Cán cân quân sự thế giới đã nghiêng về châu Á

13:04 | 07/02/2014

4,509 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/2, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế công bố bản báo cáo thường niên mang tên “Cán cân Quân sự 2014”. Theo đó, những chi tiêu quân sự tại châu Á đã tăng vọt.

Một cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc

Ngày 3/2, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s của Anh cho biết năm 2014 sẽ chứng kiến sự gia tăng tổng thể đầu tiên về chi tiêu quân sự trên toàn thế giới trong 5 năm trở lại đây, dẫn đầu là sự gia tăng ở Trung Đông, Nga và châu Á. Cụ thể, tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu dự báo đạt 1,547 nghìn tỉ USD trong năm nay, tăng 0,6% so với năm trước.

Theo IHS Jane’s, các thị trường quốc phòng phát triển nhanh nhất trong năm 2013 là Arập Xêút và Oman. Việc tiếp tục tăng cường quân bị đã đưa Nga vượt qua Anh lên vị trí thứ ba trong danh sách tổng thể, dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 139 tỷ USD. Dự báo vào năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ qua mặt tổng mức chi phí quốc phòng của 3 nước Anh, Pháp, Đức.

Ngày 5/2/2014, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại Luân Đôn, cũng đã công bố bản báo cáo thường niên mang tên “Cán cân Quân sự 2014”. Theo đó, IISS xác nhận chiều hướng chi tiêu quân sự tăng cao tại châu Á, nhưng lại sút giảm ở châu Âu. Chi tiêu quốc phòng ở châu Á đạt 321,8 tỉ USD trong năm 2013, tăng 23% so với năm 2010, trong khi đó châu Âu giảm 2,5% trong cùng giai đoạn. Tại châu Á, ba nước đi đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

IISS cho biết căng thẳng ở Đông Á do vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và bất đồng về quan điểm lịch sử khiến các quốc gia khu vực này tăng cường chi tiêu quốc phòng. Một điểm nóng khác được nhắc đến ở châu Á là vùng bán đảo Triều Tiên.

Theo bản báo cáo, do việc đội máy bay của họ quá già nua, không đủ sức vượt qua hàng rào phòng không của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, không thể loại trừ khả năng Bình Nhưỡng tiến hành “một chiến dịch tấn công tự sát bằng tàu ngầm bỏ túi” mang theo đầu đạn hạt nhân.

Cảnh báo về những hậu quả có thể gây ra từ cuộc đua vũ trang tại châu Á hiện nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mới đây cho rằng, những hậu quả về kinh tế do cuộc khủng hoảng quân sự tại châu lục này sẽ là một thảm họa đối với kinh tế thế giới. Ông Abe lưu ý, nếu hòa bình và ổn định tại châu Á bị ảnh hưởng, hậu quả đối với thế giới sẽ là rất lớn và vì thế ông kêu gọi các nước kiềm chế chạy đua vũ trang.

Các nhà quan sát nhận định, "ngư ông đắc lợi" trong cuộc chạy đua vũ trang mới này vẫn là các nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí, đầu bảng luôn là Mỹ, kế đó là Nga. Cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á góp phần lớn trong việc tăng kim ngạch mua bán vũ khí toàn cầu lên 30%, đạt 73,5 tỷ USD từ năm 2008 tới 2013.

Ngân sách quốc phòng của một số quốc gia năm 2013

- Mỹ: 582.424 triệu USD

- Trung Quốc: 139.203 triệu USD

- Nga 68.887: triệu USD

- Anh: 58.854 triệu USD

- Nhật Bản: 56.842 triệu USD

- Pháp: 53.091 triệu USD

- Ấn Độ: 46.183 triệu USD

- Đức: 44.688 triệu USD

- Arập Xêút: 42.858 triệu USD

- Hàn Quốc: 31.561 triệu USD

 

Nh.Thạch

tổng hợp