Nền kinh tế vẫn sợ lạm phát

00:00 | 22/05/2013

501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù lạm phát năm 2012 cũng như những tháng đầu năm 2013 đã được kiểm soát, song đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nỗi lo lạm phát "bùng phát" trở lại chưa bao giờ vơi.

Vẫn còn nhiều yếu tố có thể khiến lạm phát "bùng phát".

Phải giữ lạm phát dưới 2 con số

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân tại Hội thảo "Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam" do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức ngày 21/5 đưa ra quan điểm: Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế năm 1986, mặc dù những kết quả đạt được rất to lớn trong kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát vẫn thường xuyên có nguy cơ xuất hiện.

Việc tái lạm phát năm 2008, 2010, 2011 cho thấy rất rõ điều đó, nghĩa là lạm phát luôn có nguy cơ gần như thường trực xuất hiện. Thế nhưng những giải pháp chống lạm phát chủ yếu xử lí những vấn đề mang tính bề mặt của hiện tượng tiền tệ, chưa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các biện pháp kiềm chế lạm phát "mạnh tay" còn để lại nhiều tác dụng phụ cho năm 2013 và những năm tiếp theo.

Đến đầu năm 2013, có khoảng 110 nghìn doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, đóng cửa, phá sản, thị trường bất động sản trì trệ. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, có thể nói, đây là đợt phá sản lớn nhất kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế. Để phục hồi nền kinh tế, bên cạnh việc tái cơ cấu và phục hồi doanh nghiệp, vấn đề hỗ trợ của Nhà nước thông qua nới lỏng tín dụng lại đang có nguy cơ đưa lạm phát về trạng thái cũ, tức là tiếp tục tăng cao.

Cùng chung quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ cho rằng: Trong vài năm tới, tình hình kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, lạm phát còn chưa được kiểm soát vững chắc, vì để tạo ra cả cầu và cung cho tăng trưởng phải tăng mạnh đầu tư mà chưa đạt hiệu quả cần thiết, giảm mạnh lãi suất tín dụng vẫn có khả năng tăng lạm phát.

Đồng thời, do hạn chế về thị trường và hấp thụ tín dụng, nợ xấu khó giải quyết, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, tăng trưởng chỉ đạt mức thấp khoảng 5-6%/năm, lạm phát phải kiên quyết giữ ở mức dưới 2 con số, tốt nhất khoảng 7-8%/năm rồi kéo xuống 5-6% khi đã đẩy được tăng trưởng lên cao hơn 5-6%. Một số nghiên cứu cho thấy, mức lạm phát này là phù hợp để có tác động tích cực đến tăng trưởng cao và bền vững trong trung và dài hạn.

Không thể chậm trễ tái cơ cấu kinh tế

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình thế khó khăn hiện nay có thể kéo dài đến năm 2015. Trong khi đó, việc tái cơ cấu kinh tế còn chậm vì có nhiều cản trở. Tái cơ cấu càng chậm thì ổn định và tăng trưởng càng khó thoát khỏi vùng trũng. Tất cả còn tùy thuộc vào quyết tâm chính trị đổi mới để khắc phục những vướng mắc hạn chế trong nội tại nền kinh tế và vượt qua những thử thách của môi trường kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, chậm phục hồi.

Nguy cơ lạm phát và thách thức tăng trưởng ở Việt Nam có thể nói đang ở vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nhiều nghiên cứu và quyết sách được đề xuất song vẫn mang nặng tính tình thế cho thấy việc nhận dạng thực chất vấn đề chưa đạt đến mức cần thiết. Vì vậy để giảm thiểu quyết liệt nguy cơ lạm phát tăng cao, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng: Cần thay đổi nhận thức giản đơn lạm phát chỉ là một hiện tượng tiền tệ và tăng trưởng chỉ là sự gia tăng đơn thuần về mặt lượng mà cần hiểu đầy đủ hơn lạm phát có nguồn gốc từ cơ cấu và cơ chế vận hành của nền kinh tế trong xu hướng vận động chung của kinh tế khu vực và thế giới.

TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) khuyến nghị: Để lạm phát không trở thành vấn đề bất lợi đối với nền knh tế nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng trong dài hạn, cần thiết phải có những nghiên cứu bài bản, xây dựng mô hình tính toán và dự báo được ngưỡng hiệu quả cho lạm phát, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng bền vững trong mỗi giai đoạn phát triển.

Bên cạnh đó, để giảm sức ép lên lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, cần thiết tập trung thực hiện hiệu quả công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao chất lượng quản lí và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Lương Thu Mai