Đừng bắt trẻ em chịu bất hạnh!

10:45 | 11/12/2017

1,060 lượt xem
|
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, việc để trẻ chịu bất hạnh ngay trong chính nhà mình hay trong các cơ sở mầm non nuôi dạy trẻ là điều không thể chấp nhận được. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ xã hội học Trương Văn Vỹ xung quanh hiện tượng trẻ bị bạo hành khiến cộng đồng xã hội bức xúc trong thời gian vừa qua.

Cơ sở vì tiền, bảo mẫu vô tâm

PV: Xem clip các trẻ ở Trường Mầm non Mầm Xanh bị bảo mẫu bạo hành, ông có suy nghĩ gì?

dung bat tre em chiu bat hanh

TS Trương Văn Vỹ: Việc bạo hành trẻ bằng những hình thức khác nhau là tội ác, thậm chí là còn hơn thế, bởi nạn nhân là những đứa trẻ chỉ mới từ 1 - 3 tuổi, không biết gì, hoàn toàn vô tội. Tôi đã xem đi xem lại những clip bảo mẫu đánh trẻ một cách vô cớ, đánh rất thô bạo, nguy hiểm và đỉnh cao là cầm dao đe dọa. Thú thật là ban đầu tôi không giữ bình tĩnh được bởi hành vi quá tàn nhẫn, ảnh hưởng xấu đến thể xác và tâm lý trẻ.

Với những hành vi hành hạ trẻ đó, tôi nghĩ cần thiết phải có sự lên án mạnh mẽ của cả xã hội để đẩy lùi nó. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, nên ở một xã hội mà trẻ em bị hành hạ, chịu bất hạnh như thế là điều không thể nào chấp nhận được. Và, qua nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, nhất là vụ ở trường Mầm Xanh vừa qua, câu hỏi được đặt ra nghiêm túc cho toàn xã hội rằng: Làm sao bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành?

PV: Nhiều người không hiểu nổi vì sao những người chăm sóc trẻ lại đối xử với trẻ như vậy. Ở góc độ tâm lý xã hội học tội phạm, ông phân tích thế nào hiện tượng xấu này?

TS Trương Văn Vỹ: Tôi thấy trong các trường hợp, các cô đều giải thích ý chung thế này, là do phải chăm nhiều cháu, các cháu không chịu ăn, quấy nên có ý đe dọa để các cháu ngoan. Lý do đó không thể nào chấp nhận được.

Những hành động đó tôi cho là xuất phát từ những lý do khác, nếu những bảo mẫu có lương tâm và nghiệp vụ thì sẽ có những cách để khiến cháu ngoan chứ không phải dùng đến bạo lực.

Đối với hành vi bạo hành trẻ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2013/NĐ-CP với mức phạt 5-10 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe.

Nhưng trong nhiều trường hợp, tôi thấy các cơ sở mầm non hướng đến lợi nhuận nhiều hơn là nghiệp vụ. Họ làm sao nhận được nhiều cháu để thu được nhiều tiền nhưng họ lại thuê những bảo mẫu không có bằng cấp chuyên môn. Như ở Mầm Xanh, chính lời khuyên của chủ cơ sở là nếu các cháu không nghe thì… đánh. Như vậy, ngay từ đầu họ đã vì mục tiêu là đồng tiền chứ không phải nuôi dạy trẻ và họ làm việc với cái tâm không trong sáng thì chuyện thẳng tay bạo hành trẻ là chuyện dễ xảy ra...

PV: Và phải chăng pháp luật hiện nay chưa đủ sức răn đe?

TS Trương Văn Vỹ: Ở đất nước thượng tôn pháp luật thì cách quản lý xã hội hiệu quả phải bằng pháp luật. Ở đó, pháp luật phải đủ sức mạnh, nôm na là khi nghe đến điều luật nào đó, người dân không dám phạm tội.

Đối với hành vi bạo hành trẻ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2013/NĐ - CP với mức phạt 5-10 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức mạnh răn đe.

dung bat tre em chiu bat hanh

Đầu năm nay, mầm non Sen Vàng cũng xảy ra vụ trẻ bị bạo hành

PV: Có ý kiến cho rằng, việc quản lý nghiệp vụ đối với những người trực tiếp nuôi dạy trẻ ở các cơ sở mầm non vẫn còn đang bị bỏ ngỏ?

TS Trương Văn Vỹ: Sau những vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ thì người ta phát hiện các bảo mẫu này đa số không có chuyên môn, nghiệp vụ gì. Cho nên, nói vấn đề đang bị bỏ ngỏ là chính xác. Về vấn đề này, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương là cao nhất.

