Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 80 Đại hội đồng INTERPOL 2011

20:47 | 31/10/2011

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 31/10, Kỳ họp thứ 80 Đại hội đồng cảnh sát toàn cầu khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Trần Đại Quang đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp có sự tham dự của 630 vị Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công an, Nội vụ; Cảnh sát trưởng, phó Cảnh sát trưởng, Chánh Văn phòng INTERPOL đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Đại sứ các nước tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh cồng khai mạc Kỳ họp.

Theo thông tin từ website chính thức INTERPOL, kỳ họp kéo dài bốn ngày (31/10-3/11) là dịp để các nhà chức trách trao đổi kinh nghiệm, thảo luận một loạt vấn đề bao gồm: Tăng cường sử dụng các công cụ của INTERPOL chống tội phạm, bao gồm cả khai thác tình dục trẻ em trực tuyến, vi phạm bản quyền hàng hải, buôn bán vũ khí, buôn bán người…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao công tác phối hợp của Bộ Công an Việt Nam với INTERPOL, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng đặc biệt kênh hợp tác phòng chống tội phạm qua INTERPOL.

"Là quốc gia nằm ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam chịu tác động trực tiếp của tính chất phức tạp về tội phạm từ các nước trong khu vực và trên thế giới, vì vậy đã nhận thức rõ trong thời đại ngày nay, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia cần phải có nỗ lực hợp tác của cả cộng đồng quốc tế”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Liên quan đến nội dung tham luận, Chủ tịch INTERPOL Khoo Boon Hui cho biết Đại hội đồng là một cơ hội chung cho tất cả thành viên cùng xem xét tình hình an ninh và áp dụng một cách linh hoạt cả các quan điểm quốc gia và toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Trần Đại Quang có bài phát biểu quan trọng.

"Chúng ta cần phải liên tục xử lý gọn nhóm tội phạm hiện tại, đồng thời đưa ra dự đoán và phát triển các chiến lược bền vững để giải quyết mối đe dọa từ nhóm tội phạm mới nổi. Tội phạm thế kỷ 21 đã tận dụng lợi thế của sự phát triển công nghệ, sự phổ biến của Internet để phát triển tinh vi hơn, quy mô hơn và tất nhiên sẽ tác động đến đa số người dân trong xã hội”, Chủ tịch INTERPOL Khoo Boon Hui cho biết. "Để thành công trong việc đối đầu với mối đe dọa tội phạm toàn cầu đòi hỏi toàn thể Đại hội đồng có cách tiếp cận toàn diện hơn, liên quan từ cả hai khu vực công và tư nhân” – vị Chủ tịch chỉ ra độ phức tạp mang tính toàn cầu trong thời gian tới.

Về phía chủ nhà, Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Trần Đại Quang khẳng định, lực lượng Cảnh sát Việt Nam nhận được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên, sâu sát từ Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nên đã thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ của một thành viên Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế. Văn phòng INTERPOL Việt Nam luôn chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt với Cảnh sát nhiều nước trên thế giới trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu, xây dựng trật tự, an toàn xã hội của đất nước; gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn Chủ tịch kỳ họp.

“Xu hướng toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập quốc tế đã mang lại những lợi ích to lớn đối với các quốc gia trên thế giới; song cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức mới đối với các lực lượng thực thi pháp luật nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng. Hoạt động của các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp. Chúng đã mở rộng địa bàn hoạt động, triệt để lợi dụng sự khác nhau về hệ thống pháp luật, sự chênh lệch về trình độ khoa học-công nghệ và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật giữa các nước để tiến hành phạm tội, gây ra hậu qủa nghiêm trọng, không chỉ với từng quốc gia mà còn liên quan đến nhiều nước”, Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu.

Kỳ họp lần này có chủ đề “Kết nối cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới”. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng thi hành pháp luật, mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát các quốc gia trên toàn thế giới. Báo cáo tham luận của các quốc gia thành viên sẽ được trình bày lần lượt theo Chương trình nghị sự có nội dung độc lập.

Huyền Trang – Hữu Tùng