đảo khán giả, các chuyên gia phê bình. Các nhà sản xuất và phân phối phim ở nước này còn dự định sẽ mở rộng quy mô và thời gian công chiếu cho tới tháng 8/2012 để bộ phim đến được với phần đông người Bangladesh.

Hãng AFP dẫn lời nhà phân phối phim Enamul Karim xem đây như “một thành công vang dội của bộ phim”, nhất là khi nó không có sự góp mặt của nhiều ngôi sao lớn và không hề được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng lại mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Những người đàn ông Bangladesh đang chăm chú theo dõi một tấm poster lớn quảng cáo phim “Common Gender” trên một con phố ở Thủ đô Dhaka.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa Sushimita – một phụ nữ chuyển giới với anh chàng Sanjay, tín đồ của đạo Hindu truyền thống. Những người thuộc giới tính thứ ba như Sushimita được gọi là “hijras” trong xã hội Bangladesh. Họ bị phân biệt đối xử, bị kỳ thị và xem như một thứ “bên lề xã hội hoặc không có địa vị xã hội” trong thế giới loài người, nhất là ở một nơi mà định kiến còn nặng nề như các nước vùng Nam Á. Cuối cùng, Sushimita đã phải tìm đến cái chết trong vô vọng là kết cục buồn và gợi nhiều suy ngẫm của bộ phim.

Lại nói thêm, các “hijras” ở Bangladesh thường bị “từ chối” bởi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các quyền lợi về nhà ở, giáo dục và việc làm. Cũng theo AFP, hơn 1.000 thành viên của cộng đồng người chuyển giới đã có một cuộc biểu tình lớn mùa thu năm ngoái tại Thủ đô Dhaka, Bangladesh để phản đối nạn phân biệt đối xử đối với họ tại nước này.

Hà My (Theo Globalpost)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...