Sẽ có quy định “mở” về chuyển giới

06:05 | 25/05/2017

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bảo vệ và tạo điều kiện cho người chuyển đổi giới tính được sống đúng là mình, đồng thời được pháp luật thừa nhận là hướng các cơ quan hữu trách đang thực hiện. Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT). Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề thiết thực với người trong cuộc. 

Cần hành lang pháp lý

Hiện nay, theo ước tính 1.000 người Việt Nam đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, sau khi trở về do luật pháp nước ta chưa công nhận người chuyển giới nên trong cuộc sống họ “vấp” phải không ít khó khăn, nhất là trong những giao dịch dân sự. Trong khi đó, Bộ Y tế thống kê, khoảng 2.700-3.000 người nữa đang có nhu cầu chuyển giới. Chính vì vậy, chuẩn bị lộ trình xây dựng dự luật CĐGT là điều cần thiết phải làm. TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, dự luật CĐGT phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của người muốn chuyển giới; tạo khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ người chuyển giới chăm sóc y tế, phẫu thuật chuyển giới, thay đổi hộ tịch…

Tại hội thảo, 8 chính sách về người chuyển giới đã được đưa ra để thảo luận: Xác định phạm vi điều chỉnh của Luật CĐGT; Các trường hợp CĐGT; Điều kiện đối với người CĐGT (quy định về độ tuổi can thiệp y học để CĐGT; quy định về tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp y học; xác định tâm lý người CĐGT); Điều kiện đối với cơ sở khám chữa bệnh được can thiệp CĐGT; Công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện CĐGT tính trước ngày Luật CĐGT có hiệu lực; Kinh phí thực hiện can thiệp y tế để CĐGT. Trong đó, điều kiện để được công nhận là người chuyển giới đã là một trong những vấn đề được hội thảo quan tâm nhiều nhất. Bởi đây là cơ sở đầu tiên để người chuyển giới được thừa nhận. Có ba phương án được đề xuất để công nhận các trường hợp CĐGT: Một là, Điều trị nội khoa bằng sử dụng hoóc-môn; Hai là, sử dụng hoóc-môn và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật); Ba là, không can thiệp gì về mặt y tế (sử dụng hoóc-môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người CĐGT thì được công nhận là người CĐGT.

se co quy dinh mo ve chuyen gioi
Người chuyển giới phát biểu tại hội thảo

Với ba đề xuất này, ông Quang lưu ý, nếu như phải phẫu thuật ngoại khoa cùng điều trị hoóc-môn, nghĩa là về hình thức đã khẳng định giới tính là nam hay nữ mới được công nhận là người chuyển giới thì sẽ khó cho không ít người. Bởi để thực hiện quá trình này, người chuyển giới phải tốn 4.000-5.000USD, thậm chí có thể tốn 30.000-35.000USD, mà không phải ai cũng có số tiền này. Chưa kể đến phải bảo đảm sức khỏe mới phẫu thuật được. Ông Quang cũng cho hay, hiện trên thế giới đã có 61 quốc gia cho phép chuyển giới, trong đó 38 nước ở châu Âu và một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… yêu cầu người chuyển giới phải qua phẫu thuật mới được công nhận về mặt thủ tục pháp lý. Nhưng không khắt khe như những quốc gia trên một số nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel lại không cần trải qua phẫu thuật mà vẫn được công nhận giới tính người chuyển giới muốn chuyển.

Khuyến cáo ai nên chuyển giới

Về tình trạng hôn nhân cần quy định đối với người chuyển giới trước khi can thiệp y học (cũng nằm trong điều kiện để được công nhận là người chuyển giới) ông Quang đưa ra ba đề xuất cần thảo luận: là người độc thân chưa từng kết hôn, người đã ly hôn hoặc không quy định tình trạng hôn nhân (nghĩa là chấp nhận cả người đang trong tình trạng hôn nhân). Trước sự phức tạp có thể phát sinh đối với người chuyển giới đã kết hôn, hoặc đã từng kết hôn rồi có con, các đại biểu tham dự hội thảo đều hướng đến đề xuất thứ nhất là độc thân chưa từng kết hôn để hạn chế tối đa phức tạp có thể nảy sinh.

