Những điều ít biết về hôn nhân của 7 em gái Phổ Nghi

07:00 | 27/11/2014

13,757 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nói chung ít người biết về 7 em gái của Hoàng đế Phổ Nghi và mặc dù đều thuộc Vương thất, song hôn nhân của họ không phải đều thuộc lá ngọc cành vàng.

Người đầu tiên là Uẩn Anh (chị cả trong số 7 chị em), biết làm thơ, vẽ tranh, xinh đẹp, thông minh hơn người. Có khá nhiều con cái của quan đại thần trong và ngoài triều muốn nhòm ngó, nhưng cuối cùng chỉ có Nhuận Lương Hỉ, anh trai Uyển Dung là lọt vào mắt xanh của cả Hoàng đế Phổ Nghi lẫn Uẩn Anh. Hôn lễ của Uẩn Anh - Nhuận Lương Hỉ diễn ra theo đúng nghi lễ “con rồng cháu chúa”, nhưng Uẩn Anh đã chết sau hơn một năm chung sống với Nhuận Lương Hỉ.

Nhị muội là Uẩn Hoà. Cuộc hôn nhân giữa Uẩn Hoà và Trịnh Văn Nguyên, con trai trưởng của lão thần Trịnh Hiếu Tư là do đích thân Hoàng đế Phổ Nghi đứng ra dàn xếp. Năm 1932 đám cưới giữa Uẩn Hoà và Trịnh Văn Nguyên được tổ chức tại Trường Xuân, nhưng lại không diễn ra theo đúng nghi lễ “con rồng cháu chúa”. Bù lại họ được đi du lịch vòng quanh thế giới và sống rất tâm đầu ý hợp.

Tam muội là Uẩn Dĩnh, tính tình ôn hoà, xinh đẹp, hướng nội. Người làm mối cho tam muội vẫn là Uyển Dung. Uyển Dung làm mối cho Nhuận Kỳ, đứa em trai cùng cha khác mẹ với mình, nhưng cuộc mai mối này ban đầu gặp trắc trở bởi cha Phổ Nghi là Tải Phong không muốn con gái thứ ba của mình có tình cảnh giống như Uẩn Anh (cưới sau hơn một năm thì chết). Nhưng sau đó nhờ sự kiên trì thuyết phục của Uyển Dung nên cuối cùng Phổ Nghi cũng để Uẩn Dĩnh thành hôn với Nhuận Kỳ.

Những điều ít biết về hôn nhân của 7 em gái Phổ Nghi

Thứ phi Văn Tú (thứ 3 từ trái) và hoàng hậu Uyển Dung (thứ 5) cùng các em gái Phổ Nghi chụp ảnh ở Công Sứ quán Nhật ở Bắc Kinh năm 1924.

Tứ muội là Uẩn Nhàn vì xinh đẹp khác người nên bị người Nhật nhòm ngó. Đích thân Tướng Nhật đến làm mối, nhưng vốn không ưa người Nhật và biết rằng, họ muốn dùng việc này để khống chế mình nên Phổ Nghi đã khéo từ chối: “Xin cảm tạ nhã ý của tướng quân, nhưng rất tiếc Uẩn Nhàn đã được hứa gả cho Triệu Quốc Hân, con trai Triệu Cảnh Kỳ, tri phủ Thiệu Hưng mất rồi”.

Triệu Quốc Hân vốn là đại vệ cho Phổ Nghi, sau đó được cử sang Nhật học và được bổ nhiệm làm tướng trong quân đội nhà Thanh. Mặc dù biết Phổ Nghi chỉ nói vậy là để khước từ, nhưng lời Hoàng đế nói ra là không thể thu hồi được và Triệu Quốc Hân đã không bỏ lỡ cơ hội này để thông gia với Hoàng thất. Uẩn Nhàn đã được gả cho nhà họ Triệu trong bối cảnh đó.

Ngũ muội là Uẩn Hinh được mọi người đặt cho biệt danh Hắc mẫu đơn, nhưng cô không giống với các chị em mình, không chấp nhận sống trong khuôn phép cung đình. Năm 1935, Uẩn Hinh thành hôn với Vạn Gia Hi, con trai Vạn Thằng Thức, tướng quân nhà Thanh. Hôm đón dâu, Uẩn Hinh không mặc như các cô dâu thường mặc, thậm chí còn lên xe nhà binh đến doanh trại và tổ chức hôn lễ tại đó theo nghi thức mới và về sống tại Thẩm Dương với chồng.

Lục muội là Uẩn Ngu được Phổ Nghi gả cho Vương Lực Dân vào tháng 3/1945 (Vương Lực Dân từng lưu học tại Nhật từ năm 1939). Hôm tổ chức hôn lễ Uẩn Ngu và Vương Lực Dân không tổ chức linh đình, không có ăn uống, mà chỉ tiệc trà, chụp ảnh lưu niệm. Bù lại họ sống rất hạnh phúc mặc dù Vương Lực Dân không phải “con rồng cháu chúa”.

Thất muội là Uẩn Hoan, lấy chồng muộn, mãi tới năm 29 tuổi mới được Lý Thúc Phân giới thiệu, làm mối cho Kiều Hồng Chí. Năm 1950, Uẩn Hoan kết hôn với Kiều Hồng Chí và đám cưới của họ khác xa với đám cưới của các chị mình, nó diễn ra giản dị, nhưng đầm ấm.

Bắc Ninh