Chuyện cảm động phía sau những vụ án

11:36 | 08/06/2017

4,798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau mỗi vụ án xảy ra thường để lại biết bao xót xa, đau đớn. Cùng với đó là nỗi ân hận giữa bị cáo với bị hại, gia đình hai bên hoặc bị cáo với lực lượng điều tra. Vậy nhưng trong chuyến công tác tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) và Sóc Sơn (Hà Nội) vào những ngày tháng 5 này, chúng tôi đã được gặp những nhân chứng của một số  vụ án. Đặc biệt, chúng tôi được chứng kiến không ít những hành động đẹp đẽ, nhân văn của những người liên quan…

Năm nay 30 tuổi, song Nguyễn Văn Thơ (trú tại Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội) có giọng nói, dáng hình vẫn như của một học sinh THCS. Anh cao chừng 1m50, da dẻ trắng trẻo, tay chân có phần “bụ bẫm”. Vẻ ngoài như thế, nên ít ai có thể biết được chàng trai này đã phải trải qua những nỗi đau dai dẳng về cả thể xác lẫn tinh thần.

Ngày 31-10-2003, là ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời của Thơ.

Tháng 9 năm ấy, Thơ thi đỗ vào trường THPT Sóc Sơn. Cậu bé “nhà quê” từ cái xóm Kim Hạ (Kim Lũ, Sóc Sơn) lặn lội lên xã Tiên Dược trọ học tại nhà người anh họ của mình là Nguyễn Văn Viện (khi ấy đang công tác tại Công ty Pentax thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội). Chiều hôm đó, Thơ vừa đi chợ về thì thấy chị Trần Thị Nhàn (vợ anh Viện) và anh Nguyễn Văn Thắng (em trai anh Viện, khi ấy đang là sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực) đang lúi húi trước cửa nhà, trên tay chị Nhàn là một vật trông giống một hộp bánh.

chuyen cam dong phia sau nhung vu an
Thiếu tá Lê Mạnh Hùng trong một chuyến đi công tác tại vùng cao Tây Bắc

“Sáng hôm đó, em và anh Thắng đã dọn hết đồ đạc sang một phòng khác, chuẩn bị sáng mai là chuyển hẳn. Vì nhà anh Viện chật chội, lại có cháu bé hay quấy khóc. Khi em lại gần chỗ anh Thắng thì thấy chị Nhàn bảo với anh Thắng là “có vật gì người ta gửi cho anh trai mày, chị thấy cứ ghê ghê”.

Anh Thắng bóc vỏ hộp ra thì thấy đó là một chiếc đài radio to hơn viên gạch một chút, kèm một tờ giấy có ghi: “Nhờ Viện sửa giúp, mai lấy ngay”. Em chỉ thấy anh Thắng bật công tắc rồi xoay cái núm thì một tiếng nổ đinh tai phát ra và em không còn biết gì nữa.

Sau thời gian điều trị, hai con mắt Thơ đã bị hỏng hoàn toàn, chỉ còn là một rãnh sâu. Cả sống mũi của cậu cũng bị giập nát. Một bên quai hàm của Thơ bị vỡ. Rồi còn nhiều vết sẹo ở cổ, ở ngực. Sau vụ nổ ấy, Thơ mất tới 94% sức khỏe phải trải qua nhiều đợt điều trị dài ngày tại các bệnh viện Bạch Mai, Saint Paul... Sau đó Thơ được chuyển về bệnh viện ở Sóc Sơn. Ít lâu sau thì trở về nhà tự chữa trị.

Từ một cậu bé nhanh nhẹn, yêu đời sau cú nổ định mệnh ấy đã khiến Thơ trở thành một người hoàn toàn khác. Thơ phải nghỉ học điều trị dài ngày. Sau một vài tháng đầu còn có bạn bè, thầy cô qua lại chăm sóc, an ủi thì dần dần chỉ còn mình Thơ với bóng tối thường trực. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ tan biến. Nhiều đêm Thơ lại thấy hình ảnh chị Nhàn, anh Thắng và cháu bé hiện về. Hễ có tiếng động mạnh là Thơ lại giật mình vì sự ám ảnh quá đỗi kinh hoàng.

