Từ nữ danh ca trở thành đệ nhất phu nhân Trung Hoa

07:02 | 16/01/2015

2,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ giành được chỗ đứng trong lòng công chúng với vai trò là một nghệ sĩ tài năng, ngay cả khi trở thành phu nhân của người đàn ông quyền lực nhất Trung Hoa, bà Bành Lệ Viện cũng luôn biết cách tạo dấu ấn riêng cho mình, không giống bất kỳ đệ nhất phu nhân Trung Hoa nào trước đây.

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ Bành Lệ Viện tới thăm Mexico, tháng 4/2013

Ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013. Không như nhiều lãnh đạo khác kể từ thời kỳ đổi mới, ông đã đưa vợ mình ra trước công chúng ngay từ những ngày đầu tiên. Trong chuyến công du đầu tiên với tư cách chủ tịch, ông Tập đã đi cùng phu nhân - bà Bành Lệ Viện - và có thể nói rằng, bà đã thu hút được sự chú ý không thua kém gì phu quân.

Trang phục của bà - chiếc áo mangto màu đen và khăn choàng xanh dương (tại Moscow), bộ suit bằng lụa trắng (tại Dar Es Salaam), hay chiếc áo khoác đậm chất Trung hoa (tại Pretoria)... tất cả đều trở thành những chủ đề được báo chí cả trong lẫn ngoài nước khai thác cặn kẽ. 

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Bà Bành Lệ Viện trong chuyến công du cùng chồng tại Moscow

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Tại Dar Es Salaam

Bà Bành tuy đã ngoài 50, nhưng với dáng người mảnh mai như thời con gái cùng gò má cao, khi cười toát lên vẻ dịu dàng, hiền hậu đã ngay lập tức được ví như đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama và nữ công tước xứ Cambridge Kate Middleton. Khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Obama tại California, các phương tiện truyền thông lại một lần nữa hướng sự chú ý đến phu nhân của ông.

Bà Bành không chỉ được biết đến là vợ của người đàn ông quyền lực nhất Trung Hoa mà trước đó, bà đã nổi tiếng với vai trò là nghệ sĩ hát dân ca hàng đầu Trung Quốc. Ngoài ra, người phụ nữ 52 tuổi này còn mang hàm thiếu tướng và là giám đốc nghệ thuật của đội quân nhạc của Quân đội nhân dân giải phóng.

Trong hơn 30 năm sự nghiệp, bà đã trở thành gương mặt quen thuộc trên trang bìa các tạp chí nổi tiếng, đồng thời là nhân vật chủ chốt của chương trình Gala Chào Năm mới của kênh truyền hình quốc gia CCTV. Nhiều người dân Bắc Kinh còn nói rằng họ chỉ biết đến ông Tập Cận Bình là chồng bà Bành Lệ Viên trước khi ông trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Họ cũng hy vọng rằng nữ nghệ sĩ sẽ đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của đất nước.

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Bà Bành dường như đã lui dần về hậu trường vài năm trước khi ông Tập được bầu làm chủ tịch. Khi trong giới chính trị đã rõ rằng ông Tập nhiều khả năng là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, Bành Lệ Viện đã ngưng tham gia chương trình Gala mừng năm mới và nhận ít lời mời biểu diễn hơn.

Bành Lệ Viện đã đồng ý đề nghị của Bộ trưởng Y tế và từ Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Geneve để trở thành Đại sứ thiện chí, nâng cao nhận thức về bệnh lao và HIV/AIDS đồng thời thực hiện các chiến dịch kêu gọi không hút thuốc. Bà còn mời tỷ phú Bill Gates tới Bắc Kinh vào năm 2012 nhân ngày “Thế giới phòng chống hút thuốc lá”; cả hai người đều mặc áo phông đỏ mang dòng chữ “Nói không với khói thuốc.”

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Bà Bành Lệ Viện (thứ 3 từ trái sang) và tỷ phú Bill Gates (giữa) trong ngày Thế giới phòng chống hút thuốc.

Đây là lần đầu tiên vợ của người đứng đầu Trung Quốc tham gia vào một cuộc vận động và bà Bành đã thực sự định hình lại vai trò của đệ nhất phu nhân Trung Hoa. Bà được bầu chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn đồng thời lọt vào danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2013.

“Chúng ta không nên đánh giá thấp những gì bà ấy đã và sẽ thực hiện,” theo Cheng Li, chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Brookings.

Vào giữa những năm 1980, cô gái Bành Lệ Viện xinh đẹp đã bùng nổ trên sân khấu quốc gia trong vai trò ca sĩ chuyên đi hát lưu diễn cho Quân đội Giải phóng Nhân dân.

“Tài ca hát của bà đã sớm được phát hiện và trở thành món ăn tinh thần cho không chỉ các chiến sĩ mà toàn thể người dân Trung Hoa,” chuyên gia quân sự Trung Quốc Andrew Scobell đến từ Viện Nghiên cứu Rand Corp (Mỹ) cho biết. Ca khúc nổi tiếng nhất của bà là bài “Trên cánh đồng hy vọng” đã gây được tiếng vang lớn với tinh thần lạc quan được truyền tải trong bài hát. Sức hút của cô ca sĩ tài năng đã vượt ra ngoài những cơ sở quân đội.

"Chúng tôi đều biết bà là ca sĩ quân đội, vì bà ấy thường xuyên mặc quân phục,” nhà văn Trung Quốc Xujun Eberleine nhớ lại. “Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là giọng hát của bà - giọng soprano rất tươi sáng, vui vẻ và tràn đầy cảm xúc.”

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Bà Bành Lệ Viện (trái) vào năm 1980

Vào năm 1986,  Bành Lệ Viện, khi đó 24 tuổi đã gặp phu quân tương lai - Tập Cận Bình, qua sự mai mối của một người bạn. Ông Tập lúc đó 32 tuổi, là phó thị trưởng Hạ Môn, Phúc Kiến và đã từng có một đời vợ. Lệ Viện vốn không ưa kiểu mai mối nhưng vì nể bạn nên đã đồng ý tới gặp mặt. Hôm đó, bà cố tình mặc một chiếc quần bộ đội rộng thùng thình với chủ ý muốn thăm dò xem “đối tượng” có phải là người ưa hình thức hay không.

Về phía ông Tập, ông xuất hiện trong bộ trang phục vô cùng giản dị. Lệ Viện thoáng thất vọng vì cách ăn mặc và khuôn mặt có phần “già già” của ông. Tuy nhiên, những ấn tượng này lập tức biến mất khi hai người cất tiếng trò chuyện cùng nhau. Sự thông minh, điềm tĩnh, phong thái từ tốn của ông Tập đã thu hút Lệ Viện.

“Ông ấy không hề hỏi tôi “hiện nay thịnh hành bài hát nào” hay “thù lao biểu diễn bao nhiêu” mà chỉ hỏi “thanh luật thường được hát như thế nào”. 

Chuyện tình của họ đã diễn ra như thế nào, không ai biết chính xác. Nhưng Tân Hoa Xã đã đăng tải một câu chuyện và gọi đó là chuyện tình của cặp đôi quyền lực này. Theo đó, ông Tập đã phải lòng rất nhanh chóng và thổ lộ trong cuộc gặp đầu tiên: “Tuy mới chỉ 40 phút ở bên nhau nhưng anh đã cảm thấy rằng em sẽ là vợ anh,”. Tình cảm của hai người bị gia đình họ Bành phản đối bởi họ lo lắng rằng một chính trị gia đầy tham vọng khó có thể trở thành một người chồng tận tâm. Hơn nữa, cha mẹ Lệ Viện vốn xuất thân từ nông dân, chỉ muốn con mình lấy một người bình thường, sống đời an bình, giản đơn chứ hoàn toàn không muốn con gái lấy một cán bộ cấp cao. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã nói với vợ tương lai rằng: “Bố anh cũng xuất thân từ gia đình nông dân. Tất cả các anh chị em anh đều kết hôn với những người bình thường. Anh sẽ giải thích cho bố mẹ em hiểu. Họ sẽ chấp nhận anh.”

Sau một năm yêu nhau, vào ngày 01/9/1987, Bành Lệ Viện và Tập Cận Bình nói chuyện qua điện thoại rồi quyết định tổ chức đám cưới. Bành Lệ Viện đến đơn vị xin giấy giới thiệu, mua vé máy bay bay thẳng tới Hạ Môn. Vừa xuống sân bay, ông Tập đón bà và đến thẳng một hiệu chụp ảnh để chụp ảnh cưới, rồi tới trụ sở đăng kí kết hôn. Hôm đó, thị trưởng và các vị lãnh đạo thành phố Hạ Môn nhận được điện thoại của Tập Cận Bình mời tới ăn cơm tối lúc 7h. Đúng 7h tối, mọi người tập trung tại nhà hàng, khi Tập Cận Bình đứng ra giới thiệu, mọi người mới kinh ngạc biết đây chính là tiệc cưới của ông và cô dâu chính là cô ca sĩ Bành Lệ Viện.

Sau đám cưới vài ngày, hai vợ chồng mỗi người lại một phương. Dù ít có thời gian ở bên nhau nhưng hai người rất cảm thông, hết sức ủng hộ nhau. Hễ điều kiện cho phép, cho dù khuya đến mấy, ngày nào Tập Cận Bình ít nhất cũng phải gọi một cuộc điện thoại cho vợ, hai người cùng hỏi han nhau mới yên tâm đi nghỉ.

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Vợ chồng ông Tập Cận Bình vào năm 1989

Ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện có một cô con gái duy nhất, có tên mụ là Mộc Tử, còn tên chính thức là Tập Minh Trạch.

Bà Bành rất coi trọng sinh hoạt gia đình, bà từng nói rằng: “Nếu bảo tôi vì sự nghiệp mà buông  bỏ gia đình, không sinh con, thì tôi sẽ cảm thấy hết sức khó hiểu. Gia đình chính là ngọn núi để nương tựa, là bến bờ phẳng lặng của người phụ nữ. Gia đình nhà tôi cũng như muôn vàn các gia đình bình dân khác, là một gia đình rất bình thường, là một gia đình hạnh phúc”. Có lẽ nhờ vậy mà trải qua 27 năm vợ chồng, cuộc hôn nhân của bà và ông Tập vẫn bền vững và được nhiều người ngưỡng mộ.

 Ông Tập cũng hết sức tạo điều kiện cho vợ phát triển sự nghiệp. Chia sẻ về chồng, bà Bành nói: “Ở nhà ông ấy rất thích nghe các bài hát của tôi. Trong suốt 27 năm qua, mỗi khi đi công tác, ngày nào ông ấy cũng gọi điện thoại hỏi thăm vợ con. Cứ đến Tết, tôi phải tham gia biểu diễn tiết mục Chào xuân trên đài truyền hình, năm nào ông ấy cũng ở nhà vừa gói bánh sủi cảo, vừa xem ti vi, chờ tôi về nhà rồi hai vợ chồng cùng ăn”.

Bành Lệ Viện từ ca sĩ lưu diễn trong quân đội đã trở thành một ngôi sao truyền hình và trong các sự kiện, trong khi ông Tập lại không nổi tiếng như vậy. “Trong văn hóa chính trị Trung Hoa, không ai biết tới Tập Cận Bình cho đến khi bạn nói với họ rằng ông ấy là lãnh đạo của họ,” theo Paul French - tác giả nhiều cuốn sách viết về lịch sử Trung Quốc và xã hội Trung Quốc đương đại.

Năm 1999, khi Bành Lệ Viện xuất hiền lần đầu trong talk show “Bộ ba cuối tuần” - người dẫn chương trình nổi tiếng Dou Wentao đã trêu: “Ông chồng như thế nào mà lại có thế chế ngự được một người phụ nữ quyến rũ và nổi tiếng như thế này?”. Bà đã trả lời rất khôn ngoan và kín đáo : “Chồng tôi tuy có thể không nổi tiếng ở lĩnh vực tương tự nhưng tôi tin ông ấy có khả năng đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khác.”

Khi chồng bà ngày càng trở thành người quyền lực trên chính trường, bà cũng dần chuyển từ ca hát sang tham gia các hoạt động thiện nguyện thường xuyên hơn. Vào năm 2006, khi 43 tuổi, bà đã chuyển sự quan tâm sang lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Bà trở thành người phát ngôn cho các chiến dịch chống bệnh lao, HIV/AIDS và thuốc lá. Điều này không dễ gì thực hiện ở Trung Quốc.

“Vì tại đây, người dân có cái nhìn kì thị rất mạnh mẽ đối với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cũng như gia đình họ,” ông Yanzhong Huang - thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ quốc tế tại New York cho hay. Đối với việc kiểm soát thuốc lá, “thách thức lớn nhất là vai trò nổi trội của nhà nước trong việc đưa ra các quyết sách cho ngành công nghiệp này.” Khi Bill Gates tới thăm Trung Quốc vào tháng 4, ông đã gặp riêng bà Bành. Ông đã viết trên trang web của mình: “trong một tách trà, chúng tôi thảo luận về hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò to lớn hơn nữa trong việc giải quyết những thách thức về sức khỏa và phát triển trên toàn thế giới.”

“Không người phụ nữ nào được chuẩn bị đầy đủ cho vai trò đệ nhất phu nhân,” theo Anita McBride, người từng là chánh văn phòng cho Laura Bush (phu nhân Tổng thống Mỹ George Bush con) và hiện nay chuyên tổ chức hội thảo về lịch sử của các đời đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ tại Đại học Hoa Kỳ ở Washington. Tại Mỹ, đệ nhất phu nhân luôn tạo được ảnh hưởng cho riêng mình: Jackie Kennedy thúc đẩy nền nghệ thuật và văn hóa Mỹ; Betty Ford đấu tranh cho bình đẳng ở phụ nữ; Michelle Obama muốn nước Mỹ “tiếp tục đi lên.” Mc Bride thấy một điểm chung: “Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ luôn dẫn đầu những thay đổi lịch sử lớn trong nước. Họ là hình mẫu cho những người phụ nữ cùng thời đại.”

Trung Quốc không như vậy. “Các lãnh đạo Trung Quốc hiện đại luôn cảm thấy không thoải mái khi xuất hiện cùng vợ/chồng; người vợ/chồng hầu như không đóng vai trò gì,” giáo sư Haiyan Lee đến từ Đại học Stanford cho biết. Trong 3 đời chủ tịch gần đây nhất của Trung Quốc, người dân hầu như biết rất ít về cuộc sống đời tư cũng như gia đình của họ.

Đó một phần là vì các lãnh đạo thấy không cần thiết trong việc đưa gia đình vào các chiến dịch tranh cử, để giành thêm sự ủng hộ, kết nối với cử tri, và cũng một phần vì gia đình họ có thể sẽ bị dính líu, gặp nhiều trở ngại nếu như họ đã từng sử dụng chức vụ để tích lũy của cải hoặc vi phạm pháp luật. “Cuộc sống của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vô cùng biệt lập,” Kerry Brown - giám đốc điều hành trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney cho hay.

Nhưng mọi chuyện đã khác đến đời ông Tập Cận Bình. Hàng loạt các bức ảnh cũ của gia đình, vợ chồng, bố mẹ, con cái đều xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Chỉ thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập đã triển khai chiến dịch nhằm giảm bớt sự tách biệt giữa tầng lớp lãnh đạo với người dân - ví dụ như đoàn xe hộ tống, biểu ngữ chúc mừng hay các bữa tiệc xa hoa theo ông là không cần thiết. 

Gặp gỡ Bành Lệ Viện - Đệ nhất phu nhân Trung Hoa

Ông Tập Cận Bình (ngoài cùng bên phải), bà Bành Lệ Viện (ngoài cùng bên trái) cùng con gái (áo trắng) và những thành viên khác trong gia đình.

Các bài phát biểu của ông cũng đã nhấn mạnh tới mối quan tâm của các tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Và ông cũng đang đưa đất nước tiến lên trên con đường hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa.” Hơn bất kỳ chính trị gia nào kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình được xem như người đàn ông của nhân dân, và để trở nên như vậy không thể không kể đến công sức của người vợ.

Bành Lệ Viện đã hết sức ủng hộ sự nghiệp của chồng. Sau khi ông Tập trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và phát động chiến dịch trấn áp tham nhũng và lãng phí trong đảng và quân đội, bà cũng là người đi đầu trong việc thực hiện cam kết do chồng đề ra. Việc thường xuyên xuất hiện cùng chồng trong các chuyến công du cũng tạo cho bà dấu ấn khác biệt so với những đệ nhất phu nhân trước đây của Trung Quốc.

Hà My (tổng hợp)