Tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm

10:32 | 13/12/2021

808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tập trung hoàn thành cơ chế, chính sách điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương rà soát tổng thể chính sách an sinh xã hội đang triển khai để điều chỉnh phù hợp thực tế, đề xuất bổ sung biện pháp phù hợp với tình hình thực tế

Tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm
Giờ làm thêm của người lao động có thể tăng lên để phù hợp với diễn biến của Covid-19, song không quá 300 giờ mỗi năm

Trước đó, hồi tháng 9/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã có dự thảo tờ trình về điều chỉnh giờ làm thêm báo cáo Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm cho tất cả các ngành nghề, công việc.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, vẫn giữ nguyên quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ chuyển ca... Như vậy, với quy định này người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa nguồn lực khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tiến hành phục hồi sản xuất. Thời gian thực hiện là đến hết ngày 31/12/2024.

Theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm mạnh ở không ít các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như: dệt may, da, giày, chế biến thủy, hải sản… trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất và các hợp đồng đã ký kết.

Theo quy định hiện hành tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động tại một số ngành, nghề như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản… được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm và tổng thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng.

Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch, có nhiều khoảng thời gian người lao động phải ngừng việc và cũng không sử dụng quỹ thời gian được phép làm thêm giờ.

Đến khi có thể tổ chức sản xuất trở lại, doanh nghiệp và người lao động muốn thỏa thuận làm thêm giờ để bù cho khoảng thời gian phải ngừng làm việc, mặc dù vẫn tuân thủ thời gian tối đa làm thêm giờ trong năm và thời gian làm thêm tối đa trong ngày, nhưng lại bị giới hạn về số giờ làm việc trong tháng không quá 40 giờ theo quy định.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần đánh giá tác động toàn diện của việc gỡ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng; chỉ nên tăng giờ làm thêm ở một số lĩnh vực; giãn giờ làm thêm trong tháng để người lao động phục hồi sức khỏe. Bởi nếu gỡ trần 40 giờ mỗi tháng và không phân biệt ngành nghề, nhiều doanh nghiệp sẽ áp ngay cho người lao động, buộc họ phải tăng theo, công nhân trẻ không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

Trước đây, giờ làm thêm từng là vấn đề gây tranh cãi trước khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngày 20/11/2019. Khi trình dự thảo, Chính phủ đã đề nghị mở rộng khung giờ làm thêm trong các trường hợp đặc biệt từ 300 lên 400 giờ mỗi năm.

Gần đây, một số đơn vị như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đồng tình với bỏ trần làm thêm trong tháng để linh hoạt cho sản xuất và muốn tăng lên 400 giờ mỗi năm, không phụ thuộc ngành nghề sản xuất. Song Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đồng tình bởi thời gian làm thêm triền miên có thể gây tác động lớn đến sức khỏe người lao động.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

M.C

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan