Ông Tập Cận Bình lấy sức mạnh nào để liên tục "đả hổ, diệt ruồi"?

13:57 | 22/01/2015

2,818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bằng kế hoạch chống tham nhũng nhằm cải tổ Đảng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thu hút sức mạnh và niềm tin bằng những cách thức khác biệt so với các lãnh đạo tiền nhiệm của mình.

>> Trung Quốc không có khả năng bá chủ thế giới?

>> Từ nữ danh ca trở thành đệ nhất phu nhân Trung Hoa

 

Cội rễ sức mạnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chống tham nhũng và cải tổ Đảng, một số nhà quan sát, nhà phê bình và kể cả công chúng đã đưa ra 2 mối lo ngại.

Thứ nhất, việc tiêu diệt quá nhiều “hổ” liệu có gây tổn hại tới niềm tin của người dân Trung Quốc về các cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản hay không.

Thứ hai, có khá nhiều nghi ngờ rằng ông Tập đang có ý thay đổi tư tưởng được cho là cốt lõi - “tập thể lãnh đạo” của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đồng thời tìm kiếm một vai trò mang tính quyết định hơn hay thậm chí có phần độc đoán như lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sự lo ngại trên đã thể hiện được phần nào tính phức tạp và tinh vi của nền chính trị Trung Quốc, đặc biệt liên quan tới việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, một câu hỏi trực tiếp hơn và có ý nghĩa hơn là: Quyền lực, sức mạnh của ông Tập Cận Bình có từ đâu? Đây là một điểm khá quan trọng, liên quan tới tất cả những cuộc thảo luận về tính hợp pháp của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tạp chí The Diplomat đã đưa ra những ý kiến sơ bộ có thể giúp chúng ta hiểu được cội rễ của sức mạnh, sự tự tin cùng những nghĩa vụ chính trị mà ông Tập Cận Bình đã mang theo để hiện thực hóa những ý tưởng của mình về lãnh đạo Trung Hoa.

Thứ nhất, sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình dựa trên những mong muốn, nguyện vọng của toàn thể người dân. Kể từ khi nhậm chức, ông đã liên tục nhấn mạnh cụm từ “giấc mơ” - thứ được coi là “đặc sản” của riêng ông, kết nối tư tưởng quản lý, điều hành đất nước của cấp lãnh đạo với nguyện vọng, mong ước của nhân dân. Đó là lý do không tồi để người dân tin rằng nhà lãnh đạo của mình có lý tưởng cách mạng mạnh mẽ, là người dám thay đổi.

Ông Tập đã dành hơn 40 năm làm việc để từ một nhân viên văn phòng trung ương trở thành lãnh đạo tối cao Trung Quốc. 40 năm sự nghiệp không chỉ cho ông kỹ năng, sự hiểu biết chính trị, mà còn giúp ông hiểu về cuộc sống của người dân cùng những khó khăn thực sự của họ. Sự hiểu biết này lần lượt củng cố cho quan điểm riêng của ông trong việc cai quản đất nước rộng lớn bằng cách kết hợp “những giấc mơ cá nhân” vào tổng thể “Giấc mơ Trung Hoa.”

Thứ hai, ông Tập đang chỉnh biến lại tư tưởng “tập thể lãnh đạo.” Một trong những đặc điểm quan trọng nhất, cốt lõi nhất của tinh hoa chính trị Trung Quốc là “tập thể lãnh đạo,” -  được đề ra bởi Mao Trạch Đông, sau đó được Đặng Tiểu Bình khôi phục lại. Kể từ đó đến nay, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc luôn đi theo phương châm này. Bộ máy “tập thể” được thiết kế nhằm ngăn chặn sự tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một số cá nhân trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

Như Phó Giáo sư Khoa học chính trị từ Đại học James Madison (Mỹ) - Yi Edward Yang - nói rằng, tập thể lãnh đạo đã mở đường cho một tiến trình được thể chế hóa trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng sự đồng thuận từ nhiều cá nhân lại đồng thời làm giảm sự phản ứng linh hoạt của Đảng trong nhiều vấn đề, diễn biễn phức tạp, khó lường hiện nay.

Mô hình trên đặt ra một số vấn đề khá phức tạp. Các nhà phân tích phương Tây gộp tập thể lãnh đạo Trung Quốc với phe phái chính trị, như để chỉ ra rằng “tập thể lãnh đạo” trên thực tế nghĩa là đạt được thỏa thuận giữa những phe phái chính trị khác nhau. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và phương Tây có quan điểm khác nhau về việc liệu tư tưởng “tập thể lãnh đạo” có phải một sản phẩm của “phe phái chính trị”?

Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã thể hiện quan điểm, ý chí chính trị mạnh mẽ để đấu tranh và loại bỏ những phe phái khác trong Đảng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay. Việc chống lại tư tưởng bè phái là cần thiết để ông giữ được vai trò lớn hơn trong “tập thể lãnh đạo” Trung Quốc, để tiến lên phía trước một cách dứt khoát và sáng suốt. Tất nhiên, ông Tập cần phải hài hòa hóa truyền thống chính trị của Đảng Cộng sản với tham vọng và tầm nhìn mới của mình.

Hiện vẫn chưa rõ liệu sự hạn chế quyền lực tập trung trong mô hình “tập thể lãnh đạo” Trung Quốc có giúp khắc phục những thiếu sót của hệ thống hay không. Dù thế nào, việc thỏa hiệp giữa các phe phái khác nhau không nên trở thành nguồn sức mạnh tiên quyết cho lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng như trong tương lai. Và đó là những gì ông Tập Cận Bình đang cố gắng thay đổi.

Thứ ba, sức mạnh mà ông Tập có được là từ sự kỳ vọng và ủng hộ của người dân. Với chiến dịch chống tham nhũng, ông đã cho dân chúng thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ nhiệm vụ của Đảng cũng như sự mong đợi từ nhân dân. Bằng cách trả lời đúng những nhức nhối trong dân chúng về tham nhũng, Tập Cận Bình đã giành được sự ủng hộ và kỳ vọng từ họ. Những bước đi dứt khoát, cứng rắn ngày càng củng cố vai trò trung tâm của ông trong cơn bão chống tham nhũng này.

Không chỉ những chính sách táo bạo Tập Cận Bình đưa ra nhận được hưởng ứng, sự ủng hộ còn dành cho hình ảnh cá nhân của ông, trong đó bao gồm cả "Giấc mơ Trung Hoa" - một thứ có thể gọi là “đặc sản” của Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã cho công chúng thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo khác với những người tiền nhiệm.

Bài hát “Cha Tập yêu thương mẹ Bành” (Bành Lệ Viên là vợ của ông Tập Cận Bình) kể từ khi được sáng tác đã lan nhanh một cách chóng mặt  trên mạng internet Trung Quốc, cho thấy sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của ông trong công chúng nơi đây. Và kể cả cách mà ông thường xuyên đi cạnh vợ trong nhiều chuyến viếng thăm, sự kiện quan trọng, hay công khai nhiều hình ảnh, thông tin về cuộc sống gia đình - những thứ được coi là “kiêng dè” ở các đời chủ tịch trước, cũng khiến nhà lãnh đạo trở nên gần gũi hơn với người dân.

Ông Tập Cận Bình đã biết lôi kéo, tạo ra sức mạnh cho mình bằng những cách thức khác biệt với những vị tiền nhiệm. Giờ đây, Trung Quốc đang trong giai đoạn quan trọng của quá trình chuyển đổi cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong nước là chuyển đổi kinh tế xã hội. Bên ngoài, nhiều khả năng là sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu từ Mỹ sang Trung Quốc, mặc dù điều đó có vẻ sẽ còn trong tương lai xa.

Mối lo ngại lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ chính là những vấn đề trong nước - cội rễ cho sức mạnh và niềm tin ở ông.

Hà My (theo The Diplomat Magazine)