Vụ nổ kinh hoàng kia là hậu quả của một cơn cuồng ghen. Do mâu thuẫn tình cảm Ngô Mạnh Hùng (SN 1971, Quỳnh Phụ, Thái Bình) cùng với Lại Thị Kiều Lan đã bàn nhau chế tạo mìn giấu trong chiếc radio để gửi cho anh Nguyễn Văn Viện nhằm sát hại anh. Tuy nhiên, người lĩnh hậu quả lại là vợ, con, em trai và em họ của anh Viện.

Vụ trọng án đã nhanh chóng được Công an TP Hà Nội điều tra, khám phá. Ngày 5-11-2003, Ngô Mạnh Hùng và Lại Thị Kiều Lan đã bị bắt giam về hành vi giết người. Ít lâu sau các đối tượng cung cấp thuốc nổ cho Hùng cũng lần lượt sa lưới. Trả giá cho hành vi mất hết nhân tính của mình, Ngô Mạnh Hùng phải chịu án tử hình; Kiều Lan lĩnh án chung thân.

Sau nhiều năm điều trị Thơ được Hội người mù huyện Sóc Sơn vận động tham gia hoạt động trong hội cho khuây khỏa. Cứ dăm bữa nửa tháng Thơ lại được người nhà đưa lên thị trấn Sóc Sơn để nghe nói chuyện thời sự, gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ để san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Thơ được các anh chị trong hội dạy viết chữ nổi, rồi dạy học máy tính…

Nỗi đau dần trôi qua, bình tâm lại Thơ thấy mình phải đi học lại. Có đi học thì mới có thể xây dựng tương lai riêng cho mình. Cũng nhờ các anh chị trong Hội Người mù của huyện, Thơ đã làm hồ sơ xin vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Ba Đình, Hà Nội). Tại đây có một lớp dành cho người khiếm thị. Vậy là cứ cuối tuần Thơ lại tay xách nách mang đi xe bus từ nhà ra Hà Nội.

Mười mấy năm trời, gia đình Thơ chịu bao nhiêu đau đớn, cay đắng và tiền của để chữa trị cho Thơ, vậy mà không có lấy một lời thăm hỏi, động viên của phía gia đình gây nên nỗi bất hạnh này. Bỗng thời gian gần đây có một chuyện làm Thơ và gia đình cảm thấy được an ủi nhiều hơn, đó là cú điện thoại của ông Lại Văn Doanh - bố đẻ của phạm nhân Lại Thị Kiều Lan. Ông Doanh thay mặt Lan xin lỗi Thơ và gia đình những người bị hại. Chỉ vì một phút nông nổi của con gái mình mà đã khiến cho bao người phải chịu cảnh thương tật, oan ức.

Ông Doanh cũng kể, mỗi lần được gọi điện thoại về gia đình Lan đều tỏ ra vô cùng ăn năn hối lỗi. Cô ta thúc giục bố đến thăm gia đình người bị hại, nếu có thể thì gửi cho họ một số tiền gọi là phần nào bù đắp những thiệt thòi mà họ đã phải chịu đựng. Ông Doanh cũng chắt bóp được chút tiền lặn lội từ Thái Nguyên về Sóc Sơn, trao tận tay em Nguyễn Văn Thơ 30 triệu đồng.

Số tiền này đã ít nhiều giúp Thơ và gia đình vượt qua được những ngày tháng nhọc nhằn. Dĩ nhiên tương lai phía trước vẫn còn rất nhiều gập ghềnh.

2. Hồng nhan bạc mệnh - câu nói đó có lẽ đã ứng vào số phận cuộc đời của chị P.T.M (SN 1975, trú tại TP Ninh Bình). Từ khi còn là học sinh phổ thông, chị M đã bị lừa bán ra nước ngoài. Đoạn trường làm “vợ khắp người ta” chỉ chấm dứt khi chị tham gia vào một vụ buôn bán tiền giả, bị bắt và gặp được một cán bộ công an tốt bụng. Cũng phải đến khi bị Công an Việt Nam bắt, thì chị mới được gặp lại gia đình sau hơn 15 năm lưu lạc nơi xứ người.

chuyen cam dong phia sau nhung vu an
Nguyễn Văn Thơ kể về nỗi đau mà cậu phải trải qua

Năm 1992, đang là học sinh lớp 11 tại Ninh Bình, M được một người bạn rủ đi chơi. Phải nói là M có một nhan sắc hiếm có. Dáng người cao ráo, làn da trắng cùng nụ cười hút hồn đã khiến bao chàng trai quanh vùng ước mơ được làm người tri kỷ.

Tin bạn một cách ngây thơ, M đi tàu ra Hà Nội rồi đi ôtô lên một tỉnh biên giới. Đi suốt mấy ngày như thế, rồi M đặt chân đến một vùng đất còn rất hoang vu, cô quạnh. Lúc ấy có mấy người địa phương nói tiếng “xủng xoẻng”, M mới chột dạ biết mình không còn ở Việt Nam nữa. Và lúc bấy giờ người bạn mới hiện nguyên hình là kẻ buôn người. M đã bị bán lấy vài ngàn nhân dân tệ.

Kể sao cho thấu những ngày M phải chịu cảnh tủi nhục nơi đất khách quê người. Sau những kháng cự ban đầu, chẳng chịu nổi những trận đòn thừa sống thiếu chết, những ngày cơn đói khát hành hạ M đành chấp nhận số phận. M liên tiếp tìm cách trốn về Việt Nam, nhưng do không thuộc thông thổ nên đều bị bắt lại. Cô phải chịu những trận tra tấn ghê gớm của bọn chủ chứa. Cũng vì trốn nhiều quá, M đã bị bán làm vợ cho một lão già khú đế.

Khốn khổ hơn cứ một vài năm, cô lại bị “sang tay” cho một người khác. Cho đến người chồng thứ tư thì cuộc sống của M mới tạm ổn. Vì anh ta thực sự yêu thương M và dang rộng vòng tay đón mấy mẹ con cô về chung sống. Nhưng cũng thật bất hạnh, sống với người chồng thứ tư được vài năm, thì anh ta bị đột tử. Bố mẹ chồng lập tức tống cổ cả năm mẹ con cô ra đường. Cầu bất cầu bơ, M lại lao vào cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn.

Từ khi con gái mất tích, hàng chục năm trời ông P.V.C (bố chị M) vô cùng đau đớn, lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm phải tìm bằng được con. Ông chạy vạy khắp nơi hỏi tung tích con gái, rồi lặn lội sang tận xứ người để tìm. Nhiều năm liên tục tiền bạc, của nả cạn dần mà gần như tin tức của M vẫn chẳng có gì sáng sủa. Có những đêm, ông ôm mặt khóc giữa căn phòng lạnh lẽo nơi xứ người.

Cuối năm 2007, M được một người bạn nhờ “chuyển đồ” từ Trung Quốc về Việt Nam. Chẳng ngờ, món đồ ấy là hàng trăm triệu đồng tiền giả. M bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt tại khu vực cửa khẩu Móng Cái.

Thụ lý vụ án này là Thiếu tá Lê Mạnh Hùng, cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. Tiếp xúc với hồ sơ vụ án, đồng thời biết được đoạn trường 15 năm của người đàn bà đa truân. Đồng thời nghe câu chuyện tìm con của ông C, Thiếu tá Hùng rất xúc động. Anh nghĩ, giờ đây chị M bị bắt, thì bốn đứa trẻ (trong đó có một cháu bé mới được vài tháng tuổi) thì sẽ sống thế nào. Chính vì thế, Hùng đã tìm mọi cách giúp đỡ.

