Kinh tế Việt Nam 2015: Nhiều điểm sáng trong bức phác họa

07:00 | 01/01/2015

1,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn lại năm 2014 và dự báo bức tranh kinh tế năm 2015, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM.

Năng lượng Mới số 387

Đạt được mục tiêu kép!

PV: Xin ông đánh giá những kết quả đạt được của nền kinh tế nước ta trong năm 2014?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Năm 2014 chúng ta đã đạt được mục tiêu kép, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng so với kế hoạch đề ra là 5,8% (đạt được 5,9%), đồng thời kiểm soát được lạm phát. Nếu năm 2011 lạm phát ở nước ta cao ngất ngưởng 18,13% kèm theo đó là tỷ giá thường xuyên biến động tạo ra những cú sốc về giá đôla, giá vàng thì suốt 3 năm từ 2012-2014, lạm phát đã được kiểm soát, kéo xuống, 2012 là 6,81%; 2013 là 6,04%, 2014 là 3%; tỉ giá đã được giữ ổn định và hoàn toàn có thể điều hành theo ý muốn; tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Một điểm quan trọng nữa là cán cân thương mại trong những năm qua đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, không chỉ xuất siêu 1 năm mà 3 năm liên tiếp. Nếu trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 chúng ta nhập siêu mỗi năm lên đến 12,5 tỉ USD thì những năm gần đây, chúng ta đã xuất siêu. Năm 2014 có khả năng chúng ta xuất siêu 2 tỉ USD. Mặc dù, việc xuất siêu đóng góp phần lớn là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng việc này tạo cho chúng ta sự cân bằng trong cán cân vãng lai, chuyển từ thâm hụt lớn sang thặng dư lên đến 5% GDP. Trên cơ sở đó, làm cho cán cân thanh toán quốc tế của nước ta cũng thặng dư liên tục, tăng dự trữ ngoại hối. Năm 2014, dự trữ ngoại hối tăng khoảng 10 tỉ USD. Với dự trữ ngoại hối đủ lớn như vậy, giúp chúng ta có khả năng can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Ví dụ khi tỉ giá bất ổn thì có thể bán ngoại hối để kiểm soát tỉ giá.

Có thể thấy, thành tựu đạt được trong năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng. Và trong năm nay nhiều luật mới quan trọng được ban hành có hiệu lực vào năm 2015. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, Quốc hội đã thông qua đến 18 luật trong đó có nhiều luật quan trọng trong nền kinh tế như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước... giúp cho việc hoàn thiện môi trường pháp lý ở Việt Nam.

PV: Bên cạnh những thành quả đạt được, nền kinh tế còn có những tồn tại gì trong năm qua, thưa ông?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Còn nhiều vấn đề trong tái cơ cấu nền kinh tế mà chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện vào năm 2015 và những năm tiếp theo, trong đó có: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Tái cơ cấu đầu tư công, đến nay chúng ta đã giảm được đầu tư tràn lan, lãng phí, gây thất thoát vốn nhưng vẫn còn tồn tại nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả hoặc chậm tiến độ gây lãng phí. Trong năm 2015, Luật Đầu tư công có hiệu lực sẽ góp phần rất lớn cho công tác này, bởi sẽ làm rõ được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các dự án đầu tư công không hiệu quả...

Về tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong năm 2014 chúng ta đã cổ phần hóa, sắp xếp trên 120 DNNN, thực hiện thoái vốn, phê duyệt đề án tái cơ cấu cho các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Theo tôi, trong thời gian tới, cần phải xác định quan điểm một cách rõ ràng là quá trình tái cơ cấu DNNN không phải là cổ phần hóa bao nhiêu mà quan trọng hơn là làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì nếu chạy theo số lượng để rồi việc cổ phần hóa vội vã sẽ dẫn đến thất thoát, bán với giá rẻ và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Rất mừng là vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tạo ra cơ chế giám sát rõ ràng. Việc này cũng giúp chúng ta cởi trói được cho DNNN bởi hiện nay các doanh nghiệp này phụ thuộc vào quản lý hành chính của rất nhiều bộ, ban, ngành, rất nặng nề, trong khi đây là một đơn vị kinh doanh.

Còn tái cơ cấu ngân hàng, trong thời gian qua chúng ta làm rất quyết liệt. Từ chỗ hệ thống ngân hàng có nhiều rủi ro, có khả năng đổ vỡ, nguy cơ mất khả năng thanh toán... đến nay tính an toàn hệ thống đã được cải thiện, các ngân hàng yếu kém đã và đang tiếp tục được xử lý. Chúng ta cũng đã xử lý được vấn đề nợ xấu. Công ty VAMC đã tạm thời quản lý được nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt khoảng 100.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 nợ xấu sẽ về dưới 3%. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo của hệ thống ngân hàng hiện vẫn còn nhiều phức tạp, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước còn phải tiếp tục quyết liệt giải quyết.

