Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Mường Phăng hôm nay

06:00 | 07/04/2014

2,678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 3 lên với Mường Phăng, Điện Biên giờ đang là mùa hoa ban nở. Con đường nhựa nhỏ, quanh co chạy dưới những tán rừng rậm rạp đưa chúng tôi từ ngã ba Nà Nhạn lên mảnh đất Mường Phăng lịch sử. Dọc đường đi, thấp thoáng những cây ban, hoa đã nở trắng xóa cả góc rừng, khiến nhiều người xuýt xoa. Bất chợt, thung lũng Mường Phăng mở òa ra trước mắt mọi người với những hiển hiện của một vùng đất bình yên và no ấm.

Năng lượng Mới số 310

Nằm yên bình nơi lưng chừng núi, trung tâm xã Mường Phăng hiện diện như một khu đô thị mới, bắt đầu manh nha hình thành: trụ sở UBND xã bề thế 2 tầng nằm bên tháp truyền hình đồ sộ. Bên cạnh đó là các cơ sở hạ tầng khác như trạm y tế xã, chợ trung tâm xã, trường học... cùng những ngôi nhà sàn bằng gỗ mềm mại, mái ngói đỏ, vách ghép ván còn tươi nguyên màu sơn cánh gián của đồng bào dân tộc Thái ở vùng này.

Đi theo con đường nhựa thẳng tăm tắp về phía Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ rồi phóng tầm mắt ra 2 bên: nơi nào cũng xanh ngăn ngắt bởi những cánh đồng lúa đang bắt đầu đẻ nhánh. Xa hơn một chút, những cụm nhà sàn mái ngói nằm quấn quýt bên nhau của bản Phăng, bản Bánh, bản Co Mận, bản Khẩu Cắm, bản Khá... với đặc điểm chung là “chân cắm xuống ruộng, lưng dựa triền núi”, giống như mọi ngôi bản khác của đồng bào dân tộc Thái Đen.

Nhìn khung cảnh này, có ai biết là cách đây 60 năm, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn quân lên đây xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây chỉ là vùng đất heo hút, với vài ngôi bản nằm lẩn khuất trong rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài.

Chúng tôi đến Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm cách trung tâm xã Mường Phăng khoảng 2km về phía đông. Mới hơn 9giờ sáng, nhưng cả bãi để xe của Ban Quản lý Di tích đã chật cứng những chiếc xe du lịch, mang biển số từ mọi tỉnh, thành trong cả nước đưa du khách về đây tham quan. Trong sân của Ban Quản lý Di tích, hàng chục đoàn khách du lịch đang tranh thủ chụp ảnh lưu niệm dưới gốc cây ban già nở hoa trắng xóa. Ai đến đây cũng mang tâm trạng hào hứng, chuẩn bị tinh thần để leo núi lên thăm căn cứ Sở Chỉ huy Chiến dịch, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.

Từ ngày nơi đây trở thành mảnh đất du lịch lịch sử, cuộc sống của đồng bào địa phương đã thay đổi nhiều lắm. Dọc hai bên đường, trong sân khu di tích hay ngay tại các nhà dân ven khu vực này là hàng chục quầy bán hàng lưu niệm, bán thảo dược đặc sản của vùng miền này như thuốc nam hái từ trên núi, rượu ngâm táo mèo, sâu chít, nấm rừng, hạt dẻ, quần áo thổ cẩm, khăn piêu, vòng bạc...

Theo thống kê của Tổ bảo vệ Khu Di tích, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày cũng có 100-200 du khách đến đây tham quan. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ, có khi lượng khách còn lên tới 300-400 người. Người dân Mường Phăng giờ cũng đã biết tận dụng thế mạnh của ngành du lịch, riêng khu vực này cũng có tới trên 40 hộ tham gia bán hàng lưu niệm. Những hộ nằm sát khu di tích cũng đã bắt đầu mở dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Bà Lường Thị Xóa, 50 tuổi ở bản Phăng 3, giờ đã mở dịch vụ ăn uống ngay tại ngôi nhà sàn của mình nằm trước cổng khu di tích.

Bà Xóa cho biết: Gia đình bắt đầu mở dịch vụ ăn uống, nghỉ trưa cho khách từ hơn 1 năm nay, mỗi ngày cũng có 2-3 đoàn khách đặt cơm. Ăn cơm ngay tại bản là điều khá thú vị, khách được phục vụ các món ăn truyền thống của người dân tộc Thái: hoa ban xào măng, thịt gà thả trong vườn nhà, cá hồ Pá Khoang kẹp lá thơm nướng trên than củi, nộm thịt lợn với hoa chuối rừng, rau cải ngồng hái trên nương... Cuộc sống của gia đình bà giờ đã khá lên rất nhiều, nuôi được 3 người con ăn học đại học, cao đẳng và đi công tác tại các cơ quan của Nhà nước.

Bước sang ngôi nhà sàn khá lớn bên cạnh, chúng tôi gặp cụ Lù Thị Đôi đang vui đùa cùng các cháu, chắt của mình. Cụ Đôi năm nay đã trên 100 tuổi, là nhân chứng lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn quân lên đây, cụ đã được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, xây dựng Sở Chỉ huy. Sau đó, cụ làm Đội trưởng Đội Dân vận của bản, đi vận động bà con đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch để giải phóng Điện Biên.

Cô và trò Trường tiểu học Võ Nguyên Giáp trong điệu xoè chuẩn bị cho lễ kỷ niệm

Qua lời phiên dịch của cô cháu gái, cụ Đôi kể: Năm đó, cụ được đích thân Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, bắt đầu xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng căn dặn cụ: “Nhiệm vụ này rất quan trọng, cô là Trưởng ban Vận động của địa phương, phải tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ chiến dịch, nhưng cũng phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi”.

Ngày ấy, cụ Đôi đã 40 tuổi, có 3 người con mà đứa út mới tròn 1 tháng. Nhưng vì lòng căm thù giặc Pháp, hơn nữa khi đó chồng mình là cụ Lù Văn Lở cũng đang đi bộ đội Việt Minh, đang chiến đấu ở tận Yên Bái, nên cụ thấy cần phải làm việc gì đó để tiếp sức cho bộ đội mình chiến thắng quân giặc. Có như vậy thì gia đình cụ mới sớm được đoàn tụ trong ngày chiến thắng.

Sau đó, cụ như con thoi, đi khắp các bản làng tuyên truyền vận động bà con, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngay sau ngày chiến thắng, Đại tướng lại gặp cụ, căn dặn là đất nước giải phóng rồi, nhưng vẫn phải tham gia công tác để xây dựng đất nước, xây dựng bản làng, Đảng và Nhà nước sẽ có chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Nghe lời Đại tướng, cụ đã tham gia công tác, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Phăng trong nhiều năm rồi mới nghỉ hưu. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm bà con nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Đại tướng đã cho người đến tận nhà mời cụ đến chụp ảnh chung, bởi sức khỏe của Đại tướng đã yếu, không biết sau này có còn lên với bà con được nữa không.

Cụ Đôi tâm sự: Cuộc sống của bà con bây giờ đã thay đổi nhiều lắm rồi. Trước đây, bà con trong bản không có đủ ăn, đủ mặc, giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, có chính sách đối với những gia đình có công với cách mạng. Bà còn được sống đến bây giờ, nhìn thấy cuộc sống của dân bản đã no ấm thế này là toại nguyện lắm rồi.

Ông Lường Văn Pản, Phó chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cho biết: Sau khi chia tách địa giới hành chính thành 2 xã Mường Phăng và Pa Khoang, xã Mường Phăng có diện tích tự nhiên trên 3.400ha; toàn xã có 26 đội, bản với trên 1.000 hộ dân với trên 3.600 nhân khẩu, thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh cùng sinh sống.

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Mường Phăng đã có nhiều khởi sắc; xã Mường Phăng đã đạt được 6 tiêu chí về quy hoạch; điện; trường học; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hình thức tổ chức sản xuất và an ninh trật tự... Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên các mặt văn hóa, vật chất, tinh thần.

Khách du lịch đến tham quan Di tích Lịch sử Mường Phăng

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ trên 43% (năm 2011) xuống còn 30,5% (năm 2013); toàn xã đã có 9/26 bản, đội và hơn 900 hộ gia đình đạt bản, đội, gia đình văn hóa. Cuộc sống của bà con bắt đầu khởi sắc từ năm 2004, khi Mường Phăng bắt đầu được đầu tư các công trình thủy lợi để chuyển từ 1 vụ lúa thành 2 vụ. Năng suất hiện nay đã đạt tới 65 tạ/ha vụ chiêm xuân, 45 tạ/ha trong vụ mùa. Nhiều hộ trên địa bàn đã tận dụng các diện tích đất nương rẫy sang trồng cây dong giềng.

Ngay tại trung tâm xã đã có 3 xưởng thu mua, chế biến, sản xuất tinh bột dong giềng với các “ông chủ” là người địa phương. Điển hình như xưởng sản xuất của ông Cà Văn Hịa, mỗi năm sản xuất hơn 100 tấn tinh bột, thu nhập từ 100-200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động là con em trong vùng. Trạm phát sóng truyền hình bắt đầu xây dựng từ năm 2007, điện lưới quốc gia cũng đã phủ hết các thôn bản. Mỗi hộ trong xã bình quân đều có 1 tivi, 1 xe máy. Hầu hết các thôn bản đều được xây dựng đường bê tông đến nơi theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm...

Đến với Mường Phăng, một điều dễ nhận thấy là dường như mỗi công trình trên mảnh đất này đều gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: 3 ngôi trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều mang tên Võ Nguyên Giáp. Hồ thủy lợi Loọng Luông 1 cũng được bà con gọi thân mật là Hồ Đại tướng.

Đó là bởi năm 2008, đích thân Đại tướng đã gửi thư đề nghị Bộ Chính trị và Chính phủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi này, để giúp bà con vùng căn cứ kháng chiến cũ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hồ thủy lợi Loọng Luông 1 với tổng mức đầu tư trên 82 tỉ đồng, sau 2 năm khởi công xây dựng, đến tháng 5/2013 đã hoàn thành.

Hồ có dung tích hữu ích 1,2 triệu m3; là tổ hợp các công trình liên hoàn như: Cụm đầu mối gồm đập cao 25m, chiều dài đập gần 400m; tràn xả lũ; hệ thống kênh tưới, hệ thống cấp điện, nhà quản lý… cấp nước tưới ổn định cho 150ha đất trồng lúa cho bà con nhân dân các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh… thuộc 6 bản trên địa bàn xã Mường Phăng là Loọng Luông, Loọng Nghịu, Cang, Loọng Háng, Yên, Co Mặn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đồng thời công trình này sẽ phục vụ cải tạo môi trường, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho Khu Di tích lịch sử Mường Phăng - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cô giáo Mạc Thị Phương Hảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Nguyên Giáp ở trung tâm xã Mường Phăng cho biết: Vào ngày 1/2/2014, 3 ngôi trường trên địa bàn xã đã được vinh dự mang tên Đại tướng. Vinh dự này khiến cho thầy và trò thấy có điều gì đó hết sức thiêng liêng và tự hào, bởi vậy sẽ phấn đấu hết mình để xứng danh tên tuổi của Đại tướng. Ngôi trường này hiện có 230 học sinh theo học, trong đó có tới gần 92% là con em các dân tộc thiểu số địa phương, trên một nửa số thầy, cô của trường cũng là người dân tộc địa phương.

Từ khi đạt chuẩn quốc gia vào năm 2006, đến nay trường liên tục giữ vững danh hiệu này, trung bình mỗi năm có 60% học sinh đạt khá và giỏi. Hiện nay, ngôi trường này đang được chính quyền địa phương và Ngân hàng BIDV đầu tư xây dựng tiếp 6 phòng học 2 tầng, 3 nhà công vụ khép kín, dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).

Một góc bản Yên, xã Mường Phăng

60 năm đã trôi qua kể từ ngày quân ta kéo cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát. Những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ còn ở lại với con cháu cũng không còn nhiều. Ngay tại xã Mường Phăng bây giờ, cũng chỉ còn lại 2 cụ là cụ Quàng Văn Pản, 89 tuổi ở bản Cang 1 và cụ Lường Văn Ún, 91 tuổi ở bản Cang 2. Cụ Ún giờ đã không còn minh mẫn để kể lại những năm tháng hào hùng của mình.

Chúng tôi chỉ còn được nghe cụ Quàng Văn Pản nói về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Năm đó tôi 28 tuổi, sống tại bản Păn Na, xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Khi Bác Hồ kêu gọi cả nước kháng chiến, tôi tham gia vào lực lượng du kích  Mường Chanh ở Thuận Châu, sau đó gia nhập bộ đội Việt Minh ở Trung đoàn 148, Tiểu khu 59. Cuối năm 1953, đơn vị chúng tôi kéo quân lên Điện Biên. Là người dân tộc Thái, lại nói thạo tiếng phổ thông nên tôi được giao nhiệm vụ đi theo cấp trên để phiên dịch khi cần giao tiếp với đồng bào địa phương.

Tôi còn nhớ trận đánh đầu tiên khi đơn vị chúng tôi đóng quân ở Khe Chít (xã Noong Bua, huyện Điện Biên). Hôm đó là sau ngày tết của Pháp, địch cho quân từ Tập đoàn cứ điểm nống ra chiếm trận địa của chúng tôi. Đơn vị chúng tôi chiến đấu từ 8 giờ đến 9 giờ sáng mới đẩy được quân địch trở về căn cứ. Sau đó, tôi được tham gia các trận đánh Bản Kéo, Him Lam, Pu Văng, chủ yếu làm công tác liên lạc, phiên dịch, binh vận. Điện Biên giải phóng, tôi gặp một cô gái cũng là người Thái ở xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên), yêu nhau rồi xây dựng gia đình, bà ấy là Lường Thị Lẻ, vợ tôi bây giờ. Sau đó 2 vợ chồng tôi lên sinh sống tại Bản Cang, xã Mường Phăng từ đó đến nay”.

Trở về xây dựng cuộc sống nơi căn cứ cách mạng năm xưa, cụ Pản vẫn phát huy ý chí của Anh bộ đội Cụ Hồ, tham gia xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, rồi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Trong cuộc đời mình, niềm vinh dự lớn nhất của cụ là 2 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu khi cụ tham gia Đoàn đại biểu Chiến sĩ thi đua toàn quân về thủ đô. Lần thứ 2 khi ra mắt Khu tự trị Thái Mèo năm 1967 ở Thuận Châu, Sơn La. Cuộc sống của gia đình cụ bây giờ cũng khá ổn, làm được một ngôi nhà sàn vững chắc, lợp ngói, mua sắm được những tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Hằng tháng, cụ vẫn được hưởng một xuất lương hưu do trước đây làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Bản Cang nơi gia đình cụ đang sinh sống đã có đường ôtô đến từ 4 năm nay, có điện quốc gia để xem tivi và phục vụ sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Trong 10 người con của cụ, một người đi làm giáo viên, dạy học ngay tại quê nhà. Một người hiện đang công tác, lấy chồng và sinh sống tại Hà Nội.

Mường Phăng, một căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của Tổ quốc, giờ đang đổi thay từng ngày. Nói như ông Vi Văn Dọn,  61 tuổi ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) là cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Lâu rồi tôi mới có dịp quay lại thăm Di tích Lịch sử Mường Phăng. Nhìn thấy bản làng thay đổi nhiều, đường xá đi lại được đầu tư, nhà cửa của đồng bào đã xây dựng lại khang trang là mừng lắm.

Mường Phăng là căn cứ cách mạng nên cũng được Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình dự án, đời sống của đồng bào đã khá hơn trước nhiều rồi”. Sắp đến ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những ai đến với Mường Phăng chắc cũng đều mang trong lòng một ấn tượng về một Mường Phăng hào hùng trong quá khứ, giờ đây đang từng bước khởi sắc trong hiện tại, vươn mình lên trong công cuộc xây dựng và phát triển cùng với đất nước.

Phóng sự của Chu Quốc Hùng