Vì sao thí sinh "chê" trường ngoài công lập?

10:10 | 11/03/2013

2,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tình trạng các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) không tuyển được sinh viên đã diễn ra vài năm gần đây. Năm 2012, nhiều trường phải đóng cửa một số ngành học, có trường đứng trước nguy cơ tan rã.

>> Bộ GD-ĐT làm gì để “cứu” các trường ngoài công lập?

“Vét” điểm sàn vẫn không đủ thí sinh

Năm ngoái, các trường ĐH, CĐ cả trong vào NCL tuyển được 460.000 sinh viên. Tuy nhiên, 86% trong số này lại lựa chọn nhập học tại các trường công lập. Đại diện Hiệp hội các trường NCL hiện đang đổ lỗi cho cơ chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT là nguyên nhân khiến các trường NCL không tuyển được sinh viên. GS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học NCL cho biết: "Các trường công lập đã vét thí sinh đến tận điểm sàn..."

Năm 2012, Bộ GD-ĐT cho phép các trường kéo dài thời gian tuyển sinh đến 30/11 để tuyển đủ chỉ tiêu. Thế nhưng, bức tranh chung về tuyển sinh của nhiều trường ĐH NCL, nhất là những trường mới mở, số lượng tuyển chỉ được 2 con số, nghĩa là chưa đầy 100 chỉ tiêu.

Trong đó, đại học FPT là một trường ngoài công lập hiếm hoi tuyển được khoảng 1200 trên tổng chỉ tiêu 1500 sinh viên. Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng khẳng định: "Năm 2012 là năm hoạt động khó khăn nhất trong lịch sử 20 năm tồn tại của hệ thống các trường ĐH NCL. Năm 2012, các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, kể cả các trường công lập. Với tỷ lệ sinh viên (SV) trường công đang là 86%, các trường này chỉ cần tuyển thêm 15% là vét sạch nguồn các trường NCL, thậm chí vét lẫn nhau trong hệ thống các trường công" .

Nhiều trường NCL "cố" hạ tiêu chuẩn những vẫn thiếu sinh viên.

Một số trường tuyển được ít thí sinh trong năm 2012 như trường ĐH Tân Tạo (Long An) tuyển 1.000 chỉ tiêu nhưng chỉ có 73 thí sinh dự thi cho 9 ngành đào tạo, trong đó chỉ có 56 thí sinh có điểm thi từ sàn trở lên. Rất nhiều trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, một số trường có tỷ lệ tuyển sinh rất thấp. Cụ thể, Trường CĐ Kỹ Thuật công nghiệp Quảng Ngãi tuyển được 0,64% chỉ tiêu; Trường ĐH Công nghệ Đông Á 5,2%; ĐH Chu Văn An 15,5%...

Một số trường có vấn đề về cách thức hoạt động và điều hành nội bộ khiến thí sinh cũng e ngại khi cân nhắc khi đăng ký. Đơn cử với trường ĐH Hùng Vương, năm 2012, Bộ GD- ĐT đã có văn bản dừng tuyển sinh đối với trường này với lý do “tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến không có khả năng điều hành hoạt động của trường. Mâu thuẫn kéo dài ảnh hưởng đến uy tín và môi trường giáo dục”.

Trường ĐH Chu Văn An cũng xảy ra những rắc rối xung quanh việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông khiến cho Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nhiệm kỳ 2011 - 2015 chưa thể thông qua các tiêu chí và bầu các chức danh Chủ tịch HĐQT, Ban kiểm soát… Thậm chí như trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn, ngoài lý do nội bộ mất đoàn kết, trường còn bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do lãnh đạo trường đã “tự ý thành lập các cơ sở đào tạo trái phép; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo...

Không nên chỉ kinh doanh giáo dục

Trong đợt thi công chức cách đây vài năm, tỉnh Nam Định thông báo chỉ nhận người tốt nghiệp các trường ĐH công lập. Có 5 người học dân lập bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ. Theo giải thích của lãnh đạo tỉnh này, ở những vị trí tỉnh đang tuyển dụng cần người giỏi, còn những người qua đào tạo dân lập chưa tạo được lòng tin. Đà Nẵng cũng vậy, trước đây thành phố không nhận đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc…

Gần đây, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn với đầu vào là sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy các trường công lập. Đây là một phần trong Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn giai đoạn 2012-2015 của TP Hà Nội, để thay thế những công chức về hưu.

Các học viên phải có hộ khẩu Hà Nội, nếu không có thì phải tốt nghiệp ĐH công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn; bằng tốt nghiệp tiến sĩ hoặc thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc ĐH công lập hệ chính quy, phù hợp chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn. Nếu là người dân tộc ở các xã miền núi của thành phố phải tốt nghiệp ĐH công lập chính quy loại trung bình khá trở lên, đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn. Mặc dù Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng khẳng định không có chuyện từ chối bằng tại chức và dân lập, nhưng các tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ đã phần nào “ngăn” các ứng viên có bằng tốt nghiệp NCL.

ĐH Hùng Vương là một trong những trường NCL bị đình chỉ tuyển sinh do nội bộ "có vấn đề".

Những chuyện này đã dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận vì cho rằng làm như vậy là mất công bằng và không đúng giá trị hiện hành về mặt bằng cấp. Đồng thời, cách thức và quan điểm tuyển dụng của một số cơ quan, doanh nghiệp cũng khiến thí sinh e dè khi đăng ký vào các trường ĐH, CĐ NCL.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT có những tiêu chí cụ thể về diện tích đất tối thiểu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên đối với trường mới thành lập mới hoặc nâng cấp. Thực tế vẫn có những trường được thành lập mà không đáp ứng đủ tiêu chí.

Có nhiều trường mặc dù hoạt động nhiều năm nhưng đến nay vẫn không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất. Để hoạt động, các trường này phải thuê mướn trường lớp, thậm chí có những trường thuê tới hơn 10 cơ sở khác nhau. Cơ sở vật chất manh mún, tạm bợ và thiếu thốn khiến việc học tập, nghiên cứu, thực hành của sinh viên gặp rất nhiều khó khăn.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thừa nhận thực trạng này khi nhận định: “Nhiều trường được mở dường như chỉ nhằm mục đích kinh doanh giáo dục chứ không phải để phục vụ cho quốc sách hàng đầu. Không ít trường ĐH mới thành lập không có triển vọng của một trường ĐH vì không có giảng viên, thậm chí không có cả trường lớp, chủ yếu đi thuê mướn”.

Có người từng làm quản lý trường ngoài công lập thẳng thắn nhận xét: “Một số trường ngoài công lập chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, không chú trọng tái đầu tư. Họ tìm mọi cách để xin nhiều chỉ tiêu, thu học phí cao nhưng số tiền thu về không tập trung xây trường, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy… Việc làm đó thực chất là kinh doanh giáo dục”.

Không chỉ trường lớp thiếu thốn, chất lượng đào tạo yếu kém, giảng viên chắp vá, mâu thuẫn nội bộ ở một số trường ngoài công lập cũng là bức tranh không tốt với dư luận trong thời gian qua. Chính vì vậy mà trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã có quyết định đình chỉ tuyển sinh một số trường, ngành không đủ điều kiện. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Không hẳn trường ngoài công lập nào cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều trường vẫn tuyển đủ thậm chí là vượt hơn so với chỉ tiêu đăng ký. Qua đó cho thấy, nếu trường nào quan tâm phát triển để nâng cao chất lượng thì thí sinh sẽ tin tưởng nộp đơn vào học. Chính vì thế, để có thể tuyển sinh được, các trường cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng".

Nhã Anh