PCT Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam: "Phải mạnh tay dẹp nạn vi phạm tác quyền"

14:17 | 14/06/2013

1,738 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật pháp có những cơ sở rõ ràng để phát hiện vi phạm quyền tác giả, trong đó có vi phạm đối với tác phẩm báo chí. Thế nhưng, trong thực tế thì các cơ quan quản lý vẫn còn “nương nhẹ” khi xử lý. Chính điều này đã khiến cho nạn sao chép, “ăn cắp” ngày một nhiều hơn. Đã đến lúc chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa việc giám sát và xử lý những hành vi xâm phạm. Giữa lúc báo giới đang hình thành luồng dư luận mạnh mẽ với những hành vi "ăn cắp mồ hôi" của website 24h, PetroTimes có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Lam Luyến - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO).
Bà Đoàn Thị Lam Luyến

PV: Thưa bà, thực trạng vi phạm bản quyền ở ta, trong đó có xâm phạm đối với hoạt động báo chí, xuất bản đang ngày càng gay gắt. Bà có nhận xét gì về mức độ của nó?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Như ở hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt với nạn xâm phạm quyền tác giả tràn lan mà trong đó, hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao chép tác phẩm bằng công nghệ số (sao chép số) và sử dụng trái phép tác phẩm trên mạng.

Tham khảo số liệu thống kê của liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, chúng ta có thể hình dung sự vi phạm đến mức độ nào. Đó là vi phạm tác phẩm ngôn ngữ (sách, báo) và băng đĩa ở ta chiếm tới 85-90%. Và chúng ta được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới.

PV:Đã có các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, về tác quyền, Luật Báo chí… nhưng tại sao vi phạm vẫn liên tục xảy ra và tái diễn?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Ngoài các văn bản pháp luật trong nước, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về quyền tác giả. Nhưng rất nhiều điều đang cản trở việc thực thi những quy định đó. Chúng ta nghĩ sao khi số đông người nắm giữ quyền chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình, họ chịu đựng nạn xâm phạm, nhưng lại chưa tích cực đòi hỏi sự tôn trọng và thực thi nghiêm chỉnh quyền tác giả. Các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả lại chưa có ý thức liên kết với nhau trong hành động tập thể.

VIETRRO đã khảo sát 230 website trong tổng số 1.100 được dự đoán là có vi phạm thì có 36 website vi phạm các tác phẩm viết (bao gồm cả hư cấu và phi hư cấu).

Trong đó có 19 website vi phạm được xây dựng, quản lý bởi các đơn vị là doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân trong và ngoài nước, 1 tổ chức nước ngoài, 3 cá nhân đang hoạt động ở nước ngoài.

Hầu hết các website đều vi phạm ở mức độ trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp các tác phẩm đã số hóa dưới nhiều hình thức như: Số hóa, sao chụp… cho thành viên của website hoặc khách truy cập có thể đọc, download miễn phí các loại sách, tác phẩm viết.

Và đáng ngại nữa là đối tượng sử dụng có thói quen coi việc sử dụng tự do lâu nay là hợp pháp, họ cảm thấy mình không có nghĩa vụ xin phép và trả tiền cho người nắm giữ quyền. Cũng phải kể đến thái độ chưa kiên quyết của các cơ quan Nhà nước, biện pháp chưa mạnh cũng như chưa có cơ chế thích hợp để chống nạn xâm phạm.

PV: Vậy nếu một tờ báo, trang mạng đăng lại thông tin từ báo khác, dẫn nguồn hẳn hoi nhưng vẫn chưa được chủ sở hữu cho phép thì có bị coi là vi phạm không thưa bà?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Theo Điều 25 - Luật Sở hữu trí tuệ 2005, liên quan đến vấn đề này thì chỉ có các trường hợp sau là không vi phạm, không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Đó là: Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; hoặc để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân sử dụng không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả…

Như vậy, nếu một tờ báo, trang mạng nào đó đăng lại thông tin từ báo khác mà không đúng theo quy định trên của luật thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền, nếu không thì sẽ vi phạm quyền sao chép tác phẩm theo điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 

PV: Theo bà, làm thế nào để làm tốt hơn việc quản lý, kiểm tra, xử lý những vi phạm liên quan đến vấn đề này?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Trong môi trường số, các tác giả chúng ta cần được trang bị bằng các giải pháp công nghệ và sự bảo hộ về giải pháp công nghệ đó. Với những trường hợp không tự bảo vệ được thì nên nhờ đến các tổ chức đại diện như Hội Nhà báo Việt Nam. Để họ ủy thác quyền cho Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, để khai thác giá trị kinh tế, giám sát việc sử dụng tác phẩm của mình.

Bảo vệ quyền tác giả hiệu quả đòi hỏi phải có chuyên môn sâu và sự ủng hộ, đoàn kết nghề nghiệp tập thể của một cộng đồng sáng tạo, một đội ngũ tác giả đông đảo. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có thêm chế tài để xử lý thích đáng hơn những trường hợp vi phạm. Mô hình quản lý của các nước tiên tiến như Na Uy, Hàn Quốc… cũng rất đáng để chúng ta tham khảo, học tập.

PV: Xin cảm ơn bà!

Ngày 27/3/2013, Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành Văn bản số 897/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về báo chí, bản quyền khi cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử.

Nội dung như sau: Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền liên quan đến các tác phẩm báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi khai thác, sử dụng thông tin của các cơ quan báo chí để đăng tải trên mạng thông tin điện tử cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet và Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến.

 

Nhóm phóng viên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc