Hạn chế giờ làm thêm gây khó cho doanh nghiệp

10:22 | 11/01/2018

1,376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ luật Lao động quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Quy định đó đã gây áp lực cho doanh nghiệp khi nhu cầu sản xuất ngày càng cao.

Giới hạn 200 giờ quá ít

han che gio lam them gay kho cho doanh nghiep
Ông Bùi Sỹ Lợi

So với các quốc gia trong khu vực ASEAN hay châu Á, số giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Đơn cử như tại Trung Quốc, số giờ làm thêm tối đa là không quá 36 giờ/tháng, tại Indonesia là không quá 56 giờ/tháng, tại Singapore không quá 72 giờ/tháng, Malaysia không quá 104 giờ/tháng… Thậm chí, Campuchia và Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa.

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến đề nghị tăng thời gian làm thêm tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu của đại đa số doanh nghiệp và một bộ phận không nhỏ NLĐ có nguyện vọng tăng ca để tăng thu nhập, mặt khác cũng tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam đối với các nước trong khu vực hiện nay.

Là người trực tiếp điều hành một doanh nghiệp với hàng nghìn lao động, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết: “Việc chỉ áp dụng 200 giờ làm thêm cho mỗi năm rất bất hợp lý cho cả doanh nghiệp lẫn NLĐ. Chỉ tính riêng trong ngành may mặc, để đạt được mức lương 5 triệu đồng, mỗi ngày tiền công phải đạt được sấp xỉ 2USD/ giờ, nhưng thực tế chỉ được 1,6USD/giờ. Như thế, sẽ không thể đạt được mức lương như kỳ vọng. Chính điều này khiến NLĐ muốn làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn còn phải sản xuất theo mùa vụ và cần có thời gian để hoàn thiện các đơn hàng của các đối tác nước ngoài nên vấn đề tăng giờ làm thêm là rất cần thiết”.

han che gio lam them gay kho cho doanh nghiep
Ông Nguyễn Xuân Dương

Còn theo bà Đào Thị Thu Huyền - Ủy viên Ban Quan hệ lao động của Hiệp hội Lao động Nhật Bản tại Việt Nam, việc quy định giờ làm thêm 200 giờ/năm như hiện nay gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với tình hình tuyển dụng lao động rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tăng thêm giờ lao động cho công nhân để hoàn thành kịp đơn hàng, nhưng với quy định 200 giờ/năm như hiện nay thì đó là điều vô cùng khó khăn. Mặt khác, nếu dự luật tăng giờ làm thêm được đồng ý thì lộ trình phải tới năm 2019 mới có hiệu lực. Đó là một thời gian rất dài và khó khăn đối với những doanh nghiệp như chúng tôi.

Cần thỏa thuận bình đẳng

Liên quan đến đề xuất tăng giờ làm thêm đối với NLĐ của nhiều doanh nghiệp hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định: “Giảm thời gian làm thêm là một chính sách nhân văn, đúng theo nguyên tắc, nguyên lý của xã hội và rất nhiều nước cũng đi theo xu thế này. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp có những hợp đồng cần thiết phải làm nhanh, thời vụ để xuất khẩu, nhập hàng, giao hàng cho nên rất cần sự làm thêm giờ của NLĐ để hoàn thành sản phẩm cho xuất khẩu. Trong khi đó, bản thân mỗi NLĐ ở nông thôn khi vào doanh nghiệp để làm việc đều có mục tiêu là thu nhập nên họ cũng mong muốn làm thêm giờ để có tiền để trang trải cho sinh hoạt gia đình. Do vậy, tự bản thân NLĐ cũng muốn làm thêm giờ. Vì vậy, làm thêm giờ vừa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người sử dụng lao động, vừa đáp ứng được nhu cầu tăng thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, việc tăng thêm giờ làm cần hợp lý, đảm bảo NLĐ không rơi vào tình trạng làm việc quá sức tránh gây ra tai nạn lao động”.

han che gio lam them gay kho cho doanh nghiep
Nhiều doanh nghiệp, người lao động có mong muốn tăng thời gian làm thêm
Tăng giờ làm thêm để phù hợp với nhu cầu thực tế là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm cần phải tính toán để đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là phải để người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng dự kiến nâng lên tổng số giờ làm là 400 giờ/năm. Tuy nhiên, thời gian làm thêm nên ở một giới hạn nhất định và phải tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, từng ngành nghề. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có thời gian làm thêm để giải quyết các vấn đề về yêu cầu của đơn hàng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tiền lương làm thêm giờ phải tăng lũy tiến. Có như vậy thì, chủ sử dụng lao động không lạm dụng NLĐ làm thêm giờ. Đồng thời, bản thân NLĐ thấy cần thiết có thêm thu nhập sẽ tình nguyện đăng ký làm thêm. Đây phải trở thành một thỏa thuận rất bình đẳng đối với chủ sử dụng lao động và NLĐ.

Bên cạnh đó, cần phải sử dụng rào cản pháp luật để hạn chế, tránh tình trạng làm thêm giờ theo hình thức tăng cường độ lao động mà không tăng năng suất lao động. Mặt khác, để tăng năng suất làm việc chủ sử dụng lao động cũng cần phải cải tiến cơ sở vật chất, tổ chức công nghệ và NLĐ cũng phải nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ kỹ năng để tăng năng suất lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành lấy ý kiến góp ý lần thứ hai đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có đề xuất nâng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm (thay vì 600 giờ/năm như dự thảo lần 1 và tăng 100 giờ/năm so với quy định hiện hành).

Đông Nghi - Thiên Minh