Vấn đề thực phẩm bẩn:

Ngăn chặn sự đầu độc từ những nông trại!

07:40 | 17/04/2016

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai trực tiếp tạo ra nông phẩm? Đó chắc chắn là người nông dân! Do đó, nếu cứ kiêng dè trong công tác kiểm tra xử lý người tạo ra thứ nông phẩm độc hại, thì họ vẫn sẽ hằng ngày tự đầu độc cánh đồng và đồng loại mình đôi khi rất vô tư!  

Chưa bao giờ chúng ta lại cảm thấy bất an với bữa cơm hằng ngày của mình như hiện nay. Không bất an sao được khi mà hằng ngày, mở các tráng báo hay trên tivi xuất hiện nham nhảm những thông tin về độc chất trong các loại thực phẩm thiết yếu. Nào là thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, ruốc nhuộm phẩm màu, rau ngâm thuốc bảo vệ thực vật, trái cây ngâm hóa chất, gà, măng tẩm chất vàng ô… Rất nhiều những thông tin như vậy trên mặt báo, nó khiến người lạc quan nhất, cẩn thận nhất cũng nghi ngại về bữa cơm của mình.

Cũng chính vì lẽ đó mà khi ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phát biểu trước Quốc hội rằng: “Đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết nên cảm thấy tất cả không an toàn” thì lập tức ông bị nhân dân phản ứng dữ dội. Làn sóng phản ứng mạnh mẽ đến mức khiến hai ngày sau đó ông Bộ trưởng phải đưa ra lời xin lỗi vì phát ngôn này.

ngan chan su dau doc tu nhung nong trai
Người dân hoang mang về sự an toàn trong mâm cơm hằng ngày của mình trước thông tin thực phẩm độc tràn lan

Song, khi bình tâm mà nhìn lại thì rõ ràng lời phát biểu của ông Bộ trưởng đã nói lên đúng sự thật, là bản chất của vấn đề thực phẩm bẩn đang gây hoang mang trong dư luận. Đó là việc thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan nhưng thực phẩm bẩn ấy từ đâu, đường đi của nó thế nào, rồi thực phẩm họ mua hằng ngày, đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn?! Hay nói đúng hơn, quyền được biết của nhân dân đã không được thực thi một cách nghiêm túc.

Cơ quan chức năng loan tin về thực phẩm bẩn, song rất ít khi các cơ sở tạo ra thứ thức ăn chết người ấy được điểm mặt chỉ tên rõ ràng. Rồi đến thông tin về việc thực phẩm bẩn đó được sản xuất như thế nào, phân phối đến người tiêu dùng ra sao, cách nhận biết… cũng rất mập mờ. Người dân cũng không biết vai trò trách nhiệm của người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát và xử lý về an toàn thực phẩm ra sao mà để thực phẩm bẩn đầu độc con người được bày bán tràn lan như vậy?...

Tất cả những thông tin kiểu thiếu đầu, thiếu đuôi về thực phẩm bẩn hiện nay không giúp ích được gì cho người dân, trái lại nó tạo nên một sự nghi kỵ, nỗi hoang mang bao trùm lên xã hội về an toàn thực phẩm.

Ồn ào gần đây nhất là câu chuyện thịt lợn có độc chất tạo nạc salbutamol. Sabutamol vốn là một dược liệu được nhập từ nước ngoài về để bào chế thuốc điều trị hen suyễn. Việc nhập dược chất này đáng lẽ ra phải được quản lý chặt chẽ, thế nhưng người nông dân vẫn có thể dễ dàng mua nó như là mua mớ rau ngoài chợ! Nhưng không phải bây giờ việc dùng salbutamol để nuôi heo tạo nạc mới được cảnh báo, khoảng 4 năm trước, loạt bài điều tra về việc này đã được đưa ra trên một tờ báo lớn.

Song, 4 năm sau đó người ta vẫn đàng hoàng nhập salbutamol về ồ ạt, rồi để nó trở thành chất đầu độc con người. Cho đến hiện tại, cũng chưa ai giải thích rõ ràng được vì sao chỉ cần khoảng 10kg để sản xuất thuốc nhưng các công ty lại nhập về đến 9 tấn (tính từ năm 2014-2015)?! Trong câu chuyện này, người ta nghĩ đến những cái bắt tay trong bóng tối giữa các nhà quản lý vô cảm và những con buôn máu lạnh!

Tất nhiên, nói đến thực phẩm bẩn, có khi không phải lỗi của người nông dân sản xuất mà là ở những tay lái buôn. Song, lòng tham của người nông dân là vấn đề luôn được nhắc đến. Có thể vì chút lợi nhuận, người nông dân tìm đến chất tạo nạc để heo tăng trọng nhanh, nhiều thịt, dễ bán; có thể vì luống rau xanh tốt hấp dẫn và không sâu bọ, người ta dùng quá liều thuốc bảo vệ thực vật, người ta kích thích luống rau, cây trái bằng hóa chất độc hại mà không mấy nghĩ ngợi đến chuyện người dùng…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 50% diện tích đất trên toàn quốc bị thoái hóa, ô nhiễm, trong đó tập trung chủ yếu ở nông thôn. Có những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, trên 60% diện tích đất nhiễm asen vượt ngưỡng cho phép. Ở đây, người nông dân đã đầu độc những cánh đồng của mình.

Có thể nói, thay đổi tư duy sản xuất của nhà nông là điều cần thiết, là mấu chốt của vấn đề an toàn thực phẩm. Để thực hiện điều này, không có cách nào khác là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân sản xuất sản phẩm an toàn, đồng thời đó là công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nông trại của cán bộ địa phương.

Dễ hiểu rằng, ở một đất nước thuần nông thì việc nói lên nông sản độc luôn phải đối mặt với vấn đề “đạo đức”, không ai nỡ giết những nông trại, triệt đường mưu sinh của nông dân là vậy. Song, chuyện người ta trồng hai luống rau, một để ăn, một để bán đã dần dần quen thuộc trên những cánh đồng! Cho nên, nếu cứ kiêng dè trong công tác kiểm tra xử lý người tạo ra nông phẩm độc hại, thì họ vẫn sẽ hằng ngày tự đầu độc cánh đồng và đồng loại mình, một cách rất vô tư!

Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia nông học, thực phẩm để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề thực phẩm bẩn vốn đang gây hoang mang dư luận thời gian qua.

PGS.TS Lê Quang Hưng: Nông dân không biết về độc chất mà họ đang dùng!

ngan chan su dau doc tu nhung nong trai

PV: Như PGS đã biết, vấn đề thực phẩm bẩn đang gây ra nhiều hoang mang cho người dân, họ không biết là trong bữa ăn hằng ngày của mình là sạch hay độc. Nhưng thế nào là thực phẩm sạch, bẩn thì hầu như ai cũng mù mờ. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Lê Quang Hưng: Có hai vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, một là mục tiêu tăng năng suất của cây trồng vật nuôi, hai là vấn đề bảo quản thực phẩm được trong một thời gian. Và hầu hết để đáp ứng được hai mục tiêu đó thì người ta đều phải dùng những hóa chất, trong đó có phân bón, hóa chất. Và những hóa chất này sẽ gây ra những tác hại lớn nếu sử dụng vượt ngưỡng cho phép.

Trong trồng trọt, nếu dùng thuốc trừ sâu phun lên lá quá nhiều thì không cách nào tẩy được, ăn vào sẽ gây ngộ độc cho con người. Trong chăn nuôi cũng vậy, dùng thuốc kích thích quá liều thì nó vẫn tồn tại trong thịt dù có nấu chín. Đặc biệt là vấn đề thuốc bảo quản, lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, làm xáo trộn tế bào… Vậy thì vấn đề đặt ra bây giờ là phải có một đơn vị hay tổ chức chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm để xác định hóa chất trong nông phẩm đó có vượt ngưỡng hay không để người dân biết mà tránh.

