"Cặp sách" và "bí kíp"

07:00 | 21/09/2013

|
Bạn đọc: Hồi đầu tháng 9 (2013), tôi thấy Quang Nguyễn đã gởi đến Facebook của ông An Chi ý kiến của huongho về chữ thứ 3 trong câu Kiều thứ 278. Đây là ý kiến mà huongho đã đưa lên forum của Viện Việt - Học ngày 2/5/2013. Huongho cho biết, GS Nguyễn Tài Cẩn đã đọc chữ này thành “cặp” còn mình thì cho là phải đọc thành “tráp” mới hợp lý. Ông An Chi đã có trả lời vắn tắt. Nhưng chắc là vì trên Facebook, ông không tiện nói chi tiết nên tôi cũng chưa thấy thỏa mãn. Vậy xin mạn phép đề nghị ông nói rõ thêm trên PetroTimes nhận xét của mình về ý kiến của GS Nguyễn Tài Cẩn cũng như của huongho. Nhân tiện, vì huongho có nhắc đến chữ “níp” nên tôi xin hỏi luôn về một chữ cùng vần là “kíp” trong “bí kíp”. Vẫn biết “bí kíp” đại khái là “bí mật nhà nghề” (?) nhưng “kíp” là gì, xin ông cho biết. Xin trân trọng cảm ơn. Năm Cây Quéo (Bình Thạnh, TP HCM)

Học giả An Chi: Vì vội vàng với công việc nên trên Facebook (3/9/2013), chúng tôi chỉ trả lời cho bạn Quang Nguyễn một cách vắn tắt nên xin xóa bỏ để trả lời cho “hết ý” như sau.

Huongho cho biết câu 278 viết Nôm là: 襊弹扱册提携扽 đã được đọc thành “Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang” trong Tư liệu Truyện Kiều - Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh do Nguyễn Tài Cẩn biên tập (NXB Giáo dục, 2008). Về chữ [扱, huongho cho biết tại chú thích số 278, tr.394, Nguyễn Tài Cẩn viết:

“Có thể đọc TRÁP theo Hán Việt hoặc đọc CẶP theo Nôm, nhưng vì TRÁP xưa không dùng để đựng sách, nên phải chọn CẶP. Chữ này cũng có thể đọc với âm CẮP nhưng dùng ở văn cảnh này không phù hợp”.

Cái lý do “xưa không dùng để đựng sách” của Nguyễn Tài Cẩn đã bị huongho bài bác, nguyên văn như sau:

“1. Trước khi cụ Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) ra đời, cái TRÁP là đồ đựng sách vở của học trò. Bằng chứng:

“- Tráp đen này có phải của anh không? - Bẩm, phải; tráp này là tráp học tôi, tôi đựng vở, sách nho (Cố Bản, Cố Ân - Manuel de conversation franco-tonkinois: Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam, Kẻ Sở, 1889, tr.304)”.

“2. Trước khi các ông Tây bà Đầm qua thực dân xứ An Nam, đồ đựng sách vở của học trò được gọi là cái TRÁP, cái NÍP chứ không hề được gọi là cái CẶP bao giờ cả. Bằng chứng:

“Từ cố đạo De Rhodes cho đến P. Của trở về trước, tự vị do các vị này biên soạn, không hề có chứa đựng từ ghép CẶP SÁCH (với cái nghĩa: đồ đựng sách vở) bao giờ cả (…)”.

Thực ra, có lẽ vì huongho muốn “làm oai” bằng sách vở Công giáo chứ chỉ cần giở Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức ra  xem thì ta sẽ thấy “tráp” được giảng là “hộp lớn vuông chữ nhật, có ngăn, có nắp, dùng để đựng giấy - má hay các đồ vật”. Và cũng rất may là qua lời giảng này, ta thấy được “tráp” hiển nhiên không phải là một vật dụng dành riêng cho việc đựng sách vở của học trò. Các “bà già trầu”, chẳng hạn, cũng có thể dùng tráp để đựng trầu và người ta gọi đó là cái “tráp trầu”. Huongho đã lập luận một cách dễ dãi và lỏng lẻo chỉ bằng một thí dụ đơn giản lấy từ sách dạy nói của hai ông cố. Như vậy thì, liên quan đến cái tráp, cả Nguyễn Tài Cẩn lẫn huongho đều sai.

