Thu hút 40 tỷ USD vốn FDI là mục tiêu trong tầm tay

11:02 | 03/02/2022

2,094 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài là hai động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 và được dự báo tiếp tục có triển vọng lạc quan trong năm Nhâm Dần.
Việt Nam đang hút mạnh dòng vốn FDIViệt Nam đang hút mạnh dòng vốn FDI
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại. (Ảnh: Cổng thông tin Ủy ban Dân tộc)
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại. (Ảnh: Cổng thông tin Ủy ban Dân tộc)

PV đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) về vấn đề này.

Điểm sáng của bức tranh kinh tế

Phóng viên: Thưa ông, hoạt động đầu tư trên toàn cầu vừa trải qua một năm đầy biến động, ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút 31,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại: Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài là hai mảng sáng nhất của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021.

Về xuất nhập khẩu, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia dẫn đầu về thương mại quốc tế của thế giới, duy trì được trạng thái xuất siêu 6 năm liên tục.

Trong xuất siêu, khu vực FDI đóng góp rất quan trọng. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 247,5 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2020 và chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất siêu của khu vực FDI là 29,36 tỷ USD, bù đắp được nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước là 25,36 tỷ USD nên tạo ra được xuất siêu 4 tỷ USD. Có thể nói đây là mảng sáng nhất của năm 2021.

Đáng lưu ý, năm 2021, vốn đầu tư đăng ký đạt 19,34 tỷ USD, tăng 9,2%. Con số này rất có ý nghĩa.

Như chúng ta đã biết, năm 2021 chỉ có 1.738 dự án cấp mới, giảm 31,1% về số lượng nhưng lại đạt giá trị 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% về số vốn. Rõ ràng số lượng dự án giảm nhưng quy mô vốn tăng, chứng tỏ quy mô vốn trung bình của một dự án đã tăng lên, số dự án dưới 5 triệu USD giảm đi rất nhiều.

Điểm đáng hoan nghênh nữa là, có 985 lượt dự án điều chỉnh vốn, giảm 13,6% về số lượng nhưng vốn tăng thêm đạt 9 tỷ USD, tăng 40,5%.

Những con số này cho thấy số dự án điều chỉnh tăng vốn không nhiều nhưng vốn đầu tư tăng mạnh. Trong đó có 2 dự án vốn đầu tư tăng rất lớn là dự án LG Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc, điều chỉnh tăng vốn 2 lần với mức tăng tổng cộng 2,15 tỷ USD. Hay nhà máy Polytex Far Eastern cũng điều chỉnh tăng vốn 610 triệu USD. Rõ ràng sự thay đổi trong thu hút FDI của năm 2021 không chỉ ở dòng chảy mà chất lượng dự án cũng thay đổi rất lớn.

Phóng viên: Không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực FDI vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng sự gia tăng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này cũng làm dấy lên những cảnh báo về sự chèn ép sang khu vực tư nhân và một nền kinh tế phụ thuộc, thưa ông?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại: Nhiều ý kiến băn khoăn về việc này vì từ năm 2011 đến nay, khu vực FDI chiếm hơn 70% xuất khẩu của cả nước. Nhưng tôi cho rằng quan điểm này không chính xác. Vì xuất khẩu của khu vực FDI chủ yếu là xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo, thí dụ Samsung là tập đoàn kinh tế xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam (khoảng 65-66 tỷ USD/ năm), hoàn toàn không chèn ép ai hết.

Xuất khẩu lớn thứ hai là dệt may, thì đến tháng 9/2021 tình hình rất bi quan khi chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy vì giãn cách xã hội, nhưng cuối cùng cũng xuất khẩu được 39 tỷ USD, có nghĩa là doanh nghiệp đã có sự thay đổi cục diện ghê gớm.

