Xe quá tải, ai cũng biết!

07:00 | 09/05/2014

1,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai cũng biết, vì lợi ích cục bộ, nhiều trạm cân đã thu phí đút túi, mặc cho xe quá tải hoành hành. Vì lợi ích doanh nghiệp, mặc cho đường hỏng, các chủ xe vẫn tìm cách đút lót, chung chi, để xe qua trạm.

Năng lượng Mới số 320

1. Còn nhớ vào năm 1977 ở miền Bắc đã khánh thành con đường nhựa phẳng lì, dài khoảng 50km chạy từ Xuân Mai qua Sơn Tây lên vùng núi Đá Chông giáp sông Đà, do Chính phủ Cuba giúp Việt Nam xây dựng. Dân ta gọi là đường Cuba. Lần đầu tiên người dân thấy chất lượng một con đường được thi công tốt như thế.

Xe tải trọng nặng ngày ấy chủ yếu là xe quân sự, kéo pháo, tên lửa. Những khi diễn tập lớn, xe quân đội thường đi đường dã ngoại để bảo vệ đường nhựa. Vùng đồi núi này lại là căn cứ huấn luyện của nhiều binh chủng, nên các đơn vị chấp hành nghiêm quy định bảo vệ giao thông nên đường Cuba được giữ gìn khá tốt.

Sau này kinh tế vùng phát triển, cũng chỉ có xe chở nông sản, sắn khoai, mật mía, tải trọng chưa tới 20 tấn lưu thông nên đường Cuba vẫn tốt.

Cầu tạm trên QL 53 bị xe quá trọng tải làm sập

Đến khi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, các công trình được nhà thầu thi công ra sức cải hoán xe, tăng tải trọng, chở đất, đá, xi măng, sắt thép, bồn xăng dầu, xe tải trọng nặng 30 tấn, rồi 40 tấn cày nát đường. Con đường một thời đẹp và bền nay oằn lưng chịu tải... nát dần. May mà chưa hỏng hẳn.

Sau chiến thắng (1975) thế hệ những sĩ quan quân đội từ miền núi về đồng bằng duyên hải Trung Bộ, Nam Bộ thường trầm trồ khen ngợi công nghệ xây dựng đường của Mỹ, do Hãng thầu RMK và BRJ thi công trên nhiều tuyến lộ miền Nam... Đến nay, các công trình mở ra, xây dựng công nghiệp rầm rập ngày đêm, những con đường đẹp và tốt như thế cũng gánh nặng trên lưng nạn xe quá tải.

Ai cũng biết, mấy chục năm qua, ngành cầu đường Việt Nam đã làm rất nhiều cầu đường rộng hơn, dài hơn, đẹp hơn... Nhưng xe quá tải trọng đã trở thành vấn nạn, tiền vào túi chủ xe, Nhà nước cứ đi vay làm thêm, sửa chữa, vá víu, trong khi kỹ sư giao thông đào tạo rất nhiều mà đường vẫn ngày một xuống cấp đáng lo ngại. Xót xa quá!

Kể lại những chuyện ấy để thấy, đường dù có làm tốt, nhưng khai thác sử dụng không đúng tải trọng thì không tiền của nào “chạy theo” để khắc phục được.

2. Ai cũng biết, hồng phúc cho Việt Nam có chiều dài đất nước trải theo nhiều vĩ độ, ngẩng mặt trước biển đông. Nước ta lại sớm có tuyến đường sắt xuyên Việt dài cả ngàn kilômét, có tuyến đường vận tải biển pha sông Bắc Nam. Lợi thế đường sắt, đường thủy cực lớn. Các nhà kinh tế giao thông chắc có các chỉ số chính xác về giá trị của mỗi tấn hàng/km chở trên đường sắt, đường thủy.

Nước ta có tuyến đường sắt dài, nối với hai vùng đất lớn của Trung Quốc là Côn Minh và liên thông vận tải tới Lưỡng Quảng, đi lên tận biên giới Mông Cổ, rồi Nga; liên thông với Viễn Đông rộng lớn qua ngả Mãn Châu - Dabaican (Nga)... nghĩ mà sướng, mà mừng.

3. Ai cũng biết, hàng cần vận chuyển nhiều trong khoảng cách 300km thì không có gì vận chuyển rẻ, tiện lợi bằng đường sắt và đường thủy. Bài toán kinh tế ấy không khó. Nó còn rẻ ở chỗ, đường bộ thi công rất tốn kém.

Do không chở bằng đường bộ nên tuổi thọ đường bộ kéo dài thêm. Tiền duy tu bảo dưỡng cũng giảm.

Ai cũng biết, lợi thế đường sắt, đường biển ở Việt Nam như thế, nhưng năng lực giao thông quá kém. Tại sao ư? Ai cũng biết, do cách làm vẫn nặng xin - cho, quan liêu, quan dạng, chi phí lớn, đẩy giá cao, không hấp dẫn khách thuê.

4. Ai cũng biết, chính vì bảo vệ đường bộ nên phải triển khai nhiều trạm cân, để hạn chế xe quá tải.

Ai cũng biết, vì lợi ích cục bộ, nhiều trạm cân đã thu phí đút túi, mặc cho xe quá tải hoành hành. Vì lợi ích doanh nghiệp, mặc cho đường hỏng, các chủ xe vẫn tìm cách đút lót, chung chi, để xe qua trạm.

Ai cũng biết, một tỉnh làm tốt, chặn xe quá tải, nhưng tỉnh khác làm không tốt thì xe quá tải vẫn phá đường.

Ai cũng biết, nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều chủ xe chính là người trong ngành, trong hội, người nhà cảnh sát giao thông hoặc chí ít cũng là “cánh hẩu” làm ăn với nhau nhiều năm, hiểu “luật”, hiểu “lệ”, thân quen, giằng níu chằng chịt.

Bởi thế “tải trọng cho phép qua cầu là 8 tấn. Nhưng chiếc xe chở đất gây tai nạn tải trọng đến hơn 32 tấn, gấp 4 lần trọng tải cho phép của cầu”; bởi thế xe 50 tấn, 60 tấn vẫn chạy trên đường, tỉnh lộ đông như mắc cửi. Nhà nhà độ xe, cơi nới thùng; nơi nơi cải hoán, tăng nhíp, độ xe để vụ lợi và hẳn nhiên là họ... phá quốc lộ rồi.

Ai cũng biết, chỉ nhà nước gồng mình đi vay tiền làm đường, dân oằn lưng gánh nợ.

Ai cũng biết, Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường chở quá tải trọng cho phép. Đồng thời, quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả xe bánh xích, xe ôtô chở hành khách) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định, cơ quan chức năng còn buộc hạ tải mới tiếp tục được lưu thông phương tiện trên đường.

5. Tin trên báo chí: Bắt đầu từ ngày 1/4/2014, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo cho 63 tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt ra quân tiến hành lắp đặt trạm cân di động trên những tuyến đường trọng điểm nhằm kiểm tra, giám sát tải trọng của các xe tải khi lưu thông.

Những ngày đầu thực hiện cân tải trọng xe, hầu hết các xe đều chở quá chỉ số so với quy định từ 200 đến 300% cho phép khi qua trạm cân kiểm tra. Qua những ngày đầu ra quân, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt xe được cơi nới, nâng thùng, thậm chí làm biến đổi kết cấu ban đầu của xe vận tải để chở hàng hóa vượt quá chỉ số cho phép.

Mục tiêu trước mắt của Bộ Giao thông Vận tải là giảm dần và sang năm 2015 sẽ chấm dứt tình trạng xe quá tải phá nát kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, chỉ qua ngày đầu triển khai đã cho thấy, đây vẫn là một thách thức lớn với các ngành chức năng…

Đồng quan điểm này, đại diện một số tỉnh lo ngại, mỗi tuyến quốc lộ đều đi qua nhiều địa phương. Nếu chỉ một tỉnh, một điểm xử lý không kiên quyết thì hiệu quả sẽ không triệt để. Thậm chí, có tỉnh đã tính đến chuyện trong vài ngày tới sẽ tạm dừng các chốt kiểm tra xe quá tải để tập trung vào những việc khác được đánh giá là quan trọng hơn. Lại có địa phương chần chừ vì sợ làm mạnh tay quá sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư do hàng hóa không luân chuyển được…

Xe quá tải hoạt động cả ngày và đêm, vì thế không thể một vài trạm cân, một vài địa phương triển khai cân là ngăn chặn được. Chỉ khi đồng loạt triển khai kiểm soát trọng tải xe tại tất cả các địa phương, đặt liên hoàn nhiều trạm kiểm soát trên tuyến nóng, kiểm soát xe quá tải liên tục 24/24 giờ trong suốt thời gian dài, trên suốt tuyến dài mới giải quyết được tình trạng xe chở quá tải đang gây nhức nhối trong dư luận. Dân đồng tình với Bộ trưởng Đinh La Thăng khi ông yêu cầu Cục Đăng kiểm làm nghiêm thì không có xe quá khổ, quá tải lưu hành. Nếu năm nay, Cục Đăng kiểm không chuyển biến, không quyết tâm đổi mới, chống tiêu cực thì toàn bộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm phải chuyển đi làm việc khác.

Ngành giao thông đã ra tay, nhưng một mình ngành giao thông không thể làm được nếu lãnh đạo các địa phương không quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Làm quyết liệt sẽ động chạm đến lợi ích của nhiều người, trong đó nói thẳng ra là mất đi lợi ích của nhiều người trong chính ngành giao thông, cảnh sát giao thông, cán bộ cấp tỉnh, thành.

Kỳ vọng lắm thay!

Trần Danh Bảng