Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 7/2013:

Chính sách điều hành nền kinh tế đi đúng hướng

20:21 | 30/07/2013

540 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 30/7/2013, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7/2013, công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2013.

Mặc dù những khó khăn mà nền kinh tế phải đối diện trong tháng 7 và 7 tháng năm 2013 là không nhỏ nhưng theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, nền kinh tế vẫn chuyển biến rất tích cực, đúng hướng và đạt kết quả khoá toàn diện. Đáng chú ý, theo thông tin được Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo thì tồn kho của nền kinh tế đã trở lại mức bình thường. Và theo đại diện của Chính phủ, những kết quả đó chính là cơ sở để nền kinh tế cán đích các mục tiêu đã đề ra trong năm 2013.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Chính sách điều hành nền kinh tế đi đúng hướng.

Kinh tế khởi sắc

Thông tin tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Hôm nay (ngày 30/7/2013), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2013. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều thống nhất đánh giá, trong 7 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra.

Bộ trưởng cũng đưa ra một loạt số liệu kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2013 như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,27%. So với tháng 12/2012, CPI tháng 7/2013 tăng 2,68% và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2004-2011 (cùng kỳ năm 2012 là 2,22%); Tăng trưởng tín dụng tiếp tục chuyển biến tích cực, đến 25/7/2013 ước tăng 5,02% (cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2012 tăng 1,2%). Mặt bằng lãi suất đã giảm phù hợp với tình hình lạm phát. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-9%/năm. Tín dụng tăng, lãi suất giảm cùng các biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế... đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...

Đáng chú ý, theo thông tin được đưa tại buổi họp báo là kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tính chung 7 tháng năm 2013 ước đạt 72,74 tỉ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 7 tháng năm 2013 ước đạt 73,47 tỉ USD, tăng 15%. Như vậy, nhập siêu 7 tháng đầu năm vào khoảng 733 triệu USD, bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Và theo đánh giá của Chính phủ, nhập siêu thấp đã góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đồng thời nó cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước đang đang trở lên rất rõ ràng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chuyển biến tích cực cũng là một trong những yếu tố cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế đã trở lại quỹ đạo và có tốc độ nhanh hơn. Con số tăng trưởng IIP trong tháng 7/2013 là 7%, cao hơn con số 6% tính chung trong quý II/2013 và bỏ xa con số 4,5% của quý I/2013. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/7/2013 ước tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước nhưng lại giảm mạnh so với mức 9,7% tại thời điểm 01/6/2013 và 21,5% tại thời điểm 01/01/2013. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển với mức tăng trưởng bán lẻ lên tới 12% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,9%)...

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì sự khởi sắc của nền kinh tế còn thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại sản xuất đều tằng và số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần. Bộ trưởng cho biết: Kết quả này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Kiên định mục tiêu, quyết tâm về đích

Mặc dù nền kinh tế đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp, nông nghiệp. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, phục hồi chậm, nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Sức mua của nền kinh tế còn yếu... Nhưng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã được đề ra từ đầu năm, trong đó kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Và để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo các Nghị quyết 01, 02 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả nhằm tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần cố gắng, nỗ lực với quyết tâm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2013. Chính sách tiền tệ, tài khóa, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, thực hiện lộ trình giá thị trường với điện, xăng dầu, than trên tinh thần công khai, minh bạch (đồng thời hỗ trợ giá điện hợp lý đối với các hộ nghèo) phải được điều hành linh hoạt, chủ động; lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát;...

Đáng chú ý, theo thông tin được Bộ trưởng Vũ Đức cho biết thì trong những tháng cuối năm 2013, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành quyết liệt đẩy nhanh hơn tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu đầu tư công; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý nợ xấu, thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn...

Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ như trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Thanh Ngọc