Vấn đề dùng thuốc hóa học nhiều tại Việt Nam còn liên quan đến điều kiện khí hậu nước ta. Ở nhiều nước, để tăng năng suất, hạn chế các loại sâu hại tấn công thì người ta thường trồng trong nhà kính; cách trồng này hoàn toàn cách ly được loại các côn trùng phá hoại, giảm thiểu được sâu bệnh tấn công nên nông dân rất ít dùng thuốc trừ sâu, nhiều khi là không cần dùng. Còn tại nước ta, trồng trong nhà kính chỉ phù hợp ở Đà Lạt, còn ở vùng nóng thì để làm mát hệ thống nhà kính rất tốn kém. Cho nên đa số nông dân trồng bình thường và phải sử dụng thuốc trừ sâu.

Vấn đề kiểm soát ở đây rất khó khăn, theo tôi thì Nhà nước nên có chính sách quản lý từ ngay đầu vào những nguồn hóa chất cung cấp cho ngành sản xuất nông nghiệp nói chung và những ngành khác, kể cả trong chế biến.

PV: Nông dân là người trực tiếp tạo ra các nông phẩm, như vậy trong vấn đề giải quyết thực phẩm bẩn thì việc thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân trong quá trình sản xuất là tối quan trọng. PGS nghĩ sao về cách nhìn nhận vấn đề như thế?

PGS.TS Lê Quang Hưng: Thật ra người nông dân không có nhiều kiến thức về những hóa chất, thực tế là như vậy. Khoảng 40 năm trước, họ chỉ biết sử dụng bánh dầu, phân chuồng trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm vì khi đó không có nguồn phân bón, hóa chất; họ chỉ sản xuất trong điều kiện hiện có. Nhưng khi các hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng ở nước ngoài và bắt đầu tuồn về Việt Nam, mọi thứ đã thay đổi. Tôi nhớ đến năm 1972, người nông dân toàn dùng thuốc DDT xịt lên cây trồng để diệt sâu, trong khi đó trên thế giới đã cấm thuốc này vì nó gây ung thư. Trong chăn nuôi cũng vậy, người nông dân không biết tác hại của các hóa chất trong thức ăn như salbutamol chẳng hạn.

Vấn đề ở đây là khi các công ty ở nước ngoài sản xuất ra các hóa chất bị cấm sử dụng ở nước họ thì họ thường tìm các nguồn ra từ nước thứ 3, các nước đang phát triển như Việt Nam. Có nhiều công ty làm đầu mối trung gian mua bán mà đó là các công ty nước ngoài nên ta không thể kiểm soát hết được, khi họ đưa vào thì số lượng rất lớn so với số lượng cần mua. Các công ty này có một số bộ phận chuyên đi tuyên truyền cho người nông dân với nhiều cách: cho trước, bán giá thấp, khi nào dùng tốt thì tăng giá… cho nên người nông dân mới biết đến những chất đó. Mà người dân thật thà, thấy hiệu quả thì xài thôi chứ đôi khi họ không biết gì về tác hại của những chất ấy.

PV: Chẳng hạn như salbutamol mà phía ngành y tế nhập về rất nhiều nhưng thực chất dùng đúng mục đích y học thì lại rất ít, nó được tuồn ra ngoài bằng cách nào đó cho người nông dân sử dụng làm chất tạo nạc trong nuôi lợn. Đây cũng chính là vấn đề của công tác quản lý như PGS vừa đề cập ở trên?

PGS.TS Lê Quang Hưng: Ai biết được vấn đề độc hại của chất làm tăng nạc salbutamol? Tôi tin là nông dân chắc chắn không biết! Ngày xưa, người chăn nuôi lợn chỉ mua hèm, cắt chuối để cho lợn mau lớn, sau này thì có chất probiotics. Rồi cuối cùng là đến salbutamol, người nông dân được giới thiệu là tăng trọng tốt nên họ xài liền, nông dân chỉ biết tên thương hiệu chứ không biết xa hơn.

Cho nên việc sử dụng một số chất trong lĩnh vực chuyên môn, mở rộng ra cho một số loại gia súc tăng trọng, tạo nạc phải đặc biệt được chú ý mặt phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, phải kiểm soát chặt chẽ bởi người ta không am hiểu hết tác hại của nó.

PV: Có một thực tế là công tác tuyên truyền cho người nông dân về những hóa chất hằng ngày mà họ dùng trong trồng trọt, chăn nuôi hay nói chung là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay chưa được thực hiện tích cực, hiệu quả. Đó cũng là một vấn đề đặc biệt lưu ý trong chiến lược chống thực phẩm bẩn, thưa PGS?

PGS.TS Lê Quang Hưng: Việc tuyên truyền để người nông dân hiểu là quan trọng. Ở địa phương đều có trung tâm khuyến nông và cả lực lượng trong ngành cảnh sát môi trường, cả hai phải kết hợp cùng bộ phận chuyên môn để vừa tuyên truyền vừa tăng cường kiểm soát, xử lý. Từ đó có thể hạn chế được thực phẩm bẩn, tạo ra được nguồn thực phẩm sạch để dân chúng tiêu thụ.

Hiện nay, các đơn vị sản xuất đều phải đăng ký với địa phương, để cơ quan chức năng nắm được quy trình làm việc, sản xuất và có nông phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, người dân làm gì, sản xuất gì, dùng hóa chất gì đều có ghi chép. Mô hình này cần được áp dụng một cách hệ thống, chặt chẽ hơn. Việc quản lý kiểm tra, xử lý cũng cần khắt khe hơn.

PV: Vấn đề minh bạch thông tin về thực phẩm bẩn hiện nay cũng là một vấn đề đáng nói, thưa PGS. Xã hội đang rất hoang mang về thực phẩm bẩn bởi họ nghe nói về nó hằng ngày nhưng ít khi biết được nó từ đâu, đường đi của nó thế nào…?

PGS.TS Lê Quang Hưng: Tôi nghĩ, đối với ngành quản lý về lĩnh vực thực phẩm nên có một tổ chức để kiểm tra lấy mẫu một cách khách quan, ở nhiều địa điểm như ở siêu thị có, chợ bán tự do có, chợ xã ấp có… để đảm bảo tính chính xác cuộc điều tra. Kế đến là phải có đơn vị chức năng có thẩm quyền công bố thông tin điều tra bởi hiện nay, để công bố một vấn đề thì nó phải có tính pháp lý, phải có cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm.

Ở Việt Nam hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất là sản xuất nông phẩm không sử dụng những loại thuốc chứa hóa chất độc hại. Nếu mình đảm bảo được yêu câu này thì sẽ xuất được các mặt hàng cho các đơn vị tiêu thụ nước ngoài chứ không chỉ trong nước. 

PV: PGS đánh giá thế nào về cái khó, độ phức tạp trong vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay?

PGS.TS Lê Quang Hưng: Việc kiểm soát này không khó, nếu không nói là dễ dàng. Tất cả chỉ là hóa chất sử dụng thì hóa chất đó đều có mẫu, bao bì, ta kiểm soát nó để biết được nguồn từ đâu tới, ai phân phối, ai sử dụng, lúc nào… Hiện nay nước ta cũng có nhiều loại máy phát hiện hóa chất nên việc kiểm soát không phải là vấn đề lớn lắm, vấn đề là có làm hay không.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách Khoa: Đừng “tung hỏa mù” hãy chỉ cho dân biết phải làm gì!

ngan chan su dau doc tu nhung nong trai

Những ngày qua, cụm từ “thực phẩm bẩn” được truyền thông nhắc đến nhiều, gây hoang mang trong dư luận, nhưng tôi đồ rằng, nhiều người chưa hiểu được cặn kẽ cụm từ này. Mức phổ quát của cụm từ “thực phẩm bẩn” rất rộng, chúng ta có thể hiểu đó là thực phẩm có hàm lượng chất độc hại vượt quá mức cho phép.

Hiện, có thể phân ra ba loại thực phẩm bẩn. Và điều khiến người dân hoang mang nhất những ngày qua, là thực phẩm có chứa chất cấm, là tác nhân gây ung thư. Các thông tin này, tôi cho rằng đã thái quá so với thực tiễn, khiến người dân có cảm giác bi quan…

Tôi thừa nhận, vấn nạn thực phẩm bẩn đang nhức nhối nhưng chưa đến mức như truyền thông thông tin. Cảm tưởng truyền thông đang tung hỏa mù khi đưa những trường hợp cá biệt trở thành hiện tượng phổ biến. Đơn cử như sử dụng chất vàng ô trong thực phẩm thì mới có Đà Nẵng phát hiện ra chứ đâu phải cả nước. Hay như chất tạo màu con ruốc cũng mới phát hiện ở Phú Yên, không phải đại trà.

Nhưng việc đưa tin kiểu “lên gân” khiến người ta cảm tưởng như đâu đâu cũng là thực phẩm nhiễm bẩn. Cũng nên biết, các chất cấm, chất độc hại dù nguy hiểm nhưng ở một môi trường khác, hoặc ở một chừng mực nhất định lại không độc. 

Đơn cử như trong bia có chứa CO2 là khí độc, nhưng khi uống vào thì lại không gây độc tới cơ thể. Hay như vàng ô hoàn toàn tan trong nước, để tránh chất này nhiễm bẩn thực phẩm thì trước khi sơ chế, người dân chỉ cần ngâm, rửa thực phẩm thật kỹ. Thế nhưng, truyền thông thì cứ đưa tin theo kiểu “chụp” mũ, độc là độc, chứ chưa đưa ra được cách phòng tránh.

Tôi cho rằng, vấn đề thực phẩm bẩn đang được truyền thông đưa tin theo kiểu “ngoa ngôn”. Truyền thông tô vẽ thái quá làm người ngoài thì rùng rợn còn người trong cuộc lại không thấy gì. Việc đưa thông tin về an toàn thực phẩm bằng những cụm từ như: “Con đường từ miệng đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế” là một cách như thế! Tôi khẳng định, vấn nạn thực phẩm bẩn có cao hơn trước đây, nhưng không có nghĩa là nhan nhản, người dân không biết lựa chọn gì để ăn. Tại sao chúng ta chỉ chăm chăm lên án những cái đang tồn tại, mà không biết cách làm như thế nào để tránh?

Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp mang tính vĩ mô xã hội. Đó là giải quyết được vấn đề thực phẩm bẩn như thế nào chứ không phải đua nhau lên án. Về phía người nông dân, hãy chỉ cho họ biết họ nên làm thế nào để sản xuất thực phẩm an toàn mà không bị thâm hụt thu nhập. Đừng có ý nghĩ rằng dân mình tham lợi nhuận mà giẫm đạp lên mạng sống của đồng loại. Hãy tự hỏi, có ai nghĩ đến việc tập huấn, cấp tài liệu cho người nông dân học không?

Về cơ quan chức năng, vấn nạn thực phẩm như ngày hôm nay tôi cho rằng một phần cũng do cơ quan này chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Những khẩu hiệu mang tính đao to búa lớn thì có, chứ hành động thực tiễn thì chưa. Các đơn vị liên ngành ảnh hưởng trực tiếp đến mâm cơm của người dân, hãy cùng với báo chí thực hiện những chương trình cụ thể, hướng dẫn cho người dân biết rõ nguồn gốc thực phẩm, thế nào là thực phẩm bẩn, thực phẩm an toàn…? Những chất độc, độc hại ra sao, ảnh hưởng thế nào? Phải chỉ rõ cho người dân biết để họ thay đổi.  

Nói thực phẩm bẩn đang đe dọa đến đời sống con người là có thật. Nhưng nhiệm vụ của chúng là phải đưa con số ảnh hưởng của thực phẩm bẩn từ 10% xuống chỉ còn, 6- 7%... rồi giảm dần nữa. Vậy mới nói, điều dân chúng đang thiếu là kiến thức và sự minh bạch thông tin về thực phẩm. Mà điều này, để thực hiện thì đâu có khó!

 

Lê Trúc - Huyền Anh