Qua nhiều tác động từ Hùng tới cơ quan chức năng, cuối cùng bốn đứa trẻ cũng được về Việt Nam và được gia đình nhà ngoại đón nhận. Khi lập hồ sơ vụ án của P.T.M, Hùng cũng chú ý đến tình tiết chị M bị người ta lừa bán sang Trung Quốc. Trong vụ án buôn tiền giả M cũng vì tin người nên mới sa vào vòng lao lý. Suốt quá trình điều tra, xét xử chị M luôn khai báo thành khẩn nên tòa án xử với mức án 7 năm tù giam. Thụ án được 5 năm thì chị được đặc xá, tha về trước thời hạn.

Hiện tại, chị M vẫn tham gia buôn bán nhỏ. Các con đều được đi học đầy đủ tại Ninh Bình. Nhớ ơn người công an tốt bụng, năm nào ông C cũng mang những đồ sản vật quê hương ra Quảng Ninh thăm anh.

3 Chị Lê Thúy H (SN 1978, trú tại Văn Bàn, Lào Cai) - một “hồng nhan” quê gốc Quảng Ninh - cũng có một cuộc đời gian truân chẳng kém.

chuyen cam dong phia sau nhung vu an
Gia đình hạnh phúc của anh Đ, chị H

Năm 1991, theo tiếng gọi của tình yêu chị H bỏ lại tất cả để tìm lên chốn rừng thiêng nước độc là huyện Văn Bàn. Trước đó, người yêu của chị (anh tên Đ.Q.Đ, cũng quê Quảng Ninh) vì ghen tuông mà dùng súng quân dụng bắn gây thương tích cho một người đàn ông. Sau đó Đ trốn biệt tích lên Lào Cai.

Mấy chục năm qua, ngôi nhà nhỏ, vách đất trộn rơm, mái lá tuềnh toàng nằm giữa một khu đất rìa thị trấn Văn Bàn là nơi cưu mang hai kẻ “cùng đường”. Mới hơn 20 tuổi đầu lại là chị cả, H thật sự đau đớn khi phải rời bỏ gia đình để theo Đ. Chị H nghĩ, mình đi thì đã đành, nhưng ở nhà còn cha mẹ già, em nhỏ. Hơn nữa, mình lên trên ấy thì chả ai biết, chỉ thương cha mẹ ở nhà phải chịu tiếng xấu, rằng “không biết dạy con”, rằng “có đứa con gái thì chạy theo giai...”.

Cuộc sống của họ nơi thâm sơn cùng cốc hết sức khép kín, thời gian cứ dần trôi. Cơ duyên đến với đôi trẻ khi năm 1994, UBND thị trấn Văn Bàn có nhu cầu tuyển y sĩ. Vốn có bằng trung cấp, Đ đã nộp đơn xin vào công tác tại Trường mầm non Hoa Hồng với nhiệm vụ thủ quỹ kiêm y sĩ. Năm 1995, đến lượt H nộp đơn đi học lớp 12+6 tháng để trở thành giáo viên mầm non, rồi giáo viên tiểu học. Ngay cả khi hai người có công ăn việc làm ổn định rồi thì công việc tráng bánh phở vẫn được họ duy trì.

Trước đó, năm 1993 đứa con trai đầu lòng của anh chị ra đời. Anh chị cứ ngày đi làm, đêm lại tiếp tục tráng bánh. Mỗi đêm hai “vợ chồng” phải cố tráng được 30 kg bánh để kiếm thêm tiền nuôi con. Năm 1997, đứa con thứ hai ra đời, H tiếp tục phấn đấu đi học lên cao đẳng. Đến năm 2007 thì H được chuyển về Trường tiểu học Khánh Yên Trung đồng thời tiếp tục được cử đi học đại học.

Nhưng rồi, Đ cũng không trốn tránh pháp luật được mãi.

Cuối năm 2007, Thiếu tá Hùng nhận nhiệm vụ lập kế hoạch bắt 5 đối tượng có lệnh truy nã lâu năm, trong đó có y sĩ Đ.Q. Đ. Sau thời gian tiến hành điều tra, với năng lực sẵn có cùng sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của đồng đội và Công an huyện Văn Bàn (Lào Cai), Hùng đã phát hiện ra nơi ẩn náu của đối tượng trong lệnh truy nã khẩn cấp của Công an tỉnh Quảng Ninh từ năm 1991.

Tháng 1-2008, Hùng cùng các trinh sát có mặt tại thị trấn Khánh Yên để tiến hành bắt giữ Đ.Q. Đ. Theo kế hoạch, tổ công tác sẽ tiến hành bắt giữ đối tượng vào thời điểm chiều tối. Hùng cùng đồng đội lặng lẽ bao vây ngôi nhà được cho là đối tượng đang ẩn náu. Một số trinh sát trẻ rất nóng lòng, muốn đạp cửa xông vào trói nghiến lấy tên tội phạm để hoàn thành công việc. Song Hùng là tổ trưởng, mọi việc đều phải theo lệnh của anh.

Sau chừng 5 phút, Hùng đột ngột ra hiệu lệnh cho đồng đội rút lui, tiếp tục thực hiện phương án hai. Các trinh sát có vẻ hơi khó chịu, bởi họ đã cùng nhau “trồng cây đến ngày hái quả” rồi mà lại chưa được hái.

Thắc mắc hành động đó của anh, Hùng tâm sự, rằng cái giây phút chuẩn bị xông vào bắt giữ đối tượng truy nã, Mạnh Hùng bỗng khựng lại, vì anh nghe thấy tiếng trẻ con đang nô đùa rất vui vẻ trong nhà. Hùng nghĩ, nếu ta mà ập vào bắt lúc này, là rất thuận tiện vì đối tượng bị bất ngờ và không thể chống cự, song sự việc sẽ khiến cho những đứa trẻ trong nhà bị một ấn tượng xấu về người cha của nó mà không dễ gì gột rửa được...

Sáng hôm sau, Hùng cùng đồng đội có mặt tại Trường mầm non Hoa Hồng, nơi đối tượng làm việc để tổ chức tiến hành bắt giữ. Sau khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, Hùng cùng đồng đội tiếp tục thực hiện lệnh khám nhà. Trong quá trình điều tra truy bắt Đ.Q.Đ, Lê Mạnh Hùng đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là những cố gắng hoàn thành nghĩa vụ công dân của Đ và gia đình.

Anh nhận thấy hành vi dùng súng bắn tình địch của Đ chỉ là bột phát. Sau khi gây ra vụ việc cũng có ý thức sửa chữa lỗi lầm. Việc bị cáo bỏ trốn cũng là vạn bất đắc dĩ. Hùng cảm thấy mình phải có trách nhiệm giúp Viện Kiểm sát, Tòa án có những bằng chứng để xử vụ án này một cách công minh, có lý, có tình và thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật. Hùng lặng lẽ sao lại các bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận gia đình văn hóa... của gia đình Đ.

Khi Đ chấp hành xong án phạt tù, cũng chính Hùng đã cậy cục người quen thu xếp công việc cho Đ ngay tại Quảng Ninh. Khoảng ba năm trước, Đ đã trở về Lào Cai để đoàn tụ cùng vợ con. Thỉnh thoảng hai vợ chồng anh Đ về quê thăm gia đình đều không quên qua thăm ân nhân của mình.

***

Trở về Hà Nội sau chuyến công tác, chúng tôi cảm thấy lòng chộn rộn bao cảm xúc khó tả. Vừa thương cho những phận người phải mang nỗi đau tật nguyền, phải chịu cảnh đày đọa nơi xứ người; lại vừa mừng bởi cuộc đời họ nay đã thấp thoáng những niềm vui, những hy vọng về tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Và chúng tôi cũng cảm nhận được một điều rằng, sự khờ khạo của tuổi trẻ hay sự ghen tuông vô lối, mất kiểm soát rất dễ khiến cho người ta lầm đường lạc lối. Và sẽ gây ra những oan trái cho không chỉ chính bản thân họ mà với cả những người thân yêu nhất.

Minh Khang