Những cuộc đối đầu giữa KGB và CIA (Kỳ 1)

06:52 | 18/11/2013

6,637 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
KGB và CIA là hai cơ quan tình báo đặc biệt hàng đầu trong lịch sử tình báo thế giới và luôn đối đầu nhau. Vụ việc dưới đây và những câu chuyện khác chứng minh cho việc trong hàng chục năm KGB và CIA luôn xỏ mũi nhau.

Vì sao điệp viên nằm vùng không đến chỗ hẹn?

Tháng 6/1961, một thiếu tá KGB xuất hiện ở Washington và bày tỏ mong muốn đươc  làm việc cho tình báo Mỹ. Cách “ra mắt” của anh ta rất đơn giản: Thiếu tá gọi điện thẳng đến nhà riêng của Giám đốc CIA Richard Helms. Tuy nhiên, Helms và vợ đã chia tay và ông ta không còn sống ở đó nữa. Viên thiếu tá không nản lòng. Bằng sự linh lợi của mình, anh ta đã có được số điện thoại của Helms.

Khi nhận điện thoại, do bản lĩnh nghề nghiệp, Helms không hề giận dữ và bất ngờ vì cuộc gọi không định trước này. Ông ta cũng không coi người gọi đến là kẻ “tâm thần”. Người gọi đến - viên thiếu tá - không chỉ giới thiệu tên của mình là Igor Cozlov, mà còn nói, mấy năm trước, anh ta có quen với hai nhân viên CIA ở Pakistan và đọc ra mật danh của họ. Hiểu rõ rằng Helms cần có một khoảng thời gian để kiểm tra những tin tức này, viên thiếu tá nói rằng, sẽ gọi lại cho Helms sau hai giờ nữa và nếu như cuộc trò chuyện thứ hai không có kết quả, có nghĩa là lời đề nghị của anh ta bị khước từ.

Gia đình Ecaterina Phursheva. Con gái Svetlana, con rể Igor Cozlov và phi công vũ trụ Nicolaev

Ngay lập tức Helms liên lạc với Giám đốc An ninh nội bộ của CIA- James Jizus Angleton. Angleton hoạt bát hẳn lên, nhưng vẫn cảnh báo: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không cho phép một ai ở phòng nghiên cứu Liên Xô tiếp xúc với vụ này. Ông ta vẫn tin rằng ở phòng đó có “chuột chũi” (điệp viên nằm vùng) của KGB và có thể không phải chỉ có một người. Ông ta tiến cử trao việc gặp gỡ này cho thuộc cấp của mình là Brius Soli. Luật pháp hiện hành và Điều lệnh CIA cấm tình báo Mỹ mở chiến dịch trên lãnh thổ Mỹ. Nếu như viên thiếu tá KGB đưa ra yêu cầu của mình trên lãnh thổ Liên Xô hay nước thứ ba nào đó thì CIA sẽ bắt tay vào việc ngay. Tuy nhiên, trên lãnh thổ Mỹ những vấn đề này tuyệt đối nằm trong quyền hạn của FBI. Bởi vậy, Soli đã liên lạc ngay với Trưởng phòng Liên Xô của FBI Bill Breinigan.

Vào thời gian này, phòng của Breinigan đang trong thời kỳ không suôn sẻ. Giám đốc cơ quan Edgar Hoover đã tung mọi lực lượng hiện có vào phong trào chống chiến tranh, các thủ lĩnh sinh viên và những phần tử tích cực da đen, chỉ để cho phòng Liên Xô không quá 20 đặc vụ. Lãnh đạo chiến dịch từ FBI được giao cho nhà phản gián giàu kinh nghiệm nhất là Bert Terner.

Thiếu tá KGB nhận mật danh Kitti-Hook (một trong những nhân viên của Breinigan vào thời điểm đó chuẩn bị đi nghỉ tại khu nghỉ dưỡng ở Bắc Carolina có cái tên như vậy). Trong lần gặp đầu tiên Cozlov đã tạo được ấn tượng tốt với Brius Soli với vẻ đẹp ăng-lê, phong thái đĩnh đạc, điềm tĩnh. Cozlov nói rằng, anh ta đang công tác ở Cục phản gián và đến Washington để thực thi nhiệm vụ thanh tra trong khoảng 2 tháng hoặc 2 tháng rưỡi. Đối mặt với người đối thoại của mình, anh ta đưa ra lời đề nghị có đôi chút bất thường. Chẳng hạn, anh ta sẵn sàng hợp tác với CIA, nhưng đổi lại, anh ta đề nghị phải tạo cho anh ta một sự che chở vừa phải để thúc đẩy nhanh đường công danh của anh ta, suy cho cùng cũng là vì lợi ích của tình báo Mỹ.

Giới tình báo quốc tế biết rõ lời giải cho những vấn đề như thế này, vì thế người đối thoại với thiếu tá không hề ngạc nhiên, mà chỉ hỏi anh ta cần gì ở CIA? Và Cozlov đề nghị cho anh ta gặp Nicolai Artamonov - nhân viên KGB đào tẩu sang Mỹ và sống ở đó đã 7 năm với cái tên giả Nicolas Shadrin. Cozlov giải thích: Nhiệm vụ của anh ta là chiêu mộ Artamonov. Và nếu CIA giúp đỡ anh ta trong việc đó, anh ta sẽ giúp CIA trong việc tìm kiếm “chuột chũi” .

