Tattoo - những gam màu sáng, tối (Kỳ 1)

07:00 | 23/02/2015

3,470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua rồi thời “nảy mầm” với dăm ba người chơi nhỏ lẻ, mấy năm nay nghệ thuật tattoo (xăm mình) đã “bùng nổ” ở các thành phố lớn. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, tại TPHCM tattoo đã làm một cuộc “càn quét” thật sự với nhiều chuyện buồn vui, trăn trở...

"Body art" lên ngôi

Chúng tôi ghé tiệm xăm mình của anh chàng “cà chua” 8X Trương Nhật An (SN 1989) trên đường Tôn Thất Thuyết (Q4) vào một ngày đầu năm 2015. Phòng làm việc của An bày la liệt tranh, tạp chí về xăm mình. Hơn 6 năm theo đuổi “nghệ thuật tattoo” cũng là chừng đó thời gian Nhật An dùng chính cơ thể mình để thử nghiệm. Từ chân lên cổ An, nơi nào cũng có hình xăm. Nếu như phần đầu gối chân trái nổi bật với hình một chiếc la bàn, xung quanh là tên những thành viên trong gia đình An thì dưới cằm là hình xăm con mắt, trước ngực lại có một trái tim với những đôi cánh mở rộng.

Nhật An cho biết, khi còn là học sinh phổ thông đã từng đi xăm hình cây thánh giá nhỏ. Nhưng dòm đi ngó lại cứ thấy hình xăm không vừa mắt. Vậy là An quyết tìm hiểu để thỏa niềm đam mê “bay bổng cùng tattoo” của mình. An từ bỏ giảng đường Trường đại học Kiến trúc và Mỹ thuật TPHCM, khăn gói “tầm sư học đạo” về xăm mình trong hai năm. An nói không hối hận vì sự lựa chọn đó vì hình xăm là “body art” (nghệ thuật trên cơ thể) và người thợ xăm là “artist” (nghệ sĩ).
 

Hoàng Mosskow xăm cho khách

Cách đây khoảng chục năm, “nghệ thuật tattoo” hay “body art” là những khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Thế nhưng, đến thời điểm này, từ dân văn phòng, nghệ sĩ đến cả học sinh, sinh viên đều ít nhiều biết về tattoo. Tại TPHCM, có hàng trăm tiệm xăm hoạt động từ sáng tới tối để phục vụ các “thượng đế”. Rảo một vòng từ quận Thủ Đức lên Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân rồi vòng lại trung tâm thành phố (Q1, Q3) không khó tìm một tiệm xăm mình từ bình dân đến cao cấp. Ngoài những tiệm xăm nổi đình nổi đám như Saigon Ink, Lạc Việt Tattoo, Dũng Tattoo, Tadashi Tattoo, Tattoo You... còn phải kể đến dịch vụ “di động” đang tràn lan khắp các vỉa hè, công viên với những người thợ dán hình xăm “giả” (chừng 15 - 20 ngày là mực phai) và sẵn sàng đưa khách về nhà hoặc đến nhà khách thực hiện kỹ thuật xăm thật. 
 

Gần một tháng theo đuổi đề tài “nghệ thuật tattoo” này, chúng tôi đã vào rất nhiều tiệm xăm. Ở đó, những chàng trai, cô gái còn rất trẻ phơi lưng trần, ngực trần cố mím môi, có khi bật khóc, chửi rủa mông lung do quá đau vì những mũi kim xăm chỉ bởi mong muốn được sở hữu một hình xăm độc - đẹp - lạ. Họ muốn lưu giữ một “body art” vì vui, vì hạnh phúc, vì thấy đẹp, vì “mốt” bây giờ là thế. Cũng có khi “body art” với họ là dấu ấn của nỗi buồn, chán nản, cô đơn... 

Chúng tôi ngồi trò chuyện với An chưa lâu thì hai cô gái bước vào. Cô gái có mái tóc vàng hoe tên Ly muốn An xăm dòng chữ “Imperfection is beauty/Madness is genius” (không hoàn mỹ mới đẹp/điên cuồng là thiên tài) lên ngực mình. Cả thợ lẫn khách bắt đầu “dán mắt” vào màn hình máy tính. Trong khi An liên tục rê chuột chỉnh sửa kích cỡ dòng chữ thì Ly ngồi cạnh “chỉ đạo” sao cho định dạng chữ vừa mắt nhất. Sau khi thống nhất về hình ảnh, màu mực, Ly nằm lên chiếc giường nhỏ chịu đựng những mũi kim xẹt qua xẹt lại trên da trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Chi phí cho hình xăm này không hề rẻ: 3 triệu đồng. Ly cười rạng rỡ khi dòng chữ thành hình. Cô cũng khoe một hình xăm hoa hồng nơi bắp tay trái. Hình có vẻ rối mắt, Ly nói sẽ quay lại chỗ An để sửa hoa hồng này cho đẹp hơn. Theo An, để sở hữu hình xăm đẹp, chi tiết cầu kỳ, nhiều khách không ngần ngại bỏ ra mười, hai mươi triệu đồng để thực hiện. 
 

Một số hình xăm “độc” trên cơ thể người trẻ do Nhật An thực hiện (hình ảnh do Nhật An cung cấp)

Tại Công viên Tao Đàn (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q1) có một điểm xăm hình bình dân được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ông chủ của tiệm xăm mình, vẽ chân dung Trịnh Hoàng Phương cho biết, mỗi ngày anh đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về các loại hình xăm. Phương nhận xăm phun nghệ thuật, xăm hình dán nước, vẽ hình nghệ thuật, xóa hình xăm Laser...

Theo Phương, đa số học sinh, sinh viên xăm những hình nhỏ, có họa tiết đơn giản. Còn tiếp viên quán bar hay người kinh doanh tự do thì xăm trổ những hình có họa tiết lớn và phức tạp. Thậm chí, nhiều khách hàng còn xăm nguyên con rồng, phượng, hổ, báo, cá chép... trên khắp cả lưng. Đối với những hình xăm độc và nhiều chi tiết cầu kỳ, cả khách lẫn kỹ thuật viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Tùy độ khó, diện tích, hình màu, 3D hay dạ quang mà giá xăm cũng khác nhau. Trung bình mỗi hình xăm cỡ 10x12cm có giá từ 1,5 triệu đồng trở lên. Hình xăm càng lớn, chi tiết càng cầu kỳ thì số tiền càng nhân lên. 

Mong mỏi âm thầm

Trong bối cảnh tattoo vẫn chưa được nhìn nhận như một ngành nghệ thuật thật sự tại Việt Nam, những người làm nghề chuyên nghiệp đã đưa ra nhiều nguyên tắc “bất di bất dịch” để cải thiện tương tác xã hội của dịch vụ này. Anh Đỗ Minh Hoàng (SN 1974, nghệ danh Hoàng Mosskow) cho biết: “Khoảng năm 2009 - 2010, anh em thợ xăm tại TPHCM đã làm một thống kê nhỏ về xăm mình. Theo đó, cứ 10 thanh niên từ 18 tuổi trở lên thì chỉ 3 thanh niên có hình xăm. Họ xăm những hình rất nhỏ và ở chỗ khuất tầm nhìn. Vào thời điểm đó, cứ thấy ai có hình xăm là mọi người nghĩ chắc “anh chị” lắm đây. Bây giờ, ý nghĩ này được cải thiện nhiều rồi. Hơn nữa, theo như tôi thấy, số thanh niên mặn mà với hình xăm cũng đang tăng”.

Hoàng Mosskow hiện là chủ tiệm Tattoo You trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Q3. Ngoài Hoàng và hai thợ phụ, Tattoo You còn có đội ngũ nhân viên tư vấn cho khách về y tế, ý nghĩa từng hình xăm... Đặc biệt, Tattoo You không nhận khách dưới 18 tuổi. Hoàng Mosskow chia sẻ: “Tôi nghĩ, khi còn quá trẻ các em sẽ chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của xăm mình hoặc chịu trách nhiệm với sở thích của bản thân. Xăm mình không xấu, nhưng nếu xăm theo phong trào, không kiên định sở thích, nay xăm cái này, mai thích cái khác lại xăm thì khách sẽ phải hối hận. Chúng tôi xăm mình vừa để kiếm sống, vừa là đam mê nên phải giữ được uy tín và cái tâm của người làm nghề”. 
 

 

Nhật An vẫn thường bị “mắng vốn” là chảnh khi kiên quyết từ chối khách hàng nhỏ tuổi, da bị dị ứng hoặc bị vàng do bệnh, xăm quá nhiều hình chồng lên nhau... Nam (20 tuổi) ghé tiệm của Nhật An năn nỉ sửa hình xăm cũ là một con nhện “thảm họa” của mình. Da Nam khá nhạy cảm, chỗ xăm dễ bị nhiễm trùng và để lại sẹo. Quan sát một hồi, thay vì sửa hình xăm, An chỉ ngồi trò chuyện và tư vấn về chăm sóc da cho Nam. Thảo Nguyên (SN 1992, sinh viên Trường đại học FPT) bộc bạch: “Hầu hết bạn tôi đều có hình xăm. Các bạn xăm hình ngôi sao, mặt trăng hoặc lông vũ để mong may mắn. Khi tiếp xúc với Nhật An và vài thợ xăm, tôi thấy họ thật sự tâm huyết, không vì kiếm tiền mà từ bỏ những nguyên tắc đạo đức của nghề. Tôi dự tính sẽ xăm mình và học xăm luôn”. 

Việc sử dụng kim xăm, mực xăm cũng được kiểm tra kỹ. Hoàng Mosskow thú nhận: “Ngay cả việc để khách nằm trên sàn nhà cũng không được. Chúng tôi bố trí giường nằm và khử trùng dụng cụ thường xuyên, kim xăm chỉ dùng một lần là bỏ. Thợ xăm đeo găng tay, thực hiện những động tác một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nhất. Trường hợp phải xăm lâu, chúng tôi có chế độ nghỉ giải lao và tư vấn về ăn uống, bảo vệ hình xăm cho khách nữa”.

Với nỗ lực của mình, những người thợ như Hoàng Mosskow, Nhật An đang kỳ vọng vào việc thành lập một hiệp hội thợ xăm trong tương lai. Hội sẽ là nơi trao đổi kinh nghiệm của thợ xăm, đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi, tư vấn đầy đủ cho khách khi họ quyết định xăm mình.  

 

(Còn tiếp)

Theo CA TPHCM