Người tiêu dùng và các nhà kinh doanh bán lẻ nói gì?

09:02 | 09/07/2011

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng được Quốc hội thông qua từ tháng 11/2010 và cho đến thời điểm này luật đã có hiệu lực để đi vào cuộc sống. Mặc dù vậy vẫn còn rất nhiều ý kiến cho rằng, việc để luật được thực hiện và trở thành tấm lá chắn bảo vệ người tiêu dùng là rất khó.

Trước ngưỡng của những ngày đầu thực hiện luật, các nhà phân phối và người dân liệu đã biết và thực hiện vấn đề này hay không. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với những nhà kinh doanh bán lẻ và người dân.

Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó giám đốc Big C Thăng Long:

Không phải chờ đến khi luật có hiệu lực mà chúng tôi mới quan tâm đến vấn đề bảo vệ NTD. Từ khi thành lập, Big C đã đại diện cho những khách hàng của mình, tìm kiếm những nhà sản xuất cung cấp đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt cho NTD. Vừa qua, Big C có nhận được một số đề nghị điều chỉnh giá một cách bất hợp lý nhưng chúng tôi đã tiến hành đàm phán và sử dụng một số biện pháp tạm ngừng nhập hàng theo mức giá mới mà chúng tôi cho là không đảm bảo quyền lợi NTD.

Bắt đầu từ tháng 7 này, Luật BVQLNTD có hiệu lực, theo quan điểm của tôi đó là một điều mà chính những nhà phân phối như chúng tôi mong muốn chứ không chỉ NTD. Đất nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, từ NTD đến nhà phân phối phải chuyên nghiệp hơn. Luật ra đời sẽ giúp cho nhà sản xuất, nhà phân phối sẽ có trách nhiệm minh bạch hơn trong việc phân phối cũng như phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó TGĐ Coopmart Sài Gòn:

Luật BVQLNTD có hiệu lực, điều đó sẽ giúp ích nhiều không chỉ cho NTD mà cho cả những nhà phân phối bán lẻ như chúng tôi. Cùng với đó, hệ thống siêu thị Coopmart đã thực hiện nhiều những chương trình như: tư vấn cho NTD về kiến thức sản phẩm, kiến thức tiêu dùng cho khách hàng khi đến siêu thị cùng với đó những chương trình khuyến mãi. Trong tháng 7 có nhiều chương trình hướng dẫn những thông tin liên quan tới quyền lợi của NTD để họ tự nhận thức được những quyền lợi của mình trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mà Quốc hội mới thông qua.

Cùng với đó, theo cá nhân tôi, Luật Bảo vệ NTD ra đời và có hiệu lực đã đưa NTD đứng ngang hàng với nhà sản xuất, bản thân NTD sẽ hiểu được và có quyền lợi khởi kiện cũng như ý kiến đối với nhà sản xuất, qua đó, nhà sản xuất sẽ tự ý thức được rằng giờ đây không thể chểnh mảng cũng như có những động thái không đưa sản phẩm tốt đến với NTD.

Ông Bạch Văn Mừng – Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương:

Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với rất nhiều địa phương nhằm đưa luật vào thực tiễn. Cho đến thời điểm này, UBND TP Hà Nội, đã tổ chức một chuỗi các hoạt động như Ngày quyền người tiêu dùng 15-3, giải thích phổ biến luật này tới các quận, huyện. TP Hà Nội cũng giao Sở Công Thương tổ chức Hội chợ quyền lợi NTD cũng như thành lập Trung tâm 04.1081 để giải đáp các yêu cầu câu hỏi của NTD. Cùng với Hà Nội, TP HCM tổ chức nhiều hoạt động để bảo vệ NTD. Báo Sài Gòn giải phóng được sự đồng ý của TP HCM đã thành lập Hội Chống hàng giả và hỗ trợ NTD, tổ chức này đang hoạt động rất hiệu quả. Cùng với các hoạt động của hai TP lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì các TP như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang và Bến Tre đều có các hoạt động của các Sở Công Thương trực thuộc để tuyên truyền và triển khai hướng dẫn cho NTD.

Anh Nguyễn Hồng Vĩ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):

Qua nhiều kênh thông tin cũng như sách báo, tôi biết được Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua và cho đến thời điểm này sẽ có hiệu lực. Theo như quan điểm của tôi, khi luật ra đời, văn hóa trong mua bán sẽ được đảm bảo và chúng tôi, những người tiêu dùng sẽ sẵn sàng phản ánh và có những kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan chức năng cũng như các nhà sản xuất khi sản phẩm của họ có vấn đề. Tuy nhiên, đối với những người làm công chức như chúng tôi việc tiếp cận với luật cũng đơn giản và dễ hơn những người ở vùng nông thôn. Nên theo tôi thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện truyền thông nên đẩy mạnh hơn về mặt tuyên truyền cho người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ.

Chị Phan Thị Hồng Liên, chủ cửa hàng đại lý phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy:

Mặc dù là mở đại lý phân phối bán lẻ nhưng nhiều khi chúng tôi cũng không thể kiểm soát được những mặt hàng mình nhập về, bởi vì khi nhập hàng chúng tôi cũng nhập với số lượng lớn. Đôi khi khách hàng mua về nhưng có thể vì lý do nào đó bị hỏng hoặc có vấn đề khi mang trả lại chúng tôi, chúng tôi cũng không dám đền vì hiện nay cũng có nhiều trường hợp chính khách hàng “gian lận” mua hàng tốt tráo hàng xấu để đến bắt đền cửa hàng. Nói thế không phải chúng tôi đổ lỗi cho người mua. ở cửa hàng chúng tôi thì những người mua đều có tích kê riêng thanh toán và khi người mua mang đúng mã hàng của cửa hàng thì chúng tôi có thể đổi. Nhưng nhiều khi đổi cho khách nhưng chúng tôi cũng không đổi được cho nhà sản xuất. Khi luật có hiệu lực, chúng tôi cũng sẽ khắt khe hơn đối với nhà sản xuất vì dù sao chúng tôi cũng đang là người tiêu dùng.

Theo Năng lượng Mới