Đảo chính quân sự tại Ai Cập:

Tổng thống Mohamed Morsi đang bị giam giữ tại đâu?

06:43 | 05/07/2013

602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay sau khi cuộc đảo chính quân sự diễn ra, dư luận trong và ngoài Ai Cập đã bày tỏ những quan ngại khác nhau xung quanh vấn đề này. Bởi chỉ trong vòng hơn 2 năm, Ai Cập đã xảy ra 2 cuộc đảo chính. Điều đáng nói là ông Mohamed Morsi, Tổng thống dân sự đầu tiên được bầu sau cuộc bầu cử lịch sử thời kỳ hậu Mubarak, đang có hồi kết giống người tiền nhiệm. Theo thông báo của ông Ayman Ali, phụ tá của Tổng thống bị lật đổ, ông Mohammed Morsi đã bị đưa đến một địa điểm bí mật và hiện không có thông tin nào liên quan tới vấn đề này. Trước đó, Hãng Itar-Tass đưa tin, Tổng thống Mohamed Morsi bị quản thúc tại gia, bị tịch thu và cấm sử dụng điện thoại di động để liên lạc với thế giới bên ngoài.

>> Chính biến tại Ai Cập: Vì đâu nên nỗi?

Cuộc đảo chính được báo trước

Cuộc đảo chính quân sự diễn ra đúng 1 năm sau khi ông Mohamed Morsi lên nắm quyền. Đúng 21 giờ ngày 3/7 (theo giờ Cairo), tức 2 giờ sáng ngày 4/7 (theo giờ Hà Nội), trong bài phát biểu trên truyền hình ngay sau khi tiến hành đảo chính, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi tuyên bố đình chỉ Hiến pháp và bổ nhiệm Chánh án Tòa án Hiến pháp làm lãnh đạo lâm thời Ai Cập, đồng thời cho biết, một chính phủ kỹ trị sẽ được thành lập để điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ông Abdel Fattah al-Sisi còn kêu gọi tiến hành bầu tổng thống và Quốc hội cũng như thành lập một Ủy ban sửa đổi hiến pháp và Ủy ban hòa giải dân tộc bao gồm các phong trào thanh niên và lộ trình này được các tổ chức chính trị đồng thuận.

Tổng thống Morsi

Tướng Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh, một chính phủ “mạnh và có năng lực có thể được thành lập với tư cách đầy đủ”. Ông Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi Tòa án Hiến pháp nhanh chóng hoàn thiện luật bầu cử Quốc hội và bắt đầu các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội, kêu gọi người dân duy trì hòa bình và tôn trọng pháp luật, đồng thời cảnh báo, quân đội sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ nghiêm trị mọi hành động quá khích và vi phạm pháp luật, vì an ninh, hòa bình và ổn định của Ai Cập.

Tướng Abdul Fattah Al-Sisi lên truyền hình tuyên bố đình chỉ hiến pháp

Theo giới truyền thông, trước khi tiến hành đảo chính, sáng ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah al-Sisi đã tổ chức họp với các nhân vật đối lập hàng đầu Ai Cập cũng như các lãnh tụ tôn giáo, đồng thời điều xe quân sự xuất hiện quanh Đài Truyền hình quốc gia, còn lực lượng an ninh áp đặt lệnh cấm xuất ngoại đối với Tổng thống Mohamed Morsi. Lực lượng an ninh nhận được lệnh sử dụng vũ khí “để bảo vệ nhân dân và những người biểu tình” và Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim là người ký lệnh này.

Ngày 1/7, quân đội đã ra tối hậu thư cảnh báo sẽ can thiệp và đề xuất lộ trình chính trị nếu các lực lượng chính trị không đáp ứng các yêu cầu của nhân dân trong vòng 48 giờ. Tối hậu thư của quân đội được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng triệu người trên khắp đất nước đổ xuống đường yêu cầu Tổng thống Mohamed Morsi từ chức.

Ông Mohamed Morsi khó quay trở lại nắm quyền

Trên trang mạng Facebook của mình, ông Mohamed Morsi đã bác bỏ những động thái của quân đội và coi đây là một cuộc đảo chính quân sự, đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập chống lại cuộc đảo chính này một cách hòa bình. Tổng thống Mohamed Morsi từng khẳng định không từ chức và sẽ dùng mạng sống để bảo vệ vị trí cầm quyền hợp pháp của mình. Trong khi đám đông biểu tình tại thủ đô Cairo hò reo nhiệt liệt sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi thì những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Ai Cập bị phế truất đã đụng độ tại thành phố Alexandria sau sự kiện này. Quan chức cảnh sát cấp cao Sherif Abdelhamid cho biết, họ đang phải đối phó với tình hình và kêu gọi tăng cường an ninh tại khu vực kể trên.

Xe tăng do quân đội triển khai trên đường phố Cairo ngày 3/7

Giới truyền thông đưa tin, ngay sau khi tuyên bố của Tổng thống Mohammed Morsi được đưa ra (tối 2/7, theo giờ địa phương), tại Quảng trường Đại học Cairo đã nổ ra hỗn chiến giữa những người Hồi giáo và người dân địa phương. Những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo đã nổ súng vào người dân khiến 17 người thiệt mạng, hơn 600 người bị thương. Tại bán đảo Sinai quân đội và cảnh sát được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu toàn diện sau khi nhận được thông tin về kế hoạch của những kẻ Hồi giáo cực đoan có ý định tổ chức tấn công vào lực lượng an ninh trong trường hợp Tổng thống Mohammed Morsi từ chức. Các chỉ huy quân đội được yêu cầu phải lập báo cáo diễn biến đến từng phút.

Một trong những thủ lĩnh đối lập của Ai Cập, ông Mohamed ElBaradei tuyên bố ủng hộ lộ trình của lực lượng vũ trang Ai Cập. Phát biểu sau khi quân đội tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Morsi và đình chỉ Hiến pháp hiện hành, ông ElBaradei nhấn mạnh, lộ trình này đảm bảo đạt được yêu cầu chính, đó là tiến hành bầu cử tổng thống sớm thông qua giai đoạn chuyển tiếp, trong đó bản hiến pháp sẽ được sửa đổi để có một bản hiến pháp mới dành quyền dân chủ cho mọi người và lộ trình cũng bao gồm sự khởi đầu hòa giải dân tộc thông qua việc thiết lập một ủy ban thống nhất dân tộc.

Theo Hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA, Đài Truyền hình của Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập (Kênh Egypt25) đã bị ngưng phát sóng và những người quản lý kênh này bị bắt giữ chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ. Kênh Egypt25 đã phát sóng trực tiếp cảnh các cuộc biểu tình của hàng vạn người ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi tại thủ đô Cairo và trên khắp đất nước, cùng với những bài phát biểu của giới chính trị gia thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó lên án quân đội can thiệp để lật đổ vị tổng thống được bầu này.

Theo cổng thông tin Al-Masri Al-Yawm, cố vấn tinh thần của Tổ chức Anh em Hồi giáo Mohammed Badia và người phụ tá của ông ta, người có biệt danh “hồng y màu xám” Khairat al-Shater đã bị cấm rời khỏi đất nước. Lệnh hạn chế tương tự cũng được ban ra đối với 270 nhà lãnh đạo của lực lượng Hồi giáo này.

Mối quan tâm của Mỹ và dư luận

Giới thạo tin cho biết, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, giới lãnh đạo quân đội Ai Cập đảm bảo rằng, không “hứng thú” với việc nắm quyền trong thời gian dài và cam kết sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ dân sự. Bộ Ngoại giao Mỹ tuy phê phán Tổng thống Mohamed Morsi, nhưng không tỏ dấu hiệu phản đối hành động của quân đội. Sự im lặng của Mỹ, ít nhất cho tới lúc này cho thấy, Washington có thể sẵn sàng chấp nhận hành động của quân đội như một cách để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã làm tê liệt Ai Cập, một đồng minh lâu đời của Mỹ.

Quân đội đã tăng sự hiện diện trên đường phố Cairo từ buổi chiều

Mỹ cũng đã ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với nhân viên Đại sứ quán nước này ở Cairo, chỉ vài giờ sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Vì từng nhiều lần bị người biểu tình tấn công và do 4/7 là Quốc khánh Mỹ và cũng là dịp nghỉ cuối tuần của người Arập nên Đại sứ quán Mỹ sẽ đóng cửa ít nhất tới ngày 7/7. Ngoại trưởng Anh William Hague đã hối thúc các bên kiềm chế, tránh bạo lực, đồng thời phản đối việc can thiệp quân sự nhằm thay đổi chế độ, song không gọi vụ việc ở Cairo là đảo chính.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ca ngợi những cuộc biểu tình phản đối nhà lãnh đạo của họ và việc ông Mohamed Morsi bị quân đội lật đổ cho thấy sự chấm hết của “Hồi giáo chính trị”. Các nước vùng Vịnh đã hoan nghênh việc quân đội lật đổ Tổng thống người Hồi giáo Mohamed Morsi. Quốc vương Arập Xêút Abdullah đã gửi thông điệp chúc mừng tới ông Adli Mansour được bổ nhiệm làm lãnh đạo lâm thời của Ai Cập. Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất UAE cũng hoan nghênh lực lượng vũ trang Ai Cập và những thay đổi ở nước này.

Cựu Ngoại trưởng Ai Cập, Tổng thư ký Liên đoàn Arập Amr Mussa bác bỏ thông tin nói rằng: đây không phải là đảo chính. Tuy cuộc đảo chính quân sự không diễn ra trong cảnh tên rơi đạn lạc, nhưng những vụ đụng độ đã và đang nổ ra giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Mohamed Morsi trên khắp đất nước thực sự đe dọa đẩy Ai Cập vào vòng xoáy nguy hiểm mới. Khi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, quân đội từng nắm quyền điều hành đất nước nhưng bị dư luận chỉ trích là “cướp thành quả cách mạng” nên phải tổ chức bầu cử và ông Mohamed Morsi lên cầm quyền trong  bối cảnh này.

Ngày 3/7, Tổ chức Giám sát nhân quyền thế giới (HRW) cho biết, khoảng 100 phụ nữ là nạn nhân của các cuộc tấn công tình dục ngay tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo trong 4 ngày biểu tình vừa qua, nhưng những kẻ tấn công không bị trừng phạt. Hãng tin AFP dẫn lời HRW kêu gọi quan chức và giới lãnh đạo chính trị Ai Cập phải có biện pháp triệt để giải quyết mức độ khủng khiếp của bạo lực tình dục ngay tại Quảng trường Tahrir. Trong khi đó đang có nhiều thông tin khác nhau lý giải cho các cuộc tấn công này.

Nhiều người cho rằng, các cuộc tấn công được thực hiện bởi những tên côn đồ lợi dụng tình hình hỗn loạn và mất an toàn ở Quảng trường Tahrir để tránh sự truy tố của pháp luật. Nhưng lại có một số người cho rằng, các cuộc tấn công này nhằm đe dọa phụ nữ không được tiếp tục tham gia biểu tình. Được biết, cơ quan chức năng Ai Cập đang điều tra vụ cưỡng hiếp tập thể tại Quảng trường Tahrir ở Cairo đối với cô Dina Zakaria, khi nữ phóng viên người Hà Lan tác nghiệp tại đây.


Đông Ngàn - Từ Sơn