Ôsin nơi bệnh viện

07:00 | 25/06/2014

1,904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giúp việc trong bệnh viện chưa được công nhận là một nghề nhưng hiện nay ở các bệnh viện lớn của thủ đô công việc này đã phát triển thành dịch vụ. Tuy nhiên, hỏi 10 người thì đến 9 người nói rằng, chỉ vì “miếng cơm manh áo” mà phải ra nhập “nghề” này

Năng lượng Mới số 333

Xa con dại, bỏ mẹ già

Khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) một chị khoác áo người nhà bệnh nhân đang hớt hải chạy đi tìm bác sĩ cầu cứu: “Bác sĩ ơi, bà cụ lại khó thở, bác sĩ mau qua xem giúp tôi với”. Rồi chị lại hớt hải chạy về khẽ nâng bà cụ lên, xoa ngực cho cụ, một lúc sau mặt bệnh nhân hồng hào trở lại, chị mới thở phào. Thấy chị chăm sóc bà cụ chu đáo mọi người trong phòng tưởng chị là con gái của cụ, nhưng không phải, hỏi ra thì được biết chị chỉ là trông thuê. Chị được thuê để trông bà cụ đã 4 ngày nay. Cụ bị bệnh hen suyễn nặng nên thỉnh thoảng lên cơn khó thở. Những ngày nắng nóng cộng với không khí ngột ngạt trong bệnh viện nên việc bị “dọa” như vậy là thường xuyên.

Gạt những giọt mồ hôi trên mặt, nén tiếng thở dài chị Nguyễn Thị Thường bảo: “Tôi ở Tam Nông, Phú Thọ, bước vào cái nghề này đã được 6 năm, bình thường ở nhà rất sợ trông người ốm, ấy vậy mà chả biết trời run rủi thế nào lại lao vào cái nghề này, cho đến nay tôi chẳng thể nhớ nổi đã chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân rồi”. Nói về lý do đến với nghề chị bảo: “Ngày xưa, mình cũng có mẹ bị liệt nửa người do tai biến. Chăm mẹ được hơn một năm thấy bệnh tình mẹ chưa thuyên giảm, tiền hết, tôi đành để mẹ lại cho các em chăm lo, còn tôi xuống Hà Nội kiếm việc làm, đỡ được chút nào hay chút đó. Bỏ mẹ mà đi chăm sóc người khác cũng thấy khổ tâm lắm nhưng không biết phải làm sao. Giờ mẹ tôi mất rồi, mỗi lần chăm sóc bệnh nhân tôi lại càng buồn”.

Chị Nguyễn Thị Thường đang chăm sóc bệnh nhân

Còn anh Phương là một trong số ít đàn ông làm ôsin trong bệnh viện này. Quê tận Hậu Lộc, Thanh Hóa, bất đắc dĩ đi làm nghề vì anh bị mất sức, không kham được công việc nặng, nhà có ba đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học, anh đành bấm bụng đi làm. Theo anh Phương thì tiền công trong đội giúp việc bệnh viện ở đây có giá chung cả rồi, một ngày mỗi người được nhận khoảng 300 nghìn đồng. Ở Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng hơn 30 người giúp việc giống như anh. Phần lớn đều ăn ngủ tại bệnh viện, còn không thì phải thuê phòng qua ngày, mỗi tối ngủ mất khoảng  20.000 đồng. Theo anh Phương thì mặc dù thu nhập từ công việc này cũng khá, vào dịp lễ tết còn tương đối cao… nhưng không phải ai cũng làm được và muốn làm. Anh kể một kỷ niệm đáng nhớ là lúc mới vào nghề, anh phải chăm sóc cho một cụ ông bị bệnh về xương khớp. Các cụ già rồi, khó đi lại, ăn uống ít thành thử đi vệ sinh cũng khó. Đến lúc ông cụ không đi vệ sinh được, anh đã phải xông, thụt rồi dùng tay giúp bệnh nhân... Khỏi phải nói, đã hơn 2 năm rồi anh vẫn không quên: “Với người thân của mình còn ngại, huống hồ đây là người dưng. Lúc đó dù thấy cực lắm nhưng vì nghĩ đến tiền đóng học cho con, vợ đang réo gửi về mà tôi buộc phải làm”.

Cơ cực đủ điều

Mặc dù cố chăm người… “khác máu” nhưng không phải người giúp việc nào cũng được đối xử tử tế. Vào vai muốn tìm người chăm sóc người thân, người viết bài này đến Bệnh viện Lão Khoa tìm người. Đúng như dự đoán, chỉ cần hỏi bảo vệ gác cổng là dễ dàng gặp được “cò” giúp việc. Theo giới thiệu của chị này thì cần bao nhiêu cũng có người, tiền công thì đã có giá chung miễn… mặc cả. Chị này cũng hỏi han tận tình bệnh người sẽ chăm sóc để còn sắp xếp. Tỏ ý tiền công khá cao thì một người “giúp việc” đang ngồi đợi việc bên cạnh ý kiến luôn: “Không cao đâu chị ạ, tiền nào của nấy, chúng em làm nghề quen rồi, chăm sóc chu đáo. Với lại chúng em cũng còn bao chi phí khác”. Hóa ra, chi phí mà người này nói là chi phí dành cho “cò”, mỗi lần qua “cò” họ đều phải mất tiền môi giới, trung bình mỗi lần từ 100-200 nghìn. Với những người này muốn vào nghề mà không qua qua “cò” thì chỉ có nước ngồi không.