Chúng ta đều biết, bất cứ ai làm nghề nghiệp gì thì cũng cần có chuyên môn mới làm tốt được. Bên cạnh chuyên môn thì cần có đạo đức nghề nghiệp - là cái tình, cái tâm khi thực hiện công việc - bởi nếu chỉ làm theo chuyên môn thì như cái máy thôi. Đối với nghề bảo mẫu gắn liền với trẻ em, tình thương yêu trẻ còn trên cả đạo đức nghề nghiệp.

Làm sao bảo vệ trẻ?

PV: Nhu cầu giữ trẻ càng lớn, ngày càng nhiều cở sở mầm non tư thục mọc lên, đặt ra thách thức rất lớn đối với cơ quan quản lý trong việc cấp phép, giám sát hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ, thưa ông?

TS Trương Văn Vỹ: Hiện tại, công tác cấp phép của chúng ta có vấn đề, tôi nghĩ là còn lỏng lẻo và thậm chí tiêu cực. Ở cơ sở Mầm Xanh cũng có dấu hiệu được cấp phép dễ dãi khi cơ sở còn thiếu nhiều điều kiện nuôi dạy trẻ. Cơ quan cấp phép nhưng không tính đến những hậu quả có thể xảy ra sau này.

dung bat tre em chiu bat hanh

Cơ sở Mầm Xanh, nơi vừa xảy ra vụ bảo mẫu bạo hành trẻ dã man

Hiện nay, nhiều người kêu gọi siết chặt việc quản lý cấp phép, cơ sở mầm non phải có đủ chuyên môn, đủ điều kiện mới được cấp phép. Tuy nhiên, phải quan tâm đến công tác giám sát. Hầu hết các vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ đều do người dân, truyền thông phát hiện, tố giác rồi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới chạy theo xử lý. Bởi có một tình trạng hiện nay là cấp phép rồi bỏ mặc, không kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Đối tượng đầu tiên bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất phải là cha mẹ, bởi đó là những người gần gũi trẻ nhất. Mỗi ngày đón con về, cha mẹ phải quan sát, hỏi han, trò chuyện với con và phải nhận biết được những dấu hiệu khác thường của con.

Khi có chuyện xảy ra rồi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới bắt đầu vào cuộc. Từ “vào cuộc của cơ quan chức năng” mà nhiều người đang dùng, tôi không thấy đúng lắm. Bởi việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tại sao chờ có vụ việc xảy ra rồi mới “vào cuộc”?

PV: Mới đây, chính quyền TP HCM yêu cầu gắn camera tại tất cả các lớp mầm non. Ông nghĩ sao?

TS Trương Văn Vỹ: Camera là một phương tiện tốt để tăng cường giám sát tại các cơ sở mầm non hiện nay. Nhưng theo tôi, đó vẫn chỉ là hình thức thôi. Ví dụ có cơ sở mầm non có gắn camera nhưng cô giáo vẫn đánh trẻ bởi chẳng ai nào dại lôi trẻ ra trước camera đánh cả.

Tôi muốn nói rằng, việc gắn camera là rất tốt để hỗ trợ chúng ta theo dõi, giám sát, nhưng đặt tất cả niềm tin vào đó vẫn là một sai lầm!

PV: Vậy, làm cách nào để bảo vệ trẻ tốt nhất, thưa ông?

TS Trương Văn Vỹ: Không còn cách nào khác là các bố mẹ phải chung tay giám sát, đơn giản nhất là quan tâm, theo dõi những biểu hiện của con mình. Có thể, nhiều người sẽ nói rằng quan điểm đó sẽ tạo nên sự nghi kỵ của cả xã hội đối với nơi mà con chúng ta sống hằng ngày, với những người mà con chúng ta gọi bằng “cô”, bằng “mẹ”. Song, bất luận thế nào, chúng ta luôn phải tự bảo vệ con mình trước.

Tôi nhiều lần đặt vấn đề: Làm thế nào để bảo vệ trẻ? Câu hỏi nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng thật khó để tìm câu trả lời. Việc bạo hành trẻ diễn ra phía trong phòng học kín cửa, trong nội bộ cở sở với nhau thì làm sao bảo vệ được đây? Thật ra thì nơi nào cũng sẽ có lần được cơ quan chức năng kiểm tra nhưng việc đó không thường xuyên, không thể ngăn được những cái ác phía sau, huống hồ tội phạm rất ranh ma, tinh vi.

Lực lượng quan trọng thứ hai cần nói đến đó là nội bộ các cô giáo, bảo mẫu, bởi không phải tất cả các cô giáo, bảo mẫu đều có hành vi bạo hành trẻ. Người xấu chỉ là thiểu số. Đơn cử như ở cơ sở Mầm Xanh chẳng hạn, chúng ta vẫn thấy có sự lên tiếng của bảo mẫu khi trẻ bị đánh, rất tiếc còn quá yếu ớt.

Lực lượng thứ ba đó là chính quyền địa phương. Chính quyền cần nâng cao vai trò của mình trong việc thẩm định cấp phép, quản lý, giám sát.

Kế đến là quần chúng nhân dân, truyền thông báo chí. Như những vụ trẻ bị bạo hành thời gian qua đều do người dân phát hiện và truyền thông đưa ra ánh sáng. Nhưng cũng không thể trong chờ vào hai lực lượng này đầu tiên được.

PV: Một vấn đề nữa, nhiều trẻ em hiện nay đang bị gia đình “bỏ rơi”. Ông có nghĩ như vậy không?

TS Trương Văn Vỹ: Đó là một thực tế trong xã hội hiện nay. Nhiều gia đình ngày nay bận rộn, tất bật với cơm áo gạo tiền. Như trường hợp trẻ một tháng tuổi đã bị người giúp việc bạo hành vậy. Trẻ mới 1 tháng tuổi mà đã giao phó hoàn toàn cho người giúp việc rồi. Tôi hiểu hoàn cảnh của nhiều gia đình trẻ hiện nay, song dù thế nào thì quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải bảo vệ và chăm sóc con mình. Cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến con cái. Cha mẹ càng bận rộn, thiếu quan tâm thì nguy cơ với con cái càng cao.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thạc sĩ tâm lý Bùi Kim Trúc: Bạo hành để lại thương tổn thể chất và tâm lý lâu dài

Bạo hành, lạm dụng là trường hợp không thể chấp nhận mà nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên ở Việt Nam đang đối mặt mỗi ngày. Các hành động bạo lực gây tổn thương về thể xác bao gồm đánh đập bằng roi, bằng tay, bằng thắt lưng, đá, đấm… hoặc một hành động nào đó gây đau đớn về thể xác cho trẻ. Mắng mỏ, nạt nộ, bêu riếu, xỉ nhục… sẽ gây cho trẻ tổn thương về tâm lý, tinh thần.

Theo nhiều nghiên cứu, một số trẻ bị bạo hành sẽ chịu thương tổn cơ thể vĩnh viễn, thậm chí khi không có thương tổn cơ thể vĩnh viễn thì sự phát triển thể chất và cảm xúc của trẻ cũng bị xáo trộn. Trẻ con thường có mối quan hệ không tốt với bạn đồng tuổi, thường vì đứa trẻ đó quá gây hấn. Sự phát triển nhận thức và kết quả học tập cũng bị xáo trộn. Trẻ con bị ngược đãi thường có điểm số thấp hơn trong trường học, có điểm thấp hơn trong các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa và thường ở lại lớp hơn là lên lớp. Cũng thường thấy các rối loạn hành vi liên quan đến trường học chẳng hạn như đập vỡ đồ vật trong lớp...

Khi trẻ em bị ngược đãi, nhiều khía cạnh phát triển của trẻ con bị ảnh hưởng và những tác động này không biến mất theo thời gian. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ trẻ khỏi những xâm hại, bạo hành phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở mỗi gia đình, trường học.

Hiện trên địa bàn TP HCM, số trường tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục chiếm tỷ lệ hơn 55% tổng số các cơ sở mầm non. Trong đó, riêng tại quận 12, số nhóm lớp độc lập tư thục đã là 250 cơ sở, cao gấp 5 lần so với các cơ sở công lập. Đây là nơi giữ trẻ được nhiều công nhân, lao động thu nhập thấp chọn lựa vì học phí thấp, linh động giờ gửi, trả trẻ. Thế nhưng, tại các cơ sở này thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ bạo hành khiến dư luận bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ, chỉ còn cách kiểm soát gắt gao hoạt động các cơ sở. Cơ sở nào không chấp hành thì nghiêm túc xử lý, đóng cửa.

Chiều 27-11, tại buổi họp với các bên liên quan đến vụ bảo mẫu lớp mẫu giáo Mầm Xanh tại quận 12 bạo hành trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, UBND quận 12 cùng Công an quận 2 đã báo cáo cụ thể vụ việc và đề xuất hướng giải quyết với UBND TP HCM.

Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP HCM, yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo thành phố nghiên cứu triển khai việc gắn camera giám sát tại các lớp mầm non độc lập tư thục vào thời gian tới. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhằm gia tăng sự giám sát của cha mẹ, xã hội đối với hoạt động của nhóm lớp này nhằm bảo đảm sự an toàn cho trẻ.

Trúc Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc