Chạy đua vào lớp “ngoại giao”

06:00 | 07/08/2013

2,395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với nhiều phụ huynh, việc con cái mình được học tập trong những lớp “VIP” của những trường “điểm” là điều hãnh diện và ao ước. Vì thế, nhiều người đã không tiếc tiền bạc, tận dụng tất cả các mối quan hệ để “chạy” cho con vào những lớp “ngoại giao” này…

Cần khẳng định rằng, lớp “ngoại giao”, không phải lớp dành cho học sinh giỏi, không phải là một loại lớp có trong danh mục hay được đề cập đến trong một văn bản nào của Bộ GD-ĐT và cũng không được trường nào công nhận.

Thế nhưng khi nói đến cụm từ “lớp ngoại giao” thì phụ huynh nào cũng hiểu đó là một lớp học khác biệt, dành cho những học sinh mà phụ huynh có quan hệ hoặc quen biết với nhà trường hoặc được cấp trên “gửi” xuống trường. Và một điều đáng nói là học sinh lớp ngoại giao phần nhiều là học sinh trái tuyến.

Dù là trái tuyến nhưng các học sinh này đều được xếp vào lớp tốt của trường “điểm”; thậm chí sắp xếp một lớp riêng, thầy cô giáo “chuẩn” cho những học sinh có “quan hệ” này. Đó là điều nghịch lý tại các lớp gọi là lớp… ngoại giao trong trường tiểu học tại Hà Nội.

Rất nhiều lớp "ngoại giao" đang tồn tại công khai tại các trường học ở Hà Nội.

Cuộc đua chạy cho con vào “lớp ngoại giao” vẫn chưa có điểm dừng và ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Dù mệt mỏi, khổ sở nhưng nhiều phụ huynh vẫn quyết tâm tìm một chỗ cho con mình. Lý do rất đơn giản vì trong lớp ngoại giao nhà trường thường bố trí những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy và việc đầu tư cơ sở vật chất cũng được ưu ái hơn một chút.

Thời điểm này, khi cuộc đua kết thúc, các bậc cha mẹ mới thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng đã hoàn thành mục tiêu. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi phải vận động tất cả các mối quan hệ có thể để xin cho được một suất. Nhiều gia đình cũng phải tốn tiền triệu để xin cho con được vào lớp “ngoại giao” chứ không phải chỉ có quan hệ là được”.

Chị Trần Khánh Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị có con trai mới vào cấp 1 nên gia đình rất mong muốn cháu được học ở trường điểm T.C A. Chị chia sẻ: “Mỗi suất trái tuyến xin vào lớp “ngoại giao” này đều mất hơn 1000 USD (tương đương 23 triệu), trong đó bao chưa tính tiền quà cáp cho các cô giáo chủ nhiệm. Hầu hết các cháu xin vào lớp này đều là con cháu của Hiệu trưởng, Hiệu phó hay con cháu của cán bộ lãnh đạo của các Sở, Ngành …”.

Chị cũng phải tận dụng mọi mối quan hệ để có được một “suất” cho con với hi vọng con mình sẽ được học thầy cô “xịn” trong trường “điểm”.

Chị cho biết thêm, mỗi khối lớp chỉ có 1 lớp “ngoại giao”, các cháu được chọn từ lớp 1 và sẽ theo lên hết lớp 5. Các thầy, cô giáo dạy lớp này cũng được tuyển chọn rất kỹ, phải là giáo viên dạy giỏi, lâu năm trong nghề. Mỗi lần họp phụ huynh, các phụ huynh thường phải đóng 700- 1 triệu/học sinh tiền quỹ lớp, các khoản xây dựng trường là 2.5 triệu/học sinh, trong khi học sinh đúng tuyến chỉ là vài trăm nghìn.

Ngoài ra, chị Trang còn chia sẻ, quà cáp cho mỗi dịp lễ tết cho cô giáo chủ nhiệm lớp “ngoại giao” này không chỉ là hộp bánh, chai rượu thông thường … mà là yến sào, vi cá, thậm chí là điện thoại Iphone, Ipad đắt tiền.

Tồn tại lớp "ngoại giao" là sự bất công giáo dục

Mặc dù quy định xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở các cấp học được ban hành từ nhiều năm qua nhưng các “lớp chọn” vẫn tồn tại gần như công khai. Ở nhiều trường, lớp chọn chính là lớp vừa để dành cho HS giỏi, vừa cho con em của những mối quan hệ “ngoại giao” nên là lớp tốt nhất của khối.

Chị Trần Mai Ngọc, có con học trường tiểu học T.A cho biết: “Quay cuồng cho con vào lớp ngoại giao bằng mọi giá. Nhưng vào rồi mới biết sức ép học hành rất lớn. Sáng con học ở trường, chiều học thêm ở nhà cô, tối về lại phải làm bài tập hôm nào cũng đến 11h đêm mới xong. Thứ bảy, chủ nhật cũng đi học thêm. Nhiều lúc rất thương con nhưng các cô yêu cầu thế, cũng muốn chất lượng học sinh tốt nhất trường nên là cha mẹ, mình không thể không theo”.

Vì học thêm liên tục nên tháng nào nhà chị cũng phải chi từ 1-1,5 triệu tiền học thêm cho con. Chưa kể các khoản đóng góp khác cũng trội hơn các lớp bình thường. “Đâm lao phải theo lao”, dù tốn kém nhưng tất cả các gia đình đều phải chấp nhận.

Việc tồn tại lớp "ngoại giao" dẫn tới sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Đã từ lâu, Sở GD-ĐT Hà Nội có quy định 100% các cháu ở lứa tuổi tiểu học đều đảm bảo được vào các trường công lập trên địa bàn, nếu trường nào xét hết đúng tuyến rồi nhưng vẫn còn chỗ ngồi thì có thể xem xét thêm. Thế nhưng có một thực tế là nhiều khi học sinh đúng tuyến phụ huynh phải xếp hàng mua đơn, còn học sinh trái tuyến thì ngang nhiên được tuyển vào, thậm chí là vào lớp chọn vì có “quan hệ”. Nhiều giáo viên, cán bộ quận, phường không hề có con vào học nhưng vẫn nhận là con cháu để xin vào và “đút túi” hàng nghìn USD.

Lâu nay việc tồn tại lớp “ngoại giao” trong trường tiểu học vẫn được nhìn nhận như là một sự bất công. Học sinh đúng tuyến thì không được vào lớp có cô dạy tốt nhất. Còn học sinh trái tuyến thì nghiễm nhiên được học lớp “chọn”.

Ở lứa tuổi mới bắt đầu cắp sách tới trường nhưng giữa các em đã không có sự công bằng bắt nguồn từ việc chạy chọt, sắp xếp của người lớn mà ở đây là phụ huynh, ban giám hiệu… Chừng nào còn có sự ưu tiên cho con em trong ngành, ưu tiên cho những suất ngoại giao thì chừng đó còn tồn tại những bất công, nghịch lý.

Khánh An