TS Nguyễn Hữu Ninh: Nguy cơ hiện hữu về thiếu hụt năng lượng

07:00 | 29/08/2013

1,502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh có gần 30 năm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề biến đổi khí hậu, đã được Hạ viện bang Hawaii (Mỹ) vinh danh vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực khoa học môi trường và biến đổi khí hậu. Ông là đồng tác giả cuốn sách dày 3.000 trang về thực trạng biến đổi khí hậu (Công trình của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu cùng Phó tổng thống Mỹ Al Gore được nhận giải Nobel về Hòa bình năm 2007). Chọn vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới năng lượng và chính sách phát triển năng lượng trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng để trao đổi với ông, chúng tôi đã nhận được những nhận định đáng giật mình…

PV: Một nghiên cứu gần đây cho thấy, Việt Nam đứng thứ 23 trong số những nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Nguyên nhân và dự báo của vấn đề này như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Sở dĩ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của biến đổi khí hậu là vì những lý do sau đây. Việt Nam là một đất nước dài và hẹp chạy dọc biển Đông, có hơn 3.200km đường bờ biển với hai đồng bằng thấp là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, nơi được coi là hai vựa lương thực - thực phẩm chính hiện nay của Việt Nam. Việt Nam có một diện tích rộng lớn về lãnh hải, hải đảo và thềm lục địa với hơn 1 triệu km2, nơi tập trung phát triển nền kinh tế biển gắn chặt với đất liền. Và là quốc gia nằm ở trung tâm bão lớn nhất thế giới là Tây Thái Bình Dương. Hằng năm Việt Nam hứng chịu khoảng 6-8 cơn bão nhiệt đới đổ bộ tập trung từ tháng 4 đến tháng 11, gây ra những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia.

TS Nguyễn Hữu Ninh

Bên cạnh đó, chúng ta lại chưa có một nền tảng khoa học - công nghệ phát triển cao, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế và phải dựa nhiều vào hợp tác khoa học - công nghệ với các nước khác.

Việt Nam là một nước nông nghiệp cho nên tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến 68% dân số sống ở nông thôn và miền núi.

PV: Sự thờ ơ về biến đổi khí hậu khiến môi trường sống ở các khu vực khác nhau của Việt Nam càng ngày càng xuống cấp. Giải quyết gốc rễ của vấn đề này nên bắt đầu từ đâu? 

TS Nguyễn Hữu Ninh: Hiện nay, gần như ai cũng nghe tới cụm từ biến đổi khí hậu, nhưng hiểu về nó thì không nhiều người biết, không chỉ người dân sống ở nông thôn và miền núi. Quan trọng nhất hiện nay là giới truyền thông và giáo dục phải chuyển tải chính xác những thông tin và kiến thức về biến đổi khí hậu đến các thành phần khác nhau trong xã hội (end - user) để nâng cao nhận thức và hiểu biết của lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cả trước mắt và lâu dài. Từ đó sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ sẽ phát huy được hiệu quả thực sự. 

Biến đổi khí hậu là một vấn đề mới với thế giới, không chỉ với Việt Nam, cho nên phải cần thời gian để đào tạo nguồn nhân lực cũng như đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện mới.

PV: Theo dự báo, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong vòng một thập kỷ tới. Sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững là vấn đề mà ai cũng thấy được, nhưng vì sao cho đến nay, chúng ta vẫn chưa triển khai thực sự hiệu quả? Còn có vướng mắc nào trong khâu thực hiện?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Có một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng năng lượng, cả trước mắt và lâu dài. Với nhu cầu về điện năng tăng 10-20%/năm, đầu tư PPP về năng lượng chưa đủ hấp dẫn, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, v.v… thì rõ ràng lĩnh vực năng lượng sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong thời gian tới để đáp ứng được những mục tiêu phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một thực tế rõ ràng là không phải chỉ vướng mắc trong khâu thực hiện mà cả trong chính sách phát triển năng lượng bền vững, chúng ta cũng phải xem lại một cách khoa học, đặc biệt lĩnh vực năng lượng sạch (và năng lượng mới).

PV: Giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện kinh tế của cộng đồng thông qua việc biến phế thải thành năng lượng được xem là giải pháp nhiều lợi ích. Ông sẽ khuyến cáo gì để có thể thực hiện tốt giải pháp này trong điều kiện Việt Nam?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Không ai phủ nhận lợi ích của giải pháp này, vấn đề ở chỗ chọn công nghệ và đối tác nào phù hợp với điều kiện và “túi tiền” của Việt Nam.

PV: Công nghệ và đối tác nào sẽ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Hiện nay có nhiều công nghệ đốt rác thành điện của Đức, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Tùy điều kiện cụ thể từng địa phương để xem xét các vấn đề liên quan như: thành phần rác thải, cần phân loại đầu nguồn hay không, quy hoạch điện và giá thành đầu vào/đầu ra có hiệu quả hay không, suất đầu tư, phương thức đầu tư, v.v… Nói chung phải đi vào từng dự án cụ thể mới có thể đưa ra phương án được.

PV: Có một thực tế ở Việt Nam là những khuyến cáo thường không được người dân chú ý, chú trọng. Muốn một chương trình vĩ mô nào đó đi vào cuộc sống thì cần phải “thiết quân luật”, cấm và phạt thật nặng không, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Tiết kiệm năng lượng làm tốt có thể mang lại lợi ích tương đương với một Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (2.000MW). Để làm được việc này thì cả Nhà nước và nhân dân phải cùng chung sức thì mới xong.

PV: Lại có câu chuyện muôn năm cũ ở rất nhiều lĩnh vực đó là “mất bò mới lo làm chuồng”. Là do vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia chưa được phát huy tối đa trong vấn đề quy hoạch, tầm nhìn trung và dài hạn? Hay bản thân đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam chưa thực sự đứng mũi chịu sào trong vấn đề này? Ngại nói thẳng, hoặc nói kín kẽ an toàn hình như là một căn bệnh phổ biến ở Việt Nam?

TS Nguyễn Hữu Ninh: Phóng viên Năng lượng Mới đã hỏi thì tôi xin nói thật. Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia trong quy hoạch và thực hiện chính sách năng lượng cả tầm nhìn trung và dài hạn. Có thể nhiều người sẽ không thích quan điểm của tôi vì những lý do khác nhau, nhưng đây là sự thật chúng ta nên nhìn nhận.

PV: Xin cám ơn tiến sĩ!

Theo dự báo, đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng và phải cần khoảng 10,5 nghìn tỉ euro đầu tư cho ngành này. Với tốc độ tiêu thụ năng lượng hiện tại thì nguồn năng lượng truyền thống của thế giới được dự báo sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Đến năm 2035 tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 53%, và các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang không ngừng nghiên cứu tìm nguồn năng lượng sạch. Cũng theo báo cáo của APEC, nếu không giảm cường độ sử dụng, nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ tăng tương đương với tăng trưởng kinh tế, tức là khoảng 225% cho đến năm 2035. Thế giới đang hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những cách giúp giải quyết vấn đề tăng nhu cầu năng lượng. Riêng ở Việt Nam, giai đoạn 2010-2020 có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng nội địa.

Thành Lê (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc