Tháng 1, CPI cả nước tăng 3,37%

16:28 | 29/01/2024

179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/1) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 năm nay tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72%.
Tháng 1, CPI cả nước tăng 3,37%
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 năm nay tăng 3,37% (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1/2024 tăng là do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Cùng với đó, việc giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu cũng ảnh hưởng tới CPI của tháng 1/2024.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1/2024 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm). Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng do giá điện sinh hoạt tháng 1/2024 tăng 1,29% so với tháng trước và nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Giá vật liệu bảo dưỡng, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở, giá gas đều tăng.

Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa tháng 1/2024 giảm 1,24% so với tháng 12-2023 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 4/1/2024, 11/1/2024, 18/1/2024 và 25/1/2024.

Một số mặt hàng giảm giá so với tháng trước: Giá xe ô tô mới, xe máy và xe ô tô đã qua sử dụng lần lượt giảm 0,33%; 0,04% và 0,4% do các hãng xe áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Tiếp đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng: Giá nhóm đồ trang sức; dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ chăm sóc cá nhân. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng so với tháng trước.

Nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới khiến giá rượu bia tăng; thuốc hút tăng; đồ uống không cồn tăng...

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động.

Nhóm giáo dục giảm 0,12%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Cũng trong tháng 1, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/1/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.014,85 USD/ounce, giảm 1,23% so với tháng 12/2023 do đồng USD mạnh lên và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó dự đoán. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 1/2024 tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 0,21% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,72%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

PGS. TS Ngô Trí Long: Áp lực lạm phát 2024 không quá lớn, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

PGS. TS Ngô Trí Long: Áp lực lạm phát 2024 không quá lớn, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trao đổi với PetroTimes, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, bước sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát song tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng mạnh. Do đó, không vì thế mà chúng ta chủ quan trong việc kiểm soát giá cả trong năm 2024, bởi tình hình kinh tế vẫn có biến động phức tạp, khó lường.

P.V