Phim đặt hàng: "Ném tiền qua cửa sổ"

08:53 | 07/12/2015

993 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang có sự phát triển tích cực về số lượng đầu phim được sản xuất mỗi năm, trong đó có một số lượng không nhỏ những bộ phim được Nhà nước đặt hàng. Thế nhưng, dù số tiền đầu tư khá lớn, những bộ phim này hầu như không được khán giả đón nhận, thậm chí nhiều bộ phim còn bị đánh giá tiêu cực vì quá nhiều sạn. 

Lỗ vẫn đặt!

Bộ phim “Mỹ nhân” (Hãng phim Giải Phóng) của đạo diễn Đinh Thái Thụy là bộ phim mới nhất Nhà nước đặt hàng được ra rạp, nhưng ngay lập tức “chết yểu” vì sự quay lưng của khán giả.

Lý do đầu tiên khiến bộ phim “mất điểm” trong mắt khán giả chính là ở khâu phục trang cho diễn viên. Ngay từ khi “Mỹ nhân” tung trailer, nhiều chuyên gia đã phát hiện hình ảnh vua sư tử trong phim hoạt hình “The Lion King” của Walt Disney được trang trọng đặt lên áo của vị quan thời Trịnh – Nguyễn. Không chỉ vậy, trang phục của nhân vật Thế tử Nguyễn Phúc Tần, nhân vật Châu Thế Tâm … được dùng chung với nhau, người đàn ông Tây đội mũ cao bồi, complê và nơ bướm của thế kỷ XX... Nhận xét về phục trang của bộ phim “Mỹ nhân”, nhà thiết kế Thái Bá Dũng gọi đây là một sự sỉ nhục cho phim đề tài lịch sử, cổ trang của điện ảnh Việt Nam”.

tin nhap 20151207082243
Cảnh phim Mỹ nhân

Tất nhiên, “Mỹ nhân” không phải trường hợp đầu tiên bị khán giả quay lưng. Trước đó, “Mùi cỏ cháy” đã ra mắt ở 3 điểm rạp trong nhiều tuần lễ song số lượng khán giả đến với bộ phim không đáng kể. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng của “Những người viết huyền thoại” không chỉ chịu trách nhiệm sản xuất mà còn kiêm cả vai trò phát hành phim khi lặn lội mang phim vào TP.HCM để “nhờ cậy” một nhà phát hành chuyên nghiệp. Mặc dù có cơ hội đến với khán giả, nhưng “Những người viết huyền thoại” cũng nhanh chóng rút khỏi rạp chiếu vì quá ít người xem.

Nhiều bộ phim được sản xuất từ nhiều năm trước cũng chịu cảnh tương tự, chẳng hạn, “Ký ức Điện Biên” có kinh phí 13,5 tỉ đồng nhưng chỉ thu được 700.000 đồng tiền vé. Trường hợp đình đám như “Hà Nội 12 ngày đêm” có kinh phí 7 tỉ cũng chỉ thu được vỏn vẹn 4 triệu đồng tiền vé. Gần đây, câu chuyện “bộ ba” phim đặt hàng “Sống cùng lịch sử”, “Mộ gió”, “Đam mê” chỉ bán được vài vé đã không còn khiến công chúng sửng sốt nữa, bởi đây đã là câu chuyện “xưa như Trái đất”.

Lâu nay có một thực tế đáng buồn, cứ phim nào do các hãng nhà nước sản xuất bằng vốn ngân sách đều không bán được vé, càng không nói đến chuyện tiếng vang hay hấp dẫn người xem. Phim này nối tiếp phim kia “ngốn” hàng tỷ đồng tiền của Nhà nước, nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ. Thế nhưng những dự án phim quốc doanh, phim đặt hàng vẫn đều đặn được “khai máy” bất chấp tình trạng “đói người xem”.

Về việc một số hãng phim Nhà nước vẫn được Cục Điện ảnh đặt hàng, nhiều người lý giải, có một số bộ phim được sản xuất theo đề án 844 phục vụ cho những dịp kỷ niệm, tuyên truyền được Nhà nước tin tưởng giao cho các hãng phim quốc doanh. Tuy nhiên, người trong giới cho biết những bộ phim đặt hàng này chính là “nguồn thu chính” để nuôi đội ngũ lên đến hàng trăm người của những hãng phim nhà nước.

Một nhà chuyên môn giải thích đó là cách làm phim lâu nay của các hãng phim nhà nước. Đề án phim đặt hàng, tài trợ được duyệt là lập tức bắt tay làm ngay để kịp giải ngân, không quan tâm đến chất lượng tác phẩm làm ra như thế nào. “Cách làm phim như vậy chẳng khác nào đốt tiền của dân” - đạo diễn này nói thêm.

tin nhap 20151207082243

‘Tôi thấy hoa vàng’ thắng đậm tại LHP Việt Nam 19

Ngoài giải Giải cao nhất là Bông sen vàng cho thể loại phim truyện điện ảnh, bộ phim ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ của đạo diễn Victor Vũ còn ẵm thêm 3 giải thưởng khác tại LHP Việt Nam 19. 

tin nhap 20151207082243

Phim “bom tấn” Việt Nam: Xịt trước khi nổ?

Sau những bộ phim như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ” hay gần đây là “Sống cùng lịch sử” sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hấp dẫn của những bộ phim “bom tấn” Việt Nam liệu có xịt trước khi nổ. 

tin nhap 20151207082243

Điện ảnh: Cái bắt tay thành công giữa nhà nước và tư nhân

Tính đến thời điểm hiện tại thì “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim Việt ra rạp được chào đón nồng nhiệt nhất, từ truyền thông đến phòng vé trong năm 2015. Điều đáng chú ý hơn cả đây sự hợp tác thành công hiếm hoi giữa hãng phim nhà nước và tư nhân.

Họa sĩ Thành Chương, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật quốc gia cũng nêu quan điểm: “Con tàu phim ảnh Việt Nam cũng là con tàu Vinashin. Phải thay đổi toàn diện bằng cơ chế thị trường. Để cho con người thay đổi theo. Người tài năng thực sự thì sống và tạo ra giá trị xã hội. Thực tế tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật đối với xã hội chỉ có thể được tạo ra bởi tác giả có tài có tâm. Và chỉ khi có nghệ thuật thực sự mới phục vụ được con người”.

Cần bình đẳng để … kéo khách

Hàng năm, số tiền ngân sách mà Nhà nước “rót” cho điện ảnh không nhỏ, trong đó việc làm phim và các hãng phim Nhà nước hầu hết nguồn tiền này. Hiện tại, có hai phương thức đấu thầu phim, một là hãng có sẵn kịch bản gửi lên để Cục Điện ảnh xét duyệt để sản xuất; hai là Cục Điện ảnh đặt hàng tự chọn lựa kịch bản và “chỉ mặt đặt tên” kịch bản này cho hãng phim. Khi dự án được Hội đồng duyệt phim thông qua, Cục Điện ảnh sẽ trình lên Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch. Sau khi thông qua, Bộ Tài chính sẽ rót kinh phí tùy theo dự toán của đơn vị làm phim, con số này cũng rất “linh động” từ vài tỷ đến vài chục tỷ mỗi phim.

Đầu tư nhiều như vậy, nhưng số lượng phim đến được với người xem chỉ đếm trên đầu ngón tay và số lượng người xem cũng ít ỏi như vậy. Đạo diễn Đặng Thái Huyền của bộ phim từng gây sốt “Người trở về” cho rằng những bộ phim được nhà nước đặt hàng, hay còn gọi là phim quốc doanh, dùng cho việc tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm đương nhiên không thể chiếu thương mại để thu tiền nên khó tính toán đến câu chuyện lỗ - lãi hay doanh thu, lợi nhuận.

tin nhap 20151207082243
Cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Thế nhưng, việc không ra rạp, không được khán giả quan tâm cũng có nhiều lý do, như phim quá khô cứng, nặng tính tuyên truyền, giáo dục nên người xem khó tiếp nhận; cách kể quá cũ, sáo mòn…, đặc biệt khâu quảng bá cho phim của các hãng nhà nước làm bằng vốn tài trợ, đặt hàng quá kém. Người dân không nắm được thông tin về bộ phim ngay cả khi nó đã hoặc đang công chiếu thì tất nhiên, bộ phim sẽ bị “thất sủng”. Rất nhiều trường hợp sản phẩm chất lượng nhưng thờ ơ quảng bá đã khiến bộ phim “chết yểu”.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên xem lại chính sách tài trợ, đặt hàng sản xuất phim bằng nguồn vốn ngân sách. Bởi trường hợp “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gần đây đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn cố hữu về dòng phim đặt hàng. Bộ phim được coi là trường hợp hiếm hoi khi một bộ phim được Nhà nước đầu tư một phần (8 tỉ) lại thu được lãi khủng, bởi chỉ sau 3 ngày công chiếu, phim đã thu về 23 tỉ đồng và cho đến nay là 90 tỷ đồng. Đây là một hướng đi mới đối với cách đặt hàng phim của Nhà nước, đầu tư ít mà lợi nhuận thu về không nhỏ, cũng như khả năng kéo khách đến rạp được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chỉ là bước đi dò dẫm khi Nhà nước đầu tư tiền ngân sách vào những bộ phim đặt hàng, trong khi đó,vẫn có bộ phim khác như “Mỹ nhân” bị đánh giá yếu kém và thất thu. Đến lúc này, có lẽ tư duy làm phim và trách nhiệm đối với sản phẩm điện ảnh của các cơ quan quản lý cần thay đổi một cách căn bản. Đó là, phương thức đấu thầu sản xuất phim đặt hàng, tài trợ bằng ngân sách nhà nước cần được sớm thực hiện và xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các hãng phim nhà nước và tư nhân. Một khi nhà nước biết “chọn mặt gửi vàng”, đặt hàng, tài trợ trúng, lợi ích mang lại rất cao cả về giá trị nghệ thuật lẫn thương mại và cũng tránh được tình trạng “đắp chiếu”, “cất kho”. 

Khánh An