Bản quyền nghệ thuật thời công nghệ số

Khi sáng tạo không được tôn trọng…

07:15 | 01/05/2018

1,858 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một thực tế, khi công nghệ càng phát triển thì tình trạng vi phạm bản quyền càng diễn ra nhiều hơn. Đây không chỉ là câu chuyện ý thức của những khán giả mà còn trở thành vấn nạn, gây ra thiệt hại không nhỏ cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành.

Mặt trái của công nghệ

Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã góp phần đưa ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình đi xa, nâng lên tầm cao mới. Việt Nam cũng đã nhanh chóng bắt kịp với xu thế của thế giới và cho ra đời nhiều sản phẩm điện ảnh có khả năng tiệm cận với công nghệ thế giới, có chất lượng vượt trội. Không thể phủ nhận, công nghệ đã thay đổi mọi mặt của điện ảnh Việt và rất nhiều người đã được hưởng lợi từ sự phát triển này.

Tuy nhiên, công nghệ cũng đem đến cho người làm phim nhiều vấn đề nan giải, trong đó phải nhắc tới tình trạng vi phạm bản quyền điện ảnh đang diễn ra nghiêm trọng.

Còn nhớ, tháng 11-2017, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đại diện đơn vị phát hành phim “Cô Ba Sài Gòn” đến văn phòng Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm việc về chuyện tác phẩm bị phát tán. Nữ diễn viên bức xúc bởi ngày 13-11, một thanh niên đã quay lén trong rạp rồi livestream (phát trực tiếp) phim trên facebook.

Trước đó, diễn viên Kiều Minh Tuấn và nghệ sĩ Hồng Vân đều bức xúc khi “Em chưa 18” và “Xóm trọ 3D” bị quay lén.

khi sang tao khong duoc ton trong
Một cảnh trong phim "Cô Ba Sài Gòn"

Hồi tháng 3-2017, “Kong: Skull Island” - phim bom tấn có 70% bối cảnh tại Việt Nam - cũng bị nhiều người phát trực tiếp chỉ sau vài ngày chiếu ở Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) đã kiến nghị cho Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý việc phát tán phim lậu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên phim điện ảnh ở Việt Nam bị phát tán trái phép sau khi ra rạp. Năm 2013, bản phim thô của “Bụi đời Chợ Lớn” lan truyền trên mạng sau khi phim bị cấm chiếu. Năm 2015, phim “Siêu nhân X” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xuất hiện trên một trang web xem phim trực tuyến chỉ sau ngày đầu công chiếu. Cùng năm, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Em là bà nội của anh” cũng bị ghi hình và đưa lên các trang web xem phim.

Không chỉ với phim ảnh, xu hướng livestream ngày càng nở rộ và mở rộng hơn với các lĩnh vực khác như kịch nói, ca nhạc, giải trí tổng hợp… Mới đây nhất là vụ việc một khán giả đã livestream lên YouTube vở cải lương “Đường gươm Nguyên Bá” khi đang xem tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP HCM). Đây là vở diễn do Công ty Song Việt của soạn giả cải lương Hoàng Song Việt đầu tư dàn dựng với kinh phí lên tới 200 triệu đồng…

Mặc dù thiệt hại lớn, song phía đơn vị phát hành phim cũng không có biện pháp nào xử lý người vi phạm. Đơn cử như trường hợp CGV, cụm rạp thường chỉ có thể xử lý vi phạm bằng cách xóa đoạn phim đã quay lén, lập biên bản mà không thể áp dụng hình phạt nào khác, hoặc giao thủ phạm cho công an xử lý, kết quả thế nào chẳng hay. Đây cũng là cách xử lý tương tự mà cụm rạp BHD và các nhà phát hành khác đã làm. Các chủ rạp chưa thể yêu cầu khởi tố và đền bù do các thủ phạm livestream chỉ phát tán trên mạng xã hội với mục tiêu… chia sẻ chứ không kinh doanh.

Đừng giết chết điện ảnh Việt!

Bà Ngô Bích Hạnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam - đã từng lên tiếng khá gay gắt: “Một bộ phim mười mấy, hai chục tỉ bị ăn trộm một cách ngang nhiên và chia sẻ cho tất cả mọi người thì công nghiệp điện ảnh không thể phát triển được nếu như những tài sản trí tuệ không được tôn trọng. Quan trọng hơn nữa, nó tạo thói quen cho mọi người là không cần phải ra rạp vẫn hoàn toàn có thể xem một bản lậu trên mạng và đấy là điều rất xấu cho ngành công nghiệp sáng tạo”.

Theo thông tin ở một hội thảo về bản quyền mới đây, có tới 30-40% phim ở Việt Nam bị phát tán trái phép. Chia sẻ về vấn đề này, diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân than thở: “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan, đưa phim đến với khán giả lại còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy”. Ngô Thanh Vân khẳng định, hành vi này gây thiệt hại lớn cho doanh thu phim, giết chết sự phát triển của điện ảnh Việt.

Đạo diễn Victor Vũ cũng bày tỏ: “Khán giả xem những bản phim sao chép với hình ảnh xấu sẽ không được trải nghiệm chất lượng thực sự của phim. Như vậy, sản phẩm của chúng tôi giảm giá trị đáng kể trong mắt họ”.

Có thể nói, trong thời đại công nghệ số, sử dụng những tiện ích văn minh không chỉ là làm chủ công nghệ mà còn phải sử dụng công nghệ sao cho có mục đích tốt đẹp và hiệu quả tích cực. Thế nên, điều cần thiết hiện nay vẫn cần nâng cao ý thức chấp hành luật pháp cho khán giả, cùng với đó, các nhà sản xuất cũng có thể tận dụng công nghệ cao để bảo vệ mình.

Theo Nghị định 131/2013, hành vi quay lén và livestream là xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình và có thể bị phạt tiền 15-35 triệu đồng. Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể sẽ bị xử lý theo Điều 170a Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỉ đồng, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.