10 năm cuối đời của Giang Thanh

14:36 | 14/05/2015

22,734 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13-5-1966 trong Đại Cách mạng văn hóa, Bộ Chính trị đã họp. Trong hội nghị này đã vạch ra đường lối đấu tranh mới. Giang Thanh được lãnh sứ mệnh với quyền lực to lớn - người phụ trách tổ lãnh đạo Cách mạng văn hóa Trung Quốc.

Cuộc tự sát đầy bí ẩn

Ngày 13-5-1991, khi ở Tử Tiên Kiều, Giang Thanh sốt liên miên không dứt, nên đã được đưa tới bệnh viện của công an. Cũng như mọi bệnh nhân khác, Giang Thanh cũng phải ghi tên vào phiếu nhập viện. Song lần này bà ta lấy tên là “Lý nhuận Thanh”. Điều đó, một lần nữa chứng tỏ rằng bà ta vô cùng hoài niệm mối tình vợ chồng với Mao. “Nhuận” là tên của Mao Trạch Đông thời trai trẻ. “Lý” là họ của Giang Thanh, còn “Thanh”  thì như đã biết, là tên của Giang Thanh do Mao Trạch Đông đặt cho.

Ngày 18-3, cơn sốt cấp của Giang Thanh đã lui, người gầy rộc đi, Bà ta được chuyển tới một gian buồng bệnh có 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm và tủ để đồ.

Bác sĩ nhiều lần đề nghị phẫu thuật họng cho Giang Thanh, song bà ta đều cự tuyệt và còn khinh miệt nói: “Tôi không tin các người lại dám không cẩn trọng đối với một chiến sĩ cách mạng vô sản”.

Giữa lúc sức khỏe ngày càng suy giảm, Giang Thanh lại càng nhớ tới Mao Trạch Đông. Bên chiếc gối của bà ta còn lưu giữ vết tay ông, trên áo bà ta mặc đeo huy hiệu hình ảnh Mao Chủ tịch. Trên chiếc tủ ở đầu giường đặt bức ảnh chụp chung Giang Thanh và Mao Trạch Đông đang dạo bước ở Trung Nam Hải. Mỗi buổi sớm mai, khi một ngày mới bắt đầu, bà ta đều đọc, ngắm những bài thơ trong “Tuyển tập Mao Trạch Đông”.

Mỗi lần tiết thanh minh tới, bà ta yêu cầu được tới Nhà tưởng niệm của Mao Trạch Đông ở Thiên An Môn và yêu cầu cho phép Lý Nạp mang một cuộn giấy trắng vào bệnh viện để bà có thể làm cho Mao một vòng hoa. Song hai yêu cầu trên đều bị khước từ.

10 năm cuối đời của Giang Thanh

Giang Thanh thời còn là diễn viên

Giang Thanh nghĩ, cần phải tranh thủ thời gian viết một cuốn hồi ký về mình. Mỗi buổi sớm, sau khi đọc xong sách của Mao, bà ta đều ngồi vào chiếc bàn nhỏ, tay đã cầm sẵn giấy và bút. Lúc hứng lên, để sửa lại những ghi chép, bà ta còn xin ý kiến góp ý của các y tá về một tựa đề bản thảo mà mình đang viết “Người chiến sĩ trung thành của Mao Chủ tịch” được chứ? - Bà ta hỏi các cô y tá. Hoặc “Hiến dâng trọn đời cho tư tưởng Mao Trạch Đông”, được chứ? Bà ta còn nghĩ ra những tựa đề đầy khiêu khích: “Đả đảo chủ nghĩa xét lại, xây dựng thế giới mới”.

Ngày 10-5, trước đám đông, Giang Thanh xé hết những bản thảo của mình và đòi hỏi trở về nơi ở của mình ở Tửu Tiên Kiều. Cử chỉ đó khiến mọi người xung quanh hết sức kinh ngạc. Song không cho phép bà ta làm như thế. Ngày 12-5, thấy tình hình Giang Thanh như vậy, Lý Nạp và chồng đã vào bệnh viện thăm, nhưng Giang Thanh cự tuyệt không cho gặp. Ngày 13-5, trên một vị trí trang đầu tờ “Nhân dân nhật báo”, bà ta viết loằng ngoằng mấy chữ “Một ngày đáng được ghi nhớ trong lịch sử”.

Quả thế, ngày này của 25 năm về trước, ngày 13-5-1966 trong Đại Cách mạng văn hóa, Bộ Chính trị đã họp. Trong hội nghị này đã vạch ra đường lối đấu tranh mới. Giang Thanh được lãnh sứ mệnh với quyền lực to lớn - người phụ trách tổ lãnh đạo Cách mạng văn hóa Trung Quốc.

10 năm cuối đời của Giang Thanh

Giang Thanh phụ trách tổ lãnh đạo Cách mạng văn hóa Trung Quốc

Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 14-5, y tá rời phòng ngủ của Giang Thanh. Vào khoảng 3 giờ, với dáng vẻ yếu đuối và tuyệt vọng, Giang Thanh bò từ phòng ngủ tới toa-lét. Bà ta dùng mấy chiếc khăn tay bện thành chiếc thừng thòng lọng, rồi quẳng vào giá sắt phía trên bồn tắm. Giang Thanh dùng chăn, gối kê ở phía dưới để mình có thể cao bằng nút buộc. Bà ta chui đầu vào thòng lọng, rồi đá bung chăn gối kê ở dưới chân… 3 giờ 30 phút, một cô y tá bước vào, phát hiện bà đang treo trên bồn tắm. Các y tá và bác sĩ vội vàng chạy tới, song tất cả đều đã muộn. Người đàn bà đã từng là diễn viên, là nhà chính trị, ngôi sao nghệ thuật và là vợ Mao Trạch Đông đã chết ở tuổi 77. Thi thể của Giang Thanh nặng 47kg, hao 1 kg so với ngày 15-3 khi vào bệnh viện.

Chiều hôm đó, được tin Lý Nạp đã tới bệnh viện ký vào giấy báo tử. Không biết do ý của Lý Nạp hay do sự gợi ý của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lý Nạp đã đồng ý không tổ chức bất kỳ một kiểu tang lễ nào. Sau đó 3 ngày, thi thể Giang Thanh đã được hỏa táng. Hôm đó Lý Nạp không có mặt. Lý Nạp yêu cầu chuyển hộp tro xương cho mình. Lúc ấy, cả nước và thế giới đều không hay biết gì về cái chết của Giang Thanh.

Đầu tháng 6-1991, Tuần báo “Thời đại” đã báo tin này với toàn thể thế giới. Tuần báo “Thời đại” nói, theo nguồn tin Bắc Kinh, ngày 1-6 không đề rõ tên tuổi, Giang Thanh đã thắt cổ tự tử. Nguyên nhân tự sát do ung thư vòm họng. Sau đó mấy ngày, vào khoảng 11 giờ đêm 4-6-1991 Chính phủ Trung Quốc đã xác nhận nội dung chủ yếu của tin báo “Thời đại”. Toàn văn thông báo như sau:

“Theo tin “Tân hoa xã” Bắc Kinh ngày 4-6, Giang Thanh, thủ phạm vụ án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh, trong thời gian chữa bệnh tại ngoại, sáng sớm ngày 14-5-1991 đã tự sát tại nơi ở của bà tại Bắc Kinh. Tại phiên tòa đặc biệt Tòa án Nhân dân tối cao, tháng 1-1981, Giang Thanh đã bị kết án tử hình, được hoãn thi hành án trong 2 năm, bị tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời. Tháng 1-1983 được sửa thành án tù chung thân. Ngày 4-5-1984 được phép chữa bệnh tại ngoại”.

10 năm cuối đời của Giang Thanh

Giang Thanh tại phiên tòa tháng 1-1981

Thông báo không hề đề cập tới tiểu sử cuộc đời Giang Thanh, cũng không hề đề cập tới bà ta đã từng giữ các chức vụ cao, hay đã từng suốt 18 năm ròng làm Đệ nhất phu nhân - vợ Chủ tịch Mao Trạch Đông. Nếu như đám trẻ con của các trường phổ thông đọc tới mẩu tin ở một góc trang 4, đăng trên “Nhân dân nhật báo” này, chắc chúng không thể nghĩ được rằng, người đàn bà này đã từng là phu nhân của Mao Trạch Đông - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.

Nếu như các phóng viên phương tây chưa bị kích thích bởi nguồn tin của tuần báo “Thời đại”  chưa được xác nhận mà năm lần bảy lượt nêu vấn đề vận mệnh của Giang Thanh với quan chức các cấp Trung Quốc thì tin ấy có lẽ chẳng bao giờ dược công bố rộng rãi.

Giả dụ, Chính phủ Trung Quốc có quyết định kéo dài mấy tuần mới công bố tin về cái chết của Giang Thanh thì đó vừa là nguyên nhân chính trị, vừa xét tới cả nhu cầu thực tế. Ngoài ra cũng còn một nguyên nhân nữa, như một tờ báo Hồng Công dẫn nguồn tin từ Bộ Công an nói rằng, cũng cần phải điều tra xem cái chết của  Giang Thanh là do tự sát hay do một nguyên nhân nào khác. Tờ báo đó viết: “Một quan chức cao cấp trung chính phủ nói, không được công bố tin này trước khi chưa kết thúc điều tra”.

Theo tin các nhà chức trách công bố cho biết, từ 4-5-1984, Giang Thanh  Vẫn điều trị tại ngoại. Sự thật là ba tháng sau đó - người phát ngôn Bộ Tư pháp nói đầu năm nay Giang Thanh đề xuất muốn được hưởng chế độ giam lỏng nhưng đã bị bác bỏ.

Năm 1988, các  cơ quan thông tin đại chúng vẫn nêu việc Giang Thanh đang ở trong tù. Tháng 1-1991, một tờ báo ở Đại Lục đưa tin về tình hình Giang Thanh gần đây nói: “Bà ta bị giam trong một gian nhỏ chừng 20m, có cửa sổ đặc biệt để có ánh sáng chiếu vào và lính gác có thể nhìn bà, còn bà nhìn ra chẳng thấy gì”. Vô luận Giang Thanh từ nhà tù tới bệnh viện, hay là giam lỏng, giữa đó có sự vòng vo chuyển đổi như thế nào không biết, nhưng nói từ ngày 4-5-1984, Giang Thanh vẫn điều trị tại ngoại là chưa đúng.

Trước đó, do quan hệ với Đường Nạp có những trục trặc, Giang Thanh đã nghĩ tới chuyện tự sát. Sau khi bị bắt tháng 9-1984, do lời thỉnh cầu được bái yết Nhà tưởng niệm Mao Chủ tịch  bị cự tuyệt, Giang Thanh đã thọc chiếc đũa vào cuống họng, song  được phát hiện kịp thời, nên đã kịp cấp cứu. Tháng 5-1986, do ở vào cảnh bất mãn, bà ta đã dùng chiếc tất tết thành chiếc thòng lọng quàng vào cổ. Bà ta làm như vậy, chắc hẳn là do tuyệt vọng, do bệnh ung thư vòm họng quái ác, do tiền đồ và hoàn cảnh mình đang sống, và do cả quan hệ giữa bà ta và con gái v.v…

Trạng thái lâm lý đó lại cùng một lúc bị sự kích thích bởi những người coi giữ và phụ trách vụ án này. Ngoài ra, Giang Thanh cũng đã chuẩn bị tinh thần để kết thúc cuộc đời mình vì “Đường lối Cách mạng của Mao Chủ tịch”. Tâm trạng tuyệt vọng, lại cộng thêm “lòng trung thành với Mao”, sự kết hợp giữa nhân tố chính trị và cá nhân đã khiến bà nhận thấy rằng, bản thân bà cũng không còn một chút tiền đồ gì nữa, nên cũng không lấy gì làm lạ, khi bà tìm đến cái chết.

Trang đầu các tờ “Nhật báo Pháp lý”, “Nhật báo kinh tế”, “Nhân dân nhật báo” và các báo chí chủ yếu khác đã đưa tin về vụ tự sát của Giang Thanh. Để thu hẹp ảnh hưởng của sự kiện này, để người Trung Quốc không cho rằng Giang Thanh là  người ủng hộ Mao từ một ý nghĩa nào đó, trong công bố về cái chết của Giang Thanh, người ta đã cố gắng tước bỏ mọi thứ có liên quan tới Mao.

Tờ “Nhật báo Giải Phóng”  của Thượng Hải, ngày 8-6 đã ra bài bình luận về cái chết của Giang Thanh. Bài báo viết: “Cuộc đời nữ quái này đã chấm hết, song không còn nghi ngờ gì nữa, cái chết tuyệt nhiên không thể chạy tội được cho bà ta”. Bài bình luận viết tiếp: “Sự thống trị tàn bạo ở thập niên 60 của Giang Thanh, khiến nhiều người coi hành động tự sát của bà ta như một kiểu kháng nghị duy nhất”. Thế nhưng, thận trọng hơn, bài bình luận nói: “Tuy nhiên, cái chết của Giang Thanh không hẳn thuộc loại này”.

10 năm cuối đời của Giang Thanh

Vợ chồng Giang Thanh - Mao Trạch Đông năm 1940

Cuộc xét xử tại tòa

Giang Thanh bị giam ở nhà tù Tần Thành. Một phạm nhân đã từng bị giam ở đã nói: “Ở đó chẳng có người, chỉ có diêm vương và u hồn”. Phạm nhân bị giam riêng rẽ, không cho gíp đánh răng, nhằm tránh ăn vỏ gíp đánh răng tự sát. Nhưng đến cuối 1977, trong cơn tuyệt vọng, Giang Thanh định kết liễu cuộc đời mình theo kiểu riêng: bà ta đập đầu vào tường. Khốn thay, tường ở phòng giam của bà ta lại có lót cao su và có ô cửa theo dõi giám sát liên tục, nên đã đập tan được ý đồ tự sát của Giang Thanh.

Giang Thanh thích ăn bánh bao, dù là bánh bao ngọt, hay mặn, hay nhân thịt bà đều thích. Một hôm, khi ăn cơm tối, Giang Thanh lấy trộm 2 chiếc bánh bao giấu vào tay áo, định để đến đêm ăn, đã bị lính gác quát: “Trả lại bánh bao, bà chỉ được lấy phần ăn bây giờ thôi”. Giang Thanh xấu hổ quá liền trả bánh bao về chỗ cũ.

Giang Thanh đã tỉnh ngộ rằng, bà ta sẽ phải đối mặt với “cuộc hội thẩm tay ba”. Một loại xét hỏi kiểu kinh kịch, mục đích là để trả thù cho những người bị hại trong Đại Cách mạng văn hóa.

Bà ta nói rõ với quan chức Viện Kiểm sát: “Hiện tôi không còn là Ủy viên Bộ Chính trị . Tôi chỉ là vợ của Mao Trạch Đông. Tôi còn một vai nữa, đó là bị cáo. Chỉ có vậy thôi”.

Sau khi viên quan chức kiểm sát đi rồi, Giang Thanh xem lướt tài liệu bà đã nhận được. Bà chú ý tới thứ tự sắp đặt “bè lũ 4 tên”; Một là Hồng Văn, hai là Trương Xuân Kiều, ba là Giang Thanh. Bà ta gọi lính gác: “Sao tôi không được là số 1”.

Năm 1979 và 1980, Trần Vân tiếp quản vụ án Giang Thanh. Nhớ lại 41 năm về trước, khi Giang Thanh ở Diên An đã tìm cách chui vào Học viện Nghệ thuật Lỗ Tấn, Trần Vân đã nói chuyện với bà ta. Tiếp đó là  Bành Chân, mùa hè năm 1980, đã thẩm vấn trước khi phụ trách xét xử Giang Thanh, Bành Chân là đối thủ cũ của Giang Thanh trong Cách mạng văn hóa. Nơi Giang Thanh ngồi bây giờ chính là phòng giam ông hồi đó.

Mùa thu năm 1974, bị cáo Giang Thanh đã có âm mưu ngăn cản không cho Đặng Tiểu Bình giữ chức Phó thủ tướng. Đó là phiên tòa đặc biệt ngày 26-11 đã được mở ra. 35 vị thẩm vấn và 600 khách mời đặc biệt, ngồi ngay ngắn nghiêm trang. Phiên tòa đặt tại hội trường Bộ Công an trên đường Chính Nghĩa - Giang Thanh mặc bộ đồ trắng, vẻ rất bình tĩnh. Từ chiếc vành móng ngựa danh cho bị cáo giống như chiếc lồng, có thể nhìn thấy bà ta một tay xòe, một tay nắm giúp bà ta thoải mái hơn. Bà ta đang tự kiềm chế mình. Sách lược của bà ta là giữ vẻ tôn nghiêm và lý trí. Điều tố cáo đầu tiên dễ chối từ - người Trung Quốc khẳng định có thể hiểu và phân biệt được giữa tội phạm chính trị và hình sự.

Một nhân chứng đứng ra làm chứng. “Ai đã sai khiến anh đi Trường Sa báo cáo với Mao Chủ tịch về những hoạt động của Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình?”. Người đó khóc thảm thiết đáp: “Đó là chỉ thị của Giang Thanh”. “Nhân chứng chính là Vương Hồng Văn. Anh ta ít hơn Giang Thanh 32 tuổi. Vì còn nghĩ tới tương lai nên đã phản bội Giang Thanh, nhận mọi tội lỗi. Một dạo dốc sức bốc trời, giờ đây Vương Hồng Văn hầu như bộ mặt thay đổi hoàn toàn, đầu cúi gằm nom thật thiểu não. Nghe một hồi những lời tố cáo của đồng bọn, thi thoảng Giang Thanh lúc lắc cái đầu vẻ thoải mái, rồi bà ta lại tỏ ra phấp phỏng, hơi dướn người về phía trước, áp chặt tai nghe hơn nữa, có lúc trừng mắt nhìn Hồng Văn. Khi Hồng Văn đang đối chứng, thì bà ta gào ầm lên đòi đi toa-lét.

(Còn nữa)

V.H

(Theo Giang Thanh toàn tập)