Mỹ - Trung: Thực chất mối “quan hệ nước lớn kiểu mới” (Kỳ 2)

07:00 | 17/01/2014

3,144 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay bàn cờ chiến lược Mỹ - Trung đang có sự thay đổi lớn, do cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như giải quyết những bất đồng trong nhiều vấn đề của hai nước đang trở lên quyết liệt hơn.

>> Mỹ - Trung: Thực chất mối “quan hệ nước lớn kiểu mới” (Kỳ 1)

“Quan hệ nước lớn kiểu mới”

Ông Tập Cận Bình cho rằng quan hệ Mỹ - Trung “đang ở giai đoạn đặc biệt” khi Mỹ là cường quốc nhưng đang cần thay đổi để thoát khỏi sự bế tắc về kinh tế, xã hội, còn Trung Quốc là cường quốc mới nổi nhưng kinh tế đang suy giảm và lại muốn duy trì trật tự quốc tế như đã và đang có. Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới, quan hệ ổn định giữa các nước lớn có thể sẽ là tiền đề đảm bảo hệ thống quan hệ quốc tế không bị đảo lộn, là điều kiện cần thiết cho việc duy trì ổn định và phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời giải quyết các “điểm nóng” và giữ vững an ninh thế giới.

Hai cường quốc dẫn đầu các nước phát triển và mới nổi hiện đang đứng trước cơ hội rất lớn để xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo hướng giữ vững ổn định quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và bảo đảm chiều sâu lợi ích cốt lõi của hai bên, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các nước khác trên thế giới. Vì thế, ông Thường Vạn Toàn nói rằng, mục đích chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Mỹ là nhằm “thực hiện sự đồng thuận quan trọng đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái)

Trước đó, hồi cuối tháng 10/2010 tại Hà Nội, Trung Quốc đã bác bỏ một đề nghị do Mỹ đưa ra rằng Washington sẽ đứng ra tổ chức một cuộc hội đàm ba bên với Bắc Kinh và Tokyo để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trung Quốc lúc đó tuyên bố: “Điều cần phải nói tới là đảo Điếu Ngư/Senkaku cùng với các đảo phụ thuộc là lãnh thổ của Trung Quốc từ ngàn xưa. Vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới đảo này là vấn đề giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản. Bắc Kinh muốn thông qua các cơ chế đối thoại và hợp tác hiện có của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku”. 

Tuy nhiên, năm 2013 Mỹ - Trung đã có sự điều chỉnh trong quan hệ đối thoại tại các cuộc gặp Thượng đỉnh, Đối thoại chiến lược, và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã thảo luận thẳng thắn các vấn đề gay cấn nhất như: an ninh mạng, cân bằng thường mại, tỷ giá đồng NDT, an toàn hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và “niềm tin chiến lược” trong quan hệ hai nước. Hai bên còn hoan nghênh việc Mỹ và Trung Quốc vừa thành lập nhóm công tác chung về an ninh mạng.

Vấn đề tầm cao chiến lược cũng được hai bên thảo luận thẳng thắn hơn, nhất là về nội hàm chiến lược phát triển của mỗi nước, qua đó có thể cùng nhau tìm ra những nét tương đồng trong quá trình hợp tác. Đối với Trung Quốc, đây là cơ hội để thể hiện hình ảnh của một ê kíp lãnh đạo mới đầy quyền lực và tự tin trong quan hệ bình đẳng với Mỹ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang triển khai chiến lược ngoại giao “toàn phương vị” với tất cả các nước khu vực và trên thế giới. Còn Mỹ cũng có cơ hội hiểu biết thêm về thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc và có đối sách phù hợp nhằm trấn an các đồng minh chiến lược và các đối tác ở CA-TBD về quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai có thể dự báo được, ít nhất là trong vài thập kỷ tới.

