Đề xuất phá sóng viễn thông tại các điểm in sao đề thi:

Chống tiêu cực kiểu... cực đoan

07:07 | 14/05/2015

813 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phía đơn vị quản lý giáo dục nhận định việc áp dụng biện pháp phá sóng tại các điểm in, sao đề thi sẽ đảm bảo kỳ thi quốc gia được an toàn hơn, chặn đứng hiện tượng lộ đề thi. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu chính sách, phản biện giáo dục thì cho rằng đây là tư duy chống tiêu cực mang nặng tính cực đoan, chẳng khác gì dùng “dao mổ trâu để giết gà”?

Năng lượng Mới số 420

“Sáng kiến mới” chống lọt đề

Thời điểm tháng 12-2014, ngành giáo dục cả nước xôn xao khi 20.000 bài thi học kỳ I môn tiếng Anh lớp 12 của 54 trường THPT thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk phải hủy do lộ đề. Sau đó, tỉnh này đã phải tổ chức thi lại.

Trước đó, từ ngày 16 đến 19-12, Sở tổ chức thi học kỳ I (năm học 2014-2015) cho học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh. 8 môn trong kỳ thi này là 8 môn sẽ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, gồm 4 môn thi tự luận Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và 4 môn thi trắc nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh. Trong đó hai môn thi Lịch sử và tiếng Anh diễn ra cuối cùng.

Có thực sự cần thiết?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Đến sáng 19-12, khi kết thúc hai môn thi này, Sở nghe phong thanh thông tin đề thi môn tiếng Anh bị lộ. Ngay lập tức lãnh đạo Sở thành lập các đoàn đi kiểm tra, xác minh và thấy bằng chứng là đáp án môn tiếng Anh lộ trước giờ thi. Ngoài ra, khi căn cứ vào kết quả bài thi cho thấy số lượng học sinh đạt điểm trung bình rất cao, đặc biệt số học sinh đạt điểm giỏi (từ 8-10 điểm) cao bất thường.

Vì vậy, lãnh đạo Sở quyết định hủy kết quả môn thi, tổ chức thi lại bằng đề dự bị nhằm đảm bảo sự nghiêm túc và công bằng cho các học sinh khác. Được biết, sau quá trình kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng thấy có việc lan truyền đề thi qua file, tin nhắn bằng điện thoại di động.

Trước thực trạng lộ, lọt đề thi, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó đề xuất phá sóng viễn thông tại các điểm in sao đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội được đánh giá là “sáng kiến mới”. Theo quan điểm của Giám đốc Sở Nguyễn Hữu Độ, tại mỗi điểm in sao đề thi, với công nghệ hiện giờ chỉ cần “ấn enter” là có thể gửi được đề ra ngoài. Do đó, nếu có công nghệ phá sóng sẽ đảm bảo an ninh hơn tại kỳ thi quốc gia 2015.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Đây là đề xuất đúng đắn, hợp logic. Đề nghị áp dụng biện pháp phá sóng tại các điểm in, sao đề thi ở Hà Nội là hoàn toàn hợp lý. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ đem lại hiệu ứng tích cực trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại kỳ thi quốc gia sắp tới”.

Ông Nghĩa cũng lưu ý, để kiến nghị này được thông qua cần phải có phương án, báo cáo cụ thể đến các đơn vị quản lý, đơn vị có liên quan.

“Đây chỉ mới là đề xuất chứ chưa được thông qua. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, nếu biện pháp này được áp dụng, có ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực in, sao đề thi hay không? Tuy đây là biện pháp đơn giản, nhưng việc triển khai được hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật đi kèm và phải có phương án báo cáo cụ thể…”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đừng quá lạm dụng vào máy móc

Dù đánh giá cao đề xuất trên, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp này mang nặng tính cực đoan và chỉ có tính tạm bợ. Bởi các thiết bị phá sóng chủ yếu sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng. Nếu phương án này được sử dụng vào mục đích dân sự (thi cử) ít nhiều sẽ gây ra tốn kém, phiền phức chẳng khác gì dùng “dao mổ trâu để giết gà”.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, từ đề xuất trên có thể thấy công tác điều hành thi cho đến thanh tra, giám sát, xử lý sai phạm của giám thị và thí sinh đang có vấn đề.

Có thực sự cần thiết?

Đề xuất phá sóng viễn thông tại các điểm in sao đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi (ảnh minh họa)

“Chúng ta hoàn toàn có cách thức khác để kiểm tra, giám sát con người thực hiện công việc này. Tôi thấy, chúng ta đang hơi lạm dụng công nghệ trong các kỳ thi. Điển hình như việc cho học sinh mang cả thiết bị ghi hình (đảm bảo không truyền được ra ngoài) vào phòng thi… để chống tiêu cực. Đi thi mà lại mang cả máy quay phim theo thì tôi nghĩ quá là lộn xộn! Và tại sao chỉ riêng Hà Nội đưa ra đề nghị sử dụng thiết bị phá sóng tại khu vực in sao đề thi?”, PGS.TS Văn Như Cương nói.

Cùng bàn về đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý xã hội học Việt Nam cho rằng, việc đề nghị đặt máy phá sóng tại các điểm in, sao đề thi có thể là giải pháp mang tính kỹ thuật tình thế nhằm khắc chế những biểu hiện tiêu cực trong thi cử thông qua các phương tiện dẫn sóng hiện đại.

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, đề nghị trên dù là động thái mang tính tâm lý hay thực sự kỹ thuật cũng cần được cân nhắc vì bản chất của giáo dục và đầu tư đánh giá cần hướng đến lâu dài thay vì những định hướng quá máy móc, kỹ thuật. Nếu có cũng cần nghiên cứu việc hỗ trợ của các đơn vị khác tránh lãng phí không đáng có.

“Về lâu dài cần lưu tâm khi muốn hạn chế tiêu cực trong giáo dục đó là cần chú ý đến các cách thức giáo dục con người, đặc biệt là giáo dục lòng tự trọng cũng như tinh thần nghiêm túc trong thi cử. Cần có độ ngũ giám sát thi chuyên nghiệp và quản lý công tác coi thi thay vì cứ đầu tư cho máy móc”, chuyên gia giáo dục này nhấn mạnh.

Thảo Phượng

 

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...