Xác định chính xác "bức tranh" kinh tế
Sau những số liệu tích cực
Báo cáo về nội dung này của Chính phủ được trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Ba đã khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội đầu năm 2022; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, cần nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, một vấn đề được Ủy ban Kinh tế nêu rõ là việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan trung ương theo Nghị quyết của Chính phủ mới đang dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến. Tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa được triển khai trên thực tế.
Về triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, Quốc hội cho phép tăng mức bội chi so với kế hoạch thực hiện toàn khóa, nhưng Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng, tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. “Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023” - là một vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới.
Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ, một số bộ, ngành chưa phân bổ hết số vốn được giao, chưa triển khai giải ngân kế hoạch vốn, cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Cơ quan thẩm tra đề nghị “chỉ rõ 17 bộ ngành chưa giải ngân" và báo cáo rõ "định hướng khắc phục ở những bộ ngành này”, “làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng”.
Trong thảo luận tại Tổ ngày 25/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu nên phải làm cho rõ. Bởi, theo Chủ tịch Quốc hội, "thể chế không vướng gì cả, khi Quốc hội đã cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa".
Cần có luận giải kỹ lưỡng
Một trong những thành tích nổi bật của năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 là thu ngân sách nhà nước tăng cao, dù nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn sau đại dịch. Thu ngân sách vượt dự toán được Ủy ban Kinh tế cho rằng “công tác dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 phục vụ lập dự toán năm 2022 chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung”, thể hiện năng lực dự báo, phân tích còn hạn chế, chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu ngân sách trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng dự toán năm sau.
Động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới được nhận định vẫn đến từ khu vực FDI, vì bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước được Chính phủ báo cáo với Quốc hội vẫn chiếm tới 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng cao so với các tỷ lệ trước đây là chỉ hơn 40%. Con số này có hợp lý không khi quý III.2021 vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 6,02% - thấp nhất kể từ khi có thống kê theo quý? Hơn nữa, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, giải ngân đầu tư công chậm thì rõ ràng, số liệu tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước, thu ngân sách tăng cao cần có luận giải kỹ càng, để xác định chính xác tình hình thực tế.
Ngoài ra, việc có nhiều yếu tố đang gây sức ép lớn đến điều hành lạm phát năm 2022 cũng cần được quan tâm. Bởi thông thường khi lạm phát tăng cao thì lãi suất cho vay khó có thể giảm được như kỳ vọng của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trước khi khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Chính phủ mới có hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất 2%. Trong khi đó, không khó hiểu nhu cầu về vốn, về dòng tiền của doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở trở lại sau đại dịch như hiện nay.
Tại báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây như: tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp; xung đột quân sự Nga - Ukraine; giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, với việc ngân hàng trung ương các quốc gia lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát có thể dẫn tới dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn; lãi suất đồng USD tăng có thể làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài.
Diễn biến của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước như trên đòi hỏi cần xác định chính xác "bức tranh" kinh tế nước ta, vì có như vậy mới có những quyết sách phù hợp vừa giúp triển khai và phát huy hiệu quả của các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm có kết quả tăng trưởng chắc chắn. Trong đó, đáng lưu ý là thống nhất phương án để có thể vừa tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, vừa tránh xảy ra những “phản ứng phụ” như đã từng xảy ra khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất năm 2009.
Theo Lê Bình/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
- [PetroTimesMedia] 10 điểm mới trong Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
- Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020
- Thực sự phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân
- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cần ở mức độ cao hơn và sớm hơn
-
Quảng Ngãi: Kỳ vọng những bước đột phá
-
Đề xuất tiếp tục miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện đến năm 2027
-
Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 19% dự toán
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô vượt 14,5% dự toán trong 11 tháng
-
Quản lý tài chính công của Việt Nam đã cải thiện sự minh bạch
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025