Bao giờ dân hết… lo ngại?

07:00 | 06/11/2014

663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một loạt những sai sót trong tiêm chủng của ngành y đã bị khui ra trước đây như: Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội “ăn bớt” vắc-xin, 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ở tỉnh Quảng Trị… còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây, người dân lại thêm lo ngại khi cán bộ tiêm chủng của TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) tiêm nhầm vắc-xin thành nước cất cho 60 trẻ tại Trường mầm non Sao Mai. Nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc này là bởi: “Các cán bộ y tế yếu chuyên môn, thiếu tay nghề”.

Năng lượng Mới số 371

Nhầm lẫn khó hiểu

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi rubella có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được kỳ vọng sẽ thay đổi phần nào tâm lý lo sợ của người dân trước những sai sót trong tiêm chủng mà ngành y mắc phải trước đây. Tuy nhiên, mới đợt 1 của chiến dịch đã xảy ra sự việc hi hữu là thay vì tiêm vắc-xin thì các cán bộ y tế lại tiêm nhầm nước hồi chỉnh (một loại nước cất được pha với vắc-xin khi tiêm chủng - PV) để tiêm cho trẻ.

Bao giờ dân hết… lo ngại?

Người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi - rubella tại phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội

Cụ thể, sự việc xảy ra vào ngày 14-10 trong đợt tiêm chủng lần 1 của chiến dịch tiêm vắc-xin phối hợp sởi - rubella tại Trường mầm non Sao Mai (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Khi tiến hành tiêm cho trẻ, thấy bên trên thùng đựng vắc-xin có các ống dung dịch, nghĩ đó là loại vắc-xin mới nên các cán bộ y tế đã tiến hành tiêm ngay cho trẻ. Khi tiêm hết 6 lọ nước cất cho 60 trẻ thì sự nhầm lẫn này mới bị phát giác. Và cái sự nhầm lẫn này càng trở nên khó hiểu khi trước đó Bộ Y tế đã lên kế hoạch, quy trình rất bài bản để thực hiện chiến dịch tiêm chủng, trong đó có việc tập huấn cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia vào quá trình tiêm chủng.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì loại vắc-xin phối hợp sởi - rubella là thuốc do Ấn Độ cung cấp. Thoạt nhìn qua cũng nhận thấy rõ đâu là lọ đựng vắc-xin và đâu là lọ dựng dung dịch nước hồi chỉnh, vì chúng rất khác nhau về cả hình dáng và màu sắc. Lọ đựng vắc-xin có dung lượng 6ml có nắp đậy kỹ lưỡng. Còn lọ đựng dung dịch nước hồi chỉnh được đựng trong ống thủy tinh bình thường. Cả lọ vắc-xin và nước cất luôn được bảo quản trong thùng bảo ôn, đảm bảo nhiệt độ lạnh từ 2-8oC, mỗi lọ được phân bổ tiêm cho 10 trẻ.

Theo giải thích của một cán bộ y tế thì: Khi tiến hành tiêm, cán bộ y tế phải pha vắc-xin với dung dịch nước hồi chỉnh, sau đó mới có thể tiến hành tiêm cho trẻ.

Trước đó, để chuẩn bị cho chiến dịch này, mỗi cán bộ y tế đều được tập huấn để đảm bảo thực hiện đúng quy trình, bao gồm các khâu từ tầm soát đối tượng đến tiêm chủng. Riêng trong quá trình tiêm chủng cũng phải tuân thủ đủ các bước, từ phòng tiếp đón, phân loại đối tượng, đến phòng tư vấn chỉ định, phòng cặp nhiệt độ, qua bàn vào sổ… đến bàn tiêm và theo dõi sau tiêm. Việc tiếp cận với hình ảnh của lọ vắc-xin cũng đã được thông tin đến các y, bác sĩ và điều dưỡng trong quá trình tập huấn.

Đặc biệt, đối với các cán bộ y tế trực tiếp thực hiện tiêm chủng phải nói rõ thông tin về vắc-xin cho phụ huynh biết, vắc-xin phải được pha với dung dịch nước hồi chỉnh và sử dụng kim tiêm tự khóa, để đảm bảo dung lượng vắc-xin đưa vào được chính xác… Ấy vậy mà không hiểu các cán bộ y tế ở TP Cao Lãnh đã thực hiện quy trình tập huấn như thế nào mà lại để xảy ra một lỗi cơ bản như vậy?

Bao giờ dân hết… lo ngại?

Lọ vắc-xin phối hợp sởi - rubella và lọ dung dịch nước hồi chỉnh

Có còn tái diễn?

