Cơ hội và thách thức trong bức tranh kinh tế quý I/2023

08:27 | 30/03/2023

204 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kinh tế Việt Nam đã trải qua quý đầu đầy biến động và thách thức do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, kèm theo đó là những bất ổn về chính trị và lạm phát toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch trong 3 quý còn lại của năm.
Cơ hội và thách thức trong bức tranh kinh tế quý I/2023
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại họp báo

Đánh giá chung về bức tranh kinh tế trong quý I/2023, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với kết quả tăng trưởng 3,32%, bức tranh kinh tế trong quý I năm 2023 của nước ta khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động. Những tác động và nhu cầu của các đối tác thương mại lớn đang suy giảm mạnh; các bất ổn, xung đột về vũ trang, chính trị toàn cầu cũng như diễn biến thời tiết bất lợi, thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế.

Số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh, chi phí các mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào tăng khá cao. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống của Anh và châu Âu trong những tháng vừa qua cũng tăng mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Điều này đang tạo ra áp lực không nhỏ với sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bức tranh kinh tế trong Quý I/2023
Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Sản xuất nông nghiệp quý I năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Hầu hết sản lượng cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất lâm nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Ước tính quý I năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 38,7 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do Trung Quốc đã mở cửa thông quan cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,38%; ngành khai khoáng giảm 5,6%.

Bức tranh kinh tế trong Quý I/2023
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022

Tính chung quý I năm 2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong ba tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bức tranh kinh tế trong Quý I/2023
Hoạt động vận tải đạt 1.114,7 triệu lượt khách vận chuyển, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.

Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động trong quý I năm 2023. Tính chung quý I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Trong quý I năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2.699,5 nghìn lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động viễn thông quý I năm 2023 ước đạt 86,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh kinh tế trong Quý I/2023
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định đạt doanh thu 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của kinh tế toàn cầu. Trên thị trường cổ phiếu, Tính chung quý I năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022; thị trường trái phiếu đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3% so với bình quân năm 2022; thị trường chứng khoán phái sinh, tính từ đầu năm đến 16/03/2023, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 304,965 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm 2022; chứng quyền có bảo đảm đạt 20,87 triệu chứng quyền/phiên, giảm 36%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2023 theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bức tranh kinh tế trong Quý I/2023
Nông - lâm - thuỷ sản trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, khu vực nông - lâm - thuỷ sản vẫn thực sự là trụ đỡ cho nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,52%. Nguồn cung dồi dào giúp đảm bảo đời sống của nhân dân cũng như phục vụ cho xuất khẩu đạp ứng nhu cầu về an ninh lương thực, thực phẩm trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động thương mại, vận tải cũng tăng khá cao, các hoạt động về du lịch và hoạt động kích cầu tiêu dùng tại chỗ đã thể hiện được kết quả tích cực với mức tăng trưởng gần 6,8%.

CPI đã được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đã suy giảm nhưng vẫn neo đậu ở mức rất cao.

Đầu tư công tăng 11% thực sự là vốn mồi để duy trì cho vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng trước mắt và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Bức tranh kinh tế trong Quý I/2023
Chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu sụt giảm

Bàn về những khó khăn, có thể thấy rõ qua phần sụt giảm của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu. Còn mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước thì vẫn sản xuất và tiêu dùng tốt.

Hoạt động về đăng kí doanh nghiệp làm cho bức tranh doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi cả đầu vào và đầu ra đều bị tác động.

Ngoài ra, chính sách tài chính, tiền tệ thắt của các nước đang đe doạ đến an ninh tài chính toàn cầu, đây cũng chính là mối đe doạ khó đoán định và là thách thức rất lớn nhất trong công tác quản lý điều hành sắp tới.

Cơ hội và thách thức trong bức tranh kinh tế quý I/2023
Bà Nguyễn Thị Hương nhận định về bức tranh kinh tế trong quý I/2023

Dự báo về kịch bản của nền kinh tế trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ, với mức tăng trưởng 3.32% của quý I, để đạt mức tăng trưởng 6,5% trong 3 quý còn lại như mục tiêu đề ra là hết sức khó khăn, nếu muốn đạt được thì các quý còn lại phải đạt mức tăng trưởng hơn 7,5%.

Đây cũng là thách thức lớn đối với cả nước ta trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bất ổn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức linh hoạt và quyết liệt trong việc chỉ đạo điều hành cũng như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trụ vững và vượt khó. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, những khó khăn, thách thức trong nước cũng như khu vực cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng và tác động bất lợi đến tăng trưởng cũng như sản xuất của nhiều nhóm ngành trong thời gian tới.

Minh Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc