Sẽ có hòa bình giữa Israel và Palestine?

23:01 | 11/05/2017

1,303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là lời hứa của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas tại Washington hôm 3-5. Liệu cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa Israel và Palestine có được chấm dứt nhờ sự trung gian của ông Trump?

Trước khi gặp Chủ tịch Abbas của Palestine, tuần trước khi trả lời báo chí, Tổng thống Trump nói: “Tại sao không thể có hòa bình giữa Israel và Palestine?”. Rồi ông tự trả lời luôn: “Không có bất cứ lý do gì”. Từ khi còn vận động tranh cử, ông Donald Trump đã tỏ rõ lập trường nghiêng về phía Israel, mãi đến khi đắc cử mới tỏ ý cho thấy sẵn sàng đứng làm trung gian để tìm hòa bình cho Trung Ðông, chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã hơn nửa thế kỷ.

Tháng trước, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Asahi Shimbum của Nhật Bản, ông Abbas cho biết, một trong những điểm ông sẽ nêu lên là nhờ Mỹ đứng làm trung gian, tổ chức cuộc gặp tay ba giữa ông, Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo trình bày của ông, “với sự hỗ trợ của Tổng thống Trump, tôi sẵn sàng gặp ông Netanyahu ở Washington” để nối lại cuộc đàm phán hòa bình bị gián đoạn từ năm 2008 cho tới giờ.

Với cùng quan điểm như thế, cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Abbas hôm 3-5 diễn ra trong bầu không khí cởi mở. Nói chuyện với lãnh đạo Palestine, ông Trump hứa sẽ tái khởi động tiến trình thương thảo hòa bình Trung Đông đang bị bế tắc và cũng là điều mấy đời tổng thống Mỹ trước đây từng cố gắng nhưng không thành công. Ông Trump cho hay, ông sẽ là “người trung gian, người trọng tài hay là người hỗ trợ” tạo cơ hội cho hai phía có thỏa thuận. “Chúng ta sẽ làm được điều này. Tôi cương quyết làm việc với phía Israel và Palestine để có thỏa thuận” - ông Trump nói một cách lạc quan với ông Abbas.

“Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào cũng không thể do sự áp đặt của Mỹ hay quốc gia nào khác. Người Palestine và Israel phải cùng nhau đạt thỏa thuận đó để cho người dân hai nước sinh sống, phát triển và thịnh vượng trong hòa bình” - Tổng thống Mỹ cho biết thêm.

se co hoa binh giua israel va palestine
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng ngày 3-5

Hiện chưa rõ do đâu ông Trump có sự lạc quan này vì ông không đưa ra chi tiết hay cho thấy nỗ lực của ông sẽ khác với các nỗ lực trong hai thập niên qua với các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, tất cả đều cố gắng mà không đạt được.

Các giới chức Palestine sau cuộc họp cho hay, Tổng thống Trump không đưa ra đề nghị cụ thể nào để tái khởi động cuộc đàm phán. Khi được hỏi rằng, kế hoạch của Tổng thống Trump sẽ khác như thế nào so với các nỗ lực trước đây thì phát ngôn viên Nhà Trắng, Sean Spicer chỉ nói: “Ông ấy khác với những người kia”.

Nhưng nếu đặt lời hứa của ông Trump vào bối cảnh hiện nay tại Palestine và vào quan hệ Mỹ - Israel thì sẽ thấy nhiều điều. “Ðiều rõ ràng ai cũng nhìn thấy là Chủ tịch Abbas đang ở trong thế kém thuận lợi” - nhà báo Mohamad Ismail làm việc tại Cairo, Ai Cập, nhận xét. Ông Abbas, năm nay 82 tuổi, đã lãnh đạo chính quyền Palestine 12 năm trong nhiệm kỳ tổng thống được quy định là 5 năm.

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, 2/3 người Palestine muốn ông thôi chức, nhường chỗ “cho người có bản lĩnh hơn” lèo lái chính quyền và đối phó với Israel. Họ không hài lòng với những kết quả của Chính quyền Palestine sau 12 năm. Đảng Fatah của ông đang đối diện với một thách thức lớn từ phe Hamas, nhóm Palestine đối thủ chính đang kiểm soát Dải Gaza. Dennis Ross, cựu giới chức chuyên trách hòa đàm Trung Ðông qua ba chính quyền của Mỹ, nhận định: “Tình hình đó khiến ông Abbas càng khó đưa ra những quyết định lớn”.

Chủ tịch Abbas còn đứng trước rủi ro có thể bị gạt ra bên lề trong nỗ lực của chính quyền ông Trump khôi phục lại tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Thay vì tìm đối thoại trực tiếp giữa hai bên, chính quyền ông Trump đề xuất dùng các nước Arập kiến tạo cho một thỏa thuận hòa bình lớn hơn. Phương án này có thể dựa một phần vào “Sáng kiến Hòa bình Arập năm 2002”, theo đó kêu gọi thành lập một Nhà nước Palestine trên các lãnh thổ mà Israel chiếm đóng để đổi lại bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arập.

William Quandt, một nhà cựu thương thuyết hòa bình Trung Ðông của Mỹ nhận định, mức độ ảnh hưởng của ông Abbas đối với tiến trình hòa đàm khu vực không được rõ, nhưng nếu Tổng thống Trump dự định để các nhà lãnh đạo Arập tăng áp lực đòi ông Abbas phải nhượng bộ là không khả thi. Do đó theo ông Quandt, điều mà ông Abbas mưu tìm trong chuyến thăm Mỹ đó là cố nêu bật tầm quan trọng của ông, đó là ông giữ một vai trò chính trong tiến trình này và rất khó có thể làm được chuyện gì mà không có ông.

Chiều hướng của tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông sẽ ra sao khi mà dưới thời những vị tổng thống khác, Chính phủ Mỹ hoặc đứng giữa, hoặc phần nào nghiêng về phía Palestine như thời của Tổng thống Barack Obama, nhưng ngay bây giờ, lập trường của Washington đang nghiêng về phía Israel.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump hứa rằng sẽ “không có bất đồng” giữa chính quyền của ông và Israel. Kể từ khi lên nhậm chức, ông Trump đã chọn các cố vấn bao quanh mình là những người có quan hệ sâu rộng với phong trào định cư Israel. Tổng thống Trump từng cam kết “sẽ dọn tòa Ðại sứ Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem”, (cam kết này mới được Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhắc lại hôm 30-4 khi tham dự bữa tiệc mừng 69 năm ngày Israel lập quốc). Jerusalem hiện nay vẫn nằm ở tâm điểm cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine. Trong Chiến tranh Sáu ngày (năm 1967), Israel đã chiếm hoàn toàn lãnh thổ Jerusalem và tuyên bố thành phố là thủ đô của mình. Điều này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi và không có đại sứ quán nước ngoài nào đóng ở Jerusalem. Hiện có khoảng 20 vạn người Palestine sống ở phần Đông Jerusalem với một triển vọng thiết lập miền này thành thủ đô tương lại của một Nhà nước Palestine độc lập.

Cuộc gặp với Chủ tịch Abbas hôm 3-5, ông Trump cũng đề nghị chính quyền Palsetine ngưng trả lương hằng tháng cho cho các gia đình của những dân quân nổi dậy đang bị giam tù hoặc bị Israel hạ sát. Điều đáng nói, đề nghị trên “là điều Thủ tướng Netanyahu nói với Tổng thống Trump khi hai ông gặp nhau ở Mỹ hồi tháng trước”.

Truyền thông Mỹ còn cho biết, trước khi đón ông Chủ tịch Abbas, Tổng thống Trump đã cử cố vấn Jason Greenblatt sang tham khảo ý kiến với Chính phủ Israel và có nhiều khả năng sau cuộc thảo luận với ông Abbas, một cố vấn khác về Trung Đông của chính quyền Donald Trump là Jared Kushner sẽ sang Jerusalem để sửa soạn cho chuyến viếng thăm của Tổng thống Trump thực hiện cuối tháng này, đồng thời cũng để tham khảo thêm ý kiến của chính phủ đồng minh về viễn cảnh hòa bình. Hai ông Kushner và Greenblatt là những người được Tổng thống Mỹ giao trách nhiệm điều khiển kế hoạch tìm hòa bình, giải quyết cuộc chiến Israel - Palestine.

Một điểm khác nữa ông Abbas đã trình bày với Tổng thống Trump là kêu gọi Mỹ làm áp lực, buộc Thủ tướng Netanyahu phải ngưng ngay chương trình định cư người Israel trên phần đất Israel đang chiếm giữ nhưng thuộc về Palestine. Ở những điểm này, Nhà Trắng nhắc lại rằng hồi tháng 7-2016 khi trả lời phỏng vấn của nhật báo The Jerusalem Post, ông David Friedman, cố vấn đặc trách Trung Ðông của ông Trump (còn đang là ứng cử viên Cộng hòa), nói rõ “việc Israel đưa người định cư ở vùng Bờ Tây không phải là điều sai trái, cũng chẳng phải là trở ngại duy nhất cho các nỗ lực đi tìm hòa bình”.

Trước tình hình trên, không riêng người Palestine mà cả thế giới đang chờ xem Tổng thống Trump sẽ làm sao để “nhất định sẽ có hòa bình giữa Israel và Palestine!”.

S.Phương (tổng hợp)