Hà Nội: Đã xử lý 1.482 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải

20:37 | 21/08/2023

12 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đối với lĩnh vực vận tải hàng hoá, đơn vị đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 4.145 trường hợp. Trong đó, có 1.482 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải, mức phạt lên đến gần 17 tỷ đồng, tạm giữ 61 phương tiện, tước 681 giấy phép lái xe.

Để bảo vệ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ. Việc xử lý các hành vi xếp hàng, chở hàng quá khổ, quá tải và vi phạm về kích thước thành thùng xe là trọng tâm của đợt cao điểm này.

Hà Nội: Đã xử lý 1.482 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra tải trọng xe. Ảnh sogtvt.hanoi.gov.vn.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Công an Thành phố, chính quyền các địa phương trong việc triển khai kế hoạch để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ trên địa bàn Thành phố. Tính riêng những ngày đầu đợt quân cao điểm tháng 8 này, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm với số tiền phạt gần 700 triệu đồng.

Cùng với việc xử lý vi phạm tải trọng phương tiện, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt lỗi bốc, xếp hàng hoá quá tải lên xe thông qua việc sử dụng cân xách tay, trạm kiểm tra tải trọng lưu động để cơ động xử lý kịp thời những xe chở hàng quá khổ, quá tải tại các bến bãi, công trình.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra tải trọng ngay tại 40 đầu mối bốc xếp hàng hóa trên các tuyến đê, đường ra vào cửa ngõ Thành phố, tại huyện: Chương Mỹ, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín… Đồng thời, thường xuyên duy trì kiểm tra tải trọng chứ không chỉ trong đợt cao điểm.

Theo Điều 24, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải như sau: Tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30% thì sẽ bị xử phạt 8 trăm ngàn đến 1 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì sẽ bị xử phạt 3 - 5 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì sẽ bị xử phạt 5 - 7 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì sẽ bị xử phạt 7 - 8 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 150% thì sẽ bị xử phạt 8 - 12 triệu đồng.

Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể: Tỉ lệ quá tải trên 10% đến 30% (hoặc từ trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng) thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 2 - 4 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 4 - 8 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 12 - 16 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 14 - 16 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 28 - 32 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32 - 36 triệu đồng; Tỉ lệ quá tải trên 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18 - 20 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36 - 40 triệu đồng.

Hà Nội quyết liệt xử lý xe quá tảiHà Nội quyết liệt xử lý xe quá tải
Hà Nội: Mạnh tay xử lý Hà Nội: Mạnh tay xử lý "hung thần" đường phố

Quang Phú