Làm giúp việc ở Bệnh viện Lão Khoa gần 3 năm nay nhưng theo chị Phạm Thị Lương thì việc chặn đầu, chặn đuôi như vậy cũng chưa thấm tháp gì. Chăm sóc bệnh nhân chẳng quản nhọc nhằn nhưng nhiều khi cứ bị sự cố từ trên trời rơi xuống. Chị kể có lần chị chăm sóc một cụ 80 tuổi bị suy nhược cơ thể. Chị vừa cho cụ ăn xong, rồi đi dọn dẹp thì con gái cụ đến hỏi xem cụ ăn tối chưa. Vì lẫn nên cụ bảo: “Đói, vẫn chưa được ăn gì”. Ngay lập tức con gái cụ bốc hỏa nên chửi chị té tát vì: “Giờ này mà chưa cho mẹ tao ăn”. Những lúc như thế chị phải nhịn, để người ta hạ hỏa mới phân trần. Lại có lần, chăm sóc cho một bệnh nhân có con cái làm quan to, phong bì thăm biếu nhiều… đến khi họ đếm lại thì bị “thất thoát”, bán tín, bán nghi chị lấy rồi nói bóng gió. Thanh minh mãi không thành, bực quá, chị bỏ luôn không lấy tiền công để chứng minh mình trong sạch. Theo chị Lương thì: “Nghề nào cũng có người này, người khác. Thừa nhận cũng có hiện tượng nâng giá, ép giá người nhà bệnh nhân nhưng cũng không phải là nhiều. Hơn nữa, đi làm công việc này rất vất vả nên cũng cần được trả công xứng đáng”.

Lực lượng tất yếu

Hiện tại, nghề giúp việc nói chung chưa được công nhận là một nghề. Nhưng xét trên tình hình thực tế thì hiện nay nghề này đã phát triển đến mức trở thành ngành… dịch vụ. Theo khảo sát chưa chính xác thì hiện tổng số người giúp việc tại các bệnh viện trên địa bàn thủ đô lên tới cả nghìn người. Và lúc nào “cầu” cũng vượt “cung”, nhất là dịp lễ tết. Mặc dù nhu cầu cao, cấp thiết nhưng đối tượng này lại chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng chăm sóc người bệnh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm tự đúc rút.

Tại Bệnh viện Lão Khoa, theo tiết lộ của một người giúp việc ở đây thì vì đã quen với nghề nên đội ngũ giúp việc không chuyên ở bệnh viện này đã được các y, bác sĩ tạo điều kiện khá nhiều. Trong quá trình điều trị cho người bệnh các bác sĩ ở đây đều chú ý hướng dẫn họ cách chăm sóc bệnh nhân sao cho đúng. Một thực tế đặt ra là, với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu về chăm sóc người bệnh sẽ ngày càng cao. Nếu đội ngũ người giúp việc trong bệnh viện này được đào tạo bài bản thì họ sẽ là một trợ thủ đắc lực cho các y tá, điều dưỡng viên của bệnh viện.

Khẳng định điều này, PGS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa Trung ương nói: “Đây thuộc về vấn đề y tế và con người nên đào tạo được đội ngũ này là điều quá tốt và phù hợp với thực tế. Chăm sóc một cách toàn diện cho bệnh nhân là việc mà các y, bác sĩ không thể làm xuể, nên khi đào tạo được một lực lượng với chức năng gần giống như hộ lý sẽ giúp sức cho y, bác sĩ khá nhiều. Ở các nước phát triển, họ cũng triển khai những mô hình đào tạo như vậy và kết quả khá tốt. Chỉ có điều, hiện lực lượng người giúp việc ở nước ta còn chưa có nghiệp vụ, chưa có chuyên môn và cũng rất khó quản lý. Vậy nên cần phải có một hướng đào tạo chính quy, có kiểm soát và có sự chịu trách nhiệm từ quản lý”.

Thiết nghĩ, những sự vụ đáng tiếc như ép giá, gian lận, cãi vã xảy ra giữa người nhà bệnh nhân và người giúp việc bệnh viện thời gian qua là do công việc này vẫn hoạt động trên hình thức tự phát. Vậy nên, nếu từ các bệnh viện có sự giúp sức trong đào tạo và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp quản lý đối tượng này thì người giúp việc bệnh viện vừa hạn chế được những rủi ro và sẽ sớm trở thành lực lượng phục vụ đắc lực cho công tác chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện trong tương lai…!

Huyền Anh