Chưa chuẩn đã phải chỉnh

08:41 | 15/11/2011

584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên thế giới, sách điện tử không còn là sản phẩm “xa lạ” với bạn đọc, nhưng với bạn đọc Việt Nam thì đây là một loại hình xuất bản mới mẻ. Thị trường sách Việt Nam hiện tại chưa có một sản phẩm “sách điện tử” theo đúng quy chuẩn.

Với tốc độ phát triển chóng mặt của Internet, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng cho sự phát triển của dòng sách điện tử (E-book). Song khi đề cập đến việc kinh doanh dòng sách này, nhiều nhà xuất bản, cũng như các doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này.

PV: Nhiều người kỳ vọng rằng, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điện tử, kỹ thuật số, thiết bị cá nhân như iphone, ipad, kindle, smartphone… sách điện tử Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Xuất bản. Theo ông, có nên kỳ vọng như vậy không?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Trong hơn hai thập niên trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) và các thiết bị kỹ thuật số hiện đại đã tác động đến mọi hoạt động của xã hội, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Các nhà xuất bản đã tận dụng sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, ứng dụng CNTT vào quy trình xuất bản sách, vì vậy sách của Việt Nam ngày càng nâng cao về chất lượng nội dung và hình thức, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế này cho thấy sự kỳ vọng trên là hoàn toàn có cơ sở, vì hiện nay bên cạnh sách in truyền thống, thị trường sách Việt Nam đã xuất hiện loại hình sách “điện tử” thông qua con đường nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện đã có một số công ty khai thác bản quyền sách đã xuất bản để đưa lên Internet hoặc đang thử nghiệm ở các dạng sử dụng khác nhau thông qua các thiết bị kỹ thuật số. Việc xuất bản sách điện tử sẽ làm phong phú, đa dạng hơn sản phẩm của ngành Xuất bản, đồng thời thu hút được đông đảo bạn đọc đến với văn hóa đọc – nhất là các bạn trẻ trong thời đại CNTT hiện nay. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để xuất bản Việt Nam phát triển và hội nhập với quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản tham dự triển lãm sách tại Nga (người ngoài cùng bên phải)

PV: Có vẻ như sách điện tử ở nước ta hiện vẫn còn rất nhỏ nhoi so với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, cũng như mặt bằng thế giới, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Gần đây có ý kiến cho rằng, văn hóa đọc bị “trầm lắng”, bị “lấn át” bởi các phương tiện nghe nhìn… Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến cá nhân. Tôi tin rằng bạn đọc Việt Nam ở mọi lứa tuổi đều yêu thích sách. Vì vậy, việc nghiên cứu, đầu tư chuyển giao công nghệ xuất bản sách điện tử đối với các nhà xuất bản được đặt ra tại thời điểm này tuy hơi muộn so với sự phát triển của xã hội nhưng cần thiết trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế của ngành Xuất bản Việt Nam với thế giới.

Trên thế giới, sách điện tử không còn là sản phẩm “xa lạ” với bạn đọc, nhưng với bạn đọc Việt Nam thì đây là một loại hình xuất bản mới mẻ. Thị trường sách Việt Nam hiện tại chưa có một sản phẩm “sách điện tử” theo đúng quy chuẩn. Nguyên nhân là bởi, chúng ta vẫn chưa lường hết được tốc độ phát triển của Internet. Tuy nhiên, loại hình xuất bản sách điện tử đang là một tiềm năng lớn, nếu khai thác tốt tiềm năng này thì thị trường sách Việt Nam sẽ có sự đổi mới toàn diện hơn trong tương lai gần.

PV: Thưa ông, nhìn ở khía cạnh khác, phải chăng nhiều doanh nghiệp và các nhà xuất bản chưa nhập cuộc với sách điện tử vì ngại các vấn đề liên quan tới bản quyền?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Vấn đề bản quyền cũng chỉ là một yếu tố, chứ chưa phải là điều quyết định đến việc phát triển sách điện tử ở Việt Nam. Vì xuất bản sách điện tử đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trước hết phải có một dây chuyền công nghệ hiện đại; đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành chất lượng cao; phải thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật có liên quan… Để đạt được điều này, các nhà xuất bản cần phải có một lộ trình chuẩn bị thật kỹ lưỡng, không thể vội vàng. Mặt khác, giá thành của sách điện tử cũng là một vấn đề, vì ngoài việc truy cập qua mạng Internet thì bạn đọc còn có thể sử dụng nhiều thiết bị đọc khác nhau như: iphone, ipad, kindle, smartphone… thậm chí đọc trên điện thoại di động. Những thiết bị đọc hiện đại này liên quan đến kinh phí mà bạn đọc phải bỏ ra để mua nó. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam còn hạn chế, việc đầu tư khoảng gần hai triệu đồng để mua một cuốn sách điện tử, đối với bạn đọc như hiện nay chưa phải là nhu cầu cấp thiết.

PV: Ở góc độ quản lý, Cục Xuất bản sẽ có kế hoạch gì để tạo điều kiện cho sách điện tử phát triển, tiến kịp với sự phát triển của CNTT và nhu cầu đọc sách trên Internet?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Việc phát triển của sách điện tử đã được Cục Xuất bản dự báo cách đây 10 năm, và Luật Xuất bản năm 2004 cũng đã có những quy định về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay 64 nhà xuất bản trên toàn quốc chưa có nhà xuất bản nào đăng ký kế hoạch xuất bản sách điện tử, và cũng chưa có một cơ sở phát hành nào báo cáo với Cục Xuất bản về việc thực hiện phát hành xuất bản phẩm trên mạng. Để thúc đẩy việc xuất bản sách điện tử phát triển, Cục Xuất bản đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các văn bản pháp quy về quản lý xuất bản, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet và các thiết bị số. Bên cạnh đó, tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Xuất bản, In, Phát hành sách đến năm 2020, Quỹ hộ trợ Xuất bản Việt Nam, thì đây chính là điều kiện thuận lợi để có thể đầu tư, hỗ trợ cho các nhà xuất bản phát triển việc xuất bản sách điện tử một cách hiệu quả.

PV: Vậy thì bạn đọc trong nước nên hiểu và đợi chờ thế nào với tương lai của sách điện tử ở Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Hiện nay, với sự phát triển mạnh của CNTT, bạn đọc có thể tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin trên mạng một cách nhanh chóng và cũng đang có nhiều cách hiểu khác nhau “về sách điện tử” và “xuất bản sách điện tử”. Theo quy định của Luật Xuất bản thì việc xuất bản trên mạng thông tin máy tính phải do nhà xuất bản thực hiện và phải thực hiện đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục Xuất bản theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã xuất hiện nhiều dạng truy cập để đọc sách, đây chỉ được coi như là những tập tin đính kèm dưới dạng cung cấp thông tin chứ không phải là sách điện tử. Mong rằng bạn đọc khi sử dụng những dịch vụ này cần có sự lựa chọn cẩn thận, vì bên cạnh những thông tin hữu ích cũng không thiếu những thông tin có nội dung không phù hợp và có những trang tin vi phạm bản quyền, hoạt động không đúng với các quy định của pháp luật. Trong khi xuất bản sách điện tử của chúng ta chưa phát triển, nếu bạn đọc có nhu cầu sử dụng những thông tin về sách dưới dạng truy cập thì có thể liên hệ với Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh để đăng ký sử dụng dịch vụ này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Gia An