Để xảy ra sự việc này chỉ có thể khi tập huấn, các cán bộ y tế này đã không chịu tiếp nhận thông tin, hoặc quá chủ quan mà không tiếp thu đầy đủ quy trình tiêm chủng. Sau khi xảy ra vụ việc, trao đổi với Năng lượng Mới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự cố này. Tuy nhiên, về chuyên môn thì dung dịch nước hồi chỉnh không hề có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của các trẻ đã bị tiêm nhầm. Bộ Y tế cũng đã có những hành động kịp thời để trấn an tinh thần gia đình có trẻ bị tiêm nhầm, tổ chức thăm khám, theo dõi sức khỏe của các bé. Đến thời điểm này, sức khỏe các bé đều ổn định và 60 trẻ bị tiêm nhầm sẽ được tiêm lại vào ngày tiêm vét”.

Tuy nhiên, đặt trường hợp nếu tiêm nhầm không phải là dung dịch nước hồi chỉnh thì sự thể sẽ đi đến đâu?

Trước đó nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tiêm vắc-xin của ba trẻ sơ sinh ở Quảng Trị cũng chỉ vì sự tắc trách của cán bộ y tế vì đã lấy nhầm thuốc. Đó vẫn còn là bài học nhỡn tiền đối với các cán bộ y tế. Vậy mà, sự việc này còn chưa nguôi đã lại xảy ra sự cố đáng tiếc này. Trong khi, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella đang được các cơ quan, ban, ngành và cả giới truyền thông kỳ vọng sẽ thay đổi được nhận thức của người dân về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vậy thì đây chẳng khác gì một “gáo nước lạnh” dội vào mọi sự cố gắng. Hoặc ở một khía cạnh khác, sự nhầm lẫn này đã tố cáo những gì mà ngành y phát động chỉ mang tính phong trào? 

Trước đây, một câu hỏi đặt ra là: Tại sao các bậc phụ huynh không lựa chọn chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho con em mình? Thì thực trạng đã là câu trả lời rõ ràng nhất.

Còn nhớ trong công tác thanh, kiểm tra hoạt động tiêm chủng ở 54/63 tỉnh thành trên toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2013, chính Bộ Y tế đã “khui” ra một mớ những tồn đọng trong tiêm chủng như: Các điểm tiêm chủng mắc những lỗi điển hình về sắp xếp, bố trí địa điểm tiêm chưa hợp lý, cơ sở vật chất của các điểm tiêm xuống cấp trầm trọng, những cán bộ đã tập huấn trên 3 năm chưa được tập huấn lại, hay một số tỉnh thường tổ chức tiêm chủng vào một ngày trong tháng nên số lượng tiêm chủng quá đông, khó kiểm soát… đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng tiêm chủng.

Tiếp đó, trình độ chuyên môn của các cán bộ tham gia tiêm chủng lại càng đáng ngại khi liên tiếp xảy ra các sự vụ… tiêm nhầm. Sau sự cố xảy ra ở tỉnh Quảng Trị thì nay vẫn có sự vụ ở tỉnh Đồng Tháp. Vậy ai dám chắc, sự việc này không tiếp tục tiếp diễn?

Còn nhớ, cách đây vừa tròn một tháng, trong cuộc họp với Hội đồng Hiệu trưởng các trường y dược Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có ý tưởng đưa môn Văn vào các môn thi bắt buộc cho đầu vào của ngành y. Với đề xuất này, vị tư lệnh mong muốn ngoài cách biểu đạt được văn nói và văn viết thì trong tương lai ngành y sẽ có những y, bác sĩ có… tâm hồn đẹp, xứng đáng hơn với hai chữ “từ mẫu”.

Đây là một ý tưởng đẹp, thế nhưng với thực trạng liên tiếp xảy ra sự cố do đội ngũ y, bác sĩ yếu tay nghề, kém chuyên môn như hiện tại thì mục đích có một đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên” sẽ còn là cả một quãng đường dài. Thiết nghĩ với bất kỳ ngành nào thì yếu về chuyên môn đã là một cái tội, nhưng với ngành y sự yếu kém này càng đáng sợ khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của con người!

Sau sự việc nhân viên y tế tiêm nhầm nước cất thay vì vắc-xin cho 60 trẻ ở Trường mầm non Sao Mai, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành yêu cầu phải tuân thủ đúng hướng dẫn về quy trình tiêm vắc-xin sởi - rubella theo quy định của Bộ Y tế, cũng như quy trình tiêm chủng an toàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tiêm vắc xin sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng 2014-2015, sau hơn 1 tháng kể từ ngày triển khai chiến dịch từ 15-9-2014 đến 26-10-2014, chiến dịch đã được tổ chức tại 56/63 tỉnh, thành phố trong đợt 1. Kết quả bước đầu của chiến dịch đã có hơn 4,7 triệu trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi được tiêm.

Huy An