Năm 2015, năm của doanh nghiệp

PV: Theo ông doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi và thách thức như thế nào trong năm 2015?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Trong năm 2015 là một năm được đánh giá có nhiều thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp. Đây là năm cuối cùng của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), là năm của mùa đại hội, của những ngày kỷ niệm lớn của đất nước: 70 năm Ngày Quốc khánh, 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam... Nếu nhìn về quá khứ, các mốc 1995, 2005, kinh tế nước ta đều có sự tăng trưởng mạnh, năm 1995 GDP nước ta tăng trưởng 9,54%, năm 2005 GDP tăng trưởng 8,4%. Cho nên, nhiều khả năng năm 2015 tăng trưởng sẽ đạt trên 6,2%. Đây cũng là năm hệ thống luật đi vào cuộc sống rất nhiều, đặc biệt là Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Và năm 2015 là năm của doanh nghiệp nên Chính phủ sẽ tập trung nhiều hơn cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động chắc chắn sẽ giảm đi.

Người lao động làm việc tại công trình khí PM3 - Cà Mau

Tuy nhiên, năm 2015 cũng là năm của nhiều thách thức. Tình hình kinh tế thế giới biến động rất phức tạp như: Việc trỗi dậy của nhóm Hồi giáo tự xưng IS, bất ổn ở khu vực Libya, Syria, vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông, Nga - Ukraine, Nga - EU, Nga - Mỹ... Từ những vấn đề phức tạp này với một nền kinh tế có độ mở như nước ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đơn cử, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta ngày càng tăng lên, trong khi yếu tố bên ngoài biến động bất thường thì cũng tiềm ẩn cho nguy cơ vốn nước ngoài rút khỏi nước ta.

Ngoài ra, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tổng nguồn thu ngân sách của nước ta năm 2015 dự toán là 911.100 tỉ đồng, trong đó thu nội địa là 638.600 tỉ đồng chiếm 70%, thu dầu thô là 93.000 tỉ đồng, chiếm 10,2%, còn lại là thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu viện trợ. Thu dầu thô, lập dự toán giá dầu khoảng 100USD/thùng nhưng hiện nay giá dầu giảm về khoảng 60USD/thùng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu này. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm cũng có thuận lợi cho nền kinh tế là kéo theo giá xăng dầu giảm, chi phí vận chuyển và những chi phí sản xuất, kinh doanh liên quan đến xăng dầu sẽ giảm... giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên, nộp ngân sách Nhà nước tăng lên. Nhưng vấn đề là làm sao để giá xăng dầu, chi phí vận chuyển... giảm tương thích với giá dầu thô để bù đắp cho khoản thu ngân sách thiếu hụt này. Theo tôi, cần tăng cường hoạt động quản lý giá cả và rà soát các khoản chi ngân sách có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xăng dầu để cắt giảm phù hợp.

PV: Với rất nhiều luật quan trọng của kinh tế được thông qua và có hiệu lực vào năm 2015, bên cạnh những thuận lợi mang lại thì liệu có gây xáo trộn cho hoạt động của doanh nghiệp không, thưa ông?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Chủ trương của Nhà nước là doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì Nhà nước không cấm. Vậy doanh nghiệp phải biết Nhà nước cấm những gì, thông qua hệ thống pháp luật và các thông tư hướng dẫn thi hành. Mỗi doanh nghiệp cần phải có bộ phận pháp chế để nghiên cứu, tận dụng được những thuận lợi các văn bản luật này, đồng thời nghiên cứu những hiệp định, hiệp ước mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài để tận dụng cơ hội phát triển.

Trong năm 2014, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm trong cải cách thủ tục hành chính và chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong năm 2015. Các luật mới được ban hành cũng hướng tới tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi quan trọng hơn việc cải cách thủ tục là cải cách con người hành chính. Bởi, đôi khi thủ tục đã đơn giản nhưng cán bộ hạch sách thì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Đó là lý do trong năm qua chúng ta đã làm rất quyết liệt về cải cách hành chính, tạo ra một bước đột phá trong công tác này nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền. Vì thế, tôi mong muốn năm 2015 là “năm doanh nghiệp” nhưng cũng phải là năm có sự thay đổi mạnh về chương trình hành động, tác phong đạo đức, thái độ làm việc của của cán bộ công chức. Tôi cũng hy vọng chính quyền địa phương không chỉ hô hào các khẩu hiệu trong “năm doanh nghiệp” này mà phải bằng những hành động cụ thể như hình thành những tổ dịch vụ công, xúc tiến, hỗ trợ cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, pháp lý. Đây là một trong những giải pháp đột phá quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Phương (thực hiện)