Huongho cũng đã hoàn toàn sai khi chỉ dựa vào từ điển của Công giáo để phủ nhận sự tồn tại của danh từ “cặp (sách)” trong tiếng Việt. Đâu phải hễ từ nào mà mấy ông cố đạo và các tác giả Công giáo không ghi nhận thì nó không hề có mặt ở trên đời. Ta cần biết một đặc điểm quan trọng của từ điển liên quan đến tiếng Việt bên Công giáo là quyển sau thừa hưởng một cách trung thành những kết quả ghi nhận của quyển trước để phát triển thêm, từ A. de Rhodes (1651) đến Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-1773), J.L. Taberd (1838), Legrand de La Liraye (1868, 1874), M.A. Caspar (1877), Huình-Tịnh Paulus Của (1895-1896), J.F.M. Génibrel (1898), v.v... A. de Rhodes không ghi nhận “cặp (sách)” nên một loạt từ điển có sau bên Công giáo cũng không ghi nhận nó mặc dù chắc chắn danh từ này đã có mặt trên đời trước khi cố đạo A. de Rhodes (1591-1660) ra đời. Dù có bổ ích cho Việt ngữ học đến đâu thì Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes bất quá cũng chỉ là một quyển từ vựng nhỏ mà thôi nên nó đâu có thể ghi nhận hết mọi từ của tiếng Việt. Cái cặp sách thực ra đã tồn tại từ xưa, như một dụng cụ hữu ích cho nhà nho và học trò. Nó đã được Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức tả là “miếng gỗ vuông đóng hai cái quai gỗ để treo sách lên”. Trong Từ điển Truyện Kiều (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh giảng là “cái khung gồm hai thanh đứng để kẹp chồng sách ở giữa mà treo lên hay mang đi cho tiện”. Còn Từ điển từ cổ của Vương Lộc (Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001) thì giảng là “đồ dùng gồm một đế gỗ đóng vào hai khung gỗ, để đựng sách”. Gần đây hơn nữa, riêng cái chữ “cặp” cũng đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng Vietlex, 2007) giảng là “đồ dùng để đựng sách thời trước, gồm một đế gỗ đóng vào hai khung gỗ”.

Rõ ràng là cái cặp sách đã tồn tại “bằng xương bằng thịt” hẳn hoi tại nước Đại Việt, không những “trước khi các ông Tây bà Đầm qua thực dân xứ An Nam”, mà có lẽ còn trước cả khi mấy ông cố đạo đến đó để “truyền giáo” nữa. Thế là, cùng với túi đàn, cái mà Kim Trọng “đề huề dọn sang” nhà Ngô Việt thương gia đích thị là cái này (… chứ đâu phải cái tráp!). Cái cặp sách là một vật dụng quen thuộc với nhà nho từ bao đời bỗng chốc đã bị huongho cả tin (hay chỉ tin?) vào từ điển của mấy ông cố đạo để xóa hộ khẩu khỏi từ vựng của tiếng Việt thì chẳng tội nghiệp cho nó lắm ru? Chắc huongho hoàn toàn không biết đến cái cặp sách này mà chỉ biết có cái cặp kiểu “cartable” của các ông Tây bà đầm nên mới khẳng định một cách vô căn cứ như thế. Nhưng xin thưa rằng chính nó đã lấn sân mà “hất cẳng” cái âm tiết “các/cạc” trong “các-táp/cạc-táp” (< cartable) để biến cái từ phiên âm từ tiếng Tây này thành “cặp táp” đấy. Đây là chuyện đan xen hình thức (croisement de formes) mà chúng tôi từng nói đến tại chuyên mục này.

“Cặp” trong “cặp sách” là một từ Việt gốc Hán nhưng chúng tôi xin khẳng định ngay rằng, trong thực tế, nó không có liên quan gì về từ nguyên với từ Hán Việt “tráp” [笈], cũng đọc là CẬP. CẬP và CẶP hiển nhiên là láng giềng sát nách về mặt ngữ âm. Nhưng về từ nguyên học thì J. Vendryes đã dạy một cách chí lý rằng “Tous les sosies ne sont pas des parents” (Không phải những kẻ giống hệt nhau đều là bà con với nhau). “Cập” [笈] là một thứ hòm (rương) nhỏ, đương nhiên là một thứ đồ đựng có nắp. Tiếc rằng đây lại không phải là nét nghĩa đặc trưng của “cặp (sách)”. Cái nét nghĩa đặc trưng của “cặp” ở đây là “hai cái quai gỗ” (Khai trí Tiến đức), “hai thanh đứng để kẹp” (Đào Duy Anh), “[đế gỗ đóng vào] hai khung gỗ”(Vương Lộc, Hoàng Phê). Nét nghĩa này chỉ có thể do chữ “giáp” [夾] mà ra.

Tại nghĩa 5 của chữ “giáp” [夾], Từ nguyên, bản cũ, giảng : “Kiềm vật chi cụ viết giáp” [箝物之具曰夾], nghĩa là “dụng cụ để kẹp đồ vật gọi là giáp”. Vậy “giáp” [夾] là cái kẹp, cái cặp; và cái “cặp” tổng quát này chỉ là một với “cặp” trong “cặp sách”, “cặp tóc”, “cặp ba lá”, v.v.. Xin nhớ rằng, ngay từ bên Tàu, “giáp” [夾] đã có thể được dùng như danh từ hoặc tính từ nhưng bao giờ cũng thấp thoáng và lởn vởn trong nội dung của nó cái nét nghĩa tổng quát là “ép vào từ hai bên”. Cái cặp sách là cái vật dụng mà người ta dùng để lèn sách vào lòng nó, giữa “hai cái quai gỗ”, “hai thanh đứng để kẹp”, “hai khung gỗ”; đặc điểm này của việc sử dụng cái cặp sách đã thể hiện rõ mồn một cái nét nghĩa “ép vào từ hai bên”. Không còn nghi ngờ gì nữa, về mặt ngữ nghĩa, “cặp” trong “cặp sách” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [夾], mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “giáp”, có nghĩa gốc là cái kẹp.

Còn về ngữ âm thì sao? Thì cũng chẳng khó khăn gì để chứng minh mối quan hệ từ nguyên giữa “cặp” và “giáp” thông qua mối quan hệ C ↔ GI. Thực ra thì, ở đây, C[k] là tiền thân của GI: “can” (ngăn) là tiền thân của “gián” trong “can gián”; “cả” trong “giá cả” là tiền thân của “giá” trong “giá trị”; “cai” trong “cai nghiện” là tiền thân của chữ “giới” [戒] (= giữ sự chay tịnh); v.v... Về (nguyên) âm chính thì từ A của “giáp” sang Ă của “cặp”, chỉ có một bước nhỏ. Cuối cùng thì thanh điệu 5 (dấu sắc) của “giáp” và thanh điệu 6 (dấu nặng) của “cặp” đều bắt nguồn từ khứ thanh trong âm vận học Trung Hoa. Sau đây là một dẫn chứng lý thú: “biết” trong  “hiểu biết” là điệp thức của “biệt” trong  “phân biệt”.

Tóm lại, theo chúng tôi thì câu Kiều thứ 278 vẫn cứ là “Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang”. Chữ “tráp” không có vai trò gì ở đây.

Bây giờ xin nói về hai chữ “bí kíp”. Ở trên mạng thì đầy, chứng tỏ nó có tần số cao nhưng những quyển từ điển quen thuộc và thông dụng thì không ghi nhận danh ngữ này: Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Tự điển Việt Nam của Ban tu thư Khai Trí, Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, v.v...

Đặc biệt trên Wikipedia (tính đến ngày 16/9/2013), tại mục “Thảo luận: Bí kíp luyện rồng” do Vietuy đưa lên ngày 6/5/2010, tác giả này viết: “Bí kíp là cái gì? Tiếng Việt chuẩn làm gì có từ này? Phải là BÍ QUYẾT chứ. Wiki không thể dùng ngôn ngữ “báo lá cải” như vậy.”

Thật ra thì “bí kíp” là một danh ngữ đàng hoàng, nghiêm chỉnh, “văn minh”, lưu truyền tự ngày xưa và là một đơn vị từ vựng độc lập, không có liên quan gì về nguồn gốc với danh ngữ “bí quyết”, càng không phải là một biến thể trẹo trọ của danh ngữ này. Các từ điển gia không ghi nhận nó không biết có phải cũng vì quan niệm sai lầm như Vietuy hay không.

“Bí kíp” là một danh ngữ tiếng Hán mà Hán tự là [秘笈], đọc theo âm Hán Việt hiện đại là “bí cấp”. Chữ [笈] cũng đọc là “kiếp” hoặc “tráp”. Ở đây, chúng tôi theo thiên hướng chung, chẳng hạn của Nguyễn Văn Khôn, mà đọc chữ này theo thanh 5 thành “cấp”, “kiếp”; lẽ ra nó phải được đọc theo thanh 6 thành “cập”, “kiệp”. Và chúng tôi theo thanh phù “cập” [及] mà đọc thành “cấp” (chứ không chọn âm “kiếp”). “Kíp” là âm rất xưa của chữ “cấp” [笈] vì trong hệ thống Hán Việt và trong mối quan hệ lịch sử “tay đôi” giữa I và Â thì I xưa hơn: “in” xưa hơn “ấn” trong “ấn loát”; “kim” là âm rất xưa của hai chữ [今], [金], nay lẽ ra phải đọc là “câm”; “mịt” trong “mù mịt” xưa hơn “mật” trong “trù mật”; “nhịn” trong “nhường nhịn” xưa hơn “nhẫn” trong “nhẫn nhục”; “nhịt” là âm xưa của “nhật”, còn ghi lại trong Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes; v.v..

“Bí kíp”, còn gọi là “bí tịch” [秘籍] hoặc “mật kỹ” [密技], là một thuật ngữ nay thường thấy xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp. Nó có cấu trúc cú pháp “định ngữ + (danh từ) bị định ngữ” giống với “cẩm nang”, trong đó bị định ngữ là một danh từ chỉ đồ dùng để chứa đựng (“nang” là túi, “cấp/kíp” là hòm, rương). “Bí kíp”, theo nghĩa đen, là cái hòm chứa những đồ vật bí mật. Vậy ta không nên vì không biết mà xếp nó vào hàng ngôn ngữ của báo lá cải, cũng như ngoảnh mặt làm ngơ khi chọn mục từ cho từ điển.

A.C