Vốn đã mất nhiều năm uổng công vô ích trong việc tìm kiếm trong nội bộ CIA dù chỉ là một “con chuột nhắt”, lần này Soli yêu cầu phải thực hiện cuộc đối thoại chi tiết hơn. Tuy nhiên, viên thiếu tá nhã nhặn từ chối tiếp tục đối thoại cho đến khi hai bên đi đến được thỏa thuận cần thiết. Ngoài ra, anh ta còn có nhiều việc với những người bạn Pakistan của mình. Anh ta cũng biết rằng, FBI có quyền giữ người trên lãnh thổ Mỹ, còn CIA thì không. Trở về văn phòng, Soli ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện, rồi sau đó báo cáo qua điện thoại cho Angleton và Breinigan.

Angleton rất thận trọng đối với Cozlov, bởi viên thiếu tá tìm kiếm tiếp xúc với các điệp viên quen biết của mình, mà một trong những người đó bị ông ta nghi là điệp viên của Liên Xô. Sau những suy nghĩ căng thẳng, “thợ săn chuột chũi” không biết mệt mỏi này đã quyết định cho phép Cozlov gặp một điệp viên, nhưng đó không phải là người ông ta đang nghi ngờ.

Vụ Artamonov

Nicolai Artamonov xuất hiện ở phương Tây vào tháng 6/1959. Anh ta bơi thuyền từ Ba Lan sang Thụy Điển. Cùng đi với anh ta còn có cô bạn gái người Ba Lan Eva Gura. Artamonov khai với chính quyền Thụy Điển rằng anh ta là Trung úy Hải quân Liên Xô, được cử sang Ba Lan để huấn luyện cho lính thủy Indonesia. Và hiện thời anh ta muốn được nhập cư. Phía Thụy Điển thông báo về kẻ đào tẩu này đến Đại sứ quán Mỹ ở Stockholm. Và cụm tình báo của CIA ở đó lúc bấy giờ do Pol Garbler lãnh đạo. Sau khi gặp Artamonov, Garbler gửi báo cáo về Washington và trong báo cáo ông ta “phong” cho Artamonov hạng NIP-National Intelligence Potential (tiềm năng tình báo quốc tế).

Giám đốc An ninh nội bộ CIA James Angleton

Điều đó có nghĩa rằng đại bản doanh cần đánh giá đối tượng này là nguồn tin quý giá, có khả năng thông báo thông tin ý nghĩa chiến lược. Lo ngại chính phủ Thụy Điển có thể trao trả Artamonov về cho Liên Xô, Angleton đã tác động đến Giám đốc CIA lúc đó là Allen Dalles. Đến lượt mình, ông này liên lạc ngay với trợ lý của thủ tướng Thụy Điển tên là Ulof Palme (sau này chính Palme cũng trở thành thủ tướng Thụy Điển) và Artamonov được đưa về Washington. Thật ra, một sĩ quan hạng “tép riu” của hải quân thì không thể có được sự chú ý của các nhân vật cấp cao đến như vậy. Nhưng, Artamonov không phải là một trung úy đơn thuần. Anh ta là con rể của đô đốc Gorshcov - Tư lệnh hải quân Liên Xô. Và bởi vậy, anh ta biết rất nhiều điều mà một sĩ quan ở cấp anh ta không thể biết được.

Theo trình tự đã được định ra, trước khi được gửi về Mỹ, Artamonov phải trải qua bước kiểm tra tại trung tâm tình báo của CIA ở Frankfurk. Song, bởi việc vào Mỹ của anh ta đã được Dalles và Angleton phê chuẩn nên người ta đã không làm khó Artamonov và bạn gái của anh ta. Khi tới Mỹ, Artamonov (lúc này đã được đặt bí danh là Shadrin) được nhận lượng tiền mặt tương đương với lương của một sĩ quan cấp anh ta ở hải quân Mỹ. Số tiền này đủ để anh ta mua trả góp một ngôi nhà khiêm tốn ở Arlington và chi trả mọi phí tổn, bao gồm cả tiền cho Eva Gora học nha sĩ. Sau một năm rưỡi làm việc trên cương vị tư vấn chuyên môn ở CIA, Nicolas Shadrin được điều về Cục Tình báo Hải quân Mỹ.

Nhưng rồi, mọi chuyện không phải hoàn toàn suôn sẻ với anh ta. Tháng 12/1961, Thiếu tá KGB Anatoli Golishun đã có mặt ở Đại sứ quán Mỹ tại Helxinki, đề nghị được phục vụ cho tình báo Mỹ. Đây là một trong những người đào tẩu xuất sắc nhất. Về hiệu ứng mà anh ta tạo nên cho giới tình báo phương Tây thì chưa có ai ngang tầm anh ta cả. Thông tin mà anh ta cung cấp rất tốt, nhưng giá trị chủ yếu của anh ta là có trí nhớ kỳ diệu. Chỉ cần tạo cho anh ta một cái cớ, từ sâu thẳm trong bộ não của anh ta nổi lên những đoạn tài liệu mà anh ta đã nhìn thấy khi nào đó, những đoạn hội thoại lọt vào tai anh ta khi nào đó. Sợi chỉ thu được bằng cách đó thường dẫn phản gián Mỹ đến chỗ điệp viên của Moskva. Golishưn mang sứ mệnh “cứu thế giới tự do khỏi những âm mưu của phe cộng sản chủ nghĩa”. Và anh ta có được người che chở đầy thế lực - đó là “thợ săn chuột chũi” James Angleton.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phương Nam