Trong giá trị xuất khẩu đó, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã rất ngạc nhiên về tăng trưởng xuất khẩu của Nike ở Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất về kim ngạch xuất khẩu của Nike ra thế giới thì hiện nay, Việt Nam chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nike không có nhiều nhà máy tại Việt Nam mà chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may, da giày năm 2021 tăng nhiều không phải do FDI đặt tại Việt Nam mà do việc tăng thêm đơn hàng làm tại Việt Nam. Đây là một thay đổi đáng kể, cho thấy năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã có thể cạnh tranh lành mạnh với các cường quốc trước đây làm cho Nike như Pakistan, Trung Quốc….

Cho nên luận điểm cho rằng các doanh nghiệp FDI chèn ép doanh nghiệp trong nước là không dựa vào tình hình thực tế Việt Nam. Hơn nữa, nhờ ngoại tệ xuất siêu của doanh nghiệp FDI cho nên doanh nghiệp Việt Nam có khả năng dùng ngoại tệ ấy để nhập siêu và vẫn tạo ra xuất siêu 4 tỷ USD, làm cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta luôn và dự trữ ngoại hối tăng lên tới hơn 100 tỷ USD. Đây là câu chuyện thực tế, doanh nghiệp FDI không chèn ép mà hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Hơn nữa các tập đoàn kinh tế lớn trong vài năm gần đây đã phát triển rất ngoạn mục. Trước năm 2010, Việt Nam chưa có một tập đoàn tầm cỡ ASEAN nhưng từ năm 2016 đến nay đã có Vingroup, SunGroup, Viettel, Vinamilk, TH Truemilk, FPT… xuất hiện trên bản đồ khu vực và thế giới. Điển hình là vừa chúng ta chứng kiến buổi ra mắt hoành tráng 5 mẫu xe điện của Vingroup ở triển lãm ô-tô quốc tế Los Angeles.

Chưa bao giờ Việt Nam có một sự kiện lớn như vậy. Sự vươn ra của Vingroup không chỉ là điển hình duy nhất. Trước đó, Viettel đã có tên trên bản đồ những tập đoàn lớn nhất thế giới về dịch vụ và công nghệ 5G mà Việt Nam hiện tự sản xuất được các thiết bị 5G… Như vậy để nói rằng nguồn vốn FDI từ nước ngoài vào cũng góp phần kích thích các tập đoàn trong nước thành tập đoàn mạnh, như Vingroup đã thu 2-3 tỷ USD từ vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp cổ phần, trở thành tập đoàn đa quốc gia.

Từ câu chuyện xuất nhập khẩu năm 2021 nói chung và FDI nói riêng mà tôi vừa nói đến chính là tác động lan tỏa của FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước.

Thay đổi cách thu hút đầu tư để đón “đại bàng”

Phóng viên: Kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều bất định và dòng đầu tư cũng vậy. Ông dự báo như thế nào về triển vọng FDI trong thời gian tới?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại: Theo Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên Hợp quốc (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu năm sẽ 2022 phục hồi, đến năm 2023 có thể trở về mức của năm 2019 và sẽ tăng cao hơn vào năm 2024-2025.

Báo cáo riêng của UNCTAD về ASEAN công bố cuối năm 2021 đã đưa ra những dự báo lạc quan, trong đó dự báo Việt Nam vẫn là một quốc gia tương đối thành công, một điểm đến hứa hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một số tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB cũng nhận định khá lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022. Các cuộc điều tra của Amcham, Eurocham, Kocham… công bố trong những tháng gần đây cho thấy 60-65% doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đấy là một tỷ lệ khá cao so với rất nhiều nước.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc… vừa qua, các tập đoàn quốc tế đã cam kết đầu tư rất lớn vào Việt Nam, trong đó có những dự án vài tỷ USD.

Những tín hiệu đó khẳng định năm nay, việc tăng trưởng vốn đăng ký đạt khoảng 40 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 21-22 tỷ USD là trong tầm tay. Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Phóng viên: Nhưng điều mà chúng ta vẫn còn băn khoăn là làm thế nào đón được “đại bàng”, thưa ông?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại: Đúng là về số lượng thì chúng ta đã có thể yên tâm nhưng mục tiêu thu hút các tập đoàn công nghệ lớn để nâng cao chất lượng vốn cũng được đặt ra cụ thể trong Nghị quyết 50, nếu không có các giải pháp căn cơ sẽ khó đạt được.

Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế. Khi chúng ta thực hiện một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các đối tác đòi hỏi rất cao về kinh doanh có trách nhiệm, trong đó có những yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người lao động, bình đẳng giới, an toàn thực phẩm, về môi trường… nên phải đáp ứng được các tiêu chí này.

Dứt khoát không cho xây dựng khu công nghiệp theo mô hình cũ và phải chuyển các khu công nghiệp hiện có thành khu công nghiệp sinh thái, chuyển đô thị thành đô thị sinh thái, có nhà ở cho công nhân, có nhà trẻ, trường học, bệnh viện… Vấn đề này hoàn toàn thuộc thể chế.

Tập trung thu hút các dự án lớn của EU, Mỹ cùng với tiếp tục tận dụng lợi thế trong quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng ASEAN. Để làm được việc này, cần nhìn lại đến nay tại sao các nước đó chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam như họ đã đầu tư vào Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản họ đòi hỏi mà ta chưa đáp ứng. Đó là quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu về môi trường đầu tư công khai, ổn định, không phân biệt đối xử và không chi phí không chính thức.

Mặc dù họ đánh giá những năm gần đây, Việt Nam chống tham nhũng rất quyết liệt nhưng chưa đủ, và đó vẫn là trở ngại lớn cho nhà đầu tư.

Về thủ tục hành chính, tuy chúng ta công bố đã bỏ hàng nghìn thủ tục nhưng vẫn “đẻ” thêm thủ tục mới, quá trình triển khai dự án vẫn bị sách nhiễu, phiền hà.

Một dự án phải đi lại 6 tháng hoặc 1 năm mới được cấp phép, sau đó còn thủ tục phòng cháy chữa cháy, giải phóng mặt bằng, bảo đảm môi trường... mất hàng năm nữa thì mất cơ hội của nhà đầu tư.

Chúng ta chưa thu hút được vốn đầu tư dịch chuyển từ nước khác sang như kỳ vọng cũng chính là vì thủ tục. Dự án đang đầu tư ở nước láng giềng chuyển sang Việt Nam mất hàng năm mới giải quyết xong thì làm sao họ làm tiếp được các hợp đồng đã ký kết từ bên ngoài? Theo tôi, thủ tục này phải giảm xuống 3 hoặc 6 tháng mới đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, phải đổi mới cả tư duy và hành động trong hệ thống quản lý nhà nước về thu hút FDI, bắt đầu từ khâu xúc tiến đầu tư giảm bớt hội họp, hội nghị.

Bây giờ cần gì phải tuyên truyền về luật lệ, chính sách nữa, người ta chỉ tra google là có đầy đủ. Quan trọng là phải xúc tiến đầu tư có địa chỉ. Thí dụ Hà Nội hoặc một địa phương khi cần làm dự án về IT hoặc về trí tuệ nhân tạo, Big data hãy chủ động tìm đến tập đoàn của Mỹ, EU đang quan tâm đến Việt Nam làm về dự án đó để trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ cho họ, nếu quan tâm, nhà đầu tư sẽ gửi thuyết minh và thủ tục cấp phép.

Trong các khâu xúc tiến đầu tư đến thẩm định cấp phép phải phân biệt rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước, đừng làm thay nhà đầu tư.

Chúng ta chỉ cần bảo vệ hợp pháp lợi ích của nước nhận đầu tư để họ tự do thực hiện các quyền của mình như vay vốn ở đâu, bao giờ làm, công nghệ gì... Làm thế nào mà chúng ta thẩm định công nghệ của nhà đầu tư, nếu họ là các tập đoàn lớn như Samsung?.

Sau khi cấp phép, sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thực thi dự án nhanh về các thủ tục đất đai, môi trường. Tất cả những nội dung đó cần phải thay đổi.

Và cuối cùng, cách xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhất chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư ở Việt Nam. Họ chính là những người tuyên truyền thuyết phục nhất.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo nhandan.vn