Theo các nhà quan sát, hiện nay bàn cờ chiến lược Mỹ - Trung đang có sự thay đổi lớn, do cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực CA-TBD cũng như giải quyết những bất đồng trong nhiều vấn đề của hai nước đang trở lên quyết liệt hơn. Song những bất đồng, mâu thuẫn giữa hai nước khó có thể dẫn tới đối đầu trực tiếp, bởi những lý do sau: 

(1) Trọng tâm đối ngoại của Chính quyền Obama vẫn là duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc tuy không thừa nhận nước nào lãnh đạo thế giới, nhưng cũng không khiêu khích địa vị bá quyền của Mỹ. Trung Quốc cũng biểu thị rõ ràng rằng, không những không phản đối sự tồn tại của Mỹ ở khu vực CA-TBD, mà còn hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò tích cực trong khu vực này. 

(2) Thời gian qua, tuy có lúc căng thẳng, nhưng hai bên đều có sự kiềm chế, tránh đối kháng. Tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Trung - Mỹ ngày càng cao hơn đã hình thành mối quan hệ “cùng vinh cùng nhục”, hình thành nên mối quan hệ “cân bằng tất yếu”. Nếu như nền kinh tế Mỹ tái khủng hoảng, hệ thống đồng USD bị sụp đổ, thì Trung Quốc sẽ chịu tổn thất vô cùng lớn, nền kinh tế thế giới bao gồm cả kinh tế Trung Quốc cũng sẽ nảy sinh những khó khăn khó bề giải quyết. Ngược lại, nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, thì cũng gây ra những tác dụng phụ rất lớn đến kinh tế Mỹ và cho cả nền kinh tế thế giới. 

(3) Mỹ - Trung đều có lợi ích chung trong việc giữ gìn, duy trì hòa bình ổn định của khu vực CA-TBD, đặc biệt là hòa bình ổn định của bán đảo Triều Tiên. Trong việc duy trì an ninh tuyến đường biển phía Tây Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, lợi ích của hai nước là như nhau. Trung Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á có không gian hợp tác rất lớn trong việc cùng nhau duy trì an ninh trên biển. 

(4) Lập trường của Trung Quốc về duy trì quyền lợi trên biển và chủ quyền hải đảo là rõ ràng, nhưng trong tranh chấp về duy trì quyền lợi trên biển và chủ quyền hải đảo, Trung Quốc một mặt tuyên bố sẽ nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, mặt khác lại đưa ra những đồi hỏi phi lý về chủ quyền để giành lợi thế khi tiến hành thương lượng. Hiện nay, mâu thuẫn về quyền lợi hải dương giữa Mỹ - Trung là những xung đột nguy hiểm mang tính cục bộ chứ không phải tính toàn cục. Vì vậy, qua một thời gian đấu tranh, đàm phán bao gồm cả những toan tính chiến lược, thăm dò, khả năng về việc từng bước hình thành sự thỏa hiệp chiến lược, xây dựng nên thế cân bằng mới, khiến cho cục bộ tương đối ổn định là rất lớn.

Ngay trong cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung hồi tháng 1/2011, hai bên đã đạt được đồng thuận về nỗ lực mở rộng lợi ích chung, tăng cường trao đổi và đối thoại sâu, rộng, thiết lập các cơ chế trao đổi hoạt động giữa quân đội hai nước. Hai bên cam kết tránh hiểu lầm, các bất đồng được giải quyết thông qua đối thoại nhằm đảm bảo quan hệ quân sự được phát triển đúng hướng. Phía Trung Quốc nhấn mạnh tới “cơ sở chính trị tin cậy” và cho rằng hai nước cần tìm ra các biện pháp nhằm bảo vệ cơ sở chính trị “vững chắc và tin cậy”, đó là tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, cũng như lợi ích phát triển và an ninh của nhau.

Như vậy, với những toan tính chiến lược của hai cường quốc Mỹ - Trung, trên cơ sở thế và lực, sự đan xen lợi ích, nhất là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn, khiến quan hệ cặp đôi “vừa là đối tác, vừa là đối thủ” đang hướng tới “gác lại bất đồng, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin lẫn nhau” để cùng xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc tế và dư luận cho rằng vẫn còn nhiều rào cản khó vượt qua trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới này. Vì thế, khi nào “quan hệ nước lớn kiểu mới” Mỹ - Trung hình thành, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm

tổng hợp