Ông Quang ví dụ: “Một người đang là mẹ của hai đứa con, bỗng một ngày họ chuyển giới thành đàn ông sẽ khiến những đứa con của mình, người chồng/vợ của mình bị “sốc”, thậm chí cả gia đình mình và những mối quan hệ khác cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn, con của họ trước đây gọi họ là bố thì sau khi họ chuyển giới sẽ được gọi là gì? Vậy nên nếu CĐGT theo tôi nên là người độc thân chưa từng kết hôn thì sẽ dễ dàng hơn”. Tuy nhiên, điều kiện này lại vấp phải vấn đề hạn chế quyền của người chuyển giới trong trường hợp họ vẫn muốn duy trì quan hệ hôn nhân gia đình sau khi chuyển giới.

Trường hợp chấp nhận cả người đang trong quan hệ hôn nhân được chuyển giới, các đại biểu tham dự hội thảo phân tích thêm sẽ làm phức tạp quan hệ vợ chồng, gây tổn thương với người bạn đời đang trong quan hệ hôn nhân hợp pháp. Điều đáng nói hơn là nó trái với quy định tại khoản 2, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình khi thừa nhận hôn nhân đồng giới.

Liên quan đến độ tuổi can thiệp y học để CĐGT, các đại biểu đã đánh giá đây là điều rất quan trọng vì ảnh hưởng đến suốt cuộc đời còn lại của họ. Bởi vậy, theo phần lớn ý kiến của đại biểu nên quy định người đủ từ 18 tuổi trở lên mới được chuyển giới, vì ở độ tuổi này đủ nhận thức để tự quyết định về quyền nhân thân, tự chịu trách nhiệm về năng lực hành vi dân sự của mình. Điều đó cũng phù hợp với Luật Dân sự hiện nay.

Về yêu cầu phải kiểm tra đời sống thật hoặc yêu cầu sống thử mới cho chuyển giới thì bất cập có thể thấy ngay, nếu thực hiện là phát sinh thủ tục hành chính, nhân lực kiểm tra, chi phí, thậm chí vi phạm cả luật do sống thử là quyền riêng tư của mỗi người... Cũng trong hội thảo, các yêu cầu khác như: điều kiện đối với cơ sở y tế để được can thiệp chuyển giới, bảo hiểm y tế cho cho phẫu thuật chuyển giới: được chi trả hay không và những người đã chuyển giới trước khi Luật CĐGT có hiệu lực có được pháp luật công nhận đã được đặt ra.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện chỉ có 3 cơ sở được xem xét về giới tính: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng chưa có cơ sở nào được phép thực hiện phẫu thuật CĐGT. Việc cho phép cơ sở nào được thực hiện CĐGT, các đại biểu cho rằng, cần có quy định cụ thể để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người CĐGT. Do đó, việc công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện CĐGT trước ngày Luật CĐGT có hiệu lực cần được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở các cơ sở y tế được phép phẫu thuật chuyển giới phải có giấy xác nhận đã thực hiện CĐGT, tức là phải thực hiện được cả nội khoa và ngoại khoa, không phân biệt công hay tư. Khi có luật cho chuyển giới sẽ có tiêu chuẩn xác định chuyển giới, do bệnh viện quyết định. Việc sử dụng hoóc-môn phải trong danh mục, có bác sĩ khám, theo dõi và kê đơn.

Về bảo hiểm y tế, hội thảo khẳng định ngay không chi trả cho việc chuyển giới vì người muốn chuyển giới không phải là người bệnh.

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội. Nếu sớm được đưa vào chương trình của Quốc hội, lộ trình đến năm 2019, luật sẽ được xem xét thông qua.

TS Nguyễn Huy Quang: Chúng ta sẽ hướng đến những quy định mở và nhân văn trong vấn đề chuyển giới. Theo đó, sẽ công nhận chuyển giới với những người đã sử dụng hoóc-môn hoặc đã can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật ngực hoặc cơ quan sinh dục. Còn lại sẽ không công nhận, để tránh trường hợp về tâm lý chưa chuẩn, hoặc trường hợp trốn tránh trách nhiệm về pháp lý, tránh a dua, đua đòi. Việc này là phù hợp như với các nước đang thực hiện.

Nguyễn Bách