“Hòa bình và tự vệ” - Điểm nhấn quốc phòng Việt Nam năm 2013

07:00 | 30/01/2014

8,254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013, Việt Nam đã công bố chính sách quốc phòng với mục tiêu là “hòa bình và tự vệ” đã được cả thế giới quan tâm, đồng tình ủng hộ. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam luôn khẳng định trước sau như một, chỉ mong muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ 2014

Nhất quán đường lối độc lập tự chủ

Tại Diễn đàn Shari-La 12 (Singapore), Việt Nam tuyên bố khẳng định, sẽ không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không để bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và cũng không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Vì Việt Nam nhận thức rằng, thời đại ngày nay, tổ chức các liên minh quân sự, hoặc xây dựng căn cứ quân sự của nước này tại một nước khác không còn phù hợp với xu thế phát triển.

Chính sách nhất quán nêu trên là bài học đúng đắn rút ra từ thực tiễn nhiều năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, trên tinh thần độc lập tự chủ, “lấy sức ta bảo vệ cho ta”. Đồng thời, mong mỏi được sự đồng tình ủng hộ của các quốc gia khu vực và thế giới.

Xử lý tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam khẳng định tuân thủ nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, cùng với ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và phấn đấu để sớm đạt được COC. Việt Nam khẳng định bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Hai tàu ngầm Kilo Projekt 06361 đầu tiên của Việt Nam là HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP Hồ Chí Minh

Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia.

Việt Nam cũng đã có quan hệ quốc phòng với 65 nước, trong đó có 31 nước đã thiết lập cơ quan tùy viên. Việt Nam cũng đã thiết lập kênh đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng với 11 nước (Mỹ, Nga, Trung, Ấn, Nhật, Hàn, Singapore, Australia, Pháp, Malaysia, Indonesia) và đã tiến hành 31 phiên đối thoại. Trong đó Việt Nam - Ấn Độ có số lần đối thoại cao nhất là 8 phiên, 4 nước khác mới thiết lập kênh đối thoại quốc phòng lần đầu tiên.

Thông qua đối thoại, các bên đều thống nhất đẩy mạnh giao lưu, trao đổi đoàn các cấp làm việc và thăm viếng lẫn nhau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng, quân y, an ninh mạng và nghiên cứu khoa học quân sự; hợp tác hải quân, biên phòng, phòng không - không quân, các viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng - quân sự, thiết lập đường dây nóng giữa hai bên, cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao và quân đội các bên đã xác định, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và các bên đã nhất trí phát triển và làm sâu sắc thêm, đồng thời xác định một số nội dung trọng điểm như: Thông qua đối thoại các bên đã thỏa thuận mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là hợp tác hải quân và cảnh sát biển. Mỹ là quốc gia rất nhiệt tình hợp tác với cảnh sát biển Việt Nam; Trung Quốc nhấn mạnh thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân, Bộ Quốc phòng hai nước và đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Chính sách quốc phòng nhất quán của Việt Nam là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong bối cảnh mới Việt Nam đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể để không chỉ nói mà sẽ làm hết sức mình đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực; đồng thời bảo vệ độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Năm 2013, Việt Nam đề xuất và tiến hành mở rộng các lĩnh vực hợp tác với các nước láng giềng, đặc biệt là hợp tác hải quân, quán triệt tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân lao động hòa bình trên biển; tăng cường hợp tác thông qua đường dây nóng giữa Tư lệnh hải quân và Bộ Quốc phòng hai nước. “Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, bằng khả năng của mình đã sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc”.

Thông qua đối thoại quốc phòng Việt Nam với các nước, các bên đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông (LMI)… nhằm góp phần xây dựng cấu trúc an ninh khu vực vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Các bên đối thoại cũng chia sẻ quan điểm về các chủ đề trong các cuộc hội thảo quốc tế: sáng kiến hòa bình và hợp tác khu vực Đông Bắc Á và An ninh toàn diện ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và vai trò của các nước Châu Á - Thái Bình Dương; vai trò của quân sự trong quản trị an ninh mạng; định hướng phát triển các nguyên tắc quốc tế về an ninh mạng; và xây dựng kế hoạch quốc phòng trong thời kỳ ngân sách bị hạn chế…

Từng bước hiện đại hóa quân đội

Những năm vừa qua, Việt Nam đã tăng cường ngân sách quốc phòng, nhưng với mức hợp lý và từng bước hiện đại hóa quân đội chỉ nhằm mục tiêu tự vệ và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Để đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhất là những vùng xung yếu. Với nguồn kinh phí ít ỏi, Việt Nam đã đầu tư có trọng điểm vào các quân, binh chủng, nhất là hiện đại hóa hải quân.

Thông qua đối thoại quốc phòng, Việt Nam đã tăng cường quan hệ đối tác, hợp tác trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ quân sự hiện đại, đáp ứng nhu cầu bảo vệ của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận mua sản phẩm quốc phòng hiện đại với nhiều nước như: Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Pháp, Ukraina, CH Czech… các loại vũ khí mới đã dần dần được trang bị cho quân đội như: tàu ngầm Kilo, tàu Molniya mang tên lửa Uran E, tên lửa phòng không S-300PMU1, máy bay Su-30MK2 của Nga; hệ thống tên lửa phòng không VL MICA, tên lửa hành trình chống tàu cận âm Exocet MM40 của Pháp; tên lửa Extra của Israel; khu trục hạm tàng hình P28, tên lửa đường đạn chiến thuật Pragati của Ấn Độ; tàu tuần tiễu thế hệ mới của Nhật Bản; Su-22UM3, hệ thống công nghệ cao phát hiện máy bay VERA của CH Czech. Ngoài ra Việt Nam còn mua của Ukraine các thiết bị quân sự hiện đại, để nước này bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa hầu hết các thiết bị quân sự của Việt Nam còn lại từ thời Liên bang Xôviết.

Như vậy, với ngân sách quốc phòng ở mức khiêm tốn, Việt Nam đã lựa chọn phương án mua sắm kết hợp với liên doanh sản xuất trong nước với các phương án tối ưu, đạt hiệu quả cao. Đánh giá về cấp độ hiện đại, các chuyên gia công nghệ quân sự quốc tế cho rằng, quân đội nhân dân Việt Nam có trình độ trang bị ngang tầm khu vực, thậm chí so sánh “ngang ngửa” với một vài nước trong khu vực. Vì thế, “hòa bình và tự vệ” được coi là điểm nhấn quốc phòng Việt Nam năm 2013.

